Tại Hội nghị Trung ương 3 sắp tới, sẽ rất đáng xem cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp cận "sự phát triển chất lượng cao" và đạt được "sự hiện đại hóa của Trung Quốc".
- Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một sự kiện mang tính bước ngoặt kể từ năm 1978.
- Vào năm 2013, một năm sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ, Hội nghị Trung ương 3 thông báo mục tiêu chính của mọi cải cách là "để thị trường giữ vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực".
- Kiểm tra khả năng của ĐCSTQ trong việc giúp nền kinh tế nước này giải quyết vấn đề "giảm rủi ro với Trung Quốc" trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tập hợp vào tháng 7 tới để tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (BCH TƯ ĐCSTQ) khóa 20 (gọi tắt là: Hội nghị Trung ương 3) rất được mong đợi. Theo truyền thống, đây là dịp để đề ra các chiến lược kinh tế trong 5 đến 10 năm tới của nước này.
Nhưng theo tờ South China Morning Post (SCMP), ít nhà quan sát kỳ vọng những thay đổi lớn về phương hướng khi BCH TƯ ĐCSTQ họp lần này.
Điều này là do, không giống như các Hội nghị Trung ương 3 trong quá khứ, tầm nhìn của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tác động tới chương trình nghị sự kinh tế của Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cuộc họp chính sách thường được tổ chức 5 năm một lần, khoảng một năm sau khi mỗi BCH TƯ ĐCSTQ mới nhậm chức.
Khoảng 370 thành viên của BCH TƯ ĐCSTQ, được lựa chọn tại mỗi kỳ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại - tức Quốc hội Trung Quốc) diễn ra 5 năm một lần, bao gồm cả Bộ Chính trị có quyền ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ, cũng như các bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, tướng lĩnh cấp cao và người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước (SOE) của Trung Quốc. Họ thường tham dự 7 kỳ hội nghị trung ương trong nhiệm kỳ 5 năm của BCH TƯ ĐCSTQ.
Sự kiện mang tính bước ngoặt
Theo SCMP, Hội nghị Trung ương 3 là một sự kiện mang tính bước ngoặt kể từ năm 1978 - khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa một đất nước Trung Quốc đang khép kín và nghèo đói vào con đường cải cách, và một trong số những quyết định quan trọng khác là cho phép các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.
Hội nghị Trung ương 3 một lần nữa gây chú ý toàn cầu vào những năm 1990, khi các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ quyết định rằng các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ sẽ được phép phá sản.
Điều tương tự cũng xảy ra vào năm 2013, một năm sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ, khi Hội nghị Trung ương 3 thông báo mục tiêu chính của mọi cải cách là "để thị trường giữ vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực".
Có thể thấy, các quyết định này đều là dấu hiệu tốt cho một nền kinh tế Trung Quốc tự do hơn.
Lần này, chiến lược của Trung Quốc dự kiến sẽ tính đến nhiều yếu tố bên ngoài hơn. Bất chấp những kỳ vọng thấp về bất kỳ động thái táo bạo nào trong Hội nghị Trung ương 3 sắp tới, các nhà phân tích cho rằng, đây là sự kiện đáng chú ý, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tìm cách tiếp cận "sự phát triển chất lượng cao" và đạt được "sự hiện đại hóa của Trung Quốc" – trích dẫn những thuật ngữ được ông Tập đưa ra.
Các nhà phân tích cho biết, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh xu hướng rút lui khỏi toàn cầu hóa ngày càng lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cũng như chính trị cánh hữu, như được thể hiện mạnh mẽ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu gần đây.
Các quyết định được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 3 sắp tới sẽ kiểm tra khả năng của ĐCSTQ cầm quyền trong việc giúp nền kinh tế nước này giải quyết vấn đề "giảm rủi ro với Trung Quốc" trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường và công nghệ với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác. Những thách thức này cũng đan xen với các vấn đề của chính Trung Quốc, bao gồm dân số già, niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư thấp.
Các nhà quan sát cũng sẽ theo dõi bất kỳ thông báo nào liên quan đến quyết định miễn nhiệm một số quan chức cấp cao mà vẫn chưa đưa ra lý do trong năm qua.
Neil Thomas - chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á - cho biết: "Tâm lý thị trường vẫn ảm đạm nên cần có những động thái chính sách táo bạo để vực dậy niềm tin vào quỹ đạo kinh tế dài hạn của Trung Quốc".
"Nhưng bất cứ ai mong đợi Hội nghị Trung ương 3 này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách và mở cửa thị trường như Hội nghị Trung ương 3 mang tính biểu tượng vào năm 1978 có thể sẽ phải thất vọng".
"Hội nghị Trung ương 3 khó có thể công bố những cải cách kinh tế táo bạo được nhiều nhà kinh tế, doanh nhân và nhà đầu tư kêu gọi từ lâu. Thay vào đó, hội nghị có thể tập trung vào cải cách cơ cấu để thúc đẩy trọng tâm kinh tế của ông Tập Cận Bình vào đầu tư vào công nghệ, sản xuất và vốn nhân lực", Thomas nói.
Phát triển 'lực lượng sản xuất mới chất lượng'
Ông Tập đã làm sáng tỏ những ưu tiên kinh tế tiềm năng khi ông chủ trì cuộc họp với Ủy ban Trung ương về Cải cách sâu rộng toàn diện vào ngày 11/6.
Theo Tân Hoa Xã, cuộc họp đã quyết định Trung Quốc cần mở rộng trao đổi công nghệ quốc tế, thu hút và giữ chân nhiều nhân tài ở nước ngoài, đồng thời tích cực tham gia quản trị công nghệ toàn cầu, nhằm xây dựng một môi trường cởi mở và "cạnh tranh toàn cầu" cho đổi mới công nghệ.
Ủy ban Trung ương Trung Quốc về Cải cách sâu rộng toàn diện cũng quyết tâm cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp của Trung Quốc và bảo vệ tốt hơn lợi ích của nông dân.
Người dân tham gia một hội chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 11/4/2023.
Theo SCMP, quyết định tổ chức Hội nghị Trung ương 3 vào tháng 7 đã được công bố tại cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ gồm 24 thành viên vào tháng 4, do ông Tập chủ trì.
Tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp cho biết: "Cải cách của Trung Quốc phải tiếp tục trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước phức tạp, cách mạng khoa học công nghệ và những thay đổi công nghiệp bước vào chu kỳ mới, cũng như sự kỳ vọng mới của người dân".
Cuộc họp vào tháng 4 của Bộ Chính trị ĐCSTQ không nêu rõ chương trình nghị sự của Hội nghị Trung ương 3 sắp tới, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng chính sách tài khóa chủ động, tận dụng vốn nước ngoài và phát triển "lực lượng sản xuất mới chất lượng", vì nó liệt kê các biện pháp nhằm giải quyết rủi ro "ẩn náu trong các lĩnh vực trọng điểm" khi nền kinh tế nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt.
"Lực lượng sản xuất chất lượng mới" là một thuật ngữ khác được Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đặt ra. Ông đã mô tả chúng là "năng suất tiên tiến thoát khỏi các mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống" và có "công nghệ cao, hiệu quả cao, cũng như chất lượng cao".
Ông Tập đã giới thiệu thuật ngữ này trong chuyến thăm vùng Đông Bắc của Trung Quốc vào năm ngoái, nơi đang chứng kiến vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp nặng bị thách thức bởi sự thay đổi trong các động lực tăng trưởng truyền thống.
Các lực lượng sản xuất mới "phù hợp với triết lý phát triển mới của đất nước [Trung Quốc]", ông Tập nói, đồng thời cam kết khuyến khích đổi mới và giải quyết các nút thắt công nghệ khi các biện pháp hạn chế thương mại và đầu tư do Mỹ và các đồng minh áp đặt làm giảm khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chip tiên tiến và các sản phẩm công nghệ cao khác.
Tân Hoa Xã nhận định: "Sự phức tạp, nghiêm trọng và bất ổn của môi trường bên ngoài đã tăng vọt".
George Magnus - nhà nghiên cứu cộng tác tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford (Anh) – nói: "Đối với ĐCSTQ, vị trí số một về khoa học và công nghệ là mục tiêu giống như đối với Mỹ, nhưng nó còn hơn thế nữa".
"Đó là con đường hướng tới sự lãnh đạo và thống trị của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời đảo ngược trật tự kinh tế toàn cầu theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng [tại Hội nghị Trung ương 3] ĐCSTQ sẽ có nhiều điều để nói về lực lượng sản xuất mới cũng như định hướng chính sách và chiến lược", Magnus nói.
Hữu Hiển - Theo Đời sống Pháp luật