Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể khai thác hơn 68.600 MW điện gió trên đất liền và hơn 31.500 MW điện mặt trời - thể hiện nguồn lực kỹ thuật lớn cho phát triển bền vững, cũng như chuyển đổi năng lượng xanh trong tương lai.
Hội thảo "Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp ĐBSCL", do Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Khoa học và Hợp tác NetZero Việt Nam – Asia (Vanza) và Hua Wei tổ chức vào chiều 14/11.
Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đến năm 2035, khu vực ĐBSCL có thể khai thác hơn 68.600 MW điện gió trên đất liền và hơn 31.500 MW điện mặt trời - thể hiện nguồn lực kỹ thuật lớn cho phát triển bền vững, cũng như chuyển đổi năng lượng xanh trong tương lai.
Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Hà Vũ Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.T
Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ Hà Vũ Sơn cho rằng, chuyển đổi năng lượng xanh là xu thế tất yếu và yêu cầu bắt buộc để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho nước ta.
Ông dẫn chứng, ĐBSCL với nguồn tài nguyên phong phú về điện gió, mặt trời và sinh khối giúp đảm bảo an ninh năng lượng. Nghị định số 135/2024/NĐ-CP đã mở ra nhiều chính sách ưu đãi mới nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
“Đặc biệt, mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà còn tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính”, ông Sơn chia sẻ.
Hiện, nhu cầu năng lượng tăng mỗi năm 15%, dự báo tiếp tục tăng trung bình mỗi năm 12% trong thập kỷ tới. Đến năm 2030, dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ là xu thế mà còn là một phần trong chiến lược phát triển bền vững.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Công ty tư vấn Điện 3 (PECC3) nhắc đến điện mặt trời mái nhà là giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc tự sản xuất và tiêu thụ năng lượng xanh.
Ông Dũng khẳng định, tự sản xuất điện không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà góp phần giảm áp lực lên lưới điện quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng nói "mô hình điện mặt trời mái nhà giúp tối ưu hóa chi phí và gia tăng hiệu quả sản xuất bền vững". Ảnh: H.T
Theo ông Dũng, ĐBSCL - nơi có nguồn bức xạ mặt trời dồi dào, mô hình điện mặt trời mái nhà giúp tối ưu hóa chi phí và gia tăng hiệu quả sản xuất bền vững. Mô hình này được triển khai ở các doanh nghiệp và trong nhân dân sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.”
Chủ tịch Trung tâm khoa học và hợp tác Net zero Việt Nam – Asia (Vanza) Hồ Quang Minh cho biết, khu vực ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, từ biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số, cho đến nhu cầu cấp bách về chuyển đổi xanh để duy trì sản xuất và phát triển kinh tế bền vững.
Việc áp dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, và các công nghệ tiên tiến không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng và hợp tác quốc tế.
Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch Vanza phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.T
“Thông qua những kiến thức và kinh nghiệm tại hội thảo sẽ giúp doanh nghiệp và các tổ chức có thêm cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo phù hợp, đồng thời góp phần vào mục tiêu chung của Việt Nam - đạt Net Zero vào năm 2050”, ông Quang Minh nói.
Hoài Thanh - Theo Vietnamnet