80% số đập ở Trung Quốc đã quá “40 tuổi”.
Với những dãy núi lớn và nhiều con sông dài, Trung Quốc là nơi có tiềm năng thuỷ điện dồi dào. Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, quốc gia này có hơn 98.000 con đập, nhiều hơn mọi quốc gia khác trên thế giới. Đa số chúng đều là những con đập quy mô vừa và nhỏ.
Cụ thể hơn, Trung Quốc sở hữu gần một nửa trong số 50.000 con đập lớn trên thế giới, nhiều gấp 3 lần Mỹ. Còn trong danh sách 11 đập thuỷ điện lớn nhất thế giới, Trung Quốc sở hữu tới 6 công trình, ví dụ như đập Tam Hiệp, Khê Lạc Độ, Bạch Hạc Than… Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc là nhà sản xuất thuỷ điện lớn nhất thế giới.
Đập Tam Hiệp. Ảnh: Tân Hoa Xã
Vấn đề của các con đập thuỷ điện Trung Quốc
Các con đập được xây dựng để kiểm soát lũ lụt, sản xuất điện, điều tiết nước tưới tiêu và giao thông đường thuỷ. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng đập cũng vấp phải một số chỉ trích. Nhiều người phản đối đập thuỷ điện vì lý do môi trường, số khác cho rằng chúng gây lãng phí tiền bạc, làm ảnh hưởng đến đất canh tác và khiến hàng nghìn người dân phải di dời.
Trong số 98.000 công trình, hơn 80% số đập đã quá “40 tuổi”, gây nguy cơ mất an toàn. Chúng được xây dựng từ những thập niên 50, 60 và 70, với những tiêu chuẩn an toàn thấp. Nhiều công trình trong số này nằm trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, có 3.515 hồ chứa đã bị vỡ từ năm 1915-2011. Trong số đó có thảm họa vỡ đập Bản Kiều năm 1975 ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, cướp đi sinh mạng của khoảng 240.000 người.
Vào năm 2021, tờ Bloomberg từng có bài viết đề cập đến vấn đề Trung Quốc muốn phá bỏ 40.000 đập thuỷ điện. Lý do là vì nước này đã xây dựng đập ồ ạt mà thiếu đánh giá về môi trường, dẫn đến quá nhiều đập nhỏ dư thừa. Chúng không có giá trị sử dụng khi nguồn nước cạn hoặc nước quá nhiều bùn.
Song, việc đóng cửa nhà máy thuỷ điện là một chuyện, nhưng dỡ bỏ hẳn một con đập lại là chuyện khác. Vì nó là một công trình kết cấu phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, chưa kể chi phí tháo dỡ cũng rất tốn kém.
Một con đập ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg
Trung Quốc liệu còn mặn mà với việc xây dựng đập?
Mới đây, Giám đốc Josh Klemm của tổ chức phi chính phủ International Rivers cho biết Trung Quốc đã giảm xây dựng đập trong thời gian qua. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc “đỉnh đập” đã xuất hiện và số lượng đập được xây dựng có thể chững lại và bắt đầu suy giảm.
Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) vào tháng 2 năm 2023, sự suy giảm trong việc xây dựng đập thuỷ điện một phần là do hầu hết các vị trí thuận lợi đã được sử dụng, chỉ còn lại các khu vực nguy hiểm, khiến việc xây dựng khó khăn hơn.
Không chỉ xây dựng đập trong nước, Trung Quốc còn tài trợ cho nhiều quốc gia xây dựng đập. Nhưng nước này dường như không còn quá mặn mà với việc tài trợ và xây dựng các con đập ở nước ngoài.
Một lý do khác khiến Trung Quốc không quan tâm đến các con đập là sự cạnh tranh từ năng lượng gió và mặt trời. Một nghiên cứu dựa trên cơ sở dữ liệu của hơn 2.000 siêu dự án do nhà địa lý kinh tế Bent Flyvbjerg của Đại học Oxford biên soạn cho thấy, trong số 25 loại dự án có chi phí ít nhất 1 tỷ USD trở lên, đập thuỷ điện tiêu tốn nhiều tiền nhất, trong khi năng lượng mặt trời tốn ít nhất, còn năng lượng gió xếp thứ ba.
Tổng hợp
Anh Dũng - Theo Nhịp sống thị trường