Qua hầm chui sông Sài Gòn, đại lộ Mai Chí Thọ mở ra thênh thang như dải lụa, biển báo chi tiết hiện đại như chẳng còn dấu tích những rừng dừa nước từng bạt ngàn nơi đây. Nhưng mà còn.
Những dự án, căn hộ đắt tiền trên đồng cũ, rạch xưa - Ảnh: TỰ TRUNG
Nếu những con đường quận 1, quận 3 là đường xưa, nếu tuổi 20 như đường Nguyễn Hữu Thọ là thanh xuân, thì đường Mai Chí Thọ xuyên tâm bán đảo Thủ Thiêm khánh thành tháng 11-2011 chỉ mới bước vào tuổi thiếu niên, và chính thức là một "thiếu gia bạc tỉ" với những đại dự án đã, đang và sẽ triển khai để đưa Thủ Thiêm thành một đô thị lộng lẫy, hiện đại cân xứng với quận 1 bên bờ Tây sông Sài Gòn. Nhưng cũng như đời người, sự hình thành "thiếu gia bạc tỉ" này cũng đã có một lịch sử sâu dày...
Bờ sông kham nhẫn
Qua hầm chui sông Sài Gòn, đại lộ Mai Chí Thọ mở ra thênh thang như dải lụa, biển báo chi tiết hiện đại như chẳng còn dấu tích những rừng dừa nước từng bạt ngàn nơi đây. Nhưng mà còn.
Cách đầu đường chỉ vài chục mét, hướng thẳng ra bờ sông lộng gió là Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Yên bình như sông, lặng lẽ như đã lặng lẽ cả trăm năm qua trước những biến đổi, xáo động.
Đẹp đẽ cũng như sông, như tình yêu thương và sự kham nhẫn đã được gieo trồng, vun xới bên sông đã trăm năm...
Chính xác là 183 năm. Nếu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, dòng tu nữ đầu tiên, được khai sinh năm 1670 ở Đàng Ngoài giữa cơn bão bắt đạo của chúa Trịnh ở Đàng Trong thì ngót hai trăm năm sau Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cũng được hình thành từ những nữ tu chạy trốn sự cấm đạo của vua Minh Mạng.
Năm 1840, bước chân đầu tiên của họ đã đặt lên Thủ Thiêm. Gặp chúng tôi khi đang ngồi giữa những người dân Thủ Thiêm, sơ Hậu ngời lên trong mắt khi kể về nhà dòng của mình: "Với chúng tôi, Dòng Mến Thánh Giá là quê hương, là bản quán, là gia đình.
Từ khi vào nhà dòng, chúng tôi đã được học về những ngày các bà đặt chân đến Thủ Thiêm, khai phá và cải tạo đất đai, vừa học vừa dạy với người dân bản xứ. Lịch sử nhà dòng gắn liền với lịch sử Thủ Thiêm".
Thủ Thiêm khi ấy thuộc huyện Nghĩa An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa, cây còn như rừng, dừa nước bạt ngàn, kênh rạch chằng chịt, thú hoang sống tự do, ven sông rải rác vài mái nhà lụp xụp người Miên lẫn người Việt.
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thành lập, chỉ là một mái lá tựa vào một gốc me. Các nữ tu khai hoang vỡ đất làm ruộng, trồng lúa trồng rau, bắt cá tự lo cho cuộc sống. Các chị bảo nhau học chữ, học toán, học nghề dệt vải, may vá, học làm thuốc nam.
Các chị thăm viếng làng xóm, dạy dỗ trẻ em, chữa bệnh người già, giúp đỡ người neo đơn. Có khoảng thời gian thú dữ về đe dọa, các nữ tu phải rút về bên kia sông, tá túc ở chợ Vải Bến Thành, nhưng rồi mái lá Thủ Thiêm vẫn là nơi họ chọn để quay về.
Công khó rồi cũng được đền đáp. Ruộng vườn mở rộng, trâu bò được mua thêm, nhà dòng tổ chức được những hoạt động nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải, dệt chiếu ngoài những ruộng lúa, vườn rau.
Nhà cửa được xây dựng thêm, nhiều thiếu nữ xin theo tu học, nhiều người dân cũng đến làm việc. Rồi trại cô nhi, trường học được xây dựng và ngày một đông tiếng trẻ cùng với nhu cầu của xã hội trước biến động Nam Kỳ rơi vào tay quân Pháp, trước không khí chiến tranh đậm đặc suốt bao năm bủa vây Sài Gòn...
Những vườn ruộng ấy, bây giờ chính là lòng đường Mai Chí Thọ, chính là công viên và những tòa nhà lộng lẫy đang theo nhau mọc lên. Hôm nay, bước vào khuôn viên tu viện, nơi lao xao nhất cũng vẫn là Trường mẫu giáo Cỏ Non được đặt một bên cổng.
Tiếng trẻ cười, tiếng trẻ khóc, tiếng trẻ hát, tiếng phụ huynh chào thưa với các sơ, mua sữa tươi, yaourt - những món thanh sạch mà tu viện tự sản xuất. Còn lại vẫn là lặng lẽ, bình an, cỏ vẫn xanh, gốc me trăm năm vẫn tươi tốt, tòa nhà tu viện được xây dựng lại năm 1956 vẫn đứng đó, khiêm nhường mà vững chãi, vẫn là điểm đến đẹp nhất vùng Thủ Thiêm.
Liền mạch với đại lộ Võ Văn Kiệt qua đường hầm sông Sài Gòn, đường Mai Chí Thọ là trục kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm từ phía đông sang phía tây TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Dải lụa gập ghềnh
Không quá thường xuyên sang Thủ Thiêm, nhưng nơi này lại luôn mang cho tôi những cảm xúc mạnh.
Lần đầu, những năm còn là sinh viên mơ mộng, buổi tối ngồi bên bến Bạch Đằng nhìn sang bên kia sông, những bảng quảng cáo đèn màu lấp lánh hứa hẹn một bến sông chắc sẽ thơ mộng hơn bên này. Sáng mai sẽ đi - chúng tôi hẹn nhau.
Phà Thủ Thiêm qua lại chăm chỉ như đan áo. Đó cũng là lần đầu tôi bước chân xuống một chiếc phà. Phà đã dừng, nhưng dường như sông vẫn chưa dứt.
Chúng tôi lạc vào một khu xóm nhà lá nhà ván cắm trên mé sông, đường đất đỏ ngoằn ngoèo bờ rạch, những đứa trẻ bò chơi lổm ngổm trên tấm ván bập bênh bờ nước...
Thì ra sau đèn màu là một thế giới khác như vậy. Với tuổi 20 của tôi lúc đó, quả là một phát hiện để lại ấn tượng sâu đậm thời thanh niên.
Bây giờ, lướt trên đường Mai Chí Thọ, một thế giới đô thị sang trọng khác đã thay thế, Empire, Sala, Sun Avenue... nhưng dấu tích của những xóm nhà cao cẳng ấy vẫn còn trên tên của từng chặng cầu: rạch Lá, kênh 2, Cá Trê lớn, Cá Trê nhỏ...
Gần hơn nữa và mạnh hơn nữa là những lần tôi vượt hầm Thủ Thiêm sang đường Mai Chí Thọ trong những tháng 6-7-8-9-10 của năm 2021.
Chắc hẳn chưa ai quên đó là những tháng TP.HCM oằn mình trong đợt dịch COVID-19 và trên đường Mai Chí Thọ, những tòa nhà thuộc dự án Thuận Việt đã được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến.
Đường thênh thang những ngày ấy không một bóng người, chỉ có xe cấp cứu, xe buýt mang bảng chở F0, xe chở hàng tiếp tế qua lại.
Từ mặt đường Mai Chí Thọ rẽ vào khu bệnh viện dã chiến còn phải qua 3-4 chốt gác nữa, thẻ công tác chống dịch giúp chúng tôi đi qua.
Không giống như khi vào những bệnh viện điều trị COVID-19 hay phòng ICU, căng thẳng với tiếng kêu và chỉ số nhấp nháy của các loại máy thở, máy đo, ở khu bệnh viện dã chiến này chúng tôi đã được tham dự những buổi ca nhạc với ca sĩ biểu diễn xuyên qua khẩu trang và bộ đồ bảo hộ, khán giả là bệnh nhân F0 đứng nghe kín trên các hành lang, cửa sổ xung quanh.
Tôi nhớ tiếng ca sĩ Cẩm Vân da diết vút lên "Em ơi, hãy lắng nghe. Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở..." từ khoảnh sân chung, hẳn trên các ô cửa chi chít F0 kia có người trào nước mắt.
Cũng ở đây, chúng tôi được tham gia những buổi tiễn người đã khỏi bệnh về nhà, chứng kiến những cô gái tay xách nách mang, bật khóc reo "Sống lại rồi!" khi được đón bằng chiếc taxi quen thuộc đã lâu không gặp.
Tôi còn được tham gia đêm hội Trung thu, chia tay những đoàn y bác sĩ đã đến từ Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn để giúp sức cho thành phố. Họ bảo: "Đến TP.HCM lần đầu nhưng mới chỉ biết có đường Mai Chí Thọ ngày này rất đẹp nhưng rất lạnh. Hẹn gặp lại lần sau...".
Đúng rồi, lần sau gặp lại, con đường còn rất trẻ này sẽ ấm áp hơn nhiều.
Nhiều năm sau tôi lại có dịp được gặp nhiều người dân đã sống trên chính những nhà ván, đường đất ấy trong một hoàn cảnh đặc biệt: những cuộc tiếp xúc của lãnh đạo TP.HCM với người dân Thủ Thiêm.
Những ngày ấy, đường Mai Chí Thọ vẫn thênh thang 140m, nhưng vòng xe lướt qua lại cuốn theo thật nhiều nỗi niềm. Đi trên đường, ngắm những tòa nhà, biệt thự, tôi cứ tự hỏi chỗ nào là xóm, là vườn?
Chỗ nào là nhà cô Tám, chị Phượng, chú Nam, cô Mỹ...? Họ đang ở đâu và ai đang ở đây? Giá đất, giá nhà đã tăng bao nhiêu lần? Nhiều người đã rời khỏi Thủ Thiêm đến những vùng xa hơn, làm lại cho mình một thửa vườn, bến sông mới.
Thời gian qua đi, mọi thứ đều thay đổi, nỗi niềm cũng phai nhạt, nhưng rồi thì bằng cách nào đó, Thủ Thiêm vẫn sẽ nhớ những người chủ cũ của mình.
*******************
Đó là những ngày hè như rực lửa, đám đông hàng chục ngàn người ùn ùn đổ về các nẻo đường Nguyễn Kim - Đào Duy Từ - Tân Phước và Ngô Quyền xung quanh sân vận động Thống Nhất (quận 10), và ai nấy đều nô nức gửi xe, mua vội ổ bánh mì, bịch trà đá để vào xem bóng đá.
PHẠM VŨ - Theo Tuổi Trẻ