"Tầng lớp tinh hoa đang nói về ngày tận thế, trong khi chúng ta thì đang nói về ngày cuối tháng" - một người biểu tình "áo vàng" ở Pháp từng than thở vào năm 2018, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron cho tăng giá xăng dầu (cốt ý là để giảm lượng CO2 thải ra từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch).
Gần năm năm sau, trong khi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang nóng hơn bao giờ hết, phong trào chống lại các chính sách khí hậu (climate backlash) cũng không hề hạ nhiệt, mà lan rộng trong thế giới phương Tây.
Thậm chí căng thẳng và thù ghét còn đổ thêm dầu vào lửa, như Kristina Karamo - chủ tịch Đảng Cộng hòa bang Michigan của Mỹ - đã phát biểu hôm 22-9: "Chúng ta cần phải là những người biết săn sóc tốt hành tinh của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi cần phải từ bỏ chiếc xe chạy bằng xăng và lái cái xe điện chạy bằng pin Trung Quốc".
Hơn cả chiến tranh văn hóa
Ở Mỹ, biến đổi khí hậu đã trở thành một cuộc chiến văn hóa. Trong một cuộc tranh luận của các ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa, chỉ có một người thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là có thật.
Theo một thăm dò gần đây của Công ty YouGov cho tạp chí The Economist, 87% cử tri theo Joe Biden tin rằng biến đổi khí hậu là do hoạt động của con người gây ra, trong khi chỉ có 21% cử tri của Donald Trump đồng ý với điều đó.
Sự chia rẽ chính trị xuất hiện khắp nơi. Ở Úc, Canada, Đức, Thụy Điển và Mỹ, có nhiều cử tri cánh tả xem biến đổi khí hậu là "mối đe dọa nghiêm trọng" hơn những người cánh hữu, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.
Sự phân cực như thế có thể báo hiệu những cú "lật bánh tráng" khi quyền lực được chuyển giao, từ đó cản trở các nhà đầu tư lập kế hoạch dài hạn. Ví dụ, hãy tưởng tượng một nước Pháp dưới thời bà Marine Le Pen vốn chẳng ưa gì các tuốc bin gió!
Không bàn đến chuyện phủ nhận biến đổi khí hậu, các phản ứng dữ dội về cơ bản là nhằm chống lại giá cả leo thang. Cử tri có những câu hỏi rất chính đáng về chính sách khí hậu: Chúng sẽ tốn bao nhiêu tiền? Chúng sẽ mang lại những lợi ích gì? Liệu chúng có thực sự hiệu quả như lời quảng cáo? Những hoài nghi như vậy đủ sức làm thay đổi nền chính trị.
Ở Anh chẳng hạn, cựu thủ tướng Tony Blair từng lưu ý rằng: sự hy sinh của một quốc gia vốn chỉ tạo ra 1% lượng khí thải toàn cầu nhìn chung sẽ không tạo nhiều tác động. Trung Quốc và các nước đang phát triển khác có vai trò lớn hơn nhiều. Vì vậy, chuyện cử tri bức xúc khi phải gánh các loại thuế, phí mới là dễ hiểu.
Trưởng dự án BACKLASH chuyên nghiên cứu phản ứng chính trị, xã hội đối với chính sách khí hậu - James Patterson của Đại học Utrecht (Hà Lan) lập luận rằng: đôi khi giới bảo vệ môi trường hành động thái quá và gây ra sự "dội ngược". Đó là trường hợp của Hà Lan.
Ở đất nước chỉ có 2,2% dân số làm nông, Đảng Phong trào nông dân - công dân (BBB), một đảng "không xanh" non trẻ, đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử Thượng viện Hà Lan gần đây, sau khi chính phủ đã ra sức cắt giảm khí thải nitrogen trong nông nghiệp.
Không những xử phạt trang trại nào thải ra quá nhiều nitrogen oxide, Hà Lan còn trả tiền để nông dân đóng cửa trang trại. Những chính sách mạnh tay đó đã kích động cơn thịnh nộ của những người nông dân mộc mạc, với các cuộc biểu tình bằng máy kéo và quốc kỳ treo ngược.
Có một con số đáng chú ý: trong cuộc thăm dò của Eurobarometer năm 2021, 71% người Hà Lan được hỏi cho biết chính phủ của họ chưa hành động đủ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu!
Ở các nền dân chủ giàu có, sự chia rẽ về khí hậu càng trở nên trầm trọng hơn bởi các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy. Tờ The Economist định nghĩa: họ là những người nói về các vấn đề thực tế, như cơm áo gạo tiền và phóng đại chúng, trong khi tuyên bố rằng giới thượng lưu, bởi vì đạp xe đi làm, nên áp đặt các chính sách xanh mà chẳng bận tâm đến người lái xe bình thường.
Ở Anh, Thủ tướng Rishi Sunak hồi cuối tháng 9 tuyên bố trì hoãn năm năm lệnh cấm bán ô tô mới chạy bằng xăng, vì cho rằng "thật không đúng đắn… khi áp đặt những chi phí to lớn như vậy lên người lao động".
Ông từng nhấn mạnh rằng bản thân ủng hộ việc cắt giảm khí thải nhưng các chính sách xanh "sẽ tạo ra những chi phí không thể chấp nhận được". Ông nêu ví dụ: "Với một gia đình sống trong ngôi nhà liền kề ở Darlington, chi phí trả trước [cho một máy nước nóng bơm nhiệt] có thể vào khoảng 10.000 bảng Anh" (gần 300 triệu đồng).
Ông thề sẽ loại bỏ những kế hoạch chưa bao giờ được xem xét nghiêm túc: "đánh thuế người ăn thịt… bắt buộc phải đi chung xe [và] mệnh lệnh chính phủ là phải phân loại rác của bạn vào bảy thùng khác nhau". Thế chỗ cho cụm từ "cuộc cách mạng xanh" là khẩu hiệu "thực dụng và tương xứng".
Ngay cả khi các đảng dân túy không nắm chính quyền, họ vẫn có thể gây ảnh hưởng đến chính phủ. Ở Thụy Điển, nơi có 96% người dân tin rằng biến đổi khí hậu "là mối đe dọa", liên minh cầm quyền trung hữu vẫn vài lần phải cắt giảm thuế đối với nhiên liệu hóa thạch trong năm qua.
Một lý do là vì họ không thể thông qua ngân sách nếu không có sự hỗ trợ từ Đảng Dân chủ Thụy Điển theo chủ nghĩa dân túy, những người chiếm 20% số ghế trong quốc hội. Những người này muốn nhiên liệu rẻ hơn và rất nhiều cử tri Thụy Điển cũng vậy.
Các chính phủ nên ứng phó thế nào?
Với nhiệt độ không khí và nước biển đã đạt đến mức báo động, việc bỏ qua các cam kết giảm phát thải sẽ là một sai lầm. Bloomberg ngày 18-8 khuyên các nhà hoạch định chính sách cần "chứng minh những lợi ích hữu hình từ quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời phân bổ chi phí một cách công bằng và minh bạch".
Hãy bắt đầu bằng việc cải thiện năng lực. Nước Anh nói rằng đến năm 2028 họ sẽ lắp đặt 600.000 máy bơm nhiệt mỗi năm, nhưng khi làm thì nước này hiện đang tệ nhất châu Âu. Nếu chính phủ muốn cấm bán nồi hơi gas vào năm 2035 như đã nói, thì họ cần đảm bảo các lựa chọn thay thế phải sẵn sàng và rẻ hơn.
Bài viết trên Bloomberg nhấn mạnh: "Quá trình khử carbon có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và mang lại lợi ích đáng kể cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nhưng nó phải được thực hiện có mục đích và chiến lược. Nếu cử tri không nhìn thấy được lợi ích hoặc thấy chi phí quá nặng nề thì tất cả những cam kết tốt đẹp đó sẽ tan thành mây khói".
Trước đó, một bài bình luận của nhiều chuyên gia đăng trên trang web của Viện Tony Blair khuyên rằng: "Những chính sách này nên được trình bày với thông điệp lạc quan dựa trên thành công của các chính sách tương tự ở những quốc gia khác".
Đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách phải tập trung vào các lĩnh vực và hành động có đóng góp lớn nhất cho việc giảm phát thải. Thứ hai, mặc dù cộng đồng và cá nhân phải trả giá cho con đường "phát thải ròng bằng 0", chính phủ cần quản lý cẩn thận và giảm thiểu tốn kém nhất có thể. Cuối cùng, khi truyền thông về chính sách khí hậu, giới cấp tiến phải nói về những gì công chúng quan tâm và những gì mang lại hiệu quả.
Ví dụ, cách nhiệt nhà cửa và xây dựng những ngôi nhà "ít phát thải", giá cả phải chăng có thể vừa cắt hóa đơn năng lượng, vừa giảm khí thải - một bài viết trên The Conversation ngày 19-10-2021 gợi ý.
Và đôi khi, người ta phản đối một chính sách không phải vì họ không muốn chống lại biến đổi khí hậu. Họ chỉ đơn giản là muốn mọi việc được thực hiện theo cách khác. Ví dụ, trong phong trào "áo vàng" tại Pháp năm 2018 - 2019 (bắt đầu bằng việc giới tài xế phản đối giá nhiên liệu tăng cao), các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: nhiều người biểu tình muốn rằng việc lập chính sách phải cân nhắc đến nhiều đối tượng trong xã hội hơn.
Cuối cùng, ta đã thấy rõ rằng "văn hóa và bản sắc xã hội" đang ngày càng có tác động đến các hành động về khí hậu. Một chính sách có thể tượng trưng cho những điều khác nhau đối với những người hoặc nhóm người khác nhau. Họ có thể xem một sự thay đổi, tỉ như xe điện, là một phần "bản sắc", hoặc là mối đe dọa đối với "bản sắc" của họ.
Trong một bài bình luận năm 2022 cho tạp chí WIREs Climate Change, James Patterson kết luận: "Tôi cho rằng nếu không quan tâm đến các vấn đề văn hóa và bản sắc tập thể, chính sách khí hậu nhằm khử carbon có thể gặp phải sự phản kháng sâu sắc và thậm chí gây ra phản ứng dữ dội về chính trị".
Tất cả những phản ứng trái chiều đang cản trở hành động chống biến đổi khí hậu đến mức nào? Theo Michael Jacobs của Đại học Sheffield ở Anh, vẫn có lý do để "lạc quan một cách thận trọng".
Trung Quốc, quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, đang đầu tư ồ ạt vào năng lượng mặt trời và gió. Nước phát thải nhiều thứ hai, Mỹ, đã ra sức xanh hơn dưới thời ông Biden. Brazil đã sa thải một tổng thống phá rừng; Úc đã từ bỏ một thủ tướng nuông chiều than đá.
Gần 25% lượng khí thải hiện nay phải chịu định giá carbon (thuế carbon là một hình thức của công cụ này). Toàn thế giới, tốc độ đổi mới thật ấn tượng. Hai năm trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính rằng: để đạt "phát thải ròng bằng 0" (net zero) vào 2050, gần 50% lượng khí thải cần cắt giảm sẽ đến từ các công nghệ… chưa có mặt trên thị trường. Vào tháng 9 năm nay, họ cho biết con số đó đã giảm xuống còn 35%.
Với hầu hết các nước đang phát triển, các mục tiêu "net zero" còn ở rất xa trong tương lai, và người ta vẫn chưa yêu cầu các cử tri phải hy sinh lớn để đạt được chúng.
Trong thực tế, tác hại do biến đổi khí hậu gây ra, như hạn hán hay bão lũ, mới là mối lo ngại lớn hơn. Tuy nhiên, cử tri ở các nước này thậm chí còn nhạy cảm hơn với chi phí sinh hoạt gia tăng khi so với người dân ở các nước giàu.