Theo ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc EZ Property, lối ra của thị trường bất động sản trước tiên là pháp lý. Giải pháp "nóng" là cần phải giảm giá nhà.
Giải quyết bài toán thị trường bằng nhà ở xã hội
Tại tọa đàm “Nhận diện dòng chảy tài chính trên thị trường bất động sản ” ngày 12/12, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, qua khảo sát các dự án nhà ở xã hội nhận thấy rằng còn có nhiều khó khăn .
Theo ông Nghĩa, đơn cử như nhà ở xã hội không phải nộp thuế sử dụng đất, đất đó lại là đất công, không thế chấp được tại ngân hàng để vay nên các ngân hàng không mặn mà. "Tại sao chúng ta không đánh thuế một vài phần trăm để trở thành đất tư trong vòng 50 năm, khi đó, ngân hàng có thể nhận thế chấp", chuyên gia Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề.
TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia.
Ông Nghĩa khẳng định toàn bộ cơ chế đấu thầu nên thông thoáng hơn, doanh nghiệp nào có năng lực thì nên chỉ định xây dựng để thực hiện nhanh chóng. Cùng đó, bỏ bớt quy định lợi nhuận không vượt quá 10% để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cao cấp, trung cấp, thấp cấp được bình đẳng như nhau.
Về tài trợ cho người mua nhà , cũng nên tài trợ trực tiếp qua ngân sách, không nên qua ngân hàng. Hoặc có thể dùng ngân hàng để tài trợ như cách Singapore làm, ví dụ như mua một nhà ở xã hội thì người mua được vay vốn ngân hàng và chỉ chịu lãi suất 2,5%/năm, phần vượt quá lãi suất thì chính phủ bù.
TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay là thiếu cung dư cầu, cơ quan quản lý không tạo ra môi trường cân bằng.
8 năm không xong được pháp lý
Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc EZ Property - cho rằng: "Bây giờ làm nhà ở xã hội còn khó hơn nhà ở thương mại, vì quá nhiều thủ tục, tính tiền sử dụng đất rồi lại miễn, riêng quá trình đó mất 2 năm. Có những dự án 8 năm rồi không xong được pháp lý, trong khi chủ trương đầu tư đã có rồi. Tôi cho rằng lối ra của thị trường bất động sản trước tiên là pháp lý”.
Giải pháp nóng, ông Toản cho rằng cần phải giảm giá nhà . Để giảm giá, Chính phủ phải có quỹ đầu tư nhà ở/đầu tư bất động sản. Ví dụ, ở các cửa ngõ Thủ đô, Chính phủ dùng quỹ đầu tư đó cho xây 4 khu đô thị, mỗi khu đô thị vài trăm ha.
"Tôi tin rằng khi đó giá nhà sẽ được kiểm soát. Còn bây giờ 1 khu cũng không có, không ai làm cả. Đó là do cơ chế, chính sách chứ không phải do con người", Tổng giám đốc EZ Property nhấn mạnh.
Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam với chủ đề "Định hình tương lai" diễn ra cùng ngày, ông Bạch Dương - Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn - chia sẻ, thị trường địa ốc trải qua một năm đầy thử thách. Trong bối cảnh khó khăn và ẩn chứa nhiều thách thức nhưng nhu cầu sở hữu bất động sản của người Việt vẫn luôn hiện hữu.
Thị trường bất động sản cần khôi phục từ nhà ở xã hội và giảm giá nhà (ảnh: Như Ý).
Theo báo cáo về tâm lý và xu hướng người tiêu dùng bất động sản nửa đầu năm 2024 của Batdongsan.com.vn, 65% người được hỏi dự định mua bất động sản trong một năm tới; trong đó, 60% người mua để đầu tư. Đất nền là loại hình được người mua tiềm năng hướng đến nhiều nhất (33%), tiếp theo là nhà riêng (26%) và chung cư (24%).
"Khi khách hàng nắm nhiều thông tin và trở nên thông thái hơn, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần dựa nhiều vào dữ liệu và nghiên cứu thị trường để đưa ra sản phẩm chất lượng với mức giá phù hợp", Phó Tổng giám đốc batdongsan.com Nguyễn Quốc Anh nói.
Chuyên gia Cấn Văn Lực khẳng định, để đón đầu xu hướng bất động sản thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh câu chuyện cơ cấu lại, bao gồm cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm, thị trường, danh mục đầu tư và dự án. Tiếp đó, cần quyết tâm vượt qua áp lực tài chính, bao gồm tất cả nghĩa vụ liên quan quan đến nợ.
Theo ông Lực, một mặt đàm phán để giãn hoãn nợ, một mặt cơ cấu lại tài chính để bảo đảm trả nợ đúng hạn. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bán bất động sản ở mức chiết khấu thấp hơn để bảo đảm dòng tiền.
Ngọc Mai - Theo Tiền phong