Quãng đường ấy giờ chỉ còn lại chợ và những quán xá xô bồ. Vậy mà nhiều năm trước, đây chính là nơi ấp ủ giấc mộng vàng, thêu dệt nên cảm xúc của những nhạc sĩ, nghệ sĩ lừng danh.
Trước 1975, con đường Nguyễn Đình Chiểu hiện nay mang tên Phan Đình Phùng. Gần ngã tư Cao Thắng (phường 3, quận 3), địa danh nổi tiếng nhất vẫn là chợ Vườn Chuối, vây quanh là hàng trăm hàng quán, cửa hiệu kinh doanh từ đồ ăn bình dân đến sản phẩm công nghệ cao cấp.
Một thời, giới văn nghệ Sài Gòn coi đây như “khu đất vàng” bởi đó là nơi ca sĩ Thanh Thúy mê hoặc cả Sài Gòn với giọng hát liêu trai và sắc đẹp hút hồn; đó là nơi mà nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Trúc Phương thêu dệt những giấc mơ tiên, trải hồn trong dòng nhạc đầy huyền hoặc.
Con phố ấy, nơi mưa tháng sáu nhạt nhòa phố dâng sầu lên mắt biếc…
Và đó còn là nơi hiệu sách Thanh Bình - góc trời riêng để Ngô Thụy Miên đắm hồn trong sắc nắng thu viết nên “Áo lụa Hà Đông”, mang những rung động về giọt nắng hồng đùa giỡn trong đôi mắt nai, mưa tháng sáu nhạt nhòa phố dâng sầu lên mắt biếc… để viết nên những tình khúc bất hủ: “Mắt biếc”, “Mùa thu cho em”, “Giáng ngọc”, “Niệm khúc cuối”, “Dấu tình sầu”…
Nhớ về tuổi ấu thơ, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên kể: “Từ Hải Phòng vào Sài Gòn, gia đình tôi mở hiệu sách Thanh Bình trên đường Phan Đình Phùng, gần góc đường Cao Thắng, trước cửa trường mẫu giáo Aurore.
Tôi còn nhớ trên đường Cao Thắng có lò bánh mì - nơi cuối tuần tôi hay ra mua bánh về cho cả nhà ăn sáng. Ngoài ra còn có hai rạp chớp bóng Việt Long (sau là Văn Hoa Sài Gòn) và Đại Đồng. Ngôi chợ rất gần nhà là Vườn Chuối, thỉnh thoảng mẹ cho tôi đi theo để xách giỏ thức ăn”.
Ông chủ quán cà phê Phương Thảo (số 449 Nguyễn Đình Chiểu) ngay sát nhà cũ của Ngô Thụy Miên kể: “Con đường này xưa kia rợp bóng cây. Sắc tím bằng lăng xen lẫn trong những cánh hoa sao bay lả tả, nổi bật trên nền hàng xà cừ xanh đậm khiến con đường dẫu khá đông đúc nhưng vẫn bình lặng, yên ả.
Không gian mong manh đến nỗi một tiếng lá rụng giữa trưa có thể làm lay động cả góc trời, một cơn gió nhẹ cũng khiến lòng người xao xuyến. Chiều chiều, những bóng áo trắng học trò tung bay trong gió tỏa xuống phố mở toang khung trời kỷ niệm đầy ắp mộng mơ…”.
Người xưa gọi đoạn đường này là “con đường văn nghệ” vì ngày nào cũng có các nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ tụ tập ở cà phê Gió Bấc đối diện nhà Ngô Thụy Miên hay quán phở Con gà sống thiến. Cà phê Gió Bấc ngon nổi tiếng nhưng sắc đẹp của cô hàng cà phê còn nổi tiếng gấp bội phần.
Nàng có nước da trắng xanh liêu trai với mái tóc thề nữ sinh ngây thơ. Nhân vật đã đi vào truyện Duyên Anh với bao chàng trai say đắm, ra sức chinh phục, từ trí thức đến du đãng yêng hùng. Cuối cùng, nàng kết hôn với một tay… tướng cướp và hiện số phận ra sao không ai biết.
Quán phở Con Gà sống thiến thời ấy nổi tiếng với hương vị Bắc đặc trưng nhưng những chàng nghệ sĩ lãng tử lui tới không chỉ để thưởng thức phở ngon mà chủ yếu là để được ngắm nhìn hai kiều nữ con chủ quán nổi danh tài sắc lại hát hay, nhất là cô em tên Yến Vỹ với mái tóc bồng rối khiến nhiều người tưởng như đang được chiêm ngưỡng minh tinh Brigitte Bardot.
Đoạn đường này còn có quán cà phê Luật Khoa và cơm gà Xing Xing với những giai nhân lai Pháp, lúc nào cũng chật cứng như nêm…
Năm tháng trôi qua, con phố ấy biến chuyển dần theo thời thế...
Trong ký ức, Ngô Thụy Miên đôi lần nhắc đến quán cafétéria Đức Quỳnh bên cạnh rạp chiếu bóng Việt Long trên đường Cao Thắng. Hình ảnh mái tóc dài của chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ Đức Quỳnh gục đầu xuống cây piano, say sưa cất giọng ca trầm ấm, bên cạnh những Thanh Thúy, Phương Dung thời mới nổi khiến không gian đêm trở nên tao nhã, đầy cuốn hút.
Năm tháng trôi qua, con phố ấy biến chuyển dần theo thời thế. Hàng cây xanh mướt năm xưa đã thưa thớt nhiều, hàng bằng lăng trẻ thay cho những cổ thụ trăm tuổi. Những giai nhân xưa đều đã rời xa chốn cũ, phiêu bạt tứ phương.
Người xưa khi trở về phố cũ lạ lẫm nhìn hàng quán ken đặc trên con đường mơ mộng ngày nào. Phòng trà Đức Quỳnh giờ thành rạp Thăng Long. Những âm thanh náo nhiệt của chợ búa, của dòng người đông đúc, hối hả bao trùm lên tất cả…
“Góc trời riêng” của Ngô Thụy Miên (giờ mang số 447 Nguyễn Đình Chiểu) không còn bán sách mà chuyển sang kinh doanh hàng thời trang. Cô em họ của ông hiện sống trong ngôi nhà này cho biết, từ khi sang Mỹ định cư, nhạc sĩ chưa một lần về lại Sài Gòn.
Nhưng những dòng thư ông gửi về luôn đau đáu nỗi niềm nhung nhớ quê hương. Căn nhà ấy giờ đã được xây mới hoàn toàn, không còn chút dấu ấn của người nhạc sĩ tài danh.
Chỉ còn lại những hồi ức của những người hàng xóm về một khúc nhạc đêm mà ông dạo trên phím dương cầm, về những khoảnh khắc mưa nắng bất chợt xao động tâm hồn người nghệ sĩ.
Con phố ấy đã hoàn toàn thay đổi, cả phần xác lẫn phần hồn. Nhưng lắng đọng phía sau xô bồ của phố thị, vẫn còn sót lại nét xưa ẩn mình trong hoài niệm mong manh…
Đường Nguyễn Đình Chiểu chạy dọc từ quận 1 sang quận 3 (TPHCM), thời Pháp có tên là Rue Richaud. Con đường này tập trung nhiều cửa hiệu thời trang, mỹ phẩm, chuyên bán các mặt hàng cao cấp. Băng qua ngã tư Cao Thắng thì sẽ đến “trung tâm giày” của thành phố, với trên dưới 40 tiệm giày lớn nhỏ, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như: Hồng Thạnh, T&T, Vina giày, Hạnh Dung… |
Việt Hùng - Theo Báo Lao động và Xã hội số 150