Khi con đường đi đúng hướng thì mọi thứ có thể rất khác đối với Việt Nam. Khi đó mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 sẽ trở thành hiện thực.
Công nhân làm việc tại nhà máy Nestlé Bình An trong khu công nghiệp AMATA, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
"Nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình lúc nào cũng rình rập nếu chúng ta không tìm được con đường mới, bước đi mới" - Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra vấn đề hết sức quan trọng này trong buổi gặp các nguyên lãnh đạo, giới trí thức và văn nghệ sĩ phía Nam tại TP.HCM vào hôm 9-1, đồng thời chỉ ra tính cấp bách và cần thiết của việc tìm ra con đường trở thành nước phát triển của Việt Nam.
Nhận định của ông Tô Lâm là sự nhìn thẳng vào vấn đề để tìm cách phát triển.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công có thể gợi mở cho Việt Nam tránh được nguy cơ đó.
Sự phát triển của Nhật Bản ngày nay có nguồn gốc từ phong trào Lan học (Hà Lan học và mở rộng ra thành Tây học) trong khoảng 200 năm, từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19.
Phong trào này đã diễn ra với một bộ phận trí thức trong giai đoạn bế quan tỏa cảng của chính quyền Mạc Phủ.
Khi những người cải cách với tư tưởng tiến bộ lãnh đạo mở cửa đất nước tham gia sân chơi toàn cầu thì nền tảng của Lan học và cạnh tranh quốc tế đã giúp Nhật Bản cất cánh.
Sau mấy chục năm, Nhật Bản thậm chí đã tham gia vào trục Ý - Đức với tham vọng vẽ lại bản đồ quyền lực thế giới dẫn đến Thế chiến thứ hai. Cho dù thua trận nhưng những nền tảng vẫn còn đó.
Do vậy đất nước xứ hoa anh đào vẫn tiếp tục con đường tiếp thu tri thức nhân loại và cạnh tranh quốc tế để trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới trong một thời gian.
Hàn Quốc cũng đi theo con đường rất giống Nhật Bản. Sau khi giành được độc lập vào cuối thập niên 1940, một số lượng đáng kể người Hàn Quốc đã đi du học. Nền kinh tế nước này đã gặp trục trặc hơn một thập niên với những chế độ bị tham nhũng và thân hữu chi phối.
Khi Park Chung-hee lãnh đạo đất nước, ông đã thực hiện khát vọng quốc phú binh cường của nước này bằng cách tiếp tục đưa người Hàn đi du học và tạo đất dụng võ cho những người trở về bằng khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu.
Người Hàn Quốc cũng nỗ lực làm bằng được những sản phẩm bán ra thế giới, mà bây giờ chúng ta thấy họ đã làm được ở nhiều lĩnh vực.
Một công thức tương tự đã được Đài Loan áp dụng và đã thành công.
Quá trình mở cửa và đạt được giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao và dài nhất thế giới của Trung Quốc bắt đầu từ những chuyến công du nước ngoài của Đặng Tiểu Bình vào cuối thập niên 1980. Trong đó đáng kể nhất là chuyến đi của ông đến Singapore và Mỹ.
Ông Đặng đã học hỏi một cách triệt để mô hình quản trị quốc gia hiệu quả của Singapore (thiểu số dựa vào tài năng) để áp dụng tại Trung Quốc.
Ý tưởng xây dựng rất nhiều "Singapore" của ông đã thành công là kết quả tất yếu tạo ra sự cạnh tranh, áp lực và khát vọng bá chủ thế giới của người Trung Quốc. Về cơ bản, Trung Quốc đã có một chính quyền hiệu quả trong nhiều thập niên qua.
Khi làm lành với Mỹ, Trung Quốc đã có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế và tận dụng tri thức từ bên ngoài.
Nhiều người Trung Quốc đã đi du học và họ đã có những đóng góp cho sự phát triển của đất nước tỉ dân này.
Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài khôn ngoan, cộng với lợi thế thị trường rộng lớn, đã giúp Trung Quốc tiếp thu được tri thức bên ngoài và tạo đất dụng võ cho đội ngũ du học sinh cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước.
Hong Kong và Singapore còn triệt để hơn các nền kinh tế khác khi biến mình thành thiên đường kinh doanh cho các doanh nghiệp và tri thức toàn cầu. Tất cả các thành phần kinh tế (nhà nước, tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài) đều rất thành công.
Với mảnh đất hình chữ S, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm 5 thế giới trong gần 4 thập niên qua và thu hút được rất nhiều đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đang có một đội ngũ du học sinh đông đảo và rất nhiều tài năng đang làm việc khắp nơi trên thế giới. Tinh thần kinh doanh của người Việt cũng rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có được bộ máy nhà nước hiệu quả có thể thu hút được nhiều tài năng hơn như mong muốn.
Hơn thế, dư âm tình trạng sợ trách nhiệm từ chiến dịch chống tham nhũng đang là một trở lực rất lớn hiện nay. Có lẽ do một số ràng buộc nào đó mà quyết tâm ra biển lớn của đội ngũ doanh nhân Việt chưa cao bằng những nơi đã thành công như đã nêu trên.
Chúng ta vẫn chưa tìm được công thức để nhiều tài năng người Việt có đất dụng võ ngay ở quê nhà thay vì ở nước ngoài.
Đây chính là những điều cần phải làm bằng được để Việt Nam có thể vươn mình. Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, về phát triển khoa học kỹ thuật với nghị quyết 57 là những bước khởi đầu.
Khi con đường đi đúng hướng thì mọi thứ có thể rất khác đối với Việt Nam. Khi đó mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 sẽ trở thành hiện thực.
TS HUỲNH THẾ DU - Theo Tuổi Trẻ