Là người đầu tiên mô tả cơ chế hoạt động của nền kinh tế thị trường qua kiệt tác Nguồn gốc sự thịnh vượng của các quốc gia, Adam Smith (1723-1790) được coi là cha đẻ tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Tới tận ngày nay, cái bóng lớn của ông vẫn phủ lên mọi hoạt động của nền kinh tế thế giới.
Nhân dịp 300 năm ngày sinh của ông, chúng ta cùng nhau nhìn lại ảnh hưởng của Adam Smith với sự vận hành của nền kinh tế hiện đại, đặc biệt là những gợi ý trong bối cảnh kinh tế Việt Nam, bao gồm suy ngẫm về giải pháp cho một số vấn đề lớn của thời đại như trí tuệ nhân tạo (AI) hay biến đổi khí hậu.
Nếu như ngày đó…
Hè vừa rồi, tôi đọc lại Adam Smith, và giật mình nhận ra một chi tiết quan trọng: Trong sách báo quốc ngữ Việt Nam trước năm 1945 mà tôi được tiếp cận, chỉ có một chương giới thiệu sơ sài về ông trong cuốn Kinh tế học tiểu sử (1928) của Quan Hải Tùng Thư.
Trên báo chí thời đó, tôi chưa tìm thấy những bài giới thiệu hay thảo luận về tư tưởng của Adam Smith. Như vậy, có thể nói tư tưởng của ông chỉ là một áng mây mờ xa xăm trên bầu trời, chứ chưa bén rễ trên mảnh đất này.
So sánh với các lĩnh vực khác như văn chương, hội họa, âm nhạc, triết học…, tôi thấy trên báo chí Việt Nam ngày ấy đã xuất hiện các bài giới thiệu, dịch phẩm hoặc sáng tác chịu nhiều ảnh hưởng phương Tây. Nhờ đó chỉ trong một thời gian rất ngắn khoảng 20 năm (1925-1945), Việt Nam đã có cả một nền văn nghệ mới.
Trong lĩnh vực khoa học, ảnh hưởng phương Tây đến Việt Nam tuy chậm hơn chút ít, nhưng cũng đã có những bước đầu quan trọng - như cuốn Danh từ khoa học ra đời năm 1942 (Hoàng Xuân Hãn biên soạn).
Nhờ những tác phẩm như vậy và nhờ một số nhà khoa học được đào tạo trước đó, từ năm 1954, người Việt đã có thể dạy và học các môn khoa học bằng chữ quốc ngữ, từng bước hình thành cả một nền khoa học bằng tiếng Việt như hiện giờ.
Tôi tự nhủ chuyện gì sẽ xảy ra nếu những năm 1925-1945 đấy đã có người dịch Adam Smith ra tiếng Việt, hoặc ít nhất là viết bài giới thiệu các khái niệm chủ đạo của ông, như với các lĩnh vực văn chương, nghệ thuật, khoa học?
Sở dĩ tôi đặt vấn đề như vậy là do khi quan sát nền kinh tế hiện tại, chúng ta vẫn thấy trở đi trở lại một nhóm nhỏ các thuật ngữ kinh tế chủ chốt đã được Adam Smith phát triển gần 250 năm trước: phân công và năng suất lao động, kinh tế thị trường, cạnh tranh tự do, tương tác cung cầu, giá vốn/giá thị trường, bàn tay vô hình…
Sự kiện Đổi mới năm 1986 - bước chuyển lớn nhất trong nhận thức kinh tế Việt Nam thời hiện đại - có thể tóm gọn trong thuật ngữ "nền kinh tế thị trường". Đó là tất cả những gì cần thiết để thay đổi nhận thức và cách thức vận hành nền kinh tế, đưa Việt Nam thoát đói nghèo.
Từ góc nhìn đó, chính các thuật ngữ kinh tế đã góp phần tạo ra thực tại kinh tế mới, đầu tiên là trong hình dung của dân chúng, sau đó trở thành thực tiễn, để chúng ta bước vào, sống trong đó, làm ăn buôn bán và vận hành toàn bộ nền kinh tế quốc gia.
Phương tiện biểu đạt tác động trở lại nội dung biểu đạt là chuyện đã được chứng minh và xảy ra nhiều lần trong quá trình phát triển của khoa học và các định chế chính trị, kinh tế, và xã hội.
Ngôn từ có sức mạnh kiến tạo - khi mô tả thế giới, ngôn từ không chỉ được nghĩ ra để ăn khớp với thế giới, mà tới lượt nó, thế giới sẽ được thay đổi để ăn khớp với ngôn từ. Nói cách khác, thực tại chúng ta đang sống không chỉ là thực tại vật lý, mà còn là thực tại nhận thức, được cấu tạo bởi ngôn từ. Kinh tế học thể hiện điều này thật rõ rệt.
Tượng Adam Smith ở Edinburgh, Scotland
Tôi cho rằng chính do thiếu các thuật ngữ kinh tế học đương đại, đầu tiên là ở miền Bắc cho tới 1975, rồi sau đó là ở nước Việt Nam thống nhất tới Đổi mới 1986, đã khiến giới quản lý kinh tế không thể hình dung được đúng và đủ cách thức vận hành một nền kinh tế "bình thường".
Nhưng ngay cả sau đó, hiểu biết về kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn còn manh mún, vụn vặt, chưa có tính hệ thống. Nếu tính từ sau khi đất nước thống nhất thì phải đến tận năm 1997, tác phẩm chủ đạo của Adam Smith mới được dịch ra tiếng Việt với tựa Của cải của các dân tộc.
Bản dịch cũng chưa thực sự tốt, thể hiện ngay trong cách đặt tên, vì ngày đó chúng ta còn thiếu các thuật ngữ kinh tế. Chưa kể, bản dịch dường như cũng không được tái bản.
Mãi đến năm 2021, một cuốn sách rất mỏng Adam Smith trong 60 phút và phiên bản bằng tranh cuốn Của cải của các dân tộc mới được dịch, mang tới cái nhìn thoáng qua về tư tưởng của Adam Smith. Đó là điều đáng ghi nhận, nhưng còn quá ít ỏi.
Nền kinh tế như một cơ thể người
Trong tác phẩm kinh điển Nguồn gốc sự thịnh vượng của các quốc gia, xuất bản năm 1776, tư tưởng chủ đạo về kinh tế của Adam Smith có thể tóm lược thành 5 điểm: 1. Con người kinh tế là động vật vị kỷ, đưa ra lựa chọn dựa trên lý trí; 2. Phân công lao động là nguồn gốc của tăng năng suất; 3. Kinh tế thị trường là nguồn gốc thịnh vượng; 4. Nhà nước tối thiểu, "gác đêm" cho nền kinh tế vận hành; 5. Thị trường hoạt động như thể được dẫn dắt bởi bàn tay vô hình.
Tác phẩm ra đời là nền tảng cho cả tư duy lẫn thực tế điều hành kinh tế. Việc điều hành kinh tế từ đó không còn mò mẫm thử-sai nữa, mà đã có một khung lý thuyết sâu sắc, dễ hiểu, hợp lý hợp tình… làm công cụ.
Do đó, có thể nói mà không cần e ngại rằng lịch sử thế giới bao gồm hai hệ thống kinh tế: trước 1776 và sau 1776, với đường phân thủy là Nguồn gốc sự thịnh vượng của các quốc gia.
Để cho dễ hiểu, chúng ta có thể coi nền kinh tế như một cơ thể người. Đây là so sánh không hoàn hảo, nhưng tư duy nhân hình hóa thường là cách giải thích dễ nhất cho những... con người - trên thực tế ta vẫn thường xuyên nghe nói "nhịp đập thị trường" hay nền kinh tế đang "hắt hơi sổ mũi".
Những yếu tố sau là quan trọng nhất để mô tả cấu trúc và trạng thái tồn tại của con người là: trái tim (cảm xúc); bộ não (lý trí); ý chí (để hành động); và môi trường xung quanh. Ta sẽ phân tích tư tưởng của Adam Smith dưới góc nhìn này.
Trái tim là bộ phận duy trì nhịp đập và tạo ra sức sống cho cả nền kinh tế lẫn các chủ thể tham gia. Trái tim của nền kinh tế thị trường cũng có bốn ngăn như trái tim người, mà dựa trên Adam Smith, bao gồm: 1. Phân công lao động: Yếu tố quyết định giúp tăng năng suất lao động; 2. Tương tác cung cầu: Cơ chế quyết định giá cả; 3. Cạnh tranh tự do: Cơ chế phân bổ nguồn lực và mối quan tâm của xã hội; 4. Giá vốn và giá thị trường: Nguồn gốc của lợi nhuận mà mỗi cá nhân, doanh nghiệp theo đuổi.
Bộ não của nền kinh tế là nơi đưa ra lựa chọn và quyết định lý tính của nền kinh tế. Adam Smith không cho chúng ta biết bộ não của nền kinh tế thực sự là gì, thậm chí bộ não đó có tồn tại hay không cũng là điều bỏ ngỏ.
Theo ông, nền kinh tế thị trường hoạt động như thể được dẫn dắt bởi "bàn tay vô hình". Ông nói: "Trong trường hợp này cũng như trong trường hợp khác, anh ta được hướng dẫn bởi một bàn tay vô hình để hỗ trợ cho một mục đích mà anh ta không hề dự tính trước đó".
Bàn tay vô hình dẫn tới thị trường tự do, hay là trật tự tự sinh của nền kinh tế.
Nói cách khác, nền kinh tế thị trường được vận hành bởi một lý trí tập thể, vô hình vô ảnh, không rõ mặt mũi và cơ chế hoạt động. Như thế, trong nền kinh tế thị trường, tâm lý đám đông sẽ hoạt động như bộ não của nền kinh tế, với tất cả sự tham lam, rồ dại và bất toàn của nó.
Theo người viết, đây là nhược điểm lớn nhất của tư tưởng kinh tế Adam Smith, cũng là nguồn gốc dẫn tới nhiều lo ngại và phê phán ông và những mặt trái của nền kinh tế thị trường sau này.
Nếu đã nhận định thiếu khuyết về lý trí tập thể là vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế thị trường thì sẽ có giải pháp gì để xử lý?
Về logic, có bốn giải pháp khả dĩ:
1. Bổ sung cho "bàn tay vô hình" bằng "bàn tay hữu hình", tức đưa lý trí của nhà nước vào, thông qua các can thiệp, điều tiết, đặc biệt là trong các thời kỳ đặc biệt như khủng hoảng, tái cấu trúc, chuyển đổi hình thái kinh tế…
2. Không tin tưởng và bác bỏ hoàn toàn vai trò bàn tay vô hình trong nền kinh tế, thay thế nó bằng bàn tay nhà nước, thay kinh tế thị trường bằng kinh tế kế hoạch, tập trung do nhà nước hoạch định.
3. Tin tưởng hoàn toàn vào vai trò và hiệu quả của bàn tay vô hình, chấp nhận mặt trái của thị trường như cái giá phải trả cho phát triển, nhà nước không can thiệp hoặc can thiệp tối thiểu, để mặc cho thị trường hoạt động và tự điều tiết.
4. Đưa vào thị trường một siêu lý trí từ bên ngoài, như AI tổng quát, để điều hành hoạt động của toàn bộ nền kinh tế và các chủ thể tham gia.
Đến nay, ba giải pháp đầu đã được đưa vào thực hiện ở quy mô quốc gia. Giải pháp thứ nhất, kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, hiện phổ biến và được chấp nhận rộng rãi hơn cả. Ngay cả với những nền kinh tế được coi là thành trì của thị trường tự do, việc điều tiết của nhà nước vẫn diễn ra ở mức độ và quy mô lớn.
Riêng giải pháp thứ tư, đưa vào thị trường một siêu lý trí từ bên ngoài thì đến nay mới có một thử nghiệm nhỏ trên thị trường chứng khoán, khi 60-70% các giao dịch đều là tự động, được thực hiện bởi các thuật toán máy tính. Trong thời gian tới, với sự phát triển của AI, giải pháp thứ tư này nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực trên diện rộng hơn.
Trong nền kinh tế thị trường, theo Adam Smith, ý chí của các chủ thể tham gia là tính vị kỷ ở con người, thể hiện qua hoạt động theo đuổi lợi ích cá nhân và lợi nhuận doanh nghiệp. Ông viết: "Không phải nhờ sự tốt bụng của người hàng thịt, người nấu bia và người làm bánh mì mà chúng ta có thể chờ đợi có được bữa tối, mà chỉ nhờ sự quan tâm của họ đến lợi ích riêng của chính họ mà thôi".
Như thế, ta thấy ý chí hành động của nền kinh tế thị trường dựa trên sự theo đuổi lợi ích vị kỷ, mang trong mình bản năng hoang dã. Đó chính là lý do khiến các nền kinh tế thị trường mới hình thành hoặc chuyển đổi vào thời kỳ non trẻ thường dễ rơi vào hình thái tư bản hoang dã hay chủ nghĩa thân hữu. Điều này chỉ có thể khắc phục bằng một nhà nước pháp quyền và nền hành chính chuyên nghiệp.
Cuối cùng, môi trường hoạt động của các chủ thể nền kinh tế thị trường là một thị trường tự do, cạnh tranh toàn diện. Theo Adam Smith, chỉ trong một môi trường như thế thì nguồn lực kinh tế mới được phân bổ hiệu quả nhất, việc điều tiết của thị trường mới nhanh nhạy nhất, và do đó lợi ích tổng thể thu được cho toàn xã hội sẽ lớn nhất.
Chính từ luận điểm này mà thị trường tự do đã trở thành mô hình chủ đạo của hầu hết các nền kinh tế hiện hành, cả của các khối thương mại tự do và khối kinh tế hiện đại.
Siêu cơ hội, siêu vấn đề
Sự xuất hiện của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, hay các công nghệ có khả năng thay đổi những nền tảng của văn minh nhân loại như năng lượng hạt nhân, nhân bản vô tính, AI... đang đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu bàn tay vô hình có khả năng dẫn dắt các siêu vấn đề (đồng thời là siêu cơ hội) này, theo hướng có lợi cho nhân loại, hay sẽ mù quáng thúc đẩy con người vào diệt vong do lợi ích vị kỷ, bản năng và hoang dã sẵn có?
Quả thực, khả năng bàn tay vô hình sẽ mù quáng dẫn dắt thị trường, biến các siêu vấn đề thành thảm họa với nền văn minh là không thể xem thường. Chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu đã được đưa vào khuôn khổ cam kết chính trị liên quốc gia, từ đó chuyển hóa thành các chính sách kinh tế cụ thể, như cắt giảm phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, xe điện…
Một ví dụ khác có tính kinh tế hơn là sự lấn át của thị trường tài chính so với thị trường thuần túy, thể hiện qua thị trường chứng khoán, sản phẩm tài chính phái sinh, hay thị trường tiền mã hóa gần đây, vốn góp phần dẫn tới không ít biến cố khủng hoảng tài chính.
Thật không may, cách thức hoạt động của các thị trường và sản phẩm này ăn khớp với tâm lý đám đông và tính vị kỷ của con người, đánh thẳng vào nhược điểm chủ đạo của tư tưởng kinh tế Adam Smith, cũng là yếu huyệt của nền kinh tế thị trường, gây ra hỗn loạn hoặc đổ vỡ diện rộng.
Đến nay, thứ lý trí bên ngoài duy nhất mà chúng ta dùng để can thiệp vào kinh tế thị trường là lý trí của nhà nước. Vậy ngoài lý trí nhà nước, liệu còn lý trí nào khác? Với đà phát triển như hiện giờ, rất có thể trong một vài thập kỷ tới, AI sẽ trở thành thứ lý trí quan trọng để điều phối hoạt động của nền kinh tế.
Điều này không phải viễn tưởng: hiện khoảng 60-70% giao dịch trên thị trường chứng khoán thế giới đã được thực hiện với sự can thiệp hoàn toàn hoặc một phần của máy móc và thuật toán.
Trong đời sống thường ngày, một số lĩnh vực kinh tế như taxi công nghệ, giao nhận hàng hóa cũng đã được điều phối chủ yếu bởi thuật toán. Ứng dụng AI, tự động hóa, dữ liệu lớn vào mọi lĩnh vực kinh tế sẽ tạo điều kiện nền tảng ngày càng lớn để AI quản lý chính nền kinh tế đó.
Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra với con người khi đó, nhưng chắc chắn sẽ là những thay đổi đảo lộn. Một câu hỏi phải nêu ra là nếu quả thực tồn tại một siêu lý trí vạn năng để xử lý các siêu vấn đề thì liệu siêu lý trí đó có chuyển hóa thành siêu quyền lực để quay ra chống lại con người không?■
Phê phán kinh tế học Adam Smith
Vì tin tưởng vào bàn tay vô hình nên theo Adam Smith, nhà nước cần để yên cho cơ chế thị trường vận hành và chỉ nên đóng vai trò "người gác đêm" cho thị trường hoạt động.
Khi đó, các vai trò chủ đạo của nhà nước là: 1. Chống ngoại xâm; 2. Đảm bảo công lý; 3. Cung cấp hàng hóa, dịch vụ công, hoặc đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết cho xã hội nhưng lợi nhuận không đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư ngoài nhà nước; 4. Thu thuế và tái phân bổ thu nhập để duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước, cung cấp hàng hóa/dịch vụ công, giảm bất bình đẳng và hướng đến phát triển bền vững.
Ta thấy khiếm khuyết lớn nhất trong tư duy kinh tế của Adam Smith là phần khuyết thiếu trong lý trí tập thể của nền kinh tế thị trường. Đây chính là nguồn gốc của các phê phán, thẩm soát với kinh tế học Adam Smith, mà điển hình là hai nhà tư tưởng lớn Karl Marx và John Maynard Keynes.
Marx phê phán Adam Smith gay gắt, đặc biệt trong việc không chỉ rõ nguồn gốc của lợi nhuận, do đó không nhận chân được giá trị thặng dư như là kết quả của bóc lột của chủ tư bản với công nhân lao động. Còn Keynes thì cho rằng bàn tay vô hình không đủ khi xử lý các vấn đề kinh tế, cần có thêm bàn tay của nhà nước, đặc biệt là khi khủng hoảng kinh tế.
Phê phán của Marx với Adam Smith đã góp phần tạo ra kinh tế chính trị học Marx, ở đó bàn tay vô hình bị thay thế hoàn toàn bởi kế hoạch của nhà nước. Còn phê phán của Keynes tạo cơ sở lý luận cho các chính sách can thiệp của nhà nước vào thị trường, đặc biệt là khi có khủng hoảng kinh tế hoặc tái cấu trúc thị trường.
Cả Marx và Keynes đều tìm cách bù đắp cho thiếu hụt về lý trí tập thể trong nền kinh tế thị trường bằng một lý trí bên ngoài, cụ thể là lý trí của nhà nước, ở các cấp độ khác nhau.
Lý trí nhà nước hiện cũng là công cụ chính để giải quyết các vấn đề chưa xuất hiện thời Adam Smith, như giám sát và điều tiết hoạt động của các tập đoàn độc quyền.