* Nhà văn lừng danh Kim Dung có người con trai lớn học tại Đại học Columbia (Mỹ). Vào năm 1976, ông bàng hoàng trước cái chết bi thảm của con trai, ông muốn phát điên lên chẳng hiểu vì sao cuộc đời con trai phải nhận một kết liễu bi thương đến vậy.
&1&
Vào lúc đó, gia sản văn học của ông đã có 15 bộ truyện võ hiệp (sáng tác từ 1959 đến 1972). Sau thảm kịch của con trai, ông bắt đầu chú tâm đọc kinh sách nhà Phật. Lúc đó ông cho biết:
"Tôi thực ra chẳng biết gì về đạo Phật"!
Điều này khiến nhiều người chưng hửng.
Sao, chẳng phải ông là người viết nên cuốn "Thiên Long bát bộ" hay sao? Với cuốn này, có nhiều … nhà nghiên cứu, nhà báo ở Việt Nam từng tán dương rằng Kim Dung cực kỳ uyên bác về Phật học, ắt mấy "nhà" này phải tẽn tò! Bởi vì Kim Dung, vâng, chính tiểu thuyết gia này cho biết ông thực ra cũng chỉ hiểu đạo Phật lớt phớt thôi.
Phải chi ông Kim Dung bay sang VN gặp mấy nhà nghiên cứu, nhà báo chuyên sâu "Kim Dung học" để được nghe giảng ... đạo Phật cho giác ngộ.
&2&
Ông Kim Dung là người quá thông minh để có thể lướt qua nhiều cuốn sách luận giải về Phật học, rồi đưa vào chỗ này chỗ kia trong tiểu thuyết sao cho hấp dẫn.
Tắt một lời, tài năng "đa văn" của Kim Dung cũng giống như một số người có biệt tài giảng thuyết, tạo ra màn sương lung linh về trí não, ru hồn người đọc, người nghe đến mê mẩn.
Sau cái chết bi thương của con trai, ông Kim Dung đã bỏ ra nhiều năm sau đó đọc nhiều bộ kinh Phật bằng chữ Hán để tìm sự giải thoát.
Và, quí bạn có biết rằng, Kim Dung cho biết ông hoàn toàn thất vọng vì không tìm ra câu trả lời!
&3&
Thế rồi, cho đến khi Kim Dung tìm đọc tại ĐH Oxford một số kinh Phật chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Phạn (Sanskrit) sang tiếng Anh. Lời Phật thuyết giáo giản dị đến không ngờ.
"Tôi đọc và hiểu Phật giáo là từ bản tiếng Anh", ông Kim Dung cho biết, sau đó ông đã quy y.
Vậy là...
a) Kinh Phật từ tiếng Sankrit khi chuyển ngữ qua tiếng Hán, là tiếng mẹ đẻ của Kim Dung, tréo ngoe thay, lại làm cho ông càng đọc càng mờ mịt.
Bởi vì Phật giáo đại thừa ở Hoa lục đã đưa "văn hóa Trung Hoa" (ở đây là Khổng giáo, Lão giáo) với những ngôn từ rất hoa mỹ, thậm chí "bí hiểm", trong khi chuyển dịch và chú giải kinh Phật.
Hậu quả là lời thuyết giáo trong kinh Phật và các bộ luận giải về kinh Phật ngày càng rậm rịt bởi hàng rào chữ nghĩa Hán tự "đa văn" (多文). Điều này dẫn đến - trong tiếng Phạn gọi là "jñeyāvarṇa” (hindrance of knowledge) - "sở tri chướng" (所 知 障) đó đa!
Tỉ như câu chuyện "Nhập triền thùy thủ" (入 廛 垂 手), được dịch "Thõng tay vào chợ", phong vị đạo rất ung dung, chẳng xa lạ gì với văn phong "hành đạo võ hiệp" của tiểu thuyết gia Kim Dung. Tréo ngoa hết sức, ông thừa sức múa bút như vậy, nhưng ngay chính ông cũng không thực sự hiểu.
b) Kim Dung quá đỗi trung thực, hơn nữa ông còn dũng cảm để thốt lên "chẳng hiểu sách Phật muốn nói gì" (ở đây, là sách Phật viết bằng Hán tự, bằng tiếng Tàu).
Ông Kim Dung đứng vượt lên trên, và cách xa với những người ưng làm dáng trí thức bằng những "chữ Phật" (Phật tự: 佛 字), nói như vẹt.
c) Cùng dịch từ nguyên ngữ Sanskrit, bản tiếng Anh trở nên sáng sủa hơn hẳn so với bản tiếng Hán - mà lý do (được nêu ở trên) là có sự can thiệp của tư tưởng Lão, Khổng làm bóp méo trong các bản dịch của Phật giáo đại thừa Trung Hoa.
(Kinh "The Heart Sutra", bản dịch tiếng Tàu là 般若,心經 rồi từ Tàu dịch sang Việt ngữ là "Bát Nhã tâm kinh")
*&*
Ngay đến người Tàu uyên bác như Kim Dung, đọc Kinh Phật bằng chữ Hán mà cũng thấy mờ mịt. Hậu quả là có không ít người đọc bản kinh dịch từ chữ Hán mắc phải căn bịnh "ngộ chữ" - như ưng vung tay múa môi mà nói "nhập triền thùy thủ" (入 廛 垂 手) - "thõng tay vào chợ"...
Ông Kim Dung cho biết ông đọc bản tiếng Anh "The Heart Sutra" với phần chú giải cũng bằng tiếng Anh của chính ngài Đạt Lai Lạt Ma, và ông hiểu đạo Phật là nhờ bản dịch tiếng Anh.
Quí bạn tìm đọc bộ kinh này qua bản tiếng Anh & chú giải của đức Đạt Lai Lạt Ma - vào Google gõ "The Heart Sutra", hoặc "Essence of the Heart Sutra", có bản PDF để tải xuống miễn phí.