Cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo có thể sẽ dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu. Đây là lý do tại sao
Các phản ứng với cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 dựa quá nhiều vào các biện pháp kích thích tiền tệ, dưới hình thức nới lỏng định lượng và lãi suất gần như bằng không (hay thậm chí âm), và có quá ít cải cách về mặt cấu trúc [nền kinh tế]. Điều này có nghĩa là cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể sẽ đến sớm – cũng như mở đường cho một cuộc xung đột quân sự có quy mô lớn.
BẮC KINH – Cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo đang ở gần hơn ta nghĩ. Nhưng điều đáng lo là những gì sẽ diễn ra sau đó: trong bối cảnh xã hội, chính trị và công nghệ hiện tại, một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, kết hợp với tình trạng bất bình đẳng thu nhập tăng cao, rất có thể sẽ leo thang thành một cuộc xung đột quân sự toàn cầu to lớn.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09 gần như làm phá sản nhiều chính phủ và gây ra sự sụp đổ toàn hệ thống. Các nhà làm chính sách đã cứu vớt thành công nền kinh tế toàn cầu từ bờ vực thẳm, với các biện pháp kích thích tiền tệ khổng lồ, bao gồm việc nới lỏng định lượng và lãi suất gần như bằng không (hay thậm chí âm).
Song những liều thuốc kích thích tiền tệ tựa như một phát bắn adrenaline để kích dậy một quả tim ngừng đập; nó có thể cứu sống bệnh nhân, nhưng nó không chữa được căn bệnh. Điều trị một nền kinh tế ốm yếu đòi hỏi phải cải cách cấu trúc [nền kinh tế], có thể bao gồm tất cả mọi mặt từ các thị trường tài chính và lao động cho đến các hệ thống thuế quan, mô hình sinh đẻ và chính sách giáo dục.
Những nhà làm chính sách đã hoàn toàn thất bại để thực hiện các cải cách như vậy đến cùng, mặc dù họ vẫn luôn hứa hẹn. Thay vào đó, họ tiếp tục bận tâm với nền chính trị của họ. Từ Ý đến Đức, việc gây dựng và duy trì các chính phủ giờ đây dường như tốn nhiều thời gian hơn cả việc điều hành thực sự. Và Hy Lạp, ví dụ, phải dựa vào tiền từ các chủ nợ quốc tế để ngoi được đầu lên mặt nước (một chút), chứ không thực sự cải cách hệ thống hưu trí hay nâng cao môi trường kinh doanh của mình.
Thiếu vắng các cải cách cấu trúc [nền kinh tế] có nghĩa là thanh khoản thừa thãi chưa từng có mà các ngân hàng trung ương bơm vào nền kinh tế không được phân bổ hiệu quả. Thay vào đó, nó đẩy giá tài sản toàn cầu lên cao hơn cả mức giá trước năm 2008.
Tại Hoa Kỳ, giá nhà đất ngày nay cao hơn 8% so với mức đỉnh của bong bóng bất động sản năm 2006, theo trang web bất động sản Zillow. Hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu (CAPE), đo lường xem liệu giá cả thị trường chứng khoán có đang ở trong khoảng hợp lý hay không, hiện cao hơn cả năm 2008 và thời điểm bắt đầu cuộc Đại suy thoái năm 1929.
Khi việc thắt chặt tiền tệ bộc lộ các điểm dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thực, sự sụp đổ của bong bóng giá-tài sản sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế khác – một cuộc khủng hoảng thậm chí còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng trước đây, bởi giờ đây chúng ta đã miễn dịch với những liều thuốc kinh tế vĩ mô mạnh mẽ nhất. Một thập kỷ của những liều adrenaline thường xuyên, dưới hình thức lãi suất cực thấp và các chính sách tiền tệ lạ lẫm, đã làm cạn kiệt nghiêm trọng năng lực ổn định hoá và kích thích nền kinh tế của chính các liệu pháp này.
Benjamin Friedman (1944-) |
Herbert Hoover (1874-1964) |
Nếu lịch sử là một cuốn cẩm nang, hậu quả của sai lầm này có thể mở rộng vượt xa nền kinh tế. Theo Benjamin Friedman (đại học Harvard), những thời kỳ kinh tế khó khăn kéo dài thường đặc trưng ở sự ác cảm của công chúng với các nhóm thiểu số hoặc với nước ngoài – thái độ này có thể gia tăng tình trạng bất ổn, khủng bố, hay thậm chí là chiến tranh.
Ví dụ, trong thời kỳ Đại suy thoái, Tổng thống Hoa Kỳ Herbert Hoover đã ký Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, nhằm bảo vệ người lao động Mỹ khỏi sự cạnh tranh đến từ bên ngoài. Trong 5 năm tiếp theo, thương mại toàn cầu giảm 2/3. Trong vòng một thập kỷ, Thế chiến II đã bắt đầu.
Chắc chắn rằng, Thế chiến II, giống như Thế chiến I, có nhiều yếu tố cấu thành; không có một con đường chuẩn mực nào dẫn đến chiến tranh. Nhưng có lý do để tin rằng mức độ bất bình đẳng cao có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thổi bùng ngọn lửa xung đột.
Thomas Piketty (1971-) |
Theo nghiên cứu của nhà kinh tế học Thomas Piketty, tình trạng bất bình đẳng thu nhập tăng đột biến thường kéo theo nó một cuộc khủng hoảng khổng lồ. Tình trạng bất bình đẳng thu nhập sau đó giảm trong một thời gian, trước khi tăng trở lại, cho đến khi đạt đỉnh mới – và một thảm họa mới. Mặc dù, với dữ liệu hạn chế, chưa thể khẳng định một mối quan hệ nhân quả, nhưng ta không nên xem nhẹ mối tương quan này, đặc biệt là khi tình trạng bất bình đẳng tài sản và thu nhập đang ở mức cao lịch sử.
Điều này đáng lo ngại hơn tất thảy khi ta xem xét nhiều yếu tố khác hiện đang gây ra tình trạng bất ổn xã hội và căng thẳng ngoại giao, bao gồm tác động nhiễu loạn của công nghệ, sự khủng hoảng di cư ở mức kỉ lục, nỗi lo sợ về toàn cầu hóa, tình trạng phân cực chính trị và chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng. Tất cả đều là triệu chứng của những chính sách thất bại có thể trở thành ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Cử tri có lý do chính đáng để cảm thấy bị ức chế, nhưng những nhà dân tuý lôi cuốn mà họ ngày càng ủng hộ đang đề xuất những giải pháp thiếu sáng suốt sẽ chỉ làm cho vấn đề càng thêm tồi tệ. Ví dụ, bỏ qua tính liên kết toàn diện (interconnectedness) chưa từng có của thế giới, chế độ đa phương ngày càng bị tránh né, khi các quốc gia – đáng chú ý nhất, như Mỹ của Donald Trump – theo đuổi các chính sách đơn phương, biệt lập. Trong khi đó, các cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang nổ ra tại Syria và Yemen.
Samuel Huntington (1927-2008) |
Qian Liu |
Trong bối cảnh này, chúng ta phải nghiêm túc xem xét khả năng rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự có quy mô lớn. Theo lô-gích của nhà khoa học chính trị Samuel Huntington, việc xem xét một kịch bản như vậy có thể giúp ta tránh được nó, bởi vì nó sẽ buộc ta phải hành động. Trong trường hợp này, chìa khóa sẽ là để các nhà hoạch định chính sách theo đuổi các cải cách cấu trúc [nền kinh tế] mà họ đã hứa từ lâu, đồng thời gác lại những chỉ trích và đối kháng với một cuộc đối thoại chung khôn ngoan và tôn trọng. Bất cứ con đường nào khác đều có thể dẫn tới một đại họa toàn cầu.
QIAN LIU
Qian Liu là một nhà kinh tế học tại Trung Quốc.
Đoàn Trọng Sang, Nguyễn Việt Anh dịch Theo Phantichkinhte123
Nguồn: From Economic Crisis to World War III, Project-Syndicate, Nov 8, 2018.