Nhiều lao động miền Tây phải đi làm ăn xa những năm qua là do khu vực này đang quá thiếu nhà máy, xí nghiệp.
Phải kéo được nhiều nhà máy về, miền Tây mới giữ chân được lao động. Trong ảnh: công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra ở TP Cần Thơ - Ảnh: C.QUỐC
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 "nút thắt" về hạ tầng giao thông được tháo gỡ với các cao tốc đang được tập trung đầu tư, tạo "cú hích" giải tỏa "điểm nghẽn" kéo nhiều nhà máy về với miền Tây.
Theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2023 của VCCI, các tỉnh mạnh về nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đều có tỉ lệ hộ nghèo cao hơn mức trung bình cả nước (4,2%) như Trà Vinh (7%), Bạc Liêu (5,2%), Hậu Giang (5,3%), Cà Mau (6,4%) và Sóc Trăng (6,1%).
Vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ đang được các tỉnh Tây Nam Bộ đẩy mạnh, thể hiện rõ trong các quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nỗ lực thu hút đầu tư giữ chân lao động
Ông Ngô Thanh Toàn, phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết ngoài Khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp đang hoạt động, địa phương này có KCN Trần Đề đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng, chưa kể KCN Mỹ Thanh (217ha), KCN Đại Ngãi (200ha), KCN Sông Hậu (286ha) đang được kêu gọi đầu tư.
"Đặc biệt, cảng Trần Đề có vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics. Khi cảng này ra đời cũng sẽ cần hàng trăm ngàn lao động", ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Văn Hòa, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh sẽ thành lập mới thêm 7 KCN với tổng diện tích 1.741ha, chưa kể KCN Đông Phú 2 và KCN Sông Hậu 2, với diện tích 614ha, vừa được Thủ tướng chấp nhận bổ sung vào quy hoạch KCN trên địa bàn.
Dự kiến trong năm nay sẽ thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, sẽ sớm hoàn thành hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư...
Tại TP Cần Thơ, trung tâm đô thị của ĐBSCL, cũng đang tất bật cho dự án KCN VSIP Cần Thơ với tổng quy mô 900ha. Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trên diện tích 293,7ha với tổng vốn đầu tư 3.717 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 9-2023 tại Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh. Khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 - 30.000 lao động.
Với vị trí gần khu vực miền Đông, các tỉnh như Long An, Tiền Giang tiếp tục đề ra nhiều chính sách để giữ và thu hút nguồn lao động. Trong đó, Long An đang có 26 KCN và 17 cụm công nghiệp đang hoạt động, đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với tỉ lệ lấp đầy cao.
Ngoài ra, địa phương này đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển khu kinh tế cửa khẩu và mời gọi các khu, cụm công nghiệp tại khu vực Đồng Tháp Mười để tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho các vùng nông thôn trong tương lai.
Ông Võ Đại Thánh, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn trên 12.500 vị trí. Trong đó, lao động phổ thông chiếm 59,96%; kinh tế, văn phòng chiếm 16,43%...
"Để giữ gìn nguồn lao động, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc chăm sóc người lao động", ông Thánh nói.
Trong 7 KCN tại Tiền Giang được Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch đã có 3 KCN hoạt động. Những KCN còn lại đang trong quá trình xúc tiến các thủ tục để có thể sớm đi vào hoạt động. Ngoài ra có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 4 cụm công nghiệp hoạt động ổn định.
Phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL, cho rằng cần có mô hình phát triển cho ĐBSCL, trong đó lấy con người làm trung tâm, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi bước chuyển căn bản về chất nguồn nhân lực, trở thành động lực cơ bản và xuyên suốt trong phát triển vùng.
Điều này đòi hỏi một chiến lược đào tạo nhân lực, các giải pháp tổng thể và mạnh mẽ hơn để phát triển nguồn nhân lực chất lượng, tạo ra động lực phát triển vùng hơn.
"Con đường thoát nghèo căn cơ của mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa phương chắc chắn phải đến được từ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", ông Hiệp nói.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực
Với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là trong quy hoạch của các tỉnh vừa công bố cho thấy sắp tới ĐBSCL sẽ bứt phá mạnh mẽ về kinh tế và thu hút lao động. Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế thuộc VCCI cho rằng vẫn còn khá khó khăn khi FDI vào ĐBSCL thời gian qua đạt rất thấp.
Chẳng hạn năm 2023, ĐBSCL chỉ thu hút được 139 dự án, với tổng vốn 741 triệu USD, trong đó hầu hết tập trung ở Long An với 118 dự án. Như vậy 12 tỉnh còn lại chỉ thu hút 21 dự án, với 138 triệu USD, bình quân 6,5 triệu/dự án. Con số rất thấp so với vốn bình quân ở Quảng Ninh 120 triệu USD/dự án, 79 triệu USD ở Thái Bình, 69 triệu USD ở Nghệ An...
Theo vị này, vùng ĐBSCL vẫn đang chờ hạ tầng hoàn thiện. Năm 2023, cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành và cao tốc thông suốt từ TP.HCM đến Cần Thơ là một tín hiệu khả quan cho phát triển kinh tế vùng nói chung và thu hút đầu tư nói riêng, nhưng vẫn rất cần nhiều công trình quan trọng khác để thúc đẩy.
Đặc biệt, các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hơn, nhất là các dự án nền tảng ở cấp tỉnh như hạ tầng KCN, quốc lộ kết nối, các dự án hạ tầng khác như giao thông đường bộ, đường thủy, các khu công nghệ, logistics tập trung... cần được đẩy nhanh.
"Ngoài ra, cần có chính sách đặc biệt cho đào tạo nguồn lao động ở ĐBSCL, nhất là khu vực nông thôn để đáp ứng nhu cầu việc làm của doanh nghiệp, thu hút thêm đầu tư", vị này nói.
Ông Võ Thanh Quang, nguyên giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng, hiện là phó Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho rằng trước mắt các địa phương cần tập trung nhiều hơn nữa cho đào tạo tay nghề. Bởi số đông người lao động nông thôn ở khu vực này chỉ mới tốt nghiệp phổ thông xong là đi kiếm việc làm.
Để lao động có tay nghề cao, chuyên gia giỏi, phải đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết giữa các trường địa phương với doanh nghiệp, xuất khẩu lao động ra các nước...
"Cứ tạo ra lao động giỏi, khi kinh tế địa phương phát triển, quê hương có việc làm tốt, họ sẽ quay về đóng góp", ông Quang nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, tỉ lệ lao động qua đào tạo của địa phương này đạt 55%, còn lại là lao động tự do chưa qua đào tạo, phải xa quê để làm việc trong các công ty, xí nghiệp ngoài tỉnh.
"Do vậy, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động, nhằm giữ chân người lao động gắn bó với quê hương", ông Thanh cho biết.
- Ông Nguyễn Đăng Hải (giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hậu Giang):
Xây nhà ở xã hội, giúp công nhân an cư lạc nghiệp
Theo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, diện tích đất công nghiệp của tỉnh đến năm 2030 là 2.233ha, trong đó thành lập mới 7 KCN với 1.741ha.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, Hậu Giang xúc tiến thủ tục thành lập 3 KCN và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng thực hiện đồng bộ, kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy, thu hút lao động địa phương và các vùng lân cận.
Ngoài ra, địa phương cũng đầu tư hoàn thiện Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang với quy mô 28,5ha, với chức năng là trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ thông tin.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, bảo đảm sau học nghề người lao động được giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định.
Hậu Giang tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, để người lao động quyết định trở về địa phương an cư lạc nghiệp.
Cần thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp
Theo ông Nguyễn Minh Lập - nguyên giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, bài toán giải quyết việc làm tại chỗ bền vững là phải có nhiều nhà máy xí nghiệp đến đầu tư trong khi công nghiệp phát triển chậm và đang thiếu.
Di dân là điều tất yếu dù người dân khi ly hương gặp phải rất nhiều khó khăn về chất lượng cuộc sống, con cái khó khăn khi đi học.
"Ly nông bất ly hương" chỉ có thể giải quyết được khi địa phương đầu tư được nhiều KCN, giải quyết việc làm tại chỗ để người dân có việc làm trong các nhà máy, công ty mà nay phải đi xa mới tìm được", ông Lập nói.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau thường xuyên tập huấn, giới thiệu việc làm cho lao động ở nông thôn - Ảnh: T.HUYỀN
Đào tạo gắn với nhu cầu
Theo bà Bùi Lệ Oanh - trưởng Phòng giáo dục nghề nghiệp việc làm (Sở LĐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau, thời gian qua địa phương này chú trọng nhiều đến công tác đào tạo các nghề phù hợp cho lao động ở địa phương để giữ chân họ gắn bó với quê hương.
"Chúng tôi rà soát các đối tượng có nhu cầu và có trình độ để đào tạo phù hợp với nhu cầu công ty tuyển dụng", bà Oanh nói.
Trong năm vừa qua, Cà Mau đã giải quyết việc làm cho hơn 45.000 người, trong đó giải quyết việc làm cho hơn 15.200 lao động trong tỉnh, hơn 30.000 lao động ngoài tỉnh và giới thiệu, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động đi làm việc nước ngoài. Riêng trung tâm đã đào tạo và bồi dưỡng nghề cho hơn 29.000 người.
"Bên cạnh đào tạo nghề cho một số công ty, xí nghiệp, chúng tôi còn phối hợp với các trường dạy nghề, các cơ sở đan lát, làm đồ thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh để đào tạo và giới thiệu việc làm cho các chị em", bà Oanh cho biết thêm.
S.LÂM - M.TRƯỜNG - K.TÂM - C.QUỐC - T.LŨY - T.HUYỀN - LÊ DÂN - Theo Tuổi Trẻ