Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, các nhà đầu tư ngoại chiếm đến 90% số lượng giao dịch M&A bất động sản thời gian vừa qua.
Mới đây, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) bất động sản đã lộ diện thêm những thương vụ mới. Đó là cuộc chơi sôi nổi của các nhà đầu tư ngoại lẫn các doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể những thương vụ M&A đáng chú ý như: Gamuda Land chi 7.200 tỷ mua lại dự án quy mô 3,68ha của Tâm Lực tại Tp.Thủ Đức và hiện đã khởi công dự án; SkyWorld Development Berhad (Malaysia) mua 2.060 m2 đất tại quận 98, Tp.HCM từ CTCP Thuận Thành với giá 14,3 triệu USD; Capitaland đã mua dự án KĐT Tân Thành, Bình Dương quy mô 18,9ha từ Becamex IDC; Capitaland đã mua dự án 4.000 căn hộ phía Tây Hà Nội.
Các doanh nghiệp trong nước cũng xu hướng M&A và hợp tác quốc tế như Kim Oanh ký kết hợp tác với Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore); Hưng Thịnh hợp tác với Marubeni - Tập đoàn đa ngành Nhật Bản thực hiện dự án trung tâm hành chính mới TP. Thủ Đức; Saigonres (Việt Nam) mua 90% cổ phần CTCP Đức Nhi, trở thành chủ sở hữu lô đất 7.700m2 tại Q.Tân Phú, Tp.HCM; First Real Land mua 22% cổ phần vốn điều lệ của CTCP TM-DV Bạch Đằng, chủ sở hữu lô đất 6.879m2 tại Đà Nẵng với giá 8,2 triệu USD.
Cận những ngày cuối năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền cũng muốn mua 7 thửa đất tại Thủ Đức với giá trị khoảng 294 tỷ đồng. Nhưng mới chỉ dừng lại ở kế hoạch.
Theo các chuyên gia, M&A dự án là cơ hội cho khối nội có tài chính mạnh mở rộng quỹ đất, khối ngoại mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Sự tham gia sâu rộng hơn của chủ đầu tư ngoại giúp tăng tính minh bạch, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình sản phẩm, dự án, và là động lực để chủ đầu tư trong nước nỗ lực cạnh tranh, nâng tầm vị thế. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính sớm có dòng tiền để chi trả chi phí, tái cấu trúc nợ và tiếp tục hoạt động.
Như vậy, giữa bối cảnh thị trường còn chưa hết khó khăn, cận Tết một số thương vụ M&A lớn với giá trị hàng trăm triệu USD phần nào kích hoạt không khí của bất động sản.
Tuy nhiên, hoạt động M& A nhìn chung vẫn nằm trong tay khối ngoại. Trong năm 2024, thị trường bất động sản được dự báo vẫn đối diện với tình trạng khát vốn khi điều kiện tiếp cận tín dụng còn khó khăn, thủ tục pháp lý chưa tháo gỡ được hoàn toàn. Theo đó M&A được dự báo tiếp tục sôi động, và phần lớn vẫn là cuộc chơi của các doanh nghiệp ngoại.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, các nhà đầu tư ngoại chiếm đến 90% số lượng giao dịch M&A. Điều này là do doanh nghiệp nội hiện vẫn đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như: tình hình chung của nền kinh tế, pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, chưa tiếp cận được dòng vốn.
Theo bà Trang, lúc này chính là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài có sẵn nguồn tiền và họ chờ đợi để có thể bắt đầu thu gom, mua hoặc đầu tư vào các dự án họ đang cần nguồn vốn. Đồng thời, một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026, nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực. Khẩu vị đầu tư là dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển.
Hiện nay, nhà đầu tư ngoại bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần. Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng 20 - 50 triệu USD.
Xét về phân khúc, nhà ở và bất động sản công nghiệp vẫn là hai phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm và tìm kiếm của nhà đầu tư. Song vướng mắc về pháp lý là rào cản khiến các thương vụ bị kìm chân, nhà đầu tư ngoại không có nhiều cơ hội chọn lựa, nên hoạt động M&A phát triển không tương xứng với tiềm năng.
Đại diện Hội môi giới bất động sản Việt Nam mới đây cũng cho hay, thị trường địa ốc sẽ có sự chuyển mình trong năm 2024. Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong thời gian qua nhằm phát triển thị trường theo hướng minh bạch và lành mạnh hơn đã phát huy tác dụng. Đây là tiền đề quan trong để thị trường bất động sản nói chung, hoạt động M&A nói riêng có điều kiện thuận lợi đi đến các bước chốt cuối cùng.
Hạ Vy - Theo Nhịp sống thị trường