Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh đến mức báo động. Tại thị trường Việt Nam, dù VN-Index giảm nhẹ, song phần lớn nguyên nhân đến từ việc nhà đầu tư rút tiền ra để mua sắm, chơi Tết.
Cá nhân trong nước rút tiền khỏi chứng khoán, ngược dòng 'cá mập' - Ảnh: BÔNG MAI
Nhiều nhà đầu tư băn khoăn, việc chứng khoán Trung Quốc lao dốc đến mức báo động và dòng tiền liên tục bị rút ròng, liệu có tác động đến chứng khoán Việt.
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, chứng khoán Việt sẽ ra sao?
Mặc dù tạm thời đang neo ở sắc xanh, song chỉ số chứng khoán Shanghai (Thượng Hải) của Trung Quốc đã bị giảm gần 16% trong vòng một năm nay.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng China Enterprises (Hong Kong - Trung Quốc), thường được xem như thước đo sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thể hiện rõ tâm lý nhà đầu tư, cũng bị giảm xuống gần vùng điểm của năm 2005 - đáy trong 19 năm trở lại đây.
Trước vấn đề này, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích Chứng Khoán Yuanta Việt Nam - nhận định chứng khoán thường đi trước, phản ánh bản chất của nền kinh tế. Dù Trung Quốc đã cho mở cửa nền kinh tế trở lại sau khi thực hiện chính sách "zero-COVID", nhưng rõ ràng sức bật chưa đạt như kỳ vọng.
Thêm vào đó, kinh tế nước này cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố khác như cuộc chiến thương mại với Mỹ, căng thẳng giữa Nga - Ukraine, cộng thêm những lo ngại về rủi ro khủng hoảng bất động sản. Đáng chú ý, vốn là công xưởng của thế giới, nhưng thời gian qua dòng vốn đầu tư ngoại FDI cũng có rút ra khỏi Trung Quốc, nhằm tránh bị phụ thuộc, và dần chuyển về một số nước khác như Ấn Độ, Indonesia...
Các yếu tố trên đã hợp lực, khiến chứng khoán Trung Quốc bị suy yếu, dòng tiền trong và ngoài nước rút ra mạnh. Nếu nước này không xử lý dứt điểm những vấn đề nội tại của nền kinh tế, khả năng sẽ tác động đến Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến chứng khoán Việt.
"Trung Quốc là một trong những thị trường chứng khoán lớn trên thế giới. Hiện chỉ số VN-Index vẫn chưa bị tác động, nhưng trong thời gian ngắn hạn, nếu tình hình chứng khoán Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn, không thể loại trừ khả năng VN-Index có thể bị ảnh hưởng", vị chuyên gia cho hay.
Theo Hãng tin Bloomberg, trước tình trạng thị trường chứng khoán trên đà sụt giảm mạnh, nhà chức trách Trung Quốc đang cân nhắc hoạch định gói hỗ trợ để mua vào cổ phiếu nhằm ổn định thị trường, với số tiền khoảng 2.000 tỉ nhân dân tệ (278 tỉ USD).
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang cân nhắc một số phương án khác, có thể công bố vào tuần này nếu lãnh đạo cấp cao thông qua, kế hoạch cũng có thể thay đổi.
Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh, cần lưu ý về dài hạn thị trường chứng khoán Việt thường biến động đồng pha với chỉ số chứng khoán Mỹ chứ không phải Trung Quốc, nên diễn biến hiện tại vẫn không khiến phần lớn nhà đầu tư lo lắng. Chưa kể, với hơn 90% dòng tiền giao dịch trên sàn chứng khoán Việt đến từ cá nhân trong nước, đôi khi có những biến động không theo bất kỳ thị trường lớn nào.
Nhà đầu tư Việt rút tiền để chơi Tết
Chỉ số chứng khoán VN-Index đang giao dịch lình xình với thanh khoản thấp, điểm số giằng co quanh mốc 1.177 điểm. Dù vậy, điểm sáng là chỉ tính riêng hai phiên đầu tuần này, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 730 tỉ đồng. Tuần trước, trong lúc nhà đầu tư cá nhân bán ròng hơn 1.960 tỉ đồng, nhóm còn lại (tổ chức trong nước, tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại) mua ròng lại tổng cộng hơn 1.870 tỉ đồng.
Theo dữ liệu thu thập trong giai đoạn 2017 - 2023, FIDT - đơn vị chuyên tư vấn đầu tư và quản lý gia sản - cho biết cá nhân trong nước có xu hướng bán ròng mạnh trong tháng 12 và tháng 1 hằng năm, thể hiện rõ hành vi "rút tiền nghỉ Tết".
"Nhu cầu chốt lời trước Tết của nhà đầu tư cá nhân dự kiến tiếp diễn trong những tuần giao dịch tiếp theo, chủ yếu do cần tiền mặt cao để mua sắm trước Tết. Nhóm này cũng thường hạn chế những rủi ro khó đoán diễn ra trong kỳ nghỉ dài bằng cách hạ tỉ trọng cổ phiếu", FIDT nhận định.
Ở tuần thứ hai trước Tết dịp nghỉ lễ, thanh khoản sụt giảm đáng kể với 7/8 năm gần đây đều ghi nhận sắc đỏ, riêng ba năm gần đây chứng kiến đà giảm mạnh bậc nhất. Vì vậy, trong ngắn hạn thị trường sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực điều chỉnh, chủ yếu đến từ việc chốt lời nhóm ngân hàng. Ngoài ra, sự phân hóa diễn ra theo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDirect - cho rằng bức tranh kết quả kinh doanh quý 4-2023 đang dần hé lộ, dòng tiền khả năng sẽ luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu nhằm giữ nhịp lên của thị trường.
BÔNG MAI - Theo Tuổi Trẻ