Nông dân tại một vuông tôm nhiễm mặn trong đợt hạn mặn tháng 3-2016. Ảnh: Reuters
Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng - Thanh Hải và chảy qua sáu quốc gia, sông Mekong vốn có cơ chế tự điều hòa để nuôi dưỡng mọi sinh vật và duy trì các hệ sinh thái trong mùa hạn lẫn mùa mưa.
Khi con sông vĩ đại này hoạt động bình thường, nước ngọt sẽ dồi dào vào mùa mưa, chảy từ thượng nguồn ra biển cả, nhưng trước đó không quên ban tặng phù sa bổ dưỡng cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong mùa khô, lượng nước vẫn còn trong các hồ lớn, như Biển Hồ của Campuchia, sẽ chảy từ từ về đồng bằng, tiếp tục cuốn trôi nước biển dù không có giọt mưa nào.
Biển Hồ thường cạn nước hoàn toàn vào khoảng tháng 3, tạo cơ hội cho nước mặn "thắng thế". Nhưng chỉ khoảng một tháng nữa thôi, gió mùa sẽ thổi và những cơn mưa lại về. Một tháng - không quá lâu cho người nông dân tiết kiệm nước ngọt để vượt qua mùa khô.
Nhưng, ngày càng có nhiều những năm "khó sống"! Gần nhất là mùa khô lịch sử năm 2019-2020: bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm, thời gian hạn mặn kéo dài gấp đôi so với mùa khô năm 2016, theo ghi nhận của Tổng cục Thủy lợi.
Nước mặn xâm nhập sâu hơn trong nội đồng, so với các đợt hạn mặn nghiêm trọng năm 1998, 2010 và 2016 (hình dưới).
Hồ Hữu Lộc và cộng sự, "Intensifying saline water intrusion and drought in the Mekong Delta: From physical evidence to policy outlooks", 2021. (Bản vẽ đã được lược bớt một vài chi tiết)
Biến đổi khí hậu làm cho mưa nắng trở nên bất thường nhưng đồng thời, xâm nhập mặn còn liên quan đến nhiều yếu tố "nhân tai". Đơn cử là chuyện nước từ thượng nguồn đổ về, nếu lưu lượng càng giảm, nước mặn sẽ càng tiến sâu vào đất liền.
Bức tranh nguyên nhân và hậu quả được tóm lược trong hình sau:
Philip S.J. Minderhoud, “Sụt lún đồng bằng: Hiện trạng lún và dự báo tương lai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam”, 2019
Năm 2020, nông dân trồng lúa ở các tỉnh bị xâm nhập mặn đã bị mất ít nhất 30% sản lượng thu hoạch do thiếu nước ngọt. Sau thảm họa này, nhiều nông dân đã chuyển sang mô hình luân canh tôm - lúa.
Theo đó, nông dân trồng lúa trong mùa mưa, nuôi tôm vào mùa khô (một số loài như tôm sú có thể chịu mặn lên tới 45 gram/lít). Ví dụ như ở Kiên Giang, trong giai đoạn 1991 - 2020, diện tích luân canh tôm - lúa đã tăng gần gấp ba lần, từ 4,7% lên 17,3% (hình dưới).
Số liệu: Hồ Hữu Lộc và cộng sự, "How the saline water intrusion has reshaped the agricultural landscape of the Vietnamese Mekong Delta, a review", 2021. Đồ họa: Lê My
Lúc này, một xu hướng đáng lo ngại nổi lên: nông dân chuyển hẳn sang mô hình nuôi tôm lâu năm, theo nghiên cứu Leigh và cộng sự (2020).
Bên cạnh yếu tố thị trường, nghiên cứu Dien và cộng sự (2019) nhận xét rằng: nước mặn trong vuông tôm sau mùa khô không thể bị nước ngọt "làm sạch" hoàn toàn. Nó tích lũy qua nhiều năm, thậm chí còn tăng nhanh do lượng mưa suy giảm.
Do đó, trớ trêu thay, có thể nói rằng mô hình tôm - lúa đang dẫn đến một số vấn đề môi trường khác, cuối cùng tăng thêm thách thức cho người nông dân.
Trong tương lai, nếu xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn - do mực nước biển dâng cao và hoạt động gây sụt lún mặt đất của con người, độ mặn có thể sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của loài tôm chăng?
Chúng ta có thể cố gắng hết sức để thích ứng với hạn mặn, nhưng việc giải quyết tận gốc rễ của vấn đề mới giúp ta tránh được các biểu đồ và số liệu tồi tệ hơn.
LÊ MY - Theo Tuổi Trẻ