Trong mùa khô năm 2024-2025, nguồn nước đến trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, kinh tế, xã hội nhưng vẫn có nguy cơ thiếu nước cục bộ ở 1 số tỉnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Cửu Long. Kịch bản này được áp dụng trong mùa khô năm 2024-2025 (từ tháng 11-2024 đến tháng 5-2025).
10/13 tỉnh có nguy cơ xâm nhập mặn
Nhận định xâm nhập mặn trong mùa khô 2024-2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ không xuất hiện nhiễm mặn.
Tại tỉnh Long An, mặn có thể xâm nhập sâu ở các sông lớn như sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông. Các khu vực có thể bị ảnh hưởng chính gồm huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ.
Tỉnh Tiền Giang, mặn có thể xâm nhập sâu ở các sông lớn như sông Tiền (nhánh cửa Tiểu, cửa Đại), Vàm Cỏ Tây, kênh Chợ Gạo nhưng thấp hơn năm 2023-2024.
Các khu vực có thể bị ảnh hưởng chính gồm huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, TP Gò Công, Gò Công Tây, Chợ Gạo.
Tỉnh Bến Tre, mặn có thể xâm nhập hầu hết trên các sông lớn như sôngTiền (nhánh cửa Đại), sông Hàm Luông nhưng thấp hơn năm 2023-2024.
Mặc dù đã có hệ thống cống ngăn mặn, tuy nhiên chưa hoàn chỉnh, do đó mặn vẫn có thể gây ảnh hưởng đến các khu vực dọc sông Hàm Luông thuộc các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú.
Tỉnh Trà Vinh, mặn có thể xâm nhập hầu hết trên các sông lớn như sông Cổ Chiên, sông Hậu nhưng thấp hơn năm 2023-2024.
Các khu vực ven các sông Cổ Chiên, sông Hậu có thể bị ảnh hưởng như huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Càng Long, Duyên Hải, TP Trà Vinh.
Tỉnh Vĩnh Long, ranh giới mặn 4g/l có thể ảnh hưởng tới huyện Vũng Liêm.
Tỉnh Sóc Trăng, các sông nội đồng ít có khả năng bị nhiễm mặn trên 4g/l do tỉnh có hệ thống công trình ngăn mặn giữ ngọt kiểm soát. Độ mặn cao thường xuất hiện trên các sông bao ngoài như sông Mỹ Thanh, sông Hậu đến vị trí các cống ngăn mặn. Các khu vực ảnh hưởng chính gồm huyện Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, TX Vĩnh Châu.
Tỉnh Hậu Giang, độ mặn trên 4g/l có thể xảy ra trên các sông Cái Lớn (giáp Kiên Giang), sông Xẻo Chít (giáp Bạc Liêu) tại khu vực huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh.
Tỉnh Bạc Liêu, độ mặn trên các sông ngoài như sông Bạc Liêu, Gành Hào đều cao hơn 4g/l. Độ mặn trên 4g/l xuất hiện trên các sông kênh vùng chuyển đổi trong hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Các khu vực ảnh hưởng chính gồm các huyện Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, TX Giá Rai, TP Bạc Liêu.
Tỉnh Cà Mau, độ mặn trên 4g/l xuất hiện trên các sông Ông Đốc, Gành Hào, kênh Phụng Hiệp do đó các huyện, thành phố thuộc tỉnh đều có thể bị ảnh hưởng do nhiễm mặn thường xuyên.
Tỉnh Kiên Giang, độ mặn trên 4g/l xuất hiện ở hầu hết các sông thuộc các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh.
7 tỉnh có nguy cơ thiếu nước cục bộ
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá về tổng thể nguồn nước đến trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2024-2025 cơ bản sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, an sinh xã hội, kinh tế và bảo vệ môi trường.
Vì vậy nguồn nước trong kỳ công bố sẽ ở trạng thái bình thường. Tuy nhiên nguy cơ thiếu nước cục bộ vẫn có thể xảy ra tại một số địa phương, đặc biệt là một số huyện, thị xã thuộc các tỉnh như tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
"Nguyên nhân chủ yếu do xâm nhập mặn và hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống các công trình cấp nước tập trung chưa được hoàn thiện đồng bộ.
Ngoài ra, theo báo cáo của địa phương còn có tình trạng một số khu vực chưa được đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng để phục vụ nước cho sản xuất, sinh hoạt do nằm tại vùng sâu, vùng xa, các hộ dân sống phân tán như tại các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang" - Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.
Để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước cấp cho người dân, đặc biệt là ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Cửu Long chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực.
Riêng đối với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn trên các sông để xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp.
Lưu ý việc đảm bảo nguồn, chất lượng nước cho các nhà máy nước sạch, công trình cấp nước tập trung bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Đồng thời chủ động bố trí ngân sách của địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, nhằm bảo đảm nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân.
CHÍ TUỆ - Theo Tuổi Trẻ