Sự "đoạn tuyệt" này một phần là vì giới trẻ không muốn tiếp tục chịu đựng màn tra khảo "bao giờ lấy vợ/chồng?" hay những câu hỏi riêng tư khác mỗi khi Tết đến xuân về, một "kiếp nạn" quen thuộc với con dân nhiều nước châu Á khác.
"Đoạn thân"
Năm 2023, người Trung Quốc có kỳ nghỉ lễ dài từ 29-9 đến 6-10 để vừa đón Trung thu vừa mừng Quốc khánh. Đây là dịp để người đi làm xa quây quần với gia đình giống như Tết Nguyên đán, song với Zhang Yu, 25 tuổi, đang sinh sống tại Thượng Hải, kỳ nghỉ diễn ra im ắng hơn hẳn mọi năm.
Cô gái trẻ mới bước chân vào thị trường lao động này quyết định chỉ dành thời gian bên cha mẹ và người chị ruột tại tỉnh Sơn Đông, đồng thời tránh mặt tất cả họ hàng trong suốt 6 ngày nghỉ lễ.
Sau hơn mười năm xa cách với họ hàng nội ngoại, cô cảm thấy họ không khác gì người xa lạ. "Tôi thấy ổn với việc tự lo cuộc sống của mình và không can dự gì vào cuộc sống của họ" - Zhang thẳng thắn chia sẻ với tạp chí Sixth Tone.
Saumy Chen, một cô gái trong độ tuổi đôi mươi khác, có trải nghiệm tương tự - thậm chí có phần cực đoan hơn. Thông qua một nhóm chat gia đình, cô tuyên bố cắt liên hệ với tất cả họ hàng bên nội, trừ một người em họ.
Giữa một cuộc tranh cãi căng thẳng trong nhóm, cô không ngại "buông lời cay đắng" rồi xóa hết liên lạc của nhà nội trong điện thoại. "Đã đến lúc từ biệt mấy thứ tranh cãi này" - Chen kể, đồng thời nói thêm rằng bên nội đã trút không ít căng thẳng lên cô từ ngày cô còn bé.
Tại Trung Quốc, Chen và Zhang không phải là ngoại lệ. Nhiều người trẻ Trung Quốc đang chủ động xa cách với họ hàng, một xu hướng đi ngược lại hoàn toàn với khẩu quyết "rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần" của các thế hệ đi trước. Với lớp trẻ sinh trong thập niên 1990-2000, các cô dì chú bác có sức nặng giảm dần, thậm chí biến mất hoàn toàn trong ý niệm gia đình.
Xu hướng này, còn được gọi là "duanqin" (đoạn thân), đang gây chú ý sau một khảo sát trên mạng xã hội của tạp chí Sanlian Lifeweek. Bài khảo sát gây bão trên Weibo kết luận: "Mối thân tình được các thế hệ trước đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để duy trì nay đã không còn được thế hệ trẻ coi trọng. Họ thường tránh né mọi so bì và va chạm với họ hàng".
Xu hướng này đặc biệt nổi bật trong cộng đồng người trẻ sinh trong thập niên 1990-2000, theo Hu Xiaowu, phó giáo sư tại Đại học Nam Kinh, tác giả một nghiên cứu về phong trào "đoạn thân" xuất bản năm 2022.
"Trong khi thế hệ sinh trong thập niên 1970-1980 vẫn còn quan tâm và nhung nhớ những mối quan hệ họ hàng trong tình cảnh xa cách và bận bịu công việc, thế hệ 1990-2000 đã mất kết nối với họ hàng trong cả mặt hành vi và cảm xúc" - Hu nói với Sixth Tone.
Bài nghiên cứu của Hu đi kèm một khảo sát cho thấy những người trẻ dưới 30 tuổi hiếm khi liên lạc với họ hàng. Tỉ lệ những người hoàn toàn không hỏi thăm họ hàng lên tới 60% ở nhóm tuổi dưới 18, so với chỉ 19% người trong độ tuổi 40-50 và 25% người ở độ tuổi trên 50.
Theo Zhang Yu, tình thân ngày càng phai nhạt giữa cô và họ hàng đến từ khoảng cách địa lý giữa bố cô và các anh em bên nội, bởi mỗi người đã di cư đến một thành phố khác nhau tại tỉnh Sơn Đông để lập nghiệp. Sau khi ông nội mất mười năm trước, các anh em trong nhà cũng tụ họp ít hơn, mỗi năm chỉ đoàn tụ tại nhà ông bà đúng một lần vào dịp Tết.
"Họ không quen giữ liên lạc thường xuyên, và là đàn ông nên cũng khó bộc lộ cảm xúc hơn" - Zhang cho biết về mối quan hệ giữa bố cô và các chú bác. Khoảng cách này ngày càng được nới rộng khi bác gái lớn trong nhà mới mất vài năm trước - khi ấy bố cô còn không được gọi về dự tang lễ.
Người dân bên ngoài Ga xe lửa Bắc Kinh trong kỳ "Xuân vận" về nhà ăn tết tháng 1-2023. Ảnh: Reuters
Xung đột ý thức hệ
Nhìn vào xu hướng "đoạn thân", Chang Qingsong, phó giáo sư tại Trường đại học Hạ Môn, chỉ ra rằng cấu trúc gia đình ngày càng thu nhỏ, cũng như các hình thái gia đình mới xuất hiện - như gia đình đơn thân hay gia đình không sinh con - đã dẫn đến câu chuyện họ hàng xa cách ngày một phổ biến trong xã hội Trung Quốc hiện đại - vốn đang trải qua quá trình đô thị hóa và di cư lao động nhanh chưa từng thấy trong lịch sử.
"Hiện tượng này không chỉ bao gồm khoảng cách địa lý và giảm thiểu gặp mặt ngoài đời thực, mà còn kéo theo sự nguội lạnh tình thân, cảm giác xa lạ và thiếu tin tưởng họ hàng, dẫn đến giảm động lực giữ liên lạc" - Chang nói với Sixth Tone.
Trong những năm 2000, truyền thông Trung Quốc đã dùng từ "thế hệ nổi trôi" để nói về những người lao động di cư trẻ đang không còn chú trọng giữ liên hệ với họ hàng và quê hương. Đây là một hệ quả của tình cảnh hiện đại, bởi trong xã hội nông nghiệp truyền thống, mạng lưới họ hàng là vô cùng quan trọng để giúp các cá nhân sống sót và phát triển, việc giữ quan hệ họ hàng cũng là một kỹ năng sinh tồn, phó giáo sư Hu Xiaowu cho biết.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, với sự tiện lợi của viễn thông điện tử và các dịch vụ hỗ trợ người sống độc thân, sự quan trọng của kỹ năng này cũng giảm dần. Đối mặt với sóng gió gia tộc trong thời đại Internet, người trẻ cũng có tâm thế rất khác so với các thế hệ đi trước. Dù chịu nhiều căng thẳng từ họ hàng còn hơn thế hệ bố mẹ mình, giới trẻ nay đã có thể tìm được sự đồng cảm và dũng khí phản kháng - chứ không còn phải nín nhịn như trước kia, Hu nói thêm.
Trên mạng xã hội Xiaohongshu, người dùng đang sử dụng hashtag "họ hàng khó ưa" (thu hút hơn 130 triệu lượt xem) để chia sẻ những câu chuyện dở khóc dở cười về những người bà con "quái đản", cũng như chiến thuật "trị" những thành phần này.
Một người dùng tên Pan Duola kể lại chuyện mình đã âm thầm từ mặt họ hàng ra sao. Suốt thời còn nhỏ, cô đã bị họ hàng khích bác, coi là "thích hưởng thụ" vì đam mê âm nhạc. Sau này khi thi đỗ vào một nhạc viện uy tín, cô lại trở thành "con nhà người ta", nhưng vẫn chưa hết khổ, tên cô bị réo không ngừng mỗi dịp gia đình họp mặt. "Họ chẳng muốn chỉ bảo, dẫn đường tôi, chỉ là một đám người lớn dùng tôi để xả van cảm xúc của họ" - cô viết.
Phần lớn giới trẻ Trung Quốc cũng đồng cảm với cô. Một khảo sát hồi tháng 9-2023 trên mạng xã hội Weibo cho thấy "xung đột ý thức hệ" là nguyên nhân chính dẫn đến rạn nứt tình cảm gia đình (chiếm 40% trong tổng số 190.000 ý kiến), với 1/4 số ý kiến cho rằng mình có thể sống tốt mà không cần họ hàng thân sơ.
Thế nhưng, không phải người trẻ nào cũng sẵn sàng cắt liên lạc với họ tộc. Một số khác chỉ muốn mường tượng lại một kiểu quan hệ gia đình ít độc hại hơn. Trong các bàn thảo đầy bực dọc về "đoạn thân", người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng tìm ra một hình ảnh đầy hy vọng: "xiaoyi" (dì út), một nhân vật "cừu đen" trong gia đình, luôn tôn trọng ý kiến của con cháu, đồng thời không ngại bày tỏ ý kiến và luôn sẵn sàng thách thức những tư tưởng cổ hủ trong gia tộc.
Với họ, sống như "dì út, cậu út" cũng là cách để thể hiện hy vọng vào một hình thái gia đình khác: vẫn yêu thương, nhưng luôn tôn trọng giới hạn của nhau.
Để chuẩn bị cho những tràng câu hỏi nhức não của người thân mỗi dịp Tết đến xuân về, người trẻ Trung Quốc đã nghĩ ra một loạt sản phẩm sáng tạo: từ trò chơi điện thoại, quần áo in khẩu hiệu, thậm chí cả sổ tay ứng xử.
Trong trò chơi mang tên "Trận chiến sống còn dịp Tết", người chơi đóng vai một người trẻ độc thân đối mặt với những tràng câu hỏi quen thuộc của họ hàng. Sau khi vượt qua màn xưng hô cho đúng thứ bậc vai vế, người chơi sẽ phải đối mặt với trận mưa câu hỏi: "Lương tháng bao nhiêu?", "Sắp mua nhà chưa", "Bao giờ lấy vợ/chồng?".
Nếu dùng lời lẽ vẫn chưa đủ, những người trẻ độc thân có thể mua thêm khẩu hiệu in trên áo để họ hàng bớt thăm hỏi: Áo len in các câu trả lời kiểu "Cháu chưa có người yêu", "Lương của cháu không thể tiết lộ" và "Dạ vâng, bác đúng ạ"... bán rất chạy trên sàn thương mại Taobao.
Trên mạng xã hội cũng không thiếu các cẩm nang ứng xử với họ hàng. "Họ hàng thật ra không quan tâm đến bạn là mấy - [khi hỏi] họ chỉ muốn thỏa trí tò mò thôi" - Zhai Mingyue, một người dùng Weibo, nhắn nhủ trong một bài viết với hàng ngàn lượt chia sẻ.
Một số đã chán cảnh đối mặt họ hàng thì tìm cách đi du lịch thật xa. Số liệu năm 2018 của Công ty du lịch Ctrip cho thấy 1/3 số người lên kế hoạch du lịch trong dịp Tết Nguyên đán là những người độc thân không muốn bị gia đình họ hàng giục cưới.