Thành phố đất chật người đông. Những bạn trẻ chúng tôi tiếp xúc chia sẻ rằng thu nhập đủ để trụ lại thành phố hay không chủ yếu là do mình.
Đa phần người lao động như công nhân ở thành phố hiện nay đang chi tiêu trong mức thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng mỗi tháng - Ảnh MẠNH DŨNG
Tùy người, lương 10 triệu đồng tằn tiện cũng tồn tại, mà tháng mấy chục triệu cũng không tránh khỏi áp lực chi tiêu.
70 triệu, vợ chồng sống ổn nhưng có lúc vẫn mượn tiền
Chạng vạng, chị Huỳnh Thu Phương (29 tuổi, ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) ghé cửa hàng mua đồ nấu bữa tối. Tối nay, chị chiên chả giò, xào nấm và nấu canh cho gia đình có bữa ăn ngon.
Chị làm việc tự do, thu nhập theo dự án nên không cố định. Chồng chị là kỹ sư phần mềm. Với tổng thu nhập vợ chồng 70 triệu đồng/tháng và có căn nhà nhỏ ở ngoại thành, chị chia sẻ rằng cuộc sống ổn định như mong muốn.
"Tiền chi tiêu trong gia đình, chồng tôi lo là chủ yếu. Thu nhập của tôi thường gửi tiết kiệm, trích một khoản tiêu vặt chứ không lấy tiền chồng. Hoặc để mua sắm các khoản phát sinh như lắp máy năng lượng mặt trời, mua thêm máy lạnh", chị kể.
Theo chị, tháng nào vợ chồng cũng tính toán chi tiêu, nhưng hiếm khi làm theo kế hoạch. Tuy nhiên, họ cũng có các khoản chi cố định. Đó là khoản trả nợ ngân hàng chiếm 15% thu nhập chồng, trả nợ tín dụng 10%, tiền học trường tốt cho con, tiền biếu ông bà, chi phí du lịch, giải trí phát sinh...
Số tiền còn lại, vợ chồng chị gửi tiết kiệm. Thu nhập khá ổn nhưng chị cho biết chưa tiết kiệm được nhiều do có nhiều chi phí và chưa biết cân đối thu chi. "Tiền học của con khá cao, cộng thêm công việc của tôi tự do có thu nhập không ổn định, có thời điểm tôi vẫn phải mượn tiền chị gái", chị bày tỏ.
Chủ động tiết kiệm đối với bản thân, nhưng chị thoáng với người trong nhà. Mua thức ăn, chị thường chọn trái cây đã chín, hạ giá. Thịt cá, rau củ thì ưu tiên hàng tươi sống nên không mua hàng giảm giá. Các khoản cho con như sách vở, học phí, ăn uống... hai vợ chồng đều ưu tiên loại tốt trong khả năng và không dè sẻn.
Để hạn chế mua quần áo, chị mua trả góp bằng ứng dụng mua sắm online, như vậy sẽ thấy áp lực nên không mua nhiều. Chị thích các bữa ăn gia đình ngon miệng, nên chăm chút nhiều cho tiền mua thực phẩm. Chị nghĩ rằng khi thu nhập từ các công việc bên ngoài ổn định hơn, bản thân sẽ tiêu xài thoải mái hơn.
Hà Văn Xa cho biết phải gói ghém chi tiêu hơn trước - Ảnh: AN VI
Tiền nhiều thì xài cũng nhiều?
Anh Trần Hậu Hải (25 tuổi, ngụ đường Nguyễn Thượng Hiền, quận Phú Nhuận) kể giai đoạn ba năm trước, mỗi tháng anh kiếm hơn 10 triệu đồng, lúc này anh thu nhập trên dưới 40 triệu đồng nhưng không ổn định vì đặc thù công việc bấp bênh.
Làm freelancer, thu nhập anh Hải phụ thuộc sản phẩm và đầu ra công việc. Nguyên nhân cho việc tiền khá nhiều mà không thoải mái là vì vừa rồi anh mua căn hộ trả góp.
"Thu nhập từ nghề này khá bấp bênh, mình làm ít thì tiền ít, có việc cày cuốc nhiều mới được nhiều tiền. Thời điểm tôi mua chung cư ngay lúc công việc thuận lợi, giờ gặp trục trặc ảnh hưởng theo luôn", anh tâm sự.
Hằng tháng, anh chi ba khoản lớn: 6 triệu đồng tiền thuê nhà (vì chưa được giao căn hộ chung cư), 3 triệu đồng chu cấp em gái đi học, và một khoản lớn nữa để trả góp căn hộ. Những tháng phát sinh như học phí em gái tăng thêm hoặc tới thời điểm thanh toán khoản tiền góp, chàng trai không xoay xở kịp.
Song anh cho rằng đôi khi áp lực tài chính khiến bản thân có động lực. "Thu nhập cao không đồng nghĩa với cuộc sống sẽ thoải mái hơn, như trường hợp của tôi phải trích ra khoản tiền lớn hằng tháng để phục vụ ngược lại cho nhu cầu quá cao của mình", anh nói.
Trong khi đó, sinh viên cũng là những người cảm nhận rõ áp lực chi tiêu khi phải sống đủ với khoản tiền cố định gia đình gửi để bám trụ học hành, tìm việc ở thành phố.
Như trường hợp Hà Văn Xa (sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM), so với những năm đầu thì hiện tại chi phí sinh hoạt ở khu anh trọ đều tăng.
Gia đình Xa gửi hơn 3 triệu đồng/tháng, trước đây anh có dư. Giờ đây anh phải tiêu 5 - 6 triệu đồng/tháng.
"Riêng chuyện cơm là thấy rõ vấn đề. Trước kia cơm quán chỉ có 20.000 đồng/phần, giờ trung bình đều lên giá 30.000 đồng", Xa nói. Bản thân anh không dám xài thoải mái vì sợ hụt tiền. Anh có đi phụ quán ăn, nhưng chỉ đủ tiêu vặt.
Gánh nặng tài chính còn lớn hơn với sinh viên mới ra trường như Phạm Nhi (22 tuổi, ngụ đường số 18, TP Thủ Đức). "Bước chân ra ngoài thôi là thấy tiền gì cũng đắt từ thịt, cá, rau... Còn chưa kể giá xăng, giá thuê trọ, điện nước từ đó mà tăng theo", Nhi bày tỏ.
Ngày còn học, số tiền gia đình gửi mỗi tháng 3 triệu đồng nên Nhi đi làm thêm. Ít mua sắm, ăn uống không quá nhiều và có khi tháng ăn mì gói 10 ngày, cô cũng để dành được một khoản.
Cô gái vừa ra trường và mong muốn lập nghiệp ở thành phố lớn, phải tiết kiệm trong từng khoản nhỏ nhất. Ngay trong bữa ăn, nếu luộc thịt cô sẽ dùng nước đó nêm nếm lại được thêm chén canh. Cô thường chọn đi xe buýt nếu tiện đường, "tiết kiệm được kha khá tiền xăng chứ không ít đâu".
Với tiền điện, cô hạn chế sử dụng bóng đèn trần, thay vào đó là dùng đèn bàn học, Nhi vừa có thể học và người ở chung cũng đủ ánh sáng sinh hoạt. Quần áo được cô nàng gom thật nhiều mới giặt một lần, tiết kiệm thêm vài chục ngàn nước và xà bông. Cô gái trẻ vẫn đang kiên trì trên hành trình lập nghiệp ở thành phố.
Đầu tư thêm và biết quản lý chi tiêu
Anh Trung Thiên (29 tuổi, chồng chị Huỳnh Thu Phương) dành một khoản đầu tư chứng khoán, chiếm 2 - 3% thu nhập mỗi tháng. Hai vợ chồng đang dành dụm, định mua căn hộ hoặc mua đất xây nhà gần trung tâm hơn.
Vợ chồng anh có đầu tư bất động sản, "nhưng là các miếng đất giá không cao, ở vùng ven và dưới quê". Cũng có lúc anh đầu tư tài chính thua lỗ. "Bình tĩnh lại, chúng tôi nhận ra đây có thể xem là bài học cuộc sống. Còn người còn của, cố gắng, chăm chỉ làm bù lại là được", chị Phương chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến (chủ tịch TriTri.world), để tiết kiệm hiệu quả, các bạn trẻ có thể quản lý và cân đối thu nhập hằng tháng của mình theo nguyên tắc sáu khoản chi cá nhân. Các khoản này gồm chi tiêu thiết yếu, chi học tập phát triển năng lực, tiết kiệm dài hạn, đầu tư, hưởng thụ, hoạt động xã hội.
Vạn sự khởi đầu nan. Theo ông Chiến, khi mới bắt đầu, bạn trẻ sẽ có thể bị thiếu hụt một vài phần trăm của một vài trong sáu khoản chi trên. Nhưng bạn trẻ cần kiên trì và nghiêm cẩn với chính mình việc điều chỉnh bù khuyết vào tháng sau, để sớm cân bằng toàn bộ.
"Và tuân thủ kỷ luật thực hiện phương pháp này, bạn sẽ có kết quả tốt chỉ sau vài tháng đến vài năm. Bạn sẽ có thói quen tốt và một tài sản nhỏ mà trước đó có mơ cũng không tin mình có được", ông cho biết.
Nguyên tắc 6 khoản chi cá nhân
- Chi thiết yếu như ăn uống, vệ sinh, điện nước, Internet... chiếm khoảng 45 - 55% thu nhập.
- Chi quan trọng (học tập và phát triển năng lực) chiếm khoảng 10 - 15% thu nhập.
- Tiết kiệm dài hạn như mua xe, mua nhà, lập gia đình, sinh con chiếm khoảng 10 - 12% thu nhập.
- Đầu tư để gia tăng cơ hội và phong phú hóa nguồn thu chiếm khoảng 10 - 12% thu nhập.
- Hưởng thụ như giải trí, vui chơi, du lịch... chiếm khoảng 8 - 10% thu nhập.
- Hoạt động xã hội như từ thiện, cộng đồng khoảng 5 - 10% thu nhập.
------------------------
Sống nơi thành phố đất chật người đông, lương 10 triệu hay vài chục triệu đồng cũng sẽ thiếu hay đủ tùy nhu cầu mỗi người. Theo các chuyên gia, việc quản trị tài chính cá nhân là rất quan trọng.
AN VI - YẾN TRINH - Theo Tuổi Trẻ