Không những ở các mặt tiền lớn "dính" trả mặt bằng mà bên trong một số ngôi chợ truyền thống khung cảnh cũng không khá hơn. Hàng loạt ki ốt đóng cửa, lối dẫn vào tối, không khí buôn bán ảm đạm bởi làn sóng trả mặt bằng ngày một tăng.
Nhiều nơi không sáng đèn
Bán mặt tiền đã khó, vào chợ truyền thống cũng không khá hơn. Tình trạng buôn bán ế ẩm, chợ truyền thống cũng đang đối mặt với làn sóng trả mặt bằng. Hồi tháng 1.2024, trước Tết Nguyên đán, phóng viên Thanh Niên từng phản ánh không khí chợ Tết ảm đạm chưa từng có tại một số khu chợ truyền thống lớn ở TP.HCM.
Đến nay, ở những khu chợ này, lại nhận thấy số lượng ki ốt đóng cửa nhiều hơn, những người buôn bán còn lại đa phần đã mua lại sạp từ lâu không chịu cảnh thuê mặt bằng, chịu ít chi phí hơn. Họ cũng đang cố gắng "gồng", lo lắng vì chưa biết nếu đóng cửa ki ốt thì sẽ làm gì.
"Mặt bằng trước ki ốt của tôi trả từ sau Tết đến nay vẫn chưa có người hỏi thuê lại, dù giá rất rẻ, chưa tới 2 triệu đồng/tháng, trong khi gần chục năm trước giá không dưới 10 triệu đồng", bà Thu Cúc, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) chia sẻ.
Nhiều ki ốt đóng cửa, lối vào khu trung tâm mua sắm quần áo ở chợ Phạm Văn Hai tối om
Tiểu thương đóng cửa, rao bán sạp: Nhiều chợ ở TP.HCM 'vắng như chùa Bà Đanh'
Những ngày giữa tháng 5, dù là cuối tuần nhưng những khu sạp thời trang ở chợ Phạm Văn Hai vắng khách mua sắm. Những gian hàng bên ngoài với mặt tiền lớn sáng sủa, treo nhiều hàng hóa nhưng người bán nhiều hơn người mua. Tiến vào bên trong, không gian hành lang tối om do hàng loạt ki ốt đóng cửa. So với trước Tết Nguyên đán, số lượng ki ốt đóng cửa ngày càng nhiều hơn.
Những lối đi nhỏ hẹp trở nên sâu hun hút khi không sáng đèn khiến khách cũng ngần ngại khi bước vào. Tại một vài sạp quần áo còn mở bán, tiểu thương ra sức chào mời, tư vấn khi có người ghé đến. Tuy nhiên, cả ngày tiểu thương vẫn không bán được món nào.
Nhiều sạp treo bảng cho thuê lại mặt bằng
Còn tại chợ Bình Tây (Q.6), cũng ghi nhận tình cảnh mua bán hàng hóa không mấy nhộn nhịp. Ngay mặt tiền chợ, một số cửa hàng trước đây bán bánh kẹo, thời trang cũng nghỉ bán. Tiến vào bên trong, tại khu vực chuyên bán quần áo, vải, giày dép… vắng khách, tiểu thương tranh thủ đóng hàng sỉ bỏ mối. Tiến lên khu vực lầu một, nơi đây chủ yếu có các gian hàng ngành bánh kẹo, vắng khách, nhiều gian đóng cửa.
Đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây cho biết, hiện có gần một nửa gian hàng ngành bánh kẹo tạm ngưng hoạt động. Đây được xem là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khoảng 40 ngành hàng kinh doanh tại chợ. Tiếp đến là đồ hộp, bao bì, dao kéo… Tuy nhiên, thực trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân là do một số tiểu thương có gian hàng bán ở nhà hoặc khu vực gần chợ, sạp chỉ dùng để làm kho và ngưng hoạt động vào mùa thấp điểm để giảm chi phí. Đến mùa cao điểm như Tết, đầu năm học… thì mới ra chợ mở sạp bán.
Trong tổng số 2358 sạp tại chợ, hiện có hơn 400 sạp tạm ngưng hoạt động. Khoảng 4 năm nay, lượng sạp tạm ngưng hoạt động có xu hướng tăng dần.
"Đóng cửa, trả mặt bằng, đổi hướng kinh doanh"
Đó là tình cảnh chung của nhiều tiểu thương chợ truyền thống trong thời gian dài vừa qua. Nguyên nhân là bởi chi phí cho việc thuê ki ốt, mặt bằng tại chợ truyền thống cao trong khi việc kinh doanh không còn hiệu quả.
Ki ốt đóng cửa, treo bảng cho thuê trong chợ Tân Bình
Mếu máo kinh doanh tụt dốc, tiểu thương chợ nhà giàu bỏ chục triệu học livestream bán hàng
Chị N.H chủ 3 sạp vải trong chợ Bình Tây cho biết vì vắng khách nên hiện chỉ mở bán ở 2 sạp. Chị muốn cho thuê sạp còn lại để gỡ vốn nhưng giá chưa đến 2 triệu đồng/tháng nên tận dụng làm kho chứa hàng. 3 sạp hàng của chị được mua lại mấy năm trước với hợp đồng 10 năm nên mỗi tháng hiện tại chỉ cần đóng thêm thuế, điện nước… Nhưng 3 sạp cũng ngốn của chị H hơn 10 triệu đồng, trong khi mỗi ngày bán chưa được 1 triệu đồng tiền hàng.
"Tôi cũng đang cố gồng vì xưa giờ chỉ biết buôn bán trong chợ như vậy thôi. Tôi có thể bán hàng trực tuyến nhưng bị bom nhiều quá", chị H tâm sự.
Ở phía trên lầu, bà B.M - chủ gian hàng bánh kẹo cho biết chỉ bán hết tháng 5 này thì sẽ tạm đóng cửa sạp. Nguyên nhân là học sinh nghỉ hè, các mối hàng quen bán ở trường học cũng nghỉ theo. "Tôi không cho thuê lại sạp, mà có cho thuê cũng chẳng ai hỏi. Giá thuê mỗi sạp rẻ lắm chỉ từ 1-2 triệu đồng/tháng", bà M nói.
Chị Thanh Tú, tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) cho biết hiện đã đóng cửa ki ốt bán hàng thời trang nữ của mình từ sau Tết. Không khẳng định việc buôn bán ế ẩm dẫn đến việc đóng cửa ki ốt, nhưng chị Tú cũng không phủ nhận tình hình khó khăn chung của tiểu thương kinh doanh thời trang trong chợ.
Qua lời kể buồn thiu, chị Tú thể hiện vẻ mệt mỏi khi ngồi không trông đợi khách mỗi ngày. Chị Tú cho biết ki ốt của mình có 2 mặt tiền, gần lối ra vào chính của chợ. Tấm bảng cho thuê ki ốt được treo trước cửa của chị Tú cũng đã phủ đầy bụi trong mấy tháng qua. Chị muốn sang lại ki ốt với giá 2,9 tỷ đồng, còn giá thuê là 16 triệu đồng/tháng. Chị cũng không ngại tâm sự rằng mức giá cho thuê đã được điều chỉnh, giảm xuống 2 lần vì gần nửa năm nay chẳng thấy tăm hơi người nào hỏi đến. "Tết vừa rồi là một cái Tết buồn nhất với người bán quần áo hơn 20 năm nay.
Tiểu thương chợ sỉ Tân Bình (Q.10) ngồi lướt điện thoại khi không có bóng dáng người khách nào. Thực trạng này diễn ra cả năm nay, trái ngược không khí mua bán tấp nập "thời hoàng kim" gần chục năm trước
Các sạp bán bánh kẹo bị ảnh hưởng nhiều nhất tại chợ Bình Tây
Cuối năm nặng trĩu tại chợ sỉ ở TP.HCM: Tiểu thương ‘ngáp dài’, thẫn thờ chờ khách
Tình trạng ế ẩm diễn ra cả năm trước rồi, đến giờ thì không thể ngồi yên được nữa", chị Tú nói. Trong tình hình kinh doanh bí bách này sẽ chuyển hướng sang việc lấy quần áo và đi bán dạo ở nhiều khu vực có đông sinh viên.
Tương tự chị Tú, chị Dương Thị Oanh (ngụ Q.Tân Phú) cũng đang treo bảng cho thuê lại ki ốt tại chợ Tân Bình và chợ sỉ thời trang nằm ở Q.10. Chị Oanh chia sẻ chỉ mới quyết định sang ki ốt từ tháng trước vì lý do muốn cắt giảm tối đa chi phí.
Khoảng 2 năm nay và đỉnh điểm là thời điểm Tết vừa rồi là sự sụt giảm lượng khách chưa từng có khiến chị Oanh không thể cầm cự với giá thuê ki ốt hơn 30 triệu đồng/tháng. Chị tính, tình trạng này kéo dài lâu ngày chị sẽ phải trả lại mặt bằng thuê ở chợ tìm cách khác để kinh doanh. Bởi "nồi cơm" của cả nhà đều trông chờ vào sạp thời trang này của chị.
"Hiện tại, ki ốt chỉ là nơi chứa hàng, số còn lại tôi gom hàng về nhà và chỉ bán sỉ bằng hình thức trực tuyến. Vì nhà xa chợ, khách thường muốn đến chợ để xem hàng được nhiều chỗ nên việc kinh doanh của tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng thà là lời ít, còn hơn gồng lỗ", chị Oanh, người thuê mặt bằng ở chợ nói.
Phan Diệp - Phạm Hữu - Theo Thanh Niên