Tính đến 28/02/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.113.673 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng hơn 1,1 triệu tỷ đồng
Bộ Xây dựng vừa công bố tình hình nhà ở và thị trường bất động sản Quý I/2024. Trong đó đã đưa số liệu từ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho thấy tính đến 28/02/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.113.673 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở là 303.572 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng là 42.367 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 78.349 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 43.393 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng của các dự án nhà hàng, khách sạn là 60.502 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê là 121.274 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với vay mua quyền sử dụng đất là 79.873 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh BĐS khác là 384.343 tỷ đồng.
Tính đến 28/02/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.1 triệu tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, để quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, NHNN Việt Nam đã khẩn trương xây dựng Chỉ thị, Chương trình hành động để triển khai Nghị quyết, Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về trọng tâm hoạt động ngân hàng năm 2024.
Tích cực, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng, như: triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật các TCTD (sửa đổi); rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2023/TT-NHNN, Thông tư 16/2021/TT-NHNN; Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Về điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, năm 2023, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.
Theo đó trong các tháng của Quý I/ năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Kết quả, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong các tháng đầu năm 2024 (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022 và đến ngày 20/3/2024, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023).
Về điều hành tăng trưởng tín dụng cung ứng vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế....
Áp lực đáo hạn trái phiếu
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cho biết trong Quý I/2024 đã có một số chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo số liệu tổng hợp thì khối lượng phát hành Quý I /2024 giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn (Năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 279,219 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 115,663 tỷ đồng, tương đương 41.4%). Lũy kế trong quý có 14 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 13,060 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2,650 tỷ đồng.
Áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn.
Theo dữ liệu báo cáo các tháng trong Quý I/2024 của Hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 1/2024 có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 1,650 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2,000 tỷ đồng trong tháng 1/2024 (So với các tháng 12/2023, giá trị phát hành đã sụt giảm đáng kể từ mức trung bình khoảng 43.000 tỷ đồng, tương đương giảm 91%); các doanh nghiệp đã mua lại 7,394 tỷ đồng, giảm 31.1% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 8,432 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 5 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.
Trong tháng 2/2024, có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 1,165 tỷ đồng; giá trị phát hành trong tháng 2 vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023; các doanh nghiệp đã mua lại 2,056 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6,213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 24 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Trong tháng 3/2024, có 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 8,745 tỷ đồng; các doanh nghiệp đã mua lại 8,031 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 4,851 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 27 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn…
Ninh Phan - Theo Tiền Phong