Truyền thông Pháp ngữ cuối 2022 đầu 2023 nói nhiều về cuốn ‘‘10 đại hiểm họa’’ đe dọa thế giới của kinh tế gia Mỹ Nouriel Roubini. Cũng đầu năm mới, một phát biểu của tổng thống Pháp, để ngỏ ý cho rằng ‘‘khủng hoảng khí hậu’’ có thể đã không được dự báo trước, bị phê phán mạnh. Dịch Covid tại Trung Quốc đe dọa đà phục hồi. Lần đầu tiên kể từ khi bị Nga xâm lược, Ukraina cử đoàn ba-lê ra nước ngoài. Trên đây là chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Biến đổi khí hậu và chiến tranh : Hai đại họa đe dọa thế giới. Đại họa nào đáng sợ hơn đại họa nào ? Ảnh trang bìa của tuần san Pháp Courrier International đầu năm 2023. © Copy d'ecran
Kinh tế gia Mỹ Nouriel Roubini, nổi tiếng là người duy nhất dự báo trước (ngay từ năm 2006) cuộc khủng hoảng tài chính 2008, bùng lên tại Mỹ, rồi từ đó lan ra toàn cầu. Tháng 10/2022, Nouriel Roubini cho ra cuốn ‘‘MegaThreats: Ten Dangerous Trends That Imperil Our Future, and How to Survive Them’’ (‘‘Các đại hiểm họa : Mười xu thế nguy hiểm đe dọa chôn vùi tương lai của chúng ta, và làm thế nào để có thể sống sót’’). Trang mạng tuần báo Pháp Paris Match, đầu năm 2023, có bài ‘‘ "Dr. Doom": "Nous avançons lentement mais sûrement vers la catastrophe" ’’ (‘‘ "Tiến sĩ Ngày Tận Thế" cho biết: "Chúng ta đang tiến chậm, nhưng đang tiến chắc chắn đến đại thảm họa" ’’).
Phải chăng Roubini mang cặp kính hoàn toàn đen ?
‘‘Dr Doom’’ (hay ‘‘Tiến sĩ Ngày Tận Thế’’) là biệt danh nhiều người sử dụng để vinh danh Nouriel Roubini người đã dự báo đúng cuộc khủng hoảng 2008. Nhưng những người phản đối cũng dùng chính cách gọi này để chê bai, giễu cợt ông như một người luôn mang cặp kính đen, luôn chỉ nhìn thấy những mặt tồi tệ của hiện thực. Báo động kinh tế toàn cầu suy thoái kéo dài và trầm trọng là thông điệp mà L’Echo - nhật báo Pháp ngữ Bỉ, chuyên về kinh tế và tài chính, rút ra từ cách nhìn của Nouriel Roubini, qua bài ‘‘Les "bons" vœux du FMI et de Roubini’’ (Những lời chúc năm mới "tốt lành" của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và của kinh tế gia Roubini).
Trong phần kết, L’Echo thừa nhận Roubini không phải đã ‘‘hoàn toàn sai lầm trong những nhận định’’ ông đưa ra, nhưng ông để lại ấn tượng rằng đại thảm họa là ‘‘không thể tránh khỏi’’. L’Echo phản bác: ‘‘điều tồi tệ nhất không phải luôn là điều chắc chắn xảy ra’’. Báo Bỉ nêu bật tấm gương của người Ukraina hiện nay, đang kháng chiến chống lại ‘‘con quái vật Nga’’, với niềm tin kiên định, hay Liên Âu với cuộc chiến bài bản về năng lượng đã kéo được giá khí đốt xuống mức thấp hơn so với một năm trước. Theo L’Echo, ‘‘năm 2023 có thể sẽ không tồi tệ hơn năm 2022’’.
Tính liên hoàn của các đại khủng hoảng
Trên thực tế, kinh tế gia Nouriel Roubini không phải chỉ là người dự báo về các thảm họa, mà ông còn đề xuất các giải pháp. Và các dự báo của ông không phải chỉ về các xu thế nguy hiểm đối với năm 2023, mà cho cả những năm tiếp theo, cho trung hạn cũng như dài hạn. Tuần báo Pháp Challenges, chuyên về kinh tế, tài chính, số ra cuối năm 2022, có bài phỏng vấn Nouriel Roubini, với tựa đề ‘‘Récession massive, invasion de Taiwan… L’économiste "catastrophe" Roubini livre ses prédictions 2023’’ (‘‘Suy thoái mạnh, Đài Loan bị xâm lăng… Kinh tế gia ‘‘đại thảm họa’’ đưa ra các dự báo cho năm 2023’’). Cuộc trả lời phỏng vấn Challenges cho phép kinh tế gia Mỹ trình bày toàn diện hơn quan điểm.
Nouriel Roubini nhấn mạnh đến tính chất đa diện của các xu thế nguy hiểm, từ khủng hoảng nợ, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng, cuộc chiến kinh tế Mỹ - Trung, chiến tranh quy ước, đe dọa chiến tranh hạt nhân, hiểm họa trí tuệ nhân tạo, cũng như biến đổi khí hậu…. Và điểm quan trọng là các xu thế nguy hiểm này tương tác với nhau, tạo nên tình trạng ngày một nghiêm trọng hơn.
Đại họa nhãn tiền - đại họa lâu dài
Nouriel Roubini không khẳng định là thế giới chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ nhất, nhưng ông lưu ý là bất kể với nỗ lực thế nào, tình hình cũng sẽ rất tồi tệ. Chỉ có điều, nếu nỗ lực đủ và đúng hướng, mức độ tồi tệ sẽ giảm bớt. Nouriel Roubini hay dùng từ ‘‘Dystopia’’ (một từ gốc Hy Lạp dùng để chỉ một xã hội rất tồi tệ, trái ngược hoàn toàn với ‘‘Utopia’’) để nói về tương lai sắp tới của nhân loại. Theo kinh tế gia Mỹ, với các xu thế khó tránh khỏi hiện nay, tương lai sắp tới của nhân loại chỉ có thể là ‘‘Dystopia’’ nhiều hơn hay ít hơn. Nói một cách khác, cái giá phải trả cho các giải pháp sẽ là ‘‘hết sức cao’’, nhưng có khả năng giảm bớt mức độ của đại thảm họa.
Kinh tế gia Nouriel Roubini và trang bìa cuốn ‘‘Các đại hiểm họa: Mười xu thế nguy hiểm đe dọa chôn vùi tương lai của chúng ta, và làm thế nào để có thể sống sót’’ (2022) © copy d'écran youtube
Theo Roubini, 10 đại hiểm họa không phải đều nguy hiểm như nhau vào cùng một thời điểm. Đại họa nợ công và nợ tư bùng nổ là đại họa nhãn tiền. Đại họa biến đổi khí hậu cũng là nhãn tiền. Ngược lại, sự bành trướng của ‘‘trí tuệ nhân tạo’’, có khả năng làm loài người suy thoái, là đe dọa kéo dài trong hàng nửa thế kỷ, hay một thế kỷ.
Cần ‘‘tư duy toàn cục’’ để nhận ra đúng mức độ của hiểm nguy
Tuần san Pháp Courrier International số ra đầu năm đặc biệt trân trọng tư duy toàn cục về các đe dọa đối với nhân loại của kinh tế gia Nouriel Roubini. Courrier International chọn cách tiếp cận này làm chủ đề chính của số báo với tựa đề ‘‘Khí hậu, chiến tranh tại Ukraina, Covid-19, lạm phát : tại sao lại cần tư duy một cách toàn cục’’ (nguyên văn ‘‘Climat, guerre en Ukraine, Covid-19, inflation : pourquoi il faut penser global’’). Không thể tách rời những hiểm họa về kinh tế, tài chính, hay đại dịch, hay gạt sang một bên để bàn riêng vấn đề biến đổi khí hậu. Chỉ có tiếp cận toàn cục như vậy mới cho phép nhân loại đối mặt thực sự đúng tầm mức nguy cơ.
Thông điệp chủ yếu của kinh tế gia Nouriel Roubini đã được Courrier International chuyển đến công chúng trong số báo đầu năm mới. Nhận thức đúng mức và đầy đủ các đại hiểm họa, và các gốc rễ của chúng mới cho phép tìm ra các giải pháp đúng.
Ngày 12/01 tới, bản dịch cuốn ‘‘Các đại hiểm họa : Mười xu thế nguy hiểm đe dọa chôn vùi tương lai của chúng ta, và làm thế nào có thể sống sót’’, của người dự báo đúng cuộc khủng hoảng tài chính 2008, sẽ ra mắt công chúng Pháp ngữ.
Câu nói gây sốc của tổng thống Pháp: ‘‘Ai dự báo được khủng hoảng khí hậu ?’’
Biến đổi khí hậu là một trong 10 đại họa với nhân loại, theo kinh tế gia Mỹ Nouriel Roubini. Trong các bài viết hay trả lời phỏng vấn của mình, Roubini khẳng định đó là cuộc khủng hoảng hàng đầu, tác động ngay trước mắt và trung hạn. Biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng khí hậu cũng là điều đã được giới khoa học quốc tế dự báo từ nhiều thập niên. Cộng đồng quốc tế đã ký kết một hiệp định về khí hậu để ngăn chặn xu thế khí hậu nóng lên do khí thải, chủ yếu do các hoạt động của kinh tế con người, trước hết là do các năng lượng hóa thạch.
Tuy nhiên, ngay tại nhiều quốc gia phát triển, việc thừa nhận thực sự có một cuộc đại khủng hoảng về khí hậu, và cần phải kiên quyết hành động để ngăn chặn xu thế này, không phải là điều đã dễ dàng được đông đảo xã hội cũng như đông đảo chính giới công nhận, cho dù những hậu quả của biến đổi khí hậu, với thời tiết nóng lên đã liên tục phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, bão tố mạnh hơn, cháy rừng dồn dập hơn, đã là điều khó ai không nhìn nhận.
Đầu năm mới 2023, trong bài diễn văn chúc mừng năm mới, tổng thống Emmanuel Macron đặt câu hỏi: ‘‘Qui aurait pu prédire la crise climatique ?’’ (Liệu ai có thể dự báo trước được khủng hoảng khí hậu ?). Câu nói tuy rất ngắn của tổng thống Pháp đã gây phản ứng mạnh trong công luận Pháp. Chỉ trích có, lên án có, tuy nhiên phát biểu của ông Macron ắt hẳn cũng nhận được nhiều chia sẻ. Đài RFI dành một chương trình riêng giải đáp vấn đề này.
Khí hậu với Đời sống con người: Giáo dục làm ngơ, chính trị gia lẩn tránh
Trả lời RFI, trong chương trình ‘‘C’est pas du vent’’, tiến sĩ Nathanaël Wallenhorst, một chuyên gia về môi trường, một mặt phê phán tổng thống, nhưng mặt khác cũng nêu bật một vấn đề có thể quan trọng hơn. Đó là, trong xã hội hiện nay, đang thiếu hoàn toàn một nhận thức toàn diện và đầy đủ về những chuyện cốt lõi trong quan hệ giữa khí hậu với đời sống con người. Nathanaël Wallenhorst coi đây chính là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến các nhận thức sai lầm, lệch lạc về đại khủng hoảng khí hậu, cản trở toàn xã hội hợp sức để hành động kiên quyết và hiệu quả.
Nhà nghiên cứu môi trường Nathanaël Wallenhorst giải thích :
‘‘Chúng ta có một vị tổng thống đang diễn trò với các con số, đùa giỡn với dữ liệu khoa học, với các công dân, với các vấn đề được mất mang tính dài hạn. Dĩ nhiên là ông ấy đã biết đến các bản báo cáo trước đây của GIEC – Nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Khí hậu -, mà Pháp là quốc gia ký kết. Chính bởi vậy mà câu nói ngắn ngủi có ý nghĩa phủi bỏ trách nhiệm kia là điều không thể chấp nhận được.
Các nhà lãnh đạo chính trị hiện nay là những người có trách nhiệm, và bản thân họ cũng là các thủ phạm, với việc liên tục trì hoãn hành động. Rõ ràng đây là chuyện nghiêm trọng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cũng cho phép họ có thể hành xử như vậy. Bởi vì chúng ta không có những phương thức để diễn tả đúng những gì đang diễn ra.
Các tri thức về vấn đề quan hệ giữa khí hậu với đời sống con người (bioclimatic) hiện vẫn còn vắng mặt trong chương trình giáo dục. Đúng là ở chỗ này hay chỗ khác, vấn đề này đã được đề cập đến. Nhưng cái ‘‘hệ hình căn bản’’ (paradigme fondamental), khẳng định thế giới hiện đang Đâm Xuống Vực Thẳm - cái có thể mang lại đầy đủ ý nghĩa cho các tri thức tản mạn nói trên - thì lại là điều hoàn toàn vắng mặt, bị bỏ qua. Cái ‘‘hệ hình căn bản’’ này bị loại ra khỏi các phát biểu chính trị, và nhìn chung bị loại ra khỏi mọi hành động chính trị. Đây thực sự chính là vấn đề’’.
Covid bùng lên tại Trung Quốc: Doanh nghiệp chật vật
Sau ba năm đóng cửa gần như hoàn toàn, chính quyền Trung Quốc đột ngột chấm dứt chính sách Zero covid. Chính sách đột ngột của Trung Quốc đang gây thêm nhiều khó khăn cho việc hồi phục kinh tế của nước này, nhưng cũng có một số dấu hiệu cho thấy dường như đỉnh dịch đã vượt qua tại một số khu vực đô thị phía nam.
Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh:
‘‘Sự gia tăng đột biến của Covid đã tước đi công nhân và khách hàng đối với các nhà máy ở miền đông nam Trung Quốc. Việc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch có mục tiêu khởi động lại cỗ máy sản xuất, đặc biệt là ở Quảng Châu và Thâm Quyến, nơi đặt các công xưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới. Chúng tôi đã liên hệ với ông Klaus Zenkel, giám đốc kinh doanh và phó chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc và đại diện phòng khu vực phía nam.
Vị đại diện này cho biết: ‘‘Các công ty đã phải làm việc với ít nhân viên hơn.Vất vả lắm ! Một số nơi quá tải vì số lượng người mắc bệnh.Họ có thể mất đến đến hơn 80% nhân viên.Một số công ty phải ngừng sản xuất hoàn toàn. Nhưng may mắn là tình trạng này không kéo dài, bởi vì các công ty đã tuân theo những hướng dẫn chính thức mới, theo đó, nếu có ít triệu chứng và không bị sốt thì nhân viên vẫn có thể đi làm’’.
Việc công nhân nhiễm virus nhưng không bị ốm tiếp tục làm việc tại các dây chuyền đã cho phép nhiều nhà máy hoạt động với 50% nhân viên, điều này có thể đã hạn chế được thiệt hại, theo Phòng Thương mại Châu Âu. Phòng Thương Mại Châu Âu cũng giống như toàn bộ giới kinh doanh, đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid.
Đại diện Phòng Thương Mại Châu Âu Klaus Zenkel giải thích: “Để phòng ngừa các đợt phong tỏa có thể sẽ được áp đặt liên tục như trong năm ngoái, một số công ty đã có biện pháp chủ động đối phó. Họ đã dự trữ phụ tùng thay thế và dựa vào những thứ này để tiếp tục chạy’’. ‘‘Nền kinh tế Trung Quốc có khả năng phục hồi mạnh, tiềm năng là to lớn và đầy sức sống,” chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu đầu năm mới.
Tình trạng ùn tắc giao thông hiện cũng đã trở lại ở nhiều siêu đô thị phía nam, một dấu hiệu cho thấy đỉnh dịch đã qua. Tuy nhiên, hoạt động của các nhà máy Trung Quốc trong tháng 12 vẫn bị coi lạ, và đối với lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, hoạt động kinh doanh trong mùa đông năm nay cũng tồi tệ như khi đại dịch bắt đầu hồi 2020, theo một cuộc khảo sát chính thức được công bố vào cuối tuần trước.’’
Đoàn ba-lê đầu tiên ra nước ngoài biểu diễn: Người Ukraina vẫn đứng vững
Gần một năm kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, lần đầu tiên một đoàn múa vũ ba-lê Ukraina ra nước ngoài. Cuối năm 2022 vừa qua, đoàn ba-lê quốc gia Ukraina đã trình diễn tại Paris. Đoàn vũ ba lê Ukraina chọn vở ba-lê lãng mạn Pháp Giselle, thay vì một vở vũ ba-lê của Tchaïkovski, do lệnh cấm tuyệt đối không trình diễn các tác phẩm Nga. Vở Giselle của Adolphe Adam, trình diễn lần đầu năm 1841, được coi là một tác phẩm kinh điển đầu tiên của môn nghệ thuật vũ ba-lê châu Âu.
Bất chấp bom đạn, các khó khăn về nhiều mặt, nghệ thuật vũ ba-lê Ukraina vẫn tồn tại. Nngay tại Ukraina, công chúng vẫn tiếp tục thưởng thức vũ ba-lê dưới hầm, với giới hạn khoảng 500 người một lần biểu diễn. Phục vụ những người đang cầm súng cũng là một sứ mạng khác của đoàn vũ ba-lê quốc gia Ukraina. Trả lời RFI, người phụ trách chương trình Vony Sarfati cho biết đôi chút về những khó khăn hàng ngày của đoàn tại Ukraina, từ thiếu điện, cho đến mọi thứ khác. Số nghệ sĩ của đoàn cũng giảm mạnh từ khi chiến tranh bùng nổ. Nhiều người đi lánh nạn, có nghệ sĩ ra chiến trường, đã hy sinh.
Nữ diễn viên ba-lê Nataliya Matyak, Nhà hát Opera Quốc gia Ukraina, diễn tập tại ở Kiev, ngày 15/12/2022, trước khi sang Pháp trình diễn. AFP - SERGEI SUPINSKY
Đoàn ba-lê quốc gia Ukraina trình diễn tổng cộng 17 buổi trong 16 ngày tại nhà hát Théâtre des Champs-Elysées. Tại Paris, đoàn đã cho thấy, bất chấp chiến tranh, người Ukraina vẫn đứng vững. Bất chấp nhiều thử thách tưởng như khó vượt qua trong năm vừa qua, các nghệ sĩ ba-lê Ukraina vẫn có thể tiếp tục mang đến công chúng những cuộc trình diễn điêu luyện nghệ thuật ba-lê cổ điển.
Trọng Thành - Theo RFI