Một nơi là rừng ngập mặn, một nơi là "nông thôn mới" của TPHCM, 2 huyện thưa dân này liệu có thể phát triển đô thị nén quanh các ga tàu điện?
TPHCM dự tính "chốt sổ" quy hoạch đường sắt đô thị với 10 tuyến metro phủ kín vùng trung tâm. Vào phút chót, thành phố bổ sung 2 tuyến kết nối với 2 huyện xa trung tâm nhất là Củ Chi và Cần Giờ.
Thông tin này mở ra những thảo luận về tiềm năng, cơ hội của 2 địa phương có mật độ dân cư thưa thớt nhất TPHCM. Ngoài sức hút từ "địa đạo Củ Chi" và "căn cứ rừng Sác", giờ người dân TPHCM bàn về metro và triển vọng đô thị hóa.
Quỹ Đất Dồi Dào
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, nhận định TPHCM đang đối mặt với tình trạng quá tải tại khu vực nội thành, thể hiện ở việc khan hiếm quỹ đất phát triển kinh tế, giao thông ùn tắc và sự tập trung quá mức của các dịch vụ chất lượng cao như trường học, bệnh viện.
Trong khi đó, các huyện vùng ven như Cần Giờ và Củ Chi sở hữu dư địa phát triển đáng kể với quỹ đất rộng lớn và mật độ dân cư thấp, nhưng lại chưa được khai thác hiệu quả do hạn chế về kết nối giao thông.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, ưu điểm chung của hai huyện Củ Chi và Cần Giờ là đất rộng, cư dân thưa thớt, thế nhưng kết nối giao thông còn hạn chế, khiến việc di chuyển từ trung tâm thành phố đến các khu vực này mất quá nhiều thời gian. Việc này gây không ít khó khăn cho người lao động, chuyên gia và doanh nghiệp.
TOD - Transit Oriented Development - là mô hình lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị. Đơn cử việc xây dựng đô thị nén quanh các ga tàu điện để thu hút hành khách và khai thác tối đa hiệu quả của tuyến đường (Đồ họa: Đề án quy hoạch Metro TPHCM).
Ông cho rằng sự hình thành 2 tuyến metro sẽ là yếu tố kích thích phát triển cho Cần Giờ và Củ Chi. Hai huyện có thể tận dụng ưu thế quỹ đất và trở thành khu vực thu hút đầu tư, giảm áp lực cho khu vực nội thành.
Đồng quan điểm, một chuyên gia về TOD của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đánh giá 2 tuyến đường sắt đô thị đi qua Củ Chi và Cần Giờ đều là vùng ngoại ô, có quỹ đất dồi dào, tiết kiệm được chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
"Khi có giao thông kết nối, chính những khu đất ngoại thành sẽ có động lực phát triển, đẩy cao giá trị đất đai. Hiệu quả từ khai thác TOD tại các tuyến này sẽ hơn các tuyến ở nội đô", chuyên gia TOD chia sẻ.
TPHCM đã có Nghị quyết 98 để phát triển TOD, các cơ chế thí điểm đang được đề xuất. Khi quy hoạch đã công bố, thành phố sẽ phải triển khai dự án sớm để tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng.
Tuyến metro "View Sông"
Đọc quy hoạch bổ sung tuyến metro số 11 nối trung tâm TPHCM với huyện Củ Chi, Thạc sĩ Đoàn Văn Thắng nhìn thấy ngay tính toán của thành phố trong việc khai thác quỹ đất "view sông Sài Gòn".
"Củ Chi có rất nhiều đất trống. Nếu muốn phát triển Củ Chi thành đô thị vệ tinh trong tương lai và kết nối nhanh về Bến Thành thì hướng tuyến tối ưu nhất là đi dọc theo sông Sài Gòn. Bờ sông là hành lang phát triển TOD rất tốt, bởi vì không gian ven sông luôn đắc địa với dự án bất động sản", chuyên gia TOD của TEDI nhận định.
Hiện nay, quy hoạch TPHCM chưa xác định thêm TOD nào trừ những TOD đã có sẵn. Do đó, bước đầu tiên là phải xác định ranh giới các khu đất TOD trong quy hoạch. Quá trình xác định hướng tuyến phải thực hiện cùng với việc xác lập ranh giới các khu đất TOD.
Khi xây dựng mạng lưới 12 tuyến đường sắt đô thị mới, TPHCM cũng đồng thời phải lập các quy hoạch TOD (Ảnh: Nam Anh).
Theo quy hoạch trong 5 năm tới, Củ Chi, Cần Giờ cùng với 3 huyện vùng ven TPHCM sẽ phát triển thành các đô thị vệ tinh và sau đó nâng cấp lên thành phố.
Chuyên gia khẳng định, tuyến đường sắt đô thị đi qua Củ Chi sẽ có nhiều cơ hội phát triển đô thị TOD. Vấn đề là cần có nhà đầu tư quan tâm thúc đẩy dự án.
Ở khía cạnh này, tuyến tàu đi Cần Giờ đang có triển vọng cao hơn nhờ sự quan tâm từ Vin Group và dự án đô thị biển Cần Giờ của họ. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc khai thác quỹ đất và phát triển TOD ở tuyến metro Cần Giờ bị hạn chế hơn Củ Chi rất nhiều. Lý do đơn giản là TPHCM không có chủ trương đô thị hóa huyện đảo này. Cần Giờ là "lá phổi xanh", khu dự trữ sinh quyển" của thành phố.
Do đó, tuyến đường sắt đi Cần Giờ sẽ phục vụ chính cho khu đô thị và cảng biển ở gần đó. Loại hình đường sắt và mục tiêu đầu tư của tuyến tàu đi Cần Giờ sẽ khác với tuyến tàu đi Củ Chi.
"Chủ đầu tư khu đô thị biển Cần Giờ kỳ vọng kết nối giao thông nhanh nhất từ đó về trung tâm TPHCM. Tức là họ quan tâm kết nối điểm đầu và điểm cuối hơn là các vị trí trung gian. Tuyến tàu điện đi qua Cần Giờ có thể sẽ ít nhà ga và không có nhiều TOD", vị chuyên gia nói.
Vừa qua, phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định TPHCM đã hình thành tuyến đường sắt đô thị cả đi ngầm và trên cao, người dân rất đón nhận. Thành phố cần tiếp tục khai thác không gian quanh tuyến metro.
"Tôi đã trao đổi với anh Vượng Vingroup (tỷ phú Phạm Nhật Vượng - PV) về việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm đến Cần Giờ. Anh ấy đồng tình và rất say sưa. Thành phố cần giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn", Thủ tướng nói.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Cần Giờ là khu vực có thế mạnh đặc biệt nhờ vị trí ven biển, khả năng phát triển cảng nước sâu và hệ thống kết nối đường thủy đến các tỉnh miền Tây và miền Trung.
"Cần Giờ không chỉ phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cảng, tạo thêm việc làm. Với tuyến metro, lao động từ trung tâm thành phố có thể dễ dàng di chuyển đến đây, giúp khu vực này phát huy hết tiềm năng vốn có", ông Điền nói.
Ngược lại, Củ Chi lại là vùng cao, sở hữu quỹ đất rộng lớn, địa hình thuận lợi để phát triển công nghiệp. Ông nhấn mạnh, Củ Chi có thể đóng vai trò trung tâm công nghiệp của TPHCM, với khả năng kết nối đến các tỉnh như Tây Ninh và khu vực lân cận.
"Mỗi nơi đều có thế mạnh riêng: Cần Giờ là biển, còn Củ Chi là vùng cao. Đây là hai trụ cột quan trọng để cân bằng phát triển giữa các khu vực của thành phố," ông nhấn mạnh.
Ngọc Tân và Thư Trần - Theo Dân Trí