Mở đầu
Lịch sử khoa học công nhận rằng Galileo Galilei đã khai sáng ra khoa học hiện đại 400 năm trước. Những công trình của Galileo Galilei và sau đó là Isaac Newton và các khoa học gia đương thời ở thế kỷ 17 đã thiết lập nên nền tảng cho phương pháp khoa học để khảo sát có hệ thống về vật chất, lực và chuyển động. Đó là cuộc cách mạng khoa học lần thứ nhất. Cuộc cách mạng khoa học lần thứ hai diễn ra vào đầu thế kỷ 20 từ việc phát hiện ra thuyết lượng tử (cơ học lượng tử) và thuyết tương đối, tạo nên hai cột trụ của "tân vật lý". Chưa bao giờ trong lịch sử khoa học xuất hiện một loạt thiên tài như ở đầu thế kỷ 20, đó là Max Planck, Erwin Schrödinger, Werner Heisenberg, Niels Bohr, Albert Einstein, Louis de Broglie, những người hình thành nên thuyết lượng tử. Mặt khác, Einstein là người sáng tạo ra thuyết tương đối, một hệ thống khoa học bàn về không gian, thời gian và chuyển động ở vận tốc cao gần vận tốc ánh sáng (300.000 km/s). Einstein đã thống nhất không gian và thời gian thành không thời gian (spacetime) có 4 chiều, 3 chiều cho không gian và 1 chiều cho thời gian. Sự co giãn của thời gian và không gian xuất hiện khi vận tốc tiến gần vận tốc ánh sáng. Trong thuyết tương đối, mọi thực thể đều tương đối, chỉ có vận tốc ánh sáng 300.000 km/s là tuyệt đối. Chúng ta sống trong thế giới của Newton nơi mà vận tốc chuyển động con người có thể đạt tới nhiều lắm là 8 km/s của con tàu vũ trụ, nhưng vẫn quá chậm để nhận thấy sư co giãn của thời gian. Thuyết tương đối cho thấy rằng khi ta di chuyển gần đến vận tốc ánh sáng thì thời gian chậm lại. Một ví dụ thường được nhắc đến để hình dung thời gian co giãn là chuyện hai anh em sinh đôi, người anh ở lại quả đất còn người em du hành không gian bằng chiếc tàu vũ trụ được phóng đi ở vận tốc gần vận tốc ánh sáng. Nhiều năm sau, người em trở lại quả đất, người anh đã già lụm khụm nhưng người em vẫn ở tuổi thanh xuân. Câu chuyện nghe như huyền thoại Lưu Nguyễn lạc thiên thai hay Urashima Taro được rùa chở xuống Long Cung. Các ông chìm đắm vui chơi với các nàng tiên nữ, long nữ đến khi trở lại trần thế thì trăm năm đã lặng lẽ trôi qua.
Paul Davies là giáo sư vật lý lý thuyết giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Mỹ, Anh và Úc. Ông là một giáo sư đa tài và uyên bác. Chỉ trong khoảng thời gian 45 năm (1974 – 2021) ông đã viết 30 quyển sách vật lý đại chúng, phần lớn về vật lý vũ trụ và nguồn gốc của sự sống. Trung bình mỗi 18 tháng, ông cho ra đời một quyển sách. Ở tuổi 37 tác giả Davies viết quyển "God and the new physics" (Thượng Đế và tân vật lý) [1]. Tác giả xác nhận quyển sách không phải là sách tôn giáo cũng không phải sách khoa học mà là sách nói về khoa học ở một ý nghĩa rộng hơn. Tác giả không đề cập những khái niệm về Phật giáo hay tư tưởng triết học phương Đông. Nói cách khác, tác giả muốn nối kết khoa học và tôn giáo mà tôn giáo ở đây là Ki-tô giáo. Ông tuyên bố cố gắng loại trừ những ý kiến cá nhân của mình nhưng dù không nói thẳng, một tiền đề quan trọng trong quyển sách mà tác giả muốn người đọc ngầm hiểu là tác giả mặc nhận sự hiện hữu của Thượng Đế (God).
Quyển sách này là một tổng hợp về thiên văn học, vật lý cổ điển, vật lý lượng tử, thuyết tương đối, tâm lý học và thần học... mô tả sự hiện hữu của vũ trụ, việc xuất hiện sự sống trên quả đất, về không gian, thời gian; những thực thể mà theo tín điều tôn giáo là do Thượng Đế đã sáng tạo.
Tôi mua quyển sách này hơn 15 năm trước. Đọc lần đầu không hiểu rõ nội dung, tôi gấp lại để quyển sách ở một góc của kệ sách. Gần đây đọc lại và phải đọc vài lần cho thấm nhuần hành trình tư tưởng của tác giả và viết lại cảm nghĩ chia sẻ cùng người đọc.
Thượng Đế đã tạo ra Vũ trụ?
Tác giả Davies mang tới người đọc hai kịch bản. Có phải vũ trụ của chúng ta được thành hình trong một tình huống rất đặc biệt, được thiết kế cẩn thận và ở một thời điểm được định trước sự sống xuất hiện mà đỉnh cao là con người có linh hồn sinh sôi nẩy nở để nhìn vào vũ trụ trong sự thán phục sâu xa? Hay là chúng ta sống trong một sự kiện bất ngờ vô nghĩa và kỳ quái từ vụ nổ lớn khai sinh ra vũ trụ do một việc hoàn toàn ngẫu nhiên (trang 177)? Quả thật, từ ngàn xưa con người đã đặt ra hai câu hỏi lớn, "Vũ trụ từ đâu tới?" và tại sao có sự sống trên quả đất, "Sự sống là gì?". Ngày nay, công việc của các nhà thiên văn học không có gì cấp bách hơn việc truy tìm câu trả lời về sự có mặt của vũ trụ. Tác giả Davies đã chọn kịch bản nào?
Từ khi tôn giáo xuất hiện, hơn 2000 năm qua sự phát triển của xã hội phương Tây bao gồm nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan và trật tự xã hội được đặt trên nền tảng của những tín điều Ki-tô giáo. Thượng Đế toàn năng có một tri thức vô hạn sáng tạo ra muôn loài, mọi vật chất trong vũ trụ, không gian, thời gian, linh hồn và tri thức con người. Tôn giáo đòi hỏi hãy tin vào những điều đó, vô điều kiện. Nhưng thái độ của người làm khoa học là cẩn trọng, nghi ngờ và chỉ chấp nhận một hiện tượng là sự thật bằng sự quan sát khách quan và thực nghiệm rồi từ đó thiết lập thành những quy luật. Trên cơ bản đó, khoa học hiện đại bắt nguồn từ 400 năm trước xuất phát từ sự hiếu kỳ và nhu cầu tìm hiểu của con người đã dần dần có ảnh hưởng lan rộng vào xã hội loài người nhưng không ở mặt ý thức tâm linh mà trên bình diện của những ứng dụng công nghệ phục vụ cuộc sống thực tế.
Khoa học và tôn giáo đại diện cho hai luồng tư tưởng lớn của tư duy con người. Tôn giáo dựa trên giáo điều của quá khứ nên khó thích nghi với những chuyển biến của xã hội đương đại. Khoa học dựa trên quy luật khoa học và những quy luật đó không phải là giáo điều cứng nhắc mà theo dòng thời gian được điều chỉnh qua sự thay đổi hay bổ túc bằng quan sát và thực nghiệm. Hai luồng tư tưởng và hai phương pháp luận khác nhau, đương nhiên cũng có lúc đối đầu gay gắt qua những cuộc tranh luận giữa hai phe; phe sáng thế hữu thần (creationism) và phe tiến hóa vô thần (evolutionism). Tác giả Davies có một lựa chọn khác; một lựa chọn độc đáo nhưng khác thường bằng sự mặc nhận Thượng Đế. Ông cho rằng khoa học có thể cống hiến một con đường vững chắc hơn tôn giáo trong việc tìm kiếm sự hiện hữu của Thượng Đế. Đây là lý do ông viết quyển sách. Chúng ta hãy tìm hiểu xem tác giả Davies có thể thuyết phục người đọc, nhất là những người đọc "vô thần", đến chừng mực nào?
Kinh Sáng thế cho rằng:"Ở lúc khởi đầu, Thượng Đế sáng tạo ra trời đất". Nhưng không ai ở đó chứng kiến sự kiện! Tuy nhiên, khi thuyết Big Bang được đa số khoa học gia công nhận là nguyên nhân khai sinh ra vũ trụ thì một tờ báo nổi tiếng chạy dòng tít giật gân "Các nhà thiên văn học đã tìm thấy Thượng Đế". Vũ trụ và vạn vật là kết quả của một vụ nổ khổng lồ (Big Bang) từ một điểm vật chất vô cùng nhỏ, cực nóng và cực đặc. Thật sự, các nhà thiên văn và vũ trụ học đều phải công nhận đây là sự "sáng thế" (creation) cách đây 18 tỷ năm trong đó hàng trăm tỷ thiên hà đã thành hình. Dãy Ngân Hà là một trong những thiên hà trong đó có sự hiện diện mặt trời của chúng ta với tuổi đời 5 tỷ năm và quả đất 4,5 tỷ năm. Có phải Thượng Đế là nguyên nhân của cuộc sáng thế này?
Theo tính toán, vũ trụ từ một điểm cực nhỏ có kích thước một phần triệu tỉ tỉ (10-24) cm, sau vụ nổ khổng lồ vũ trụ bành trướng và sự bành trướng vẫn còn tiếp tục đến ngày nay. Cũng từ những phép tính và kết quả thực nghiệm các nhà vật lý học đã suy đoán rằng một giây sau vụ nổ vũ trụ nóng 10 tỷ độ; một sức nóng kinh hồn. Cứ mỗi lần thể tích của vũ trụ phình ra gấp đôi thì nhiệt đô hạ xuống một nửa (trang 21). Vũ trụ tiếp tục giãn nở. Đến một tỷ năm sau Big Bang, nhiệt độ trong vũ trụ chỉ còn 20 K (độ Kelvin hay là -253 °C) và ngày nay 2,7 K (-270 °C) với đường kính vũ trụ là 93 tỷ năm ánh sáng (khoảng 9,3 x1025 m). Như vậy, từ lúc khởi đầu, vũ trụ đã tàng trữ một năng lượng khổng lồ ở dạng nhiệt lượng. Big Bang đã làm hài lòng các nhà thần học vì nó là một bằng cớ hùng hồn về "sáng thế" như Kinh Thánh đã tiên đoán từ nhiều ngàn năm trước. Nhưng ai đã tạo ra ở thời điểm khởi đầu một điểm cực nhỏ, cực đặc mang môt nhiệt lượng vĩ đại? Tác giả Davies cho rằng đây là hiện tượng siêu nhiên (supernatural); hiện tượng chưa giải thích được bằng khoa học. Nhưng cũng có thể tác giả sử dụng cụm từ "siêu nhiên" để ám chỉ Thượng Đế. Vũ trụ bành trướng cho đến ngày nay từ những nguyên tử đơn giản hình thành một cách trật tự 350 tỷ thiên hà có những cấu trúc vô cùng phức tạp.
Con người hiện đại đã khám phá bí ẩn của vũ trụ qua những quy luật bằng phương trình toán học. Những bí ẩn đã sẵn đó từ 18 tỷ năm, con người chỉ làm công việc khám phá. Tại sao mọi vật được sắp xếp như chúng đã được sắp xếp? Tại sao phải là vũ trụ này tồn tại như thế mà không khác đi? Tại sao phải là những định luật này? Tại sao lại có những cách bố trí hài hòa cho vật chất và năng lượng trong toàn thể vũ trụ? Một căn nhà đẹp được vẽ bởi kiến trúc sư tài ba và xây nên từ vật liệu bởi những người thợ giỏi. Nó không thể bỗng nhiên xuất hiện như huyền thoại của đèn thần Alladin. Vậy, ai là người xây nên "căn nhà" vũ trụ hoàn hảo trong đó có những hoạt động hài hòa giữa các thiên hà và giữa các hành tinh? Trong một chuỗi sự kiện, nhân sẽ sinh ra quả. Tác giả đã cho ra một mô hình diễn tả như sau: G …. tới E4 tới E3 tới E2 tới E1 (trang 45). Kết quả E1 là từ nguyên nhân E2; E2 là quả của E3 và cứ thế đi ngược về quá khứ thì cái nguyên nhân ban đầu là G (God); G …. tới E4 tới E3 tới E2 tới E1. Theo các nhà thần học thì Thượng Đế (G) không cần có nguyên nhân, vì Thượng Đế là thực thể cần thiết, không cần diễn giải lý do vì bản thể Thượng Để đã giải nghĩa sự hiện hữu của mình. Như vậy, cách hiểu này cũng có thể sử dụng để giải thích sự hiện hữu của vũ trụ rằng vũ trụ là thực thể cần thiết; bản thể của vũ trụ là lý do cho sự hiện hữu của nó nên không cần nguyên nhân (trang 47). Thượng Đế là vũ trụ. Người đọc sẽ rối rắm không hiểu rõ ý nghĩa "triết học" trong lời phán của các nhà thần học vì nó duy ý chí không lô-gíc nên khó hòa đồng với tư duy khoa học.
"Có phải Thượng Đế đã tạo ra vũ trụ?" là tựa đề của Chương 3 và cũng là một câu hỏi đầy thách thức. Thượng Đế toàn năng đã tạo những vật liệu vũ trụ (cosmic materials) từ con số không và vật liệu đó tạo thành 350 tỷ thiên hà (trang 26). Thượng Đế như một nhà ảo thuật biến từ "không" đến "có". Trong những cuộc đàm thoại thường nhật tiếng Anh chúng ta thường nghe câu "there is no such a thing as free lunch" (không buổi cơm trưa nào miễn phí cả). Nhưng niềm tin tôn giáo cho rằng Thượng Đế đã cho nhiều bữa cơm trưa miễn phí. Tác giả Davies nghĩ sao? Ông dùng công thức nổi tiếng của Einstein, E = mc2, để biện luận quan điểm "miễn phí" của mình. Trong công thức Einstein, E là năng lượng; m là khối lượng của vật chất và c là vận tốc ánh sáng (300.000 km/s). Công thức của Einstein là một phương trình toán cô đọng chỉ ra sự tương quan giữa năng lượng và khối lượng; khối lượng cũng là năng lượng. Mọi vật tiềm tàng chứa nặng lượng ở dạng khối lượng. Khi khối lượng bằng một cách nào đó, như phản ứng hạt nhân chẳng hạn, bị phá hủy thì năng lượng được phóng thích. Đó là nguyên lý bom nguyên tử. Ngược lại, năng lượng (chẳng hạn năng lượng cao của tia gamma) cũng được sử dụng để tạo ra khối lượng dưới dạng vật chất (trang 27). Điều này đã được nhìn thấy trong phòng thí nghiệm. Theo thuyết Big Bang, như đã nói bên trên ở lúc khởi đầu vũ trụ đã mang một năng lượng khổng lồ dưới dạng nhiệt. Vũ trụ cực nóng đã tạo nên một môi trường như thứ "súp" đầy hạt cơ bản như proton, neutron, electron thúc đẩy những phản ứng hạt nhân tạo ra nguyên tử hydro và hydro kết hợp thành helium. Không gì ngạc nhiên khi hai nguyên tố đơn giản nhất chiếm 99% vật chất của vũ trụ (trang 21). Tác giả Davies đi thêm một bước cho rằng "năng lượng" là khái niệm chung chung. Năng lượng là gì? Nó có nhiều dạng: nhiệt năng, động năng, cơ năng, thế năng… Trong phòng thí nghiệm vi hạt (hạt vật chất cực nhỏ), người ta tạo điều kiện cho hai vi hạt đụng nhau ở một tốc độ lớn, như hai chiếc xe tông nhau, cho ra bốn hạt, hai hạt cũ và hai hạt mới. Ông cho rằng việc xuất hiện hai hạt mới bởi động năng va chạm gần giống như việc "sáng thế" từ cái không có (trang 31). Trong nỗ lực tìm bằng chứng khoa học cho cái cơ chế "vũ trụ có tất cả mọi thứ từ cái không có", tác giả nghĩ ra tình huống tạo ra vật chất từ trạng thái năng lượng zero. Theo ông, năng lượng có âm và dương. Động năng, năng lượng ở dạng khối lượng là năng lượng dương nhưng năng lượng sinh ra từ sự hấp dẫn (hút vào nhau) bởi trọng trường (quả táo Newton) hay điện từ trường (nam châm hút nhau) là năng lượng âm. Ông giải thích tình huống của một phản ứng hạt nhân tạo ra vật chất trong đó có luồng năng lượng dương và âm xuất hiện, hai luồng năng lượng này giao thoa nhau cho ra con số zero. Để tạo thêm sức nặng cho biện luận "có tất cả từ cái không có" của mình, tác giả cho rằng có một số nhà khoa học đã tính được việc vận hành của vũ trụ chỉ cần năng lượng zero, nghĩa là không có năng lượng. Như thế, vũ trụ xuất hiện theo con đường nhẹ nhàng nhất, xuôi chèo mát mái mà không cần "xăng dầu" (trang 32). Nhưng, một người không đồng xu dính túi khác với người có tài khoản 100.000 đô la nhưng nợ ngân hàng 100.000 đô la. Vì vậy, đây là lập luận vô cùng mâu thuẫn nếu chúng ta đã chấp nhận thuyết Big Bang. Chúng ta có vũ trụ cực nhỏ, cực nóng chứa một lượng nhiệt năng khổng lồ từ thuở ban đầu, hay là một vũ trụ không năng lượng? Chúng ta không thể có cả hai.
Tác giả không có câu trả lời dứt khoát cho tựa đề của Chương 3. Ông cho rằng khi đề cập câu hỏi có hay không có nguyên nhân của sáng thế thì câu trả lời sẽ là "có". Các nhà thần học khẳng định nguyên nhân đầu tiên chính là Thượng Đế trong chuỗi nhân quả; nhưng tác giả Davies ngập ngừng bảo đó có thể không phải là Thượng Đế (trang 40). Ở Chương 8 khi đề cập đến yếu tố lượng tử, ông đặt lại câu hỏi là "Có chăng mỗi sự kiện phải có nguyên nhân phát sinh?" (trang 102). Nhưng thuyết lượng tử đã phá vỡ chuỗi nhân quả chứng minh rằng sự kiện phát sinh mà không cần nguyên nhân. Tác giả Davies đã nhìn Thượng Đế như thế nào qua lăng kính thuyết lượng tử?
Khác với cơ học cổ điển Newton mà đối tượng là những vật to như quả bóng, viên bi, thuyết lượng tử xoay quanh sự khảo sát đặc tính của vi hạt như phân tử, nguyên tử, electron, proton, neutron... Trong thế giới của vi hạt, những hiện tượng kỳ lạ xuất hiện. Chẳng hạn, vi hạt có bản chất lưỡng tính, vừa là sóng vừa là hạt. Một đặc tính khác là vi hạt có thể ở nhiều chỗ khác nhau cùng lúc. Điều này kỳ quái, nếu vi hạt là một "vật" như viên bi, thì: 2 giờ sau khi được bắn với vận tốc 100 km/h, chúng ta có thể tìm thấy nó bay đến một nơi cách chỗ bắn 200 km. Chúng ta biết rõ vị trí và cách di động (vận tốc) cùng lúc theo sự suy nghiệm bình thường. Nhưng thuyết lượng tử phủ nhận điều này. Vi hạt không có biểu hiện như viên bi mà nó có thể ở khắp nơi với những xác suất khác nhau. Đây là "Nguyên lý bất định" (Uncertainty Principle) của Heisenberg được biểu hiện bởi một phương trình ngắn gọn được tôn vinh như là cột trụ vĩ đại của lâu đài cơ học lượng tử. "Bất định" là yếu tố cơ bản của thuyết lượng tử. Hệ quả của "bất định" là "không tiên đoán" được. Như đề cập bên trên về liên hệ nhân quả, khi có một sự kiện xảy ra thì phải có nguyên nhân phát sinh. Theo tác giả Davies, thuyết lượng tử làm sụp đổ chuỗi liên hệ nhân quả và hiệu ứng "bất định" cho thấy một sự kiện có thể xảy ra mà không cần nguyên nhân như vi hạt có thể vô tư xuất hiện như "từ trên trời rớt xuống". Trên luận điểm này, tôi không rõ tác giả lựa chọn trường hợp nào, (1) Thượng Đế xuất hiện mà không cần nguyên nhân hay là (2) vũ trụ tự phát mà không cần nguyên nhân theo cơ chế của thuyết lượng tử hay là (3) vũ trụ chính là Thượng Đế. Nếu là (1) thì tác giả đồng ý với các nhà thần học. Nếu là (2) thì tác giả đồng ý quan điểm của đa số của các nhà khoa học là không cần sự hiện hữu của Thượng Đế. Nếu là (3) thì lựa chọn này phảng phất chủ nghĩa đa thần.
Sự kỳ diệu của vũ trụ không phải chỉ ở điểm khởi đầu. Sau vụ nổ lớn, vũ trụ xuất hiện và lập tức giãn nở. Những hạt giống của các thiên hà tương lai bắn ra xa như đàn ong vỡ tổ với một tốc độ kinh hồn. Khi vụ nổ đạt đến 10-32 giây (1 trên 1032 giây (32 số 0 sau số 1)), dù ở thời gian cực ngắn vũ trụ đã đạt đến kích thước 1023 m. Trong quá trình giãn nở trọng trường của vật chất trong vũ trụ xử sự như cái phanh kéo lại với nhau (quả táo Newton rơi xuống mặt đất là do trọng trường (gravity) quả đất hút quả táo như nam châm hút nhau) làm giảm tốc vụ nổ. Nói cách khác, trong sự giãn nở của vũ trụ có sự cân bằng cực kỳ chính xác giữa trọng lực và lực nổ của Big Bang ở điều kiện ban đầu. Nếu lực nổ yếu hơn một chút, trọng lực của vật chất sẽ kéo chúng vào nhau tạo thành những lỗ đen (black holes). Nếu lực nổ mạnh hơn trọng lực một chút, vũ trụ chỉ là những đám mây khí hydro không bao giờ tạo ra vật chất và hành tinh để kết tụ thành thiên hà. Hai kịch bản này không sinh ra vũ trụ, chúng ta sẽ không có thiên hà, không có thái dương hệ, quả đất, và tất nhiên không có sinh thực vật và con người. "Một chút" là bao nhiêu? Các nhà khoa học đã tính ra con số cho "một chút" là 1 trên 1060 (60 con số 0 sau số 1) (trang 179). Nghĩa là, nếu lực nổ Big Bang ở lúc khởi đầu chệch hơn 1 phần trên 1060 thì một vũ trụ đồng nhất, hài hòa mà chúng ta đang có không bao giờ xuất hiện. Một độ chính xác vượt ra ngoài sự tưởng tượng không có trong thế giới loài người. Nó giống như có người bắn một viên đạn trúng vào mục tiêu có diện tích 5 cm2 ở cách xa 20 tỷ năm ánh sáng! Tên lửa liên lục địa của con người bắn xa khoảng 15.000 km chỉ có độ chính xác trong phạm vi với bán kính vài trăm mét; độ chệch này quá tệ khi so với 1 trên 1060 (1/1060). Con số 1/1060 cũng nói lên trong 1060 trường hợp thì chỉ có 1 trường hợp để vũ trụ xuất hiện toàn vẹn như ta đang có. Xác suất này rất rất nhỏ so với việc trúng lô độc đắc xổ số (nếu là tấm vé 9 con số thì xác suất trúng độc đắc chỉ là 1 phần tỷ, 1/109). Vì sao vũ trụ lại có thể tự điều chỉnh một cách chính xác như vậy? Chưa có câu trả lời.
Hệ quả của độ chính xác kỳ diệu này là sự hình thành của vũ trụ được biểu hiện qua 15 hằng số. Một hằng số điển hình là vận tốc ánh sáng (300.000 km/s), sau đó là hằng số vạn vật hấp dẫn Newton, G (6,67 x 10-11 Nm2/kg2), hằng số Planck, h (6,625 x 10-34 Js), khối lượng của electron (9,1091 x 10-31 kg), của proton, điện tích electron, v.v... Đây là những hằng số bất biến đối với thời gian và không gian. Nếu có người ngoài hành tinh sống ở một thiên hà khác họ cũng sẽ đo được những hằng số này. Nguyên tử hydrô trên quả địa cầu cũng giống như hydrô ở hành tinh xa xôi nào đó trong vũ trụ. Khối lượng của proton nặng gấp 1836 lần khối lượng electron (trang 187). Toàn thể vũ trụ đồng nhất không hỗn loạn mà là một cấu trúc có trật tự tuyệt đối là từ những con số kỳ diệu này. Tại sao lại là những con số này mà không phải là con số khác? Sự kỳ diệu liên tiếp xảy ra từ lúc vũ trụ được "sáng thế" từ cái không có đến một vũ trụ có tất cả mọi thứ bao gồm vật chất, thời gian và không gian.
Câu trả lời dễ dàng nhất là do bàn tay của Thượng Đế. Nhưng đa số các nhà khoa học không muốn có những câu trả lời dễ dàng. Sự "sáng thế" của vũ trụ hay Big Bang có thể chỉ là một sự kiện của chuỗi sự kiện vô thủy vô chung. Vụ nổ lớn (Big Bang) sẽ tiến đến vụ sụp đổ lớn (Big Crunch) trong đó vũ trụ thu nhỏ chuẩn bị cho một vụ nổ lớn kế tiếp. Ngoài ra một số nhà khoa học trong đó có Brian Cox và Michio Kaku nói đến khả năng hiện hữu của đa vũ trụ trong đó có vũ trụ của chúng ta. Như vậy, sẽ có nhiều Thượng Đế, một cho mỗi vũ trụ. Điều này không thể chấp nhận trong tín điều Ki-tô giáo. Chúng ta lọt vào chủ nghĩa đa thần. Theo Micho Kaku, khi hai vũ trụ gặp nhau chúng kết hợp thành một vũ trụ to hơn như hai quả bong bóng kết hợp vào nhau. Khi một vũ trụ tách ra làm hai thì sẽ có vụ nổ lớn Big Bang. Hai giả thuyết này cho thấy không có điểm khởi đầu và tự động phủ nhận sự "sáng thế" do bàn tay Thượng Đế. Chuỗi nhân quả, G …. tới E4 tới E3 tới E2 tới E1, bắt đầu từ điểm G (God) trở nên vô nghĩa.
Khi nói về thuyết đa vũ trụ, tác giả Davies cho rằng niềm tin vào đa vũ trụ cũng như niềm tin vào Thượng Đế. Ông đưa ra một tình huống "siêu thực" và khuyên rằng nếu chúng ta chưa đặt chân (visit) tới những vũ trụ khác thì thay vì gởi niềm tin vào thuyết đa vũ trụ thì tốt hơn hãy tin vào Thượng Đế. Trong tương lai khoa học có thể cho thấy bằng chứng của đa vũ trụ. Nhưng từ bây giờ cho đến lúc đó, chúng ta hãy xem những hằng số mầu nhiệm trên là chứng cớ rõ rằng nhất của sự thành hình vũ trụ bởi sự thiết kế có chủ ý không phải do một ngẫu nhiên (trang 189). Tác giả từng cảnh giác về khái niệm "Thượng Đế của những khoảng hở" (God of the gaps). Nghĩa là những hiện tượng mà khoa học chưa giải thích được (khoảng hở) thì Thượng Đế là người sáng tạo như câu nói ngắn gọn dân dã "Trời sanh" của người Nam Bộ. Tác giả cho đây là một thái độ tiêu cực vì một khi ánh sáng khoa học vươn tới thì Thượng Đế sẽ biến mất. Nhưng lời khuyên độc giả nên tin Thượng Đế hơn là thuyết đa vũ trụ chứng tỏ tác giả không nhất quán. Tác giả vừa cảnh giác "Thượng Đế của những khoảng hở" vừa vô tư vi phạm lời cảnh giác của mình.
Thượng Đế đã tạo ra Sự sống?
"Sự sống là gì?" là đề tài của "Chương 5" (trang 50). Đối với các nhà thần học, sự sống là cực điểm của phép màu và sự sống của loài người là tuyệt đỉnh của những thành quả trong kế hoạch tổng thể sáng tạo vũ trụ của Thượng Đế. Sự sống xuất hiện trên quả đất không phải là một đề tài mới. Thuyết tiến hóa của Darwin từng làm lung lay đến tận gốc của học thuyết Ki-tô giáo. Darwin không đề cập đến nguyên nhân phát sinh của sự sống mà chỉ nói đến tiến hóa của các loài qua sự chọn lọc tự nhiên. Nhưng điều này cũng đủ để gây ra những tranh cãi kịch liệt giữa tôn giáo (Ki-tô giáo) và khoa học. Nhà vật lý học vĩ đại Erwin Schrödinger vào năm 1944 đã xuất bản một quyển sách mỏng "What is life?" mở ra một thời đại mới đem đề tài "sự sống" vào cái khung khoa học trước cả sự phát hiện của phân tử di truyền (gene) DNA của Rosalind Franklin, James D. Watson and Francis Crick. Sự sống của vạn vật từ cây cỏ đến con người, theo Kinh Thánh, là kết quả từ quyền lực siêu phàm của Thượng Đế. Nếu như vậy, tác giả Davies thắc mắc có phải Thượng Đế đã vi phạm những định luật vật lý và hóa học vì thao tác những phân tử "trơ" (không có sự sống) và một cách thần kỳ, hô biến chúng thành những vật sống đầu tiên? Có phải Thượng Đế đã thao túng hệ thống di truyền của người vượn để biến chúng thành người hiện đại? Trong một thời gian dài trước sự phát hiện của mã di truyền tạo nên phân tử DNA, người ta tin rằng cần một "lực sống" (life force) thổi phà vào một tập hợp nguyên tử "trơ" để biến thành vật sống; tương tự như phim Hollywood "Frankenstein".
Những vật sống như sinh thực vật, cây cỏ, côn trùng, con người đều có những nguyên tử như hydro, oxy, cacbon, phospho giống những vật trơ quanh ta như đất, đá, khoáng chất v.v… Nhưng điều khác biệt lớn giữa vật sống và vật trơ là vật sống có sự sắp xếp những nguyên tử thành cấu trúc phức tạp giàu tính tổ chức với một trật tự nhất định. Cấu trúc sinh học cho thấy một trật tự thứ bậc từ vi mô đến vĩ mô vô cùng phong phú xuất phát từ nguyên tử, phân tử, bào quan (organelle), tế bào, mô, cơ quan, sinh vật… Cách sắp xếp của các mã di truyền trong phân tử DNA, có hình dạng chiếc thang xoắn biểu hiện tính phức tạp và cách tổ chức ở tận mức phân tử là một đặc trưng khác của sự sống. Hai đặc điểm, phức tạp và giàu tổ chức, khiến cho sinh vật sơ khai như vi khuẩn đủ "thông minh" để hoạt động "hướng đích" và sống còn. Con vi khuẩn COVID 19 đã làm điên đảo thế giới vì nó tinh ranh biết cách thao túng tế bào con người, đủ thông minh biến thể để chống lại phân tử vác-xin.
Một vật sống, giống như chiếc máy tính, có phần mềm và phần cứng. "Phần mềm" là mã di truyền và "phần cứng" là cơ thể. Những nguyên tử trơ không cần phải thổi phà "lực sống" làm chúng "cọ quậy" thành vật sống mà chúng có thể sắp xếp theo chiều hướng phức tạp thành những mã di truyền làm "phần mềm" điều khiển mọi hoạt động hướng đích của "phần cứng". Nhưng sự sắp xếp mang tính tổ chức có trật tự có thể xảy ra trong một tập hợp hỗn loạn của nguyên tử phân tử hay chăng? Hay nói cách khác, để có sự chuyển hoán từ "hỗn loạn" sang "trật tự" tập hợp cần năng lượng, chẳng hạn từ năng lượng mặt trời hay năng lượng từ thức ăn và ở trong điều kiện nhiệt động học thích hợp, tập hợp nảy sinh đặc tính "tự tổ chức" (self-organizing). Ví dụ, dung dịch muối ion natri và ion clo là một trạng thái hỗn loạn nhưng khi ta cung cấp nhiệt làm nước bốc hơi thì ion natri và ion clo tự sắp xếp thành tinh thể. Tinh thể là một cấu trúc trật tự đơn giản. Phân tử DNA cũng là một tập hợp "tự tổ chức" trong đó các mã di truyền được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Nhưng tính "tự tổ chức" vẫn chưa đủ. DNA cần chứa nhiều thông tin cho việc sản xuất các loại protein nhằm duy trì sự tinh vi và phức tạp của tồn tại sống để đáp ứng nhu cầu tự quản, sinh tồn và thích ứng. Mà để có một thông tin nào đó, sự sắp xếp theo trình tự của các mã di truyền phải là một sắp xếp đặc thù độc nhất trong con số khổng lồ của hàng tỷ tỷ cách sắp xếp. Nhưng ai đã định hướng cách sắp xếp cho DNA? Chưa biết. Tác giả Davies băn khoăn phải chăng DNA là một vật thể của phép màu?[2]
Những nghiên cứu của các nhà khoa học hiện đại đã cho thấy sự sống là một cơ cấu của tuyệt đỉnh trật tự và không có chứng cớ về sự hiện hữu của "lực sống"; nó chỉ là sự tưởng tượng của con người. Nhưng tại sao DNA có thể làm vật "trơ" trở thành vật biết "cọ quậy"? Cho đến bây giờ nguồn gốc của sự sống chưa được lý giải hoàn toàn. Phải chăng, tác giả Davies tự vấn, nghiên cứu về sự sống – về nguồn gốc và cách vận hành của nó – quá đủ để chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế? Nhưng ông chóng vánh trả lời rằng kiến thức giới hạn của chúng ta về nguồn gốc của sự sống có thể dẫn đến nhiều cách lý giải dựa vào thần linh và cuối cùng sẽ đưa đến khái niệm "Thượng Đế của những khoảng hở". Thay vào đó ông đề nghị nên xem sự sống không phải là một phép lạ (miracle) đơn lẻ, mà là một phần không thể thiếu của vũ trụ nhiệm mầu. Ông mập mờ vừa duy vật vừa duy tâm, vừa phủ nhận Thượng Đế ở câu trước lại chấp nhận ở câu sau (trang 70).
Khoa học và Tôn giáo
Trong một quyển sách dày không hơn 250 trang, tác giả Davies đã cung cấp nhiều khái niệm trong vật lý, thuyết lượng tử, vũ trụ học, sinh học, tâm lý học và trích dẫn nhiều câu nói của những khoa học gia nổi tiếng. Nếu triển khai đầy đủ quyển sách có thể dày gấp ba lần. Vì thông tin quá cô đọng nên quyển sách rất khó đọc thậm chí cho những độc giả có trình độ đại học và nhất định không phải là sách cho độc giả không chuyên (layman) như ông mong muốn.
Văn phong của ông có nhiều chỗ tùy hứng, thậm chí mâu thuẫn. Thỉnh thoảng ông biện luận như nhà triết học hơn là một nhà khoa học. Trong cùng một chủ đề, ông trích dẫn nhiều nguồn từ nhiều tác giả có ý kiến khác nhau khiến người đọc khó nắm bắt bản chất của vấn đề. Chẳng hạn, ông trích dẫn nhị nguyên luận (dualism) nói đến phần hồn và phần xác con người (trang 79). Linh hồn được định nghĩa là "nguồn cội của những hoạt động tư duy" (trang 78). Chủ thuyết này cho rằng tâm trí (linh hồn) là vật nhưng không phải hữu hình vật chất mà là một loại hơi (aetherial) mong manh, thứ mà nó làm nên tư duy và mộng mị (trang 79). Vậy hơi này nằm ở đâu? Nó không nằm trong não bộ hay một chỗ nào đó trong cơ thể, và cũng không có chỗ nào khác trong không gian (trang 78). Tác giả Davies đề nghị có thể nào tân vật lý với khái niệm không thời gian đa chiều là nơi trú ngụ của linh hồn? Tôi không hiểu nhiều về tâm lý học và y học, nhưng khi đọc đến đoạn này tôi hoang mang trước sự tùy hứng của tác giả hòa lẫn tâm linh và khoa học. Tại sao không nghĩ đơn giản hơn là những hoạt động của linh hồn/tinh thần/tư duy phát sinh từ cơ chế phức tạp của não bộ mà đến nay khoa học (bao gồm cả y học) vẫn chưa có lời giải đáp toàn diện.
Tác giả tự nhận rằng ông thuộc nhóm các nhà khoa học không theo tôn giáo nào nhưng không chấp nhận sự khai sinh của vũ trụ là do sự ngẫu nhiên, nghĩa là vũ trụ phải là kết quả của một thiết kế vĩ đại có chủ ý. Đây là một nghịch lý trong tư duy của tác giả Davies. Qua những công trình khoa học của mình, ông ngày càng tin tưởng mạnh mẽ hơn rằng vũ trụ vật chất được phối hợp một cách đơn giản đáng kinh ngạc đến mức ông không thể chấp nhận nó đơn thuần là sự thật (fact). Nhưng khoa học dựa trên sự thật; khoa học không dựa vào niềm tin (faith). Đối với ông, dường như phải có lời giải thích ở mức độ sâu sắc hơn vượt ngoài những thông tin khoa học. Có lẽ, ông ám chỉ niềm tin. Vì vậy, không gì ngạc nhiên khi đối diện trước những điều kỳ diệu trong việc khai sinh của vũ trụ và sự sống của muôn loài trên quả đất, những điều mà khoa học chưa giải thích được, tác giả không chút ngần ngại cho đó là siêu nhiên, phép màu, hay là một thành quả có chủ ý. Tóm lại, đó là Thượng Đế. Mặt khác, ông lại cảnh giác đừng vội đeo đuổi "Thượng Đế của những khoảng hở" vì một khi khoa học có lời giải đáp thì Thượng Đế phải dứt áo ra đi.
Cũng có lúc ông nghi ngờ tính toàn năng (omnipotent) và lòng nhân từ bác ái (benevolent) của Thượng Đế. Thượng Đế không ngăn được cái ác trong đó có chiến tranh, chém giết, ngày xưa giết bằng giáo mác ngày nay bằng bom nguyên tử; cho nên Thượng Đế không toàn năng. Nếu cái ác là chủ ý của Thượng Đế để trừng phạt con người thì Thượng Đế không nhân từ. Vì vậy, Thượng Đế không thể vừa toàn năng vừa nhân từ cùng lúc như tín điều tôn giáo thường đề cao (trang 143). Phần lớn những nhà khoa học không tin và cũng có một số tin vào sự hiện hữu của Thượng Đế, nhưng rất hiếm nhà khoa học như tác giả Davies đứng "chân trong chân ngoài" ở lằn ranh phân cách giữa khoa học và thần linh.
Ông chấp nhận vụ nổ lớn Big Bang khai sinh ra vũ trụ là sự kiện có tính "sáng thế" như đã ghi trong Kinh Thánh. Nhưng ông không mặn mà với thuyết đa vũ trụ hay vũ trụ là một thực thể vô thủy vô chung sinh sinh diệt diệt không có điểm khởi đầu, vì hai giả thuyết này không cần hoặc có quá nhiều Thượng Đế. Bàn tay Thượng Đế như là nguyên nhân của việc khai sinh của vũ trụ từ vụ nổ lớn là từ cái "không có" ra trạng thái có tất cả mọi thứ. Một cách gián tiếp ông cũng chấp nhận thuyết lượng tử cho thấy một sự kiện có thể xảy ra mà không cần nguyên nhân (trang 102). Khi đã có vũ trụ thì theo tác giả vật chất được sinh ra trong trạng thái năng lượng bằng zero do sự bù trừ giữa năng lượng dương và năng lượng âm. Như vậy, chúng ta thừa hưởng được một vũ trụ, thái dương hệ, quả đất mà không phải trả tiền cho nhiều buổi cơm trưa miễn phí! Theo tôi, điều này vô lý trước những quy luật khoa học. Dù quy luật khoa học chưa giải thích được hết sự "kỳ diệu" của vũ trụ và sự sống, nhưng từ những công trình khoa học hàng trăm năm qua chúng ta biết rằng vũ trụ và sự sống chưa bao giờ bất tuân những quy luật khoa học. Hạt giống vũ trụ là một điểm cực nhỏ cực đặc và cực nóng. Cực đặc biểu hiện vật chất. Cực nóng biểu hiện năng lượng. Vật chất và năng lượng từ đầu tới? Khoa học chưa có lời giải đáp. Phải chăng vũ trụ có "tiền kiếp"? Có thể vũ trụ đã hiện hữu từ thuở xa xưa và vẫn vậy. "Tiền kiếp" đã trải qua quá trình thu nhỏ "Big Crunch" trở thành hạt giống của vũ trụ hiện tại và nhận được di sản đầy đủ vật chất và năng lượng. Năng lượng của vũ trụ ở dạng nhiệt thành hình từ cái "không có" không thể xảy ra. Theo định luật thứ nhất của nhiệt động học năng lượng không tự sinh tự diệt mà chuyển hoán thành nhiều dạng khác nhau như nhiệt năng, cơ năng, điện năng và khối lượng vật chất. (Ví dụ, pin của chiếc xe hơi điện chuyển đổi hóa năng thành điện năng bằng các phản ứng hóa học, điện năng biến thành cơ năng làm di chuyển 4 bánh xe; xe chạy gây ra sự ma sát giữa bánh xe và mặt đường sinh ra nhiệt năng). Vì năng lượng không thể tự sinh từ zero, vũ trụ không thể là kết quả của những "buổi cơm trưa miễn phí" của Thượng Đế.
Ngoài việc Thượng Đế không thể vừa toàn năng vừa nhân từ bác ái, tác giả Davies cũng cảm nhận được sự bất cập của Thượng Đế trong chuỗi nhân quả G…. tới E4 tới E3 tới E2 tới E1 trong đó G (Thượng Đế) là khởi đầu của chuỗi nhân quả, là nguyên nhân của tất cả. Đối với các nhà thần học Thượng Đế xuất hiện không cần nguyên nhân. Đó là một điều hiển nhiên không cần bằng cớ mà chỉ cần niềm tin (faith). Niềm tin cũng còn được gọi một cách tình cảm là lòng tin hay trang trọng hơn là đức tin; một điều thiêng liêng không gì thay thế được. Nhưng đối với nhà khoa học, sự thật khách quan không cần niềm tin mà cần bằng cớ được thực nghiệm kiểm chứng. Đó sự khác biệt lớn giữa tư duy khoa học và tôn giáo.
Thuyết tương đối của Einstein đã thống nhất không gian và thời gian đưa ra khái niệm không thời gian. Nếu Thượng Đế tạo ra không gian thì cùng lúc phải tạo ra thời gian. Vậy, trước "sáng thế" của vũ trụ thì Thượng Đế đã có mặt nhưng Ngài đang ở đâu và thời điểm nào khi chưa có không thời gian? Không cần phải vận dụng những quy luật khoa học phức tạp mà chỉ cần sự thường thức để diễn giải thì đây là một bất cập chí mạng cho việc bảo vệ sự hiện hữu của Thượng Đế toàn năng.
Dù sự hiện hữu của Thượng Đế có mập mờ dưới ánh sáng của lô-gíc, tác giả Davies đã viết ở cuối quyển sách (trang 229) ông tin khoa học là con đường chắc chắn hơn tôn giáo trong việc tìm thấy Thượng Đế. Quyển sách rất hữu ích đối với những nhà thần học cho việc trang bị những kiến thức khoa học hiện đại để củng cố sự hiện hữu của một Thượng Đế toàn năng. Tác giả Davies viết quyển sách này (xuất bản năm 1983) lúc ông đang tiến lên điểm đỉnh của nghiên cứu khoa học và nồng nhiệt nghĩ rằng quy luật khoa học có cùng nền tảng như "niềm tin". Trong cùng một ý tưởng ông đã viết "The mind of God" (Tư duy Thượng Đế, xuất bản năm 1992). Để nhìn nhận công lao của ông mang đến tôn giáo chiếc áo choàng khoa học, năm 1995 tổ chức tôn giáo Templeton Foundation đã trao ông một giải thưởng trị giá 1 triệu đô la, số tiền tương đương với giải Nobel. Năm 1999, ông xuất bản quyển "The 5th miracle" (Phép màu thứ 5) mà tôi đã viết bài bình luận [2]. Khác với quyển "God & the new physics" với chữ "God" xuất hiện thường xuyên trên mỗi trang sách, thì "God" hầu như vắng bóng trong "The 5 the miracle". Dù vậy mạch văn của ông cũng bàng bạc hình ảnh của một Đấng Sáng Tạo.
Lời kết
Quyển sách đã mang đến nhiều thông tin hữu ích từ những thành quả nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết của tân vật lý trong nhiều thập niên qua. Nhưng tính khách quan khoa học của quyển sách sẽ được người đọc đánh giá tốt hơn nếu yếu tố tôn giáo không xuất hiện thường xuyên trên những trang sách. Tác giả hy vọng độc giả không chuyên vô thần lẫn hữu thần, đối tượng chính của ông, sẽ hiểu được nội dung của quyển sách mà không cần đến kiến thức khoa học cơ bản. Tôi e rằng ông không đạt được điều này. Ông là nhà khoa học uyên bác nhưng độc giả khó bắt kịp được sự thông thái của ông với lượng thông tin tràn ngập và nhiều khái niệm khoa học vượt qua sự hiểu biết của người bình thường nhưng không được giải thích mạch lạc.
Tác giả đã định lượng nhiều hiện tượng bằng những con số cực to lẫn cực nhỏ để cho thấy sự kỳ diệu của vũ trụ và sự sống trên quả đất. Ông cho rằng sự thành công của phương pháp khoa học trong việc khám phá bí ẩn của thiên nhiên bằng những phương trình hay con toán đã làm chúng ta quá đỗi kinh ngạc khiến ta quên mất một pháp màu vĩ đại nhất, đó là: khoa học đã làm nên việc. Thậm chí các nhà khoa học vẫn vô tư xem việc chúng ta đang sống trong một vũ trụ hợp lý có trật tự được chi phối bởi những quy luật được khám phá bởi trí tuệ con người như là một chuyện đương nhiên. Những quy luật đó cực kỳ chính xác khiến tác giả băn khoăn tại sao chúng có thể đạt được trình độ tinh vi như vậy là một điều bí ẩn. "Bí ẩn" của tác giả Davies có thể hiểu là sự toàn năng vô hạn của Thượng Đế. Theo suy luận của tác giả ta có thể ví nhà khoa học như người tìm và khám phá mỏ vàng nhưng vàng đó là "Trời sanh". Nhà khoa học chỉ khám phá nhưng không phải là người "sáng tạo" ra quy luật. Oái oăm thay, những hiện tượng mà quy luật khoa học chưa lý giải được thì cuối cùng cũng được đưa đến kết luận là từ bàn tay Thượng Đế. Chao ôi, nếu mọi việc đều phải được Thượng Đế sáng tạo và quyết định thì Ngài quả là người vô cùng bận rộn của toàn thể vũ trụ. Và khi khoa học bị đặt trong vòng vây của niềm tin Thượng Đế thì lúc đó sẽ là một bi kịch lắm nghẹn ngào "Tứ diện Sở ca" của những nhà nghiên cứu khoa học!
Chúng ta có thể nhìn từ một góc độ khác, nhẹ nhàng, đơn giản, lôi cuốn và nhiều lô-gíc hơn. Nếu muốn tìm hiểu hiện tượng thiên nhiên thì cần đến khoa học vì hành xử của thiên nhiên từ thuở khai thiên lập địa đến tận hôm nay vẫn một mực trung thành và chưa một lần quay lưng trước quy luật khoa học. Hai cột trụ của tân vật lý, thuyết lượng tử và thuyết tương đối, ra đời hơn 100 năm trước tạo nên cuộc cách mạng lần thứ hai của lịch sử khoa học 400 năm, đánh dấu bước đột phá vĩ đại trong khoa học và đã nâng cao tầm hiểu biết của con người trước sự kỳ diệu của vũ trụ và sự sống. Tại sao chúng ta phải núp bóng Thượng Đế cúi đầu trông chờ sự toàn năng vô hình cho một lời giải thích mà không lạc quan và cụ thể nghĩ rằng bằng trí tuệ trác tuyệt của mình loài người sẽ có một cuộc cách mạng tương tự lặp lại trong vài mươi hoặc trăm năm tới để giải phóng con người ra khỏi bóng tối của cái gọi là "kỳ diệu" và "bí ẩn"?
Tôi nghiền ngẫm quyển sách, lắm lúc đọc từng dòng từng chữ mong nhìn được dung nhan Thượng Đế nhưng tôi không tìm thấy Ngài như tác giả Davies kỳ vọng. Tôi chỉ thấy sự mâu thuẫn, lửng lơ trong biện luận của tác giả và tư duy ông vô hình trung lọt thỏm vào cái bẫy "Thượng Đế của những khoảng hở" mà ông từng khuyên độc giả phải dè chừng.
Trương Văn Tân