Bão Yagi vừa quét qua nước ta không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và của mà còn làm bộc lộ những vấn đề thuộc về nền móng phát triển, ví dụ từ những chuyện nhỏ như cây trồng trốc gốc cho thấy vẫn còn bầu quanh rễ hoặc những cột điện gãy không thấy có lõi…
Từ nền móng thể thao đến nền móng giáo dục
Trước bão Yagi không lâu, tại Thế vận hội Paris 2024, đoàn thể thao Việt Nam đã phải kết thúc các nội dung thi đấu của mình ba ngày trước khi Olympic chính thức khép lại vào ngày 11.8, vì không còn hy vọng có huy chương nữa.
Ngày 10.8.2024 Báo điện tử Chính phủ chạy một bài lớn với tựa Olympic “trắng” huy chương và câu chuyện trách nhiệm.
Bài báo viết: “Người hâm mộ thất vọng tràn trề khi thể thao Việt Nam không giành bất kỳ thành tích nào tại Olympic Paris 2024. Việt Nam luôn đứng đầu SEA Games nhưng thua xa các nước trong khu vực ở đấu trường lớn nhất hành tinh. Không chỉ là một mà đến hai chu kỳ Olympic, thể thao Việt Nam có sự thụt lùi đáng quan ngại (...). Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng chúng ta đang tụt hậu trong thực hiện “Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do chính ngành văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng. Chính phủ đã tạo điều kiện tập trung nguồn lực đáng kể cho các môn mũi nhọn và các vận động viên trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình thực thi, ngành thể thao thiếu quyết tâm cũng như thiếu tham vọng thực sự. Ngay bây giờ, chúng ta phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới, trách nhiệm cụ thể và rõ ràng, không để “trắng tay về huy chương”.
Nhưng tư duy mới và tầm nhìn mới nào? Phải chăng vẫn là “tập trung nguồn lực đáng kể cho các môn mũi nhọn và các vận động viên trọng điểm” như nói ở trên? Tức là “nuôi gà chọi” trong thể thao?
Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn có diện tích 12,6 ha, tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Ở Đông Nam Á, chỉ Singapore có công trình tương tự. Ảnh CTV
Nhìn vào các cường quốc thể thao giành nhiều huy chương, ai cũng biết thành tựu thể thao đỉnh cao của họ là kết quả của một nền thể thao có nền móng rộng theo hình kim tự tháp, vững chãi với thể thao phong trào, thể thao học đường, với sự tham gia của nhiều tầng lớp dân cư khác nhau. Một số nước như Trung Quốc, trước đây cũng đầu tư kiếm huy chương trên đấu trường quốc tế theo kiểu “nuôi gà chọi”, nay đã thay đổi.
Thực tế ở ta ra sao? Ngoài chuyện ngay cả trường học còn chưa có đủ (ở một số nơi) thì, với những trường học đã có, việc thiếu cơ sở vật chất cho thể thao học đường cũng như thiếu sự quan tâm của cả ngành giáo dục và phụ huynh đối với việc đầu tư cho thể thao học đường (và thể thao phong trào nói chung) là những trở ngại lớn cho sự ra đời của một nền thể thao quốc gia có nền móng rộng để từ đó vươn tới những thành tích đỉnh cao bền vững. Từ nhà trường, phụ huynh đến học sinh vẫn chỉ tập trung cho nhồi nhét kiến thức, cho thi cử là chính.
Vấn đề là, muốn có một nền thể thao có chân đế rộng, một nền thể thao học đường mạnh thì phải chuyển đổi cả triết lý giáo dục theo hướng giáo dục toàn diện, theo phương châm “mens sana in corpore sano” (tiếng Latin, nghĩa là: tinh thần lành mạnh trong cơ thể tráng kiện) chứ không phải là nhồi nhét kiến thức.
Ngoài thể thao học đường, cứ nhìn các cuộc thi Olympic toán quốc tế thì rõ. Trong khi ở ta, để giành giải thưởng trong các cuộc thi này, ngành giáo dục vẫn làm theo lối “nuôi gà chọi” thì, chẳng hạn ở Mỹ, người ta quan niệm và làm khác hẳn.
Đài thiên văn trong Trung tâm Khám phá Khoa học Quy Nhơn.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ bên lề hội nghị về trí thông minh nhân tạo (AI) được tổ chức tại TP.HCM trong tháng 8 vừa qua, Giáo sư Po Shen Loh, giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon, một huấn luyện viên và một trưởng đoàn Olympic toán quốc tế (IMO) Mỹ trong gần 10 năm, khẳng định: “Bạn nghĩ rằng chúng tôi dạy cho học sinh các dạng bài trong đề thi IMO. Sự thật là không, chúng tôi thậm chí còn không dạy cho các em bất kỳ điều gì về kỳ thi. Ngược lại, chúng tôi sẽ dạy những điều không bao giờ xuất hiện trong các đề thi Olympic”.
Ông nói tiếp: “Trong mỗi kỳ thi, tôi chỉ muốn các em thể hiện được bản thân một cách tốt nhất. Xa hơn, tôi muốn với những kiến thức có được, các em có thể trở thành những người tốt, thành đạt và có thể đóng góp ít nhiều cho xã hội. Nếu các em thí sinh của chúng tôi giành huy chương, đội tuyển giành chiến thắng, tốt thôi. Và dĩ nhiên đó là kết quả của các em”.
Nếu lãnh đạo có tầm nhìn và quyết tâm thực hiện thì sẽ giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chính phủ, các bên liên quan và công chúng.
Nhưng sở dĩ thành tích tập thể của các thí sinh đội tuyển Mỹ thường xuyên trong top 3 quốc gia dẫn đầu, “đó là vì - theo Giáo sư Po Shen Loh - các thí sinh đã tự học rất chăm chỉ. Đây cũng chính là lý do sau này các em phần lớn đều có được những bước tiến rất mạnh mẽ bởi các em học bằng cách tự mình khám phá chứ không dựa vào chúng tôi. Do vậy với các học sinh này, mục tiêu lớn hơn của chúng tôi là các em hình dung được những con đường phát triển cho bản thân sau này với toán.
Các em sẽ được mở mang những lĩnh vực mà toán học đang được ứng dụng để xem mình phù hợp hướng phát triển nào. Hành trình gắn bó với toán học của các em không chỉ dừng lại ở cuộc thi mà còn cả sự nghiệp sau này… Tôi nghĩ rằng điều học sinh nên được lĩnh hội thông qua toán học là tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề”.
Giáo dục tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề thay vì “học nhồi, học tủ” chính là chăm lo cho cái gốc trong giáo dục. Có được cái gốc ấy mới mong đổi mới sáng tạo trở thành nền tảng để phát triển đất nước, khi mà đổi mới sáng tạo đang là cuộc đua quyết liệt giữa các quốc gia.
Để xây đắp nền móng cho phát triển nhanh và bền vững
Đất nước muốn đổi mới sáng tạo thì phải đầu tư phát triển giáo dục và phổ biến khoa học công nghệ. Một báo cáo chưa lâu và vẫn còn đầy tính thời sự của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (WB - OECD) về “Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam” đánh giá rằng:
Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế và xã hội. Thành tích phát triển kinh tế đã giúp nâng cao thu nhập và giảm nghèo, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người. Tuy nhiên Việt Nam hiện đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm trong bối cảnh quốc tế bớt sôi động hơn. Nguồn tăng trưởng trước đây đang suy giảm làm tăng nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào việc tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo.
Tuy vậy năng lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện còn yếu và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn chỉ là hoạt động mang tính thêm thắt thay vì là động lực phát triển trong các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Mức độ cạnh tranh ngày càng tăng trên thế giới đòi hỏi phải sớm đầu tư vào việc phát triển năng lực công nghệ tiên tiến, kể cả hoạt động R&D. Việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trở nên cấp thiết để doanh nghiệp có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Báo cáo cho rằng Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc đề ra định hướng ưu tiên phát triển kinh tế và xã hội trong dài hạn, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn lực phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, đảm bảo cho các tổ chức nhà nước vận hành tốt và các bộ phận trong hệ thống đổi mới sáng tạo gắn kết với nhau và tạo ra một chỉnh thể thống nhất. Nếu lãnh đạo có tầm nhìn và quyết tâm thực hiện thì sẽ giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Chính phủ, các bên liên quan và công chúng.
Học sinh tiếp cận khoa học thông qua các thiết bị tại Trung tâm Khám phá Khoa học Quy Nhơn.
Phải, quyết định là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện của lãnh đạo các cấp. Tầm nhìn và quyết tâm trong việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển.
Ai đã từng có dịp tham quan Trung tâm Khám phá Khoa học Quy Nhơn (ExploraScience Quy Nhon) ở Ghềnh Ráng, Quy Nhơn - Bình Định (một mô hình phổ biến kiến thức và tư duy khoa học mà nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Áo, Mỹ, Singapore… đều có), được trực tiếp chứng kiến sự hào hứng của các em học sinh và cả người lớn với việc được tiếp cận các tri thức khoa học, công nghệ trực quan, sinh động ở đó có lẽ đều thấy tiếc, giá mà những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đều có những trung tâm như vậy. Và giá mà tiền đổ vào những cổng chào, những tượng đài không cần thiết được đổ vào những trung tâm như vậy thì đó sẽ là xây đắp nền móng cho sự phát triển của khoa học, công nghệ, của công cuộc đổi mới sáng tạo và sự phát triển bền vững của đất nước.
Có tư duy logic, có tri thức khoa học, công nghệ và kỹ năng giải quyết vấn đề, cùng với lương tâm chức nghiệp, hẳn những người nắm giữ vị trí quyết định trong bộ máy quản lý nhà nước sẽ không thể chấp nhận những cột điện gãy đổ lòi ra không có lõi, những gốc cây đổ mà rễ vẫn còn trong bầu.
Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn (ExploraScience Quy Nhon) có Nhà mô hình vũ trụ, Trạm quan sát thiên văn phổ thông, Bảo tàng khoa học phân chia thành các tiểu khu khám phá: vật lý, toán học, khoa học sự sống, hóa học, thiên văn học…, được khởi công xây dựng năm 2015 tại khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa (Ghềnh Ráng, Quy Nhơn - Bình Định), khánh thành năm 2019, được xem là trung tâm về khoa học vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và trung tâm thứ 2 của Đông Nam Á (sau Singapore).
Đây là nơi để công chúng nhiều lứa tuổi tiếp cận, thực hành, trải nghiệm, tương tác với các mô hình khoa học, các thiết bị công nghệ tiên tiến, tham gia các hoạt động thực hành trải nghiệm sáng tạo, khám phá những kiến thức khoa học lý thú được diễn giải theo những cách đơn giản nhất với phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”. Qua đó, khơi gợi và khích lệ niềm đam mê nghiên cứu khoa học thông qua các thí nghiệm khoa học cơ bản cùng những thảo luận giữa các nhà nghiên cứu và công chúng, đặc biệt là trẻ em, học sinh, sinh viên.
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết ý tưởng đầu tiên về dự án “Tổ hợp không gian khoa học” do Hội Gặp gỡ Việt Nam đề xuất và nhận được sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành; sự quyết tâm thực hiện của UBND tỉnh Bình Định. Theo ông Giang, GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, là người rất tâm huyết và có những đóng góp quan trọng cho dự án, người gieo mầm bền bỉ cho khoa học Việt Nam nói chung và sự phát triển khoa học tỉnh Bình Định nói riêng.
Bài và ảnh: Đoàn Khắc Xuyên - Theo Người Đô Thị