Hồ Hoà Bình rộng gấp 16 lần hồ Tây. Nước trong hồ đủ cho toàn dân Việt Nam dùng trong 2 năm 7 tháng. Lượng cá trong hồ đủ cho ¾ dân số của tỉnh ăn trong một năm.
Hồ Hòa Bình là công trình chứa nước cung cấp cho nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đây là hồ chứa nước nhân tạo nằm trên sông Đà, có chiều dài 230 km từ Hòa Bình đến Sơn La.
Với dung tích lên đến 9,5 tỷ m3 nước, hồ Hòa Bình được xem là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Con số này lớn gấp khoảng 2,5 lần hồ Thác Bà Một gấp 6 lần hồ Dầu Tiếng. Nếu mỗi người trung bình dùng hết 100 lít nước một ngày thì lượng nước này đủ cho toàn dân Việt Nam dùng trong 2 năm 7 tháng.
Hồ Hòa Bình còn gây ấn tượng khi có diện tích mặt nước khoảng 80 km2, lớn gấp 16 lần hồ Tây, gấp 667 lần hồ Gươm (Hà Nội).
Điểm nhấn của hồ là Nhà máy thủy điện Hòa Bình được khởi công xây dựng năm 1979 và khánh thành vào năm 1994. Thủy điện Hòa Bình có công suất 1.920 MW với 8 tổ máy, 12 cửa xả đáy, đây được xem là công trình thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á của thế kỷ 20.
Thuỷ điện Hoà Bình có 12 cửa xả đáy. Năm 2017, ông Nguyễn Văn Dũng, khi ấy là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: “Nếu phải mở cả 12 cửa xả đáy, thành phố Hòa Bình sẽ phải sơ tán toàn bộ dân. Một số xã vùng thấp thuộc huyện Kỳ Sơn cũng sẽ bị ngập nặng và phải di dời dân. Vùng hạ du thì không tránh khỏi việc ngập nhà cửa, thiệt hại về tài sản lớn”. Tuy vậy, trong lịch sử thuỷ điện Hoà Bình chưa bao giờ mở hết cửa xả.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình là công trình công nghiệp quan trọng, đồng thời cũng là điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Tại đây, du khách được vào hầm tham quan các tổ máy, nhà truyền thống - nơi lưu giữ bức thư thế kỷ của những người đi trước gửi thế hệ sau; chiêm ngưỡng hình ảnh vĩ đại của đập tràn…
Hồ Hòa Bình có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi và 36 đảo núi đất. Phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, thơ mộng cùng với những điểm du lịch đã giúp hồ Hòa Bình hấp dẫn được nhiều du khách.
Mỗi năm, tỉnh Hòa Bình đón hàng triệu khách tham quan, du lịch. Điển hình như năm 2023, toàn tỉnh đón 3,8 triệu lượt khách; trong đó có vài trò quan trọng của Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Ngoài ra, hồ Hòa bình còn có nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy sản. Thống kê năm 2022, số lồng nuôi cá tại hồ Hòa Bình có khoảng 4.900 lồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 2.000 lao động địa phương. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác vùng lòng hồ đạt khoảng 8.000 tấn. Nếu mỗi người một tháng ăn một kg thì số tôm cá này đủ cho ¾ dân số tỉnh Hoà Bình ăn một năm.
Từ những giá trị tài nguyên mang lại cùng nhiều tiềm năng phát triển ở tương lai, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030 Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, đây là một trong 12 Khu du lịch Quốc gia trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ.
Chính vì thế, những dự án về hạ tầng giao thông đã được tỉnh Hòa Bình chú trọng đầu tư như: Đường Hòa Lạc - Hòa Bình nối Đại lộ Thăng Long với thành phố Hòa Bình giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hòa Bình. Hay tuyến đường tỉnh 435 từ thành phố Hòa Bình lên cảng Thung Nai (Cao Phong) được mở rộng và nâng cấp, cùng một số tuyến đường khác mở ra cơ hội cho hồ Hòa Bình thu hút khách.
Ngoài nguồn vốn ngân sách để xây dựng một số tuyến đường, tỉnh Hoà Bình cũng đã kêu gọi được 16 dự án du lịch dịch vụ đầu tư vào khu vực hồ Hoà Bình với tổng nguồn vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất khoảng14,4 km2. Những dự án này sẽ tạo thêm sức hút đối với khách du lịch, đưa hồ Hoà Bình xứng tầm là khu du lịch tầm cỡ Quốc gia.
Bài và ảnh: Ngọc Đẹp - Theo An ninh Tiền tệ