Trong những thập niên tới, những thay đổi địa chất cùng sự ấm lên của lớp băng vĩnh cửu do biến đổi khí hậu có thể đe dọa nhiều công trình kiến trúc do con người xây dựng ở Bắc Cực và các khu vực chung quanh. Các nhà khoa học ước tính, chi phí bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống cơ sở hạ tầng này đến giữa thế kỷ có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ USD.
Trái đất ấm lên khiến tốc độ băng tan ngày một nhanh.Nghiên cứu khoa học mới công bố trên Tạp chí Nature Reviews Earth & Environment cho thấy, nhiệt độ tại các khu vực băng vĩnh cửu đã tăng từ 0,3oC đến 1oC trong mỗi 10 năm, kể từ những năm 80 của thế kỷ 20. Vùng High Arctic - khu vực vòng Bắc Cực cao nhất, gồm nhiều hòn đảo phía bắc Canada và Greenland cũng đã ghi nhận nền nhiệt độ tăng tới 3oC trong 40 năm qua. Các nhà khoa học đánh giá, mức tăng nhiệt này đủ để làm tan chảy lớp băng vĩnh cửu nằm sâu trong lòng đất, gây ra thay đổi địa chất. Thực tế, các cơ sở hạ tầng như cầu, đường, nhà ở hay hệ thống đường ống nhiên liệu ở khu vực Alaska (Mỹ), phía bắc của Nga và Canada đã có dấu hiệu bị rạn nứt.
Gần 70% cơ sở hạ tầng ở các khu vực băng vĩnh cửu ở bắc bán cầu, bao gồm hơn 120 nghìn tòa nhà, gần 40 nghìn km đường giao thông, cùng 9.500 km đường ống dẫn nhiên liệu có nguy cơ bị hư hại. Đến năm 2050, các đoạn đường cao tốc của Canada, hệ thống đường ống liên tuyến Alaska, hay các thành phố Vorkuta, Yakutsk và Norilsk của Nga đều thuộc diện có nguy cơ cao bị phá hủy do lớp băng gần bề mặt dần tan.
Nghiên cứu mới cảnh báo, tác động đối với cơ sở hạ tầng là đặc biệt nghiêm trọng ở Nga, nơi có nhiều thành phố và khu dân cư nằm trên lớp băng vĩnh cửu hơn các quốc gia khác. Theo thống kê, gần 90% số dân ở các khu vực băng vĩnh cửu Bắc Cực là ở Nga. Tại thành phố Vorkuta, khoảng 80% trong số các tòa nhà đã xuất hiện một số biến dạng do lớp băng vĩnh cửu thay đổi. Năm 2020, băng vĩnh cửu tan chảy cũng đã gây ra vụ tràn dầu lớn ở thành phố Norilsk, khi một thùng nhiên liệu bị vỡ và rò rỉ hàng chục nghìn tấn dầu xuống sông.
Tuy nhiên, các công trình xây dựng mới vẫn tiếp tục mọc lên tại Bắc Cực. Kể từ năm 2000 đến nay, những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy số lượng cơ sở hạ tầng, nhiều tuyến đường bộ và đường sắt mới dọc bờ biển Bắc Cực đã tăng 15%, tương đương diện tích 180 km2. Ngành dầu khí chiếm tới 70% số công trình mới này. Các chuyên gia ước tính, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cho phần lớn hệ thống cơ sở hạ tầng này đến năm 2050 có thể lên tới 15.500 tỷ USD.
Thực tế, ngay từ giai đoạn khởi công các công trình nằm trên vùng băng vĩnh cửu, các nhà thầu cũng đã áp dụng những công nghệ xây dựng có chi phí cao, như đặt các đường ống tản nhiệt của các tòa nhà dọc theo tuyến đường, trong khi phần móng được thiết kế để bảo đảm sự ổn định của lớp băng phía dưới. Tuy nhiên, không giống như sông băng hoặc núi băng trôi, những thay đổi trong lớp băng vĩnh cửu khó đo lường hơn, vì nằm sâu dưới lòng đất.
Các nghiên cứu ước tính, lớp băng vĩnh cửu phía bắc Trái đất bao phủ khoảng từ 13 đến 18 triệu km2 và lưu giữ gần 1.900 tỷ tấn carbon. Diện tích băng vĩnh cửu này ấm lên và thay đổi không chỉ đe dọa các cơ sở hạ tầng, mà sẽ giải phóng lượng lớn carbon đã bị đóng băng trong nhiều thiên niên kỷ vào bầu khí quyển, càng làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, không giống với động đất hay sóng thần, những tác động do băng vĩnh cửu tan chảy sẽ diễn ra từ từ và con người vẫn còn thời gian để giảm thiểu các thiệt hại.
ĐOÀN HIẾU - Theo Báo Nhân Dân