Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cho biết, cuộc chiến Israel-Hamas có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới sang các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn.
Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol nói với Nikkei Asia: “Trong một khoảng thời gian rất ngắn, chúng ta đã gặp nhiều sự kiện địa chính trị tác động đến nguồn cung, giá dầu và giá khí đốt tự nhiên. Khi chúng ta nhìn vào thị trường năng lượng ngày nay và ngày mai, rất khó để tin rằng, dầu mỏ là sự lựa chọn an toàn, đảm bảo cho các quốc gia và người tiêu dùng. Nó quá rủi ro, từ khâu khai thác, vận chuyển đến sản xuất. Không những vậy, nó còn gây ra tác hại không nhỏ đến môi trường.”
Ông Fatih Birol, giám đốc điều hành IEA - Ảnh: Bloomberg
Theo một số chuyên gia, cuộc xung đột ở Trung Đông đang làm rung chuyển thị trường dầu mỏ và khí đốt, theo cách tương tự như Nga tấn công Ukraine.
Ông Birol nói tiếp: “Trung Đông chiếm khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu toàn cầu. Sự leo thang chiến sự sẽ tác động đến các tuyến đường thương mại như eo biển Hormuz, làm gián đoạn nguồn cung, dẫn đến giá năng lượng cao hơn và biến động hơn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi kinh tế vốn đã mong manh, nhất là ở những nước đang phát triển.”
Nhắc lại cách các chính phủ phản ứng với khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970, khi xây dựng thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân, cũng như nghiên cứu ô tô tiết kiệm nhiên liệu, ông Birol chia sẻ: “Khi thế giới một lần nữa trải qua sự chao đảo liên quan đến nguồn cung dầu, tôi tin rằng các chính phủ và người tiêu dùng sẽ chú ý hơn đến năng lượng sạch. Những nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo sản xuất tại chỗ, sẽ ít bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị hoặc phong tỏa các tuyến đường quan trọng.”
Trong báo cáo thường niên công bố hôm 24/10, IEA cho biết, theo chính sách hiện nay, nhu cầu thế giới về than, dầu và khí đốt tự nhiên sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này. Tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong tổng cơ cấu năng lượng toàn cầu, sẽ giảm xuống 73% vào năm 2030. Lượng khí thải carbon dioxide sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, rồi bắt đầu giảm dần.
Dẫu vậy ông Birol cảnh báo: “Mặc dù các chính sách chuyển đổi năng lượng hiện tại đang được thúc đẩy, nhưng chúng ta vẫn chưa đạt tới mục tiêu về khí hậu. Nhiệt độ vẫn đang tăng và trái đất liên tục nóng lên. Biến đổi khí hậu được dự báo tiếp tục phức tạp trong thời gian tới. Chúng ta vừa phải tăng cường chuyển đổi, vừa thúc đẩy những công nghệ nhằm giúp người dân ở các nơi dễ bị tổn thương, có thể thích ứng với thời tiết trong tình hình mới.”
Cuộc chiến Israel-Hamas được dự báo sẽ thúc đẩy năng lượng sạch - Ảnh: CCCS
Ông Birol nhấn mạnh tình hình năng lượng toàn cầu sẽ rất khác sau 7 năm nữa, với vai trò nổi bật của công nghệ sạch. Năm 2030, ước tính 50% lượng xe bán ra trên thế giới là xe điện, tăng so với 20% trong năm nay. Năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân sẽ có vai trò cao hơn trong sản xuất điện, đẩy tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch xuống 40%, từ 60% như hiện giờ.
IEA cũng thông tin, họ theo dõi chặt chẽ các diễn biến về chuyển đổi của kinh tế Trung Quốc. Cơ quan này dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của đất nước phát thải khí carbon lớn nhất thế giới, sẽ dưới 4% từ giờ đến 2030. Điều này dẫn đến nhu cầu năng lượng hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào giữa thập kỷ này. Sau đó, năng lượng sạch sẽ dần chiếm ưu thế.
Theo ông Birol, kinh tế Nga gặp bất lợi lớn nếu kinh tế Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung giảm sử dụng khí đốt và dầu mỏ.
Người đứng đầu IEA chia sẻ tiếp: “Trung Quốc đang thay đổi. Trong 10 năm qua, cường quốc châu Á này thống trị lĩnh vực mua bán năng lượng, và chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường than đá. Giờ đây, kinh tế Trung Quốc đang tái cân bằng khi tăng trưởng chậm lại. Những ngành sử dụng nhiều dầu mỏ và khi đốt như xi măng và thép đã không còn mạnh mẽ như trước. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo đang được sử dụng nhiều hơn.”