Ngoài lĩnh vực tài chính, công nghệ, Singapore cũng là một ông lớn trong ngành năng lượng của khu vực và thế giới. Trong xu thế chuyển đổi xanh, Singapore cũng đang nỗ lực xây dựng một ngành năng lượng ít phát thải và bền vững hơn.
Kế hoạch đầy tham vọng
Mới đây, Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF) đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore lần thứ 7 (SRBF) tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên SRBF được tổ chức tại nước ngoài.
Trong bài phát biểu mở đầu sự kiện, Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Thứ hai Bộ Công thương Singapore, Tiến sĩ Tan See Leng gợi ý rằng Việt Nam nên thúc đẩy những kết nối về hạ tầng điện với khu vực.
Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Thứ hai Bộ Công thương Singapore, Tiến sĩ Tan See Leng phát biểu khai mạc SRBF lần thứ 7. (Ảnh: Minh Quang).
Vào đầu tháng 2/2023, Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) của Singapore và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã tiến hành ký và trao Thỏa thuận Phát triển chung (JDA) về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.
Theo thỏa thuận trên, PTSC và SCU sẽ hợp tác theo hình thức độc quyền để đầu tư dự án sản xuất khoảng 2,3 GW điện từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam và xuất khẩu sang Singapore qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển.
Lễ công bố Thỏa thuận Phát triển chung (JDA). (Ảnh: PTSC).
Khi được hoàn thành, dự án trên sẽ trở thành một trong những tuyến cáp điện cao áp ngầm dưới biển có chiều dài lớn nhất thế giới. Danh hiệu này hiện đang thuộc về tuyến cáp kết nối Anh và Na Uy, với tổng chiều dài 724 km và chi phí xây dựng lên tới 1,75 tỷ USD.
Công suất truyền tải tối đa của dự án giữa Anh và Na Uy cũng chỉ đạt 1,4 GW, bằng 61% so với kế hoạch xuất khẩu điện từ Việt Nam sang Singapore. Có thể nói, để có thể triển khai một kế hoạch tham vọng như vậy, Singapore phải là một cường quốc về công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.
Trên thực tế, dù gần như không hề có bất cứ tài nguyên nào, đảo quốc sư tử vẫn là một " ông lớn" trong ngành năng lượng hóa thạch của khu vực và trên thế giới. Singapore cũng đang có những bước chuẩn bị thích hợp để trở thành một cường quốc về năng lượng tái tạo trong tương lai.
Ông trùm về năng lượng hóa thạch
Singapore không hề có mỏ dầu, khí đốt hay bất cứ loại khoáng sản đáng kể nào. Bất chấp những điểm yếu đó, Singapore vẫn trở thành một trong những cường quốc trong ngành công nghiệp dầu khí của khu vực và thế giới.
Bù đắp cho việc không có tài nguyên, Singapore nhận được vị trí địa lý vô cùng thuận lợi. Đảo quốc sư tử sở hữu các cảng nước sâu, hệ thống tài chính phát triển và nằm án ngữ trên eo biển Malacca - một trong những tuyến hàng hải sôi động nhất thế giới.
Trong quá khứ, Singapore từng là trung tâm trung chuyển dầu thô của thế giới. Tuy nhiên, cho tới nay, bán dầu thô chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong xuất khẩu dầu mỏ của đảo quốc này. Thay vào đó, Singapore nhập khẩu dầu thô, tinh chế rồi xuất khẩu đi nước ngoài, thu về nguồn lợi lớn.
Theo dữ liệu từ COMTRADE của Liên Hợp Quốc, vào năm 2022, nhiên liệu khoáng, dầu khoáng, các sản phẩm tinh chưng cất (thuộc chương 27 trong hệ thống HS) giúp Singapore thu về 65,65 tỷ USD, tương đương 13% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Singapore thu hút được sự đầu tư của hàng loạt ông lớn trong ngành năng lượng. Vào những năm 1800, Syme & Company đã xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Singapore. Công ty này sau đó đã trở thành Shell, gã khổng lồ trong ngành năng lượng toàn cầu.
Singapore có vị trí thuận lợi, nhưng các doanh nghiệp vẫn tránh xây dựng nhà máy trên đảo quốc sư tử do diện tích nhỏ hẹp, quá nhiều bất ổn chính trị … Đến năm 1960, chính phủ Singapore mới ký kết thỏa thuận quan trọng với Nhật Bản về việc xây dựng một nhà máy trị giá 30 triệu USD.
Vào cuối những năm 1960 và 1980, Shell đầu tư mạnh vào hòn đảo này. BP cũng tham gia vào năm 1962, tiếp đó là Mobil năm 1966, và Esso (tiền thân của Exxon Mobil) năm 1969.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành dầu khí Singapore được thúc đẩy bởi một loạt xung đột toàn cầu. Cuộc chiến tranh tại Việt Nam và tại Trung Đông đã khiến dầu thiếu hụt và giá cả tăng cao. Đa số nhiên liệu được Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam được chế xuất tại Singapore.
Singapore có năng lực lọc dầu mạnh thứ 5 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gấp khoảng gần 4 lần Việt Nam.
Hòn đảo Jurong, được khánh thành năm 2000 bằng cách kết nối 7 hòn đảo nhỏ thông qua phương pháp lấn biển, đã trở thành trung tâm dầu khí - hóa dầu của Singapore cũng như châu Á.
Việc các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định do cơ sở hạ tầng sẵn có đã khiến Jurong trở thành trung tâm lọc hóa dầu của châu Á. Hòn đảo chỉ rộng 32 km2 này có nhà máy của hơn 100 doanh nghiệp, với những cái tên nổi tiếng như Mitsui, Sumitomo, BASF, và DuPont.
Theo dữ liệu cập nhật tới năm 2021, Singapore đang xếp thứ 12 trên thế giới về xuất khẩu nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất, dù gần như hoàn toàn không có bất cứ nguồn tài nguyên nào.
Ngoài ra, các sản phẩm từ nhựa - một phần của ngành công nghiệp hóa dầu - cũng đem lại cho đảo quốc này 15,9 tỷ USD vào năm 2021, xếp thứ 12 trên thế giới.
Ngoài Singapore, Hà Lan là quốc gia duy nhất có tương đối ít tài nguyên năng lượng trong danh sách này. Hà Lan là một cửa ngõ nhập khẩu năng lượng quan trọng của châu Âu.
Không có đất, làm điện xanh như thế nào?
Thế giới đang trong quá trình chuyển đổi xanh nhằm hướng tới một tương lai bền vững hơn. Trong quá trình này, các nguồn nhiên liệu hóa thạch, phát thải nhiều khí nhà kính như dầu mỏ, than đá sẽ dần bị loại bỏ, và được thay thế bởi những nguồn năng lượng ít phát thải.
Singapore cũng không nằm ngoài xu thế này. Vào năm 2021, đảo quốc sư tử đã công bố “Kế hoạch Xanh 2030” nhằm đạt được phát thải ròng bằng không (Net-Zero) trong thời gian “sớm nhất có thể”.
Đến năm ngoái, trong Hội nghị COP26, cùng với Việt Nam và nhiều quốc gia khác, Singapore tham gia cam kết đạt Net-Zero vào năm 2050. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, Singapore đã có những bước chuẩn bị, đầu tư ngay từ hôm nay.
Khoảng 95% năng lượng của Singapore đến từ khí đốt - nguồn nhiên liệu hóa thạch ít phát thải nhất.
Theo Ban Thư ký Quốc gia về Biến đổi Khí hậu Singapore, là một quốc gia nhỏ, Singapore gần như nhập khẩu hoàn toàn điện năng từ bên ngoài. Đảo quốc sư tử cũng không có nhiều lựa chọn để triển khai năng lượng tái tạo.
Thứ nhất, để sản sinh ra điện hiệu quả turbine gió cần tốc độ gió khoảng trên 4,5 m/s. Tuy nhiên, tốc độ gió trung bình của Singapore chỉ là 2 m/s. Thủy triều chênh lệch không cao, biển tương đối nặng khiến khả năng phát điện bằng thủy triều bị hạn chế.
Singapore cũng không có hệ thống sông ngòi chảy xiết hay hồ chứa, núi cao để làm thủy điện. Đảo quốc này cũng chẳng có nguồn năng lượng địa nhiệt nào.
Diện tích nhỏ hẹp, mật độ dân số cao và khan hiếm đất đai khiến tiềm năng điện sinh khối của Singapore là con số không. Ngoài ra, diện tích nhỏ hẹp hạn chế khả năng triển khai điện hạt nhân một cách an toàn.
Nguồn năng lượng phát thải thấp bao gồm hạt nhân và năng lượng tái tạo (sinh khối, gió, mặt trời, thủy điện ...).
Lựa chọn duy nhất còn lại đối với Singapore là điện mặt trời. Trung bình hàng năm, Singapore nhận được mức bức xạ khoảng 1.580 kWh/m2, tương đối cao so với trung bình của thế giới.
Tuy vậy, do có quỹ đất hạn chế, mật độ đô thị hóa cao, việc khai thác năng lượng này cũng mang đầy thách thức. Bất chấp những khó khăn trên, vào đầu năm 2023, Singapore đã tăng gấp đôi công suất so với 2020, lên mức 700 MWp (megawatt cực đại - công suất của hệ thống năng lượng mặt trời trong điều kiện lý tưởng).
Singapore đặt mục tiêu triển khai ít nhất 2 GWp (gigawatt cực đại) - gấp 3 lần hiện nay. Những tấm pin này được kỳ vọng có thể cung cấp điện năng cho 350.000 hộ gia đình trong một năm.
Các cơ quan chính phủ Singapore đang khởi động các sáng kiến nhằm lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà hoặc tấm pin nổi trên mặt nước tại đảo Jurong.
Hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời nổi của công ty Ocean Sun. Singapore dự kiến sẽ triển khai những hệ thống tương tự ở đảo Jurong.
Năng lượng mặt trời là một trong "4 công tắc" quan trọng để Singapore đạt mục tiêu khí hậu. Những kế hoạch còn lại bao gồm: Khí đốt, mạng lưới điện trong khu vực và các giải pháp thay thế ít phát thải carbon.
Quốc đảo này có kế hoạch nhập khẩu tới 4 GW điện ít phát thải carbon vào năm 2035, tương đương 30% nguồn điện vào thời điểm đó.
Năm ngoái, Singapore bắt đầu nhập khẩu năng lượng từ Lào thông qua lãnh thổ Thái Lan và Malaysia. Đây là hoạt động thương mại điện xuyên biên giới đa phương đầu tiên có sự tham gia của 4 quốc gia ASEAN, đồng thời là hoạt động nhập khẩu năng lượng tái tạo đầu tiên vào Singapore.
Theo thỏa thuận, Dự án Tích hợp Điện lực Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (LTMS-PIP) sẽ nhập khẩu tới 100MW thủy điện tái tạo bằng cách sử dụng những đường dây hiện có. Con số này tương đương với khoảng 1,5% nhu cầu điện cao điểm của Singapore vào năm 2020, đủ để cấp điện cho khoảng 144.000 căn hộ 4 phòng trong một năm.
Minh Quang - Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh