Chuyên gia dự báo 2025 có thể là năm thử thách cho kinh tế Việt Nam với 4 biến số chính gồm tỷ giá, xuất nhập khẩu, tình hình địa chính trị thế giới và các vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam.
Tại hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - nhận diện cơ hội" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/12, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, đã đưa ra những nhận định quan trọng về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và 2025.
Ông Hiếu cho rằng năm 2024 sẽ là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam do những biến động về địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
"Những yếu tố này đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính và các thị trường khác trên thế giới. Việt Nam, với độ mở lớn vào thị trường quốc tế, không nằm ngoài vòng tác động", ông Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những điểm sáng như kiểm soát lạm phát ở mức khả quan, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu tiếp tục tăng. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 6,5%.
4 biến số với nền kinh tế Việt Nam năm 2025
Năm 2025, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến cố mới, đặc biệt là trên "mặt trận" địa chính trị.
Ông Hiếu phân tích, với nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống tái đắc cử Donald Trump, thế giới sẽ đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh.
Vị chuyên gia này lưu ý 4 biến số chính với kinh tế Việt Nam trong năm tới.
Thứ nhất là tỷ giá. USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua và dự báo cả năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Donald Trump.
"Giới chuyên môn cho rằng các chính sách về thuế của ông Trump sẽ làm tăng thiếu hụt ngân sách Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách.
Thâm hụt ngân sách cũng có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mua trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều hơn, làm phình tổng tài sản của Ngân hàng trung ương Mỹ và đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông. Những điều này có khả năng làm tăng lạm phát và buộc Fed đảo ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt. Điều này tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND", ông Hiếu nói.
2025 có thể là năm thử thách cho kinh tế Việt Nam (Ảnh: Mạnh Quân).
Biến số tiếp theo là việc Mỹ có thể áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.
"Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ do Mỹ đang là đối tác xuất khẩu số một", ông Hiếu nhận định.
Trong bối cảnh đó, ông Hiếu cho rằng, cách để cân bằng là tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhằm giảm thặng dư thương mại. Đồng thời, cần đón nhận cơ hội từ các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất bán dẫn.
Biến số thứ 3 được chuyên gia này chỉ ra là tình hình địa chính trị với những biến động tại các "điểm nóng" Ukraine, Trung Đông và mới đây là Hàn Quốc có thể tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam.
Biến số còn lại là những vấn đề của nội tại nền kinh tế Việt Nam. Ông Hiếu cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn chật vật phục hồi sau dịch Covid-19. Dù có hỗ trợ lớn từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
GDP cả năm có thể tăng tới 7,25%
Ở góc nhìn lạc quan hơn, Tiến sĩ Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng năm 2025 Việt Nam vẫn có nhiều động lực để thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh yếu tố lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, thì các khu vực kinh tế vẫn tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn.
Động lực tiêu dùng nội địa dù phục hồi chưa như kỳ vọng nhưng mức sống của người dân đang có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước.
GDP cả năm có thể tăng tới 7,25% (Ảnh: Mạnh Quân).
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng… Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng mạnh cũng là cơ sở để Nhà nước tiếp tục tăng chi đầu tư công và chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển.
Đồng thời, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết…
Ông Khôi còn đánh giá, nếu trong quý cuối năm, các động lực đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế đều diễn biến tốt thì GDP cả năm có thể tăng tới 7,25%.
Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội, ông Lương Văn Khôi nhấn mạnh cần các cơ quan cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khai thác hiệu quả nguồn vốn cho phát triển, tăng cường hoàn thiện thể chế để định hướng hiệu quả nguồn vốn FDI, hoàn thiện hạ tầng cho phát triển thông qua tăng đầu tư công để phát triển hạ tầng giao thông, nhất là phát triển đường bộ cao tốc và các sân bay, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh…
"Bên cạnh cơ hội, sẽ còn có những thách thức. Với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tôi tin rằng sẽ tạo những tác động tích cực đối với kinh tế Việt Nam năm 2025", ông Khôi nhấn mạnh.
Mỹ Tâm - Theo Dân Trí