Theo nhiều cách, 2023 là năm mà người ta bắt đầu hiểu trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự là gì và nó có thể làm gì. Đây là năm mà 100 triệu người khắp thế giới đùng một cái có thể thực sự sống, chơi và làm việc cùng AI nhờ có ChatGPT - đại diện nổi bật nhất của AI tạo sinh.
ChatGPT là nhân vật trung tâm, hẳn rồi, nhưng vẫn còn nhiều thứ để nói về AI nói riêng và bức tranh công nghệ nói chung trong năm qua.
Sàn tiền mã hóa sụp đổ, tỉ phú công nghệ bị bỏ tù, mạng xã hội lâu đời thay tên đổi chủ, những mộng mơ công nghệ tương lai vỡ tan… 2023 là một năm không giống bất kỳ năm nào khác với lĩnh vực công nghệ.
ChatGPT tròn 1 tuổi
Khi ChatGPT ra mắt công chúng trong âm thầm hơn một năm trước, không ai kể cả đội ngũ phát triển nó ở Công ty OpenAI nghĩ đó sẽ là một sản phẩm thay đổi thế giới. Tháng 11-2022, trong nội bộ OpenAI, người lạc quan nhất cũng chỉ dám đưa ra dự báo thu hút được 100.000 người dùng trong tuần đầu tiên, theo The Atlantic. Trên thực tế, ChatGPT cán mốc 100 triệu người dùng vào tháng 2-2023.
Ngay trước tháng mừng "thôi nôi", ChatGPT có khoảng 180,5 triệu người dùng toàn cầu và đạt 1,7 tỉ lượt truy cập, theo thống kê của Similar Web. Từ chỗ chỉ là một bản phác thảo ý tưởng, ChatGPT trở thành ứng dụng phổ biến nhất hành tinh và khơi dậy hứng thú với AI ở mức độ chưa từng có.
Trong một năm mà các công ty đầu tư mạo hiểm thắt chặt hầu bao, dường như bất kỳ start-up nào có chữ "AI" trong phần chào hàng của mình đều có thể huy động được vốn - 17,9 tỉ USD đổ vào các công ty AI chỉ tính riêng trong quý 3-2023, theo thống kê của Pitchbook.
Dù nhu cầu của bạn là ứng dụng ghi chú, công cụ viết nhạc hay một cách đơn giản để tóm tắt nội dung cuộc họp, quyển sách hay tài liệu pháp lý, rất dễ tìm thấy một sản phẩm AI phù hợp trên thị trường với hàng chục nhà cung cấp lớn nhỏ và tất nhiên là cả những gã khổng lồ công nghệ.
Ảnh do trang Exponential View vẽ bằng DALL-E 3. Có thể thấy dòng chữ "ChatGPIT" không chính xác, cho thấy AI tạo sinh vẫn còn nhiều khiếm khuyết.
Microsoft, một nhà đầu tư của OpenAI, đặt cược lớn vào trình tìm kiếm Bing được hỗ trợ bởi AI đồng thời tích hợp tính năng trợ lý thông minh Copilot dựa trên AI của mình vào các bộ sản phẩm Office, Windows và Azure.
Google cũng không mất nhiều thời gian để ra mắt chatbot Bard hay mới đây nhất là Gemini - được quảng bá là mô hình AI mạnh mẽ nhất của họ từ trước đến nay. Facebook từng thể hiện quyết tâm đầu tư vào vũ trụ ảo metaverse đến mức đổi tên thành Meta, giờ lại coi AI mới là phần quan trọng trong tương lai của mình, theo CNBC.
Ngay cả Apple, hãng im ắng nhất giữa cơn sốt AI trong số những gã khổng lồ công nghệ, cũng đã bắt đầu nói nhiều hơn về những nỗ lực AI của mình - và có thể sắp tới sẽ có những kế hoạch lớn để nâng cấp trợ lý ảo Siri.
AI đi vào đời sống
Đã có nhiều dự báo hùng hồn về cách AI sẽ thay đổi thế giới nhưng tác động thật sự của cuộc cách mạng do ChatGPT khởi xướng đến từ những thay đổi sát sườn. AI có thể viết email thay nhân viên văn phòng, lập trình thay cho lập trình viên, vẽ thay cho nhà thiết kế đồ họa, thậm chí làm ra một bộ phim hoạt hình hoàn chỉnh mang phong cách Pixar.
Những dịch vụ quen thuộc như công cụ tìm kiếm Internet, bộ ứng dụng tin học văn phòng hay trình quản lý thư điện tử hầu như đều đã được tích hợp các mô hình ngôn ngữ lớn để hỗ trợ người dùng mượt mà đến nỗi có thể chúng ta không nhận ra mình vẫn đang dùng AI mỗi ngày.
Tin tức tổng hợp trên các trang mạng, bài thuyết trình báo cáo ở công ty, hay một biển quảng cáo bạn vô tình thấy trên đường đều có thể là những sản phẩm có chứa một phần "chất xám" của AI đã đi vào đời sống trong một năm qua.
"(ChatGPT) đã mang đến một mùa hè ẩm ướt và nóng rực để xóa tan bất kỳ cơn lạnh giá nào còn sót lại từ mùa đông AI kéo dài" - tác giả Steven Levy viết cho tạp chí Wired. Thành công của nó không chỉ là thành công của khoa học mà còn là của nhận thức.
Bắt đầu từ những AI sơ khai giúp robot biết cách xếp chồng các khối hộp lên nhau, quá trình tiến hóa của công nghệ này đã đi qua các cột mốc đáng nhớ như đánh bại đại kiện tướng cờ vua vĩ đại nhất thế giới, điều khiển ôtô tự hành, cho đến giải mã bí ẩn khoa học của quá trình cuộn gập protein giúp nhân loại tiết kiệm hàng thế kỷ nghiên cứu.
Nhưng dường như những thành tựu này vẫn không thể khiến một người dùng bình thường ấn tượng bằng việc ChatGPT có thể so sánh các loại dao được sử dụng ở Đế quốc La Mã và nước Pháp thời Trung cổ rồi đưa ra câu trả lời mạch lạc và chi tiết đến từng gạch đầu dòng. "Hàng triệu người tìm cách sử dụng công cụ này để cải thiện hiệu quả làm việc của họ. Rất nhiều người khác thì đơn giản chỉ vọc nó một cách hiếu kỳ" - Levy viết.
Bước sang tuổi thứ 2, tương lai của ChatGPT nói riêng và AI nói chung có thể là những chatbot được cá nhân hóa để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng người. "OpenAI thật sự đang cố gắng tạo ra một thị trường cho phép các công ty và cá nhân đổi mới và thử nghiệm với phiên bản AI tuyệt vời mà họ vừa tung ra" - CNBC dẫn lời Hod Lipson, giáo sư khoa học dữ liệu và kỹ thuật tại Đại học Columbia.
Dù AI đã phát triển thần tốc chỉ trong 12 tháng, tốc độ phát triển này có thể sẽ không bền vững mãi mãi. Để huấn luyện một mô hình ngôn ngữ, thứ cần thiết nhất là dữ liệu. Khi nội dung do AI sản xuất xâm chiếm thế giới, các mô hình của tương lai không thể phát triển tốt hơn dựa trên chính sản phẩm mà nó tạo ra, giống như một con chó cố gắng đuổi theo cái đuôi của chính mình.
Nhưng dù sao đi nữa, nhân loại cũng đã vượt qua cái ngưỡng có thể quay đầu trong việc để cho AI định hình nền văn minh của chúng ta. "Chúng ta như những con ếch trong nồi nước ấm lên từ từ, hoàn toàn không biết gì về sự biến đổi to lớn này. Rồi OpenAI đến và vặn lửa to lên" - Levy viết.
Việt Nam và làn sóng AI
Người Việt được thế giới đánh giá là thông minh, tiếp cận với công nghệ mới cực kỳ nhanh, đã nhanh chóng nắm bắt làn sóng công nghệ AI tạo sinh trong năm 2023. Các cộng đồng trên các mạng xã hội được lập ra để chia sẻ những cách thức áp dụng AI vào công việc.
ChatGPT đã trở thành công cụ không thể thiếu cho những người sáng tạo nội dung và truyền thông. Công cụ này giúp tạo ra nội dung chất lượng, từ bài viết quảng cáo đến viết kịch bản video, viết nội dung cho trang web. Nhờ vậy, người dùng có thể tập trung vào việc phát triển ý tưởng sáng tạo, trong khi ChatGPT đảm nhận phần việc lặp lại và biên soạn.
Ngoài ChatGPT, các AI tạo sinh chuyên về hình ảnh như Stable Diffusion, DALL-E, và Midjourney đã giúp giới thiết kế đồ họa tăng năng suất lên nhiều lần. Người dùng sử dụng chúng để tạo ra các mẫu thiết kế logo, thiết kế banner quảng cáo, hay tạo ra các nhân vật hoạt hình, nhân vật trong game. Công nghệ này cho phép họ nhanh chóng thử nghiệm với nhiều phong cách và ý tưởng khác nhau, từ đó tạo ra các sản phẩm thiết kế với chất lượng cao và độc đáo.
Stable Diffusion là dự án mở, người dùng có thể cài đặt và sử dụng ngay trên máy tính cá nhân của mình. Trong lĩnh vực kiến trúc, AI tạo sinh này đã giúp các kiến trúc sư tạo ra các mô hình 3D một cách nhanh chóng và hiệu quả. Có rất nhiều cách áp dụng khác nhau để tăng năng suất trong lĩnh vực kiến trúc, tùy vào sự linh hoạt và sáng tạo của người dùng.
Các kiến trúc sư từ một thiết kế cơ bản có thể sử dụng Stable Diffusion để tạo ra nhiều biến thể để khách hàng lựa chọn. Hay tạo ra các hình ảnh 3D của công trình chỉ từ bản vẽ phác thảo. Với những công cụ như vậy, các kiến trúc sư có nhiều thời gian hơn để thỏa sức sáng tạo, khách hàng có thêm nhiều lựa chọn hơn.
Một bài chia sẻ về AI tạo sinh hình ảnh
Dù mang lại một cuộc cách mạng trong cách con người làm việc, AI tạo sinh cũng đồng thời đặt ra những thách thức mới cho xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của AI đòi hỏi phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng về mặt đạo đức và trách nhiệm xã hội. Vấn đề đạo đức trở nên phức tạp khi AI được sử dụng để tạo hình ảnh nhạy cảm hoặc vi phạm quyền riêng tư cá nhân.
Một số hội nhóm trên Facebook đã chia sẻ và lan truyền những công cụ hay những cách thức để "lột đồ" người khác. Chỉ cần nhập vào hình ảnh của một ai đó, công cụ sẽ tạo ra hình ảnh khỏa thân của người đó.
Việc giáo dục và nâng cao nhận thức về cách sử dụng AI một cách có trách nhiệm là điều rất cần thiết. Thậm chí là cần các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn các hành vi xấu như vậy.
Sự phát triển của AI tại Việt Nam không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức. Để tận dụng tối đa lợi ích từ AI, cần có sự hợp tác giữa cộng đồng, chuyên gia và chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý và đạo đức nghề nghiệp. Việt Nam cần một lộ trình rõ ràng để tiếp cận công nghệ AI một cách hiệu quả và bền vững.
Áp dụng Stable Diffusion trong kiến trúc
Những cái tên, những mặt người
Nhân vật tốn nhiều giấy mực hàng đầu trong năm 2023 là Sam Altman, CEO OpenAI, người mà một năm trước hầu như người ngoài ngành công nghệ không biết là ai. Ngày 17-11, Altman đột ngột bị sa thải vì "không thẳng thắn" và "cản trở khả năng thực hiện trách nhiệm" của hội đồng quản trị.
Gần như tất cả nhân viên OpenAI đã ký thư kêu gọi mang Altman trở lại nếu không họ sẽ rời công ty để đầu quân cho Microsoft - nơi trước đó cũng đã ngỏ ý sẵn sàng thuê Altman làm người đứng đầu bộ phận nghiên cứu AI của mình. Trước áp lực từ nhân viên và nhà đầu tư, OpenAI đã phải đạt thỏa thuận để đưa Altman trở lại làm CEO chỉ năm ngày sau khi sa thải ông.
Biếm họa về "drama" cuối năm 2023 của Sam Altman. Tranh: Paresh Nath
Kế đến là Elon Musk. Năm 2022 là năm Musk mua lại Twitter, còn 2023 là năm ông "đốt ra tro" mạng xã hội này, theo nhà phân tích công nghệ Mike Grindle. Và từ đống tro tàn đó, thứ trỗi dậy không phải phượng hoàng mà là "một sinh vật quái dị, độc hại, biến dạng: X, [cái tên giờ đây] được cho là có giá trị chưa bằng 1/3 số tiền Musk trả cho Twitter" - Grindle viết trên Medium.
Ngoài đổi tên Twitter thành X, Musk còn thực hiện một loạt thay đổi về tính năng, cách vận hành và cả nhân sự (sa thải 80% đội ngũ) của công ty. Kết quả là doanh thu quảng cáo của X trong năm nay có thể giảm đến gần 40% so với 2022.
Ấy thế mà ông chủ X vẫn bảo các thương hiệu lớn như Apple, IBM và Disney "đi chết đi" sau khi họ tạm ngưng hiển thị quảng cáo trên các tweet gây tranh cãi, một trong những hành động "bất ổn" cuối cùng trong năm nay của Musk.
Danh sách "gương mặt của năm" còn phải kể hai (cựu) CEO đình đám trong lĩnh vực tiền mã hóa (crypto) phải hầu tòa trong năm nay: Sam Bankman-Fried của sàn giao dịch FTX và Changpeng Zhao của Binance.
Bankman-Fried bị kết án với bảy tội danh, liên quan việc lừa đảo và lạm dụng hàng tỉ đô la tiền của khách hàng và đang bị tạm giam tại một nhà tù ở New York, chờ ngày tuyên án vào tháng 3 năm sau (mức án có thể lên đến 110 năm tù). Trong khi đó, Zhao đã nhận tội rửa tiền và bị cấm rời khỏi Mỹ, và đối diện với mức án tối đa 18 năm sau song sắt.
Elon Musk và Sam Bankman-Fried. Ảnh: CNN
Tuy hai "trùm" crypto dính lùm xùm với luật pháp, tiền mã hóa lại có một năm 2023 rực rỡ bất ngờ. Hay thậm chí có thể nói chính nhờ Bankman-Fried và Zhao mà người ta tin tưởng hơn ở tương lai của crypto, rằng nó sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn khi các vấn đề pháp lý liên quan trở nên rõ ràng hơn.
Giá Bitcoin - đồng crypto lớn nhất thế giới - đã tăng hơn 160% trong năm 2023, vốn hóa thị trường tăng thêm khoảng 530 tỉ USD so với 2022. "Sự trở lại của crypto là một trong những câu chuyện thị trường đáng ngạc nhiên của năm 2023, sau cú sụp đổ kinh hoàng năm 2022, vốn đã khiến nhiều nhà đầu tư mất sạch và hạ gục một số tên tuổi lớn nhất trong ngành" - Yahoo Finance bình luận.
Trang này dẫn lời Brian Armstrong, giám đốc điều hành sàn giao dịch crypto Coinbase: "Tôi nghĩ những cách mọi người phản ứng trong năm nay cho thấy crypto vẫn tiếp tục tồn tại". Giá cổ phiếu Coinbase tăng hơn gấp ba trong 2023.
Những cú đắm tàu
Tạp chí MIT Technology Review dùng hình tượng con tàu Titanic bị đắm để mô tả những thất bại công nghệ lớn nhất năm 2023.
Trường hợp đầu tiên là một vụ đắm tàu đúng nghĩa - con tàu ngầm Titan và số phận bi thảm của nó: phát nổ khi đang lặn xuống đáy đại dương hòng ngắm xác tàu Titanic hồi tháng 6. Cả năm người bên trong Titan - con tàu ngầm mini bằng sợi carbon và điều khiển bằng tay cầm chơi game - thiệt mạng, bao gồm Stockton Rush, CEO công ty thám hiểm đại dương OceanGate.
"Con tàu đắm" kế tiếp là giấc mơ taxi tự hành (robotaxi) của Cruise, một đơn vị thuộc Tập đoàn ô tô GM. Tháng 7, Cruise trở thành nhà cung cấp dịch vụ robotaxi 24/24 đầu tiên ở Mỹ, với đội xe trên 400 chiếc ở San Francisco.
Taxi không người lái, không mệt, không say xỉn, không phân tâm, không cằn nhằn, hơn tài xế con người là cái chắc. Ấy là Cruise mong vậy. Sự thật là hãng phải tạm dừng dịch vụ vào cuối tháng 10 sau một loạt tai nạn, mà giọt nước tràn ly là sự cố một chiếc taxi đâm vào một người phụ nữ đang băng qua đường và kéo lê nạn nhân vài mét mới dừng lại.
Trong vòng một tháng sau đó, nhà sáng lập Cruise, Kyle Vogt, từ chức trong khi GM sa thải 900 nhân viên của công ty con vốn "đốt" mất của hãng đâu đó 700 triệu USD chỉ trong quý 3 năm nay.
Còn một ấp ủ to lớn hơn nhưng sự tan vỡ của nó lại ít người biết: Humane Ai Pin - thứ được kỳ vọng sẽ "thay thế smartphone", hay như The New York Times mô tả, "một canh bạc khoa học viễn tưởng lớn lao và táo bạo".
Đây là thiết bị ghim hoặc đeo (wearable) có giá 699 USD (kèm gói thuê bao 24 tháng), người đeo sẽ thầm thì với nó để gửi tin nhắn hoặc nói chuyện với AI (trong lúc đó máy chiếu mini sẽ phóng nội dung lên tay người dùng).
Một người được trải nghiệm sớm cho rằng thiết bị này "vừa ma thuật vừa sượng sùng", còn Victoria Song - cây bút chuyên review sản phẩm wearable của The Verge - kết luận: nó vi phạm nguyên tắc đầu tiên của một wearable có thiết kế tốt - bạn phải đeo được đã rồi hãy nói chuyện. Humane Ai Pin nặng bằng một quả bóng golf và cho tới lúc này có lẽ người ta vẫn mê màn hình điện thoại hơn. Và thất bại của nó, quả không khác một vụ chìm tàu, MIT Technology Review kết luận.
HOA KIM - VIỆT DINH - TỊNH ANH - Theo Tuổi Trẻ