Hạn hán và xâm nhập mặn năm 2023-2024 tại Đồng bằng sông Cửu Long đã làm 1.189ha lúa giảm năng suất, 43ha lúa mất trắng và gần 74.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở nghiêm trọng vào mùa khô
Ngày 29-11 tại thành phố Cần Thơ, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, báo Nông Nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Ông Trần Duy An - Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam - cho biết mùa khô năm 2023-2024, tại Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.189ha lúa giảm năng suất và 43ha lúa (ngoài kế hoạch) tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng. Hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã làm 73.900 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với tình trạng sụp lún cục bộ với 2.059 điểm sụp lún, chiều dài tương đương 51km và 686 vị trí sạt lở bờ sông, với chiều dài hơn 591km.
Có 57 vị trí sạt lở bờ biển, chiều dài hơn 203km, trong đó có 22 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài hơn 103km tại vùng châu thổ này.
Nói về giải pháp phòng chống sụp lún, ông An cho rằng cần xây dựng bổ sung công trình chuyển nước, đảm bảo nguồn nước cho vùng sản xuất ngọt, gồm: huyện U Minh, Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang).
Đồng thời hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng thuộc vùng sản xuất ngọt để tạo điều kiện cho điều tiết, phân phối nguồn nước kỳ khô hạn cho các kênh thủy lợi, đảm bảo mực nước tối thiểu trong kênh.
Sóng biển khoét sâu vào rễ những cây đước rừng phòng hộ hàng chục năm tuổi tại tỉnh Cà Mau
Trong khi đó, ông Lê Thanh Chương - giám đốc Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) - cho rằng bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có giải pháp công trình cứng, giải pháp mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý.
Giải pháp bảo vệ bờ biển có thể sử dụng giải pháp mềm: nuôi bãi bảo vệ bờ biển kết hợp trồng rừng ngập mặn. Trong đó nuôi bãi bảo vệ bờ biển nhằm tạo ra một bãi biển rộng hơn, làm tăng lượng cát ở vùng bờ biển bị xói do thiếu cát, tái tạo phương thức tiêu tán năng lượng sóng một cách tự nhiên.
“Quy hoạch lại khu dân cư dọc theo tuyến bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Đối với xử lý sạt lở bờ sông cần thiết lập quy hoạch chỉnh trị tổng thể các sông lớn, sông rạch chính”, ông Chương nêu giải pháp.
LÊ DÂN - Theo Tuổi Trẻ