Trên chính trường Mỹ thường có sự phân hóa rõ nét; phe Cộng hòa nghiêng về phía hữu, phe Dân chủ nghiêng về phía tả. Tuy nhiên trong lãnh vực kinh tế, bao năm nay hai bên thường gặp nhau ở giữa, hình thành nên những chính sách kinh tế trung dung.
Nếu ngày xưa họ gặp nhau ở xu hướng cổ xúy tự do thương mại thì ngày nay, chính sách này đã xoay chuyển thành bảo hộ sản xuất trong nước.
Kết thúc đồng thuận Washington
Sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, kinh tế thị trường lên ngôi, Mỹ hết lòng cổ vũ cho tự do thương mại.
Tư tưởng chủ đạo cho rằng bằng cách giảm thuế, bỏ hàng rào kỹ thuật, để doanh nghiệp tự do dịch chuyển vốn và cơ sở sản xuất đến đâu có lợi nhất, Mỹ sẽ tạo ra thịnh vượng cho cả người dân nước mình lẫn các nước tham gia, từ đó duy trì ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của Mỹ khắp toàn cầu.
Lập trường thúc đẩy tự do thương mại và ủng hộ toàn cầu hóa, còn gọi là "đồng thuận Washington", kéo dài ba bốn chục năm xem như đã kết thúc với việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016.
Ông này thắng cử là nhờ hiểu được mặt trái của thương mại tự do, đánh vào tâm lý của hàng triệu người Mỹ bị bỏ lại phía sau, như những công nhân mất việc do nhà máy chuyển sang Trung Quốc để tận dụng giá nhân công rẻ.
Đại dịch Covid-19 càng tô đậm mặt trái của việc phụ thuộc vào thương mại tự do. Sau nhiều năm chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài, Mỹ không những chịu cảnh nhiều thị trấn hoang phế vì nhà máy bỏ hoang, họ còn chợt nhận ra nay trong nước không thể tự sản xuất những mặt hàng đơn giản như khẩu trang y tế hay bộ đồ bảo hộ cho y bác sĩ nếu cần gấp.
Sau đại dịch, các đợt tắt nghẽn dòng chảy hàng hóa làm Mỹ thấy phải đưa sản xuất các mặt hàng chiến lược như bán dẫn, xe điện, pin mặt trời về lại nước mình.
Thời ông Trump làm tổng thống, chuyện Mỹ áp thuế cao lên nhiều mặt hàng nhập từ Trung Quốc gây ồn ào nhất.
Điều đáng nói là dù đối thủ của ông, tổng thống đương chức Joe Biden phản đối chuyện áp thuế này khi tranh cử, khi đắc cử, ông Biden lẳng lặng tiếp tục chính sách thời Trump với Trung Quốc.
Điều gây ồn ào thời ông Biden lại là chính sách dùng tiền trợ cấp để khuyến khích doanh nghiệp đưa sản xuất về lại nước Mỹ, nhất là các mặt hàng chiến lược.
Việc chính quyền Biden áp mức thuế rất cao lên một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc, như 102,5% với xe điện, là lời khẳng định Mỹ xem thương mại tự do đã chết, và nay bảo hộ mới là chân lý.
Cách đây 10 năm, ai mà đề cập mức thuế nhập khẩu 100% sẽ bị coi là hoang tưởng. Nhưng ngày nay nếu không đánh thuế cao như vậy, không tái lập hàng rào bảo hộ, Mỹ khó lòng thực hiện chiến lược sản xuất trong nước, dù có trợ cấp bao nhiêu tiền.
Chủ nghĩa tân dân túy lên ngôi
Trước đây khi ông Trump công bố đánh thuế hàng hóa Trung Quốc, đã có nhiều tiếng nói phản đối từ phe Dân chủ và các doanh nghiệp thương mại Mỹ.
Nay chính sách thuế còn cao hơn của ông Biden lại không bị phản đối như thế; phe Dân chủ tán thành, phe Cộng hòa thì im lặng. Ông Trump, thay vì tấn công ông Biden như mọi lần, nay nhận công về mình và cho rằng ông Biden đã biết lắng nghe.
Thậm chí ông Trump còn dọa sẽ đánh thuế xe điện Trung Quốc đến 200% nếu các công ty Trung Quốc định lách thuế bằng cách lập cơ sở sản xuất ở Mexico để nhập vào Mỹ.
Dù nền chính trị có thế nào, có thể dự báo Mỹ sẽ tiếp tục lập ra các hàng rào thuế quan và kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước.
Ông Trump hứa hẹn với cử tri sẽ đánh thuế chung 60% lên mọi hàng hóa Trung Quốc, và 10% lên hàng nhập từ nước khác, kể cả các nước đồng minh.
Ông Biden không chủ trương cực đoan như thế vì cho rằng thuế cao làm giá cả hàng hóa cho dân Mỹ tăng vọt mà lợi ích không bao nhiêu.
Thay vì thế, chính quyền của ông muốn áp dụng chính sách "sân nhỏ, rào cao", tức đặt ra các hạn chế lớn lên một số công nghệ then chốt từ một số nước cụ thể.
Những chính sách bảo hộ này đôi lúc được chính danh hóa dưới chiêu bài sản xuất xanh hay những uyển ngữ nghe rất trung tính như "chính sách công nghiệp", thực chất là các chính sách phi thị trường.
Trong một nghiên cứu gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng năm ngoái trên toàn thế giới có đến 2.500 "chính sách công nghiệp" được đưa ra, gấp ba lần năm 2019.
Điều đáng nói, hầu hết những chính sách này là của các nước giàu, vốn trước đây thường lên án cũng các chính sách như vậy ở những nước đang phát triển.
Đó có thể là bù giá cho người mua xe điện, trợ giá hàng xuất khẩu và nông sản, cấp tín dụng thuế để khuyến khích sản xuất trong nước, đánh thuế cao những mặt hàng muốn hạn chế nhập khẩu...
Nói chung, tất cả đều là can thiệp có mục tiêu của nhà nước vào nền kinh tế nhằm phát triển các ngành quan trọng chiến lược.
Mỹ đã thông qua hai đạo luật lớn với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đô la cho các ngành bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Châu Âu cũng thông qua kế hoạch đầy tham vọng để thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng xanh. Ngay sau đó, Hàn Quốc phê chuẩn đạo luật K-Chips để hỗ trợ sản xuất bán dẫn nội địa.
Điều đáng ngạc nhiên là Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục lên án chiến thuật tương tự của Trung Quốc. Một vài ví dụ: EU cáo buộc Trung Quốc trợ giá xe điện và bán phá giá, khiến xe Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu.
Mỹ thì cáo buộc trợ cấp của Trung Quốc đang đẩy doanh nghiệp Mỹ trong mảng thiết bị điện mặt trời vào thế khó.
Từ những diễn biến đó, có thể dự liệu một "đồng thuận Washington" mới, trong đó công cụ thuế được tận dụng, trợ cấp lớn cho sản xuất được xem là bình thường, thương mại tự do chỉ còn là lý tưởng trên giấy, và quy luật thị trường sẽ phải nhường bước cho các mục tiêu chính trị.
NGUYỄN VŨ - Theo Tuổi Trẻ