Theo Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore, thị trường nội địa Trung Quốc tiêu thụ không hết hàng hóa sản xuất trong nước, trong khi xuất khẩu gây nhiều tranh cãi. Vì thế, từ tháng 4 đến nay, “năng lực sản xuất dư thừa” của Trung Quốc đã trở thành điểm nóng mới trong cuộc đối đầu giữa quốc gia châu Á này với Mỹ và các nước châu Âu.
Không chỉ là chuyện sản xuất...
Từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều bày tỏ quan ngại về năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc khi đến thăm nước này vào tháng 4. Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai cuộc điều tra chống trợ cấp đối với nhiều doanh nghiệp năng lượng mới của Trung Quốc, trong khi Mỹ khởi động điều tra với ngành vận tải biển, logistics và đóng tàu của Trung Quốc.
Trong vòng một tháng, tranh cãi xoay quanh năng lực sản xuất dư thừa đã mở rộng từ các sản phẩm năng lượng mới như xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời và pin lithium… sang các ngành truyền thống như sắt thép và nhôm.
Một dây chuyền sản xuất tại nhà máy thép của Tập đoàn Baowu ở TP Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Dù các bên tranh cãi không thống nhất về định nghĩa và phạm vi đối với năng lực sản xuất dư thừa, nhưng các nhà phân tích đều cho rằng tình trạng dư thừa năng lực sản xuất lần này bắt đầu từ cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng của Trung Quốc 2 năm qua. Để giảm nhẹ hậu quả, Bắc Kinh chuyển hướng sang các ngành sản xuất tiên tiến, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm năng lượng mới. Ví dụ năm 2023, xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt hơn 90 triệu tấn, ghi nhận mức cao nhất từ năm 2017 đến nay.
Ông Ma Tao, Phó Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế chính trị quốc tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết, sản lượng thép của Trung Quốc chủ yếu là đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong nước. Thép xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng xuất khẩu thép của Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì vậy, việc cáo buộc Trung Quốc dư thừa năng lực sản xuất như vậy là không công bằng.
Tuy nhiên, sản lượng thép thô của Nhật Bản trong năm 2023 là 86,83 triệu tấn, của Hàn Quốc chưa đến 70 triệu tấn. Trung Quốc chiếm một nửa sản lượng thép của thế giới, ngay cả khi chỉ xuất khẩu 5% cũng đủ gây nên tác động lớn với thị trường toàn cầu. Theo thống kê của Viện nghiên cứu tiêu chuẩn thông tin công nghiệp luyện kim Trung Quốc, năm 2023, các nước đã công bố 112 thông báo điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép của Trung Quốc, tăng 20 vụ so với năm 2022.
Và những lo ngại
Tập đoàn năng lượng Eagle của Singapore, chuyên phát triển và quản lý các nhà máy điện năng lượng mới, có hơn 90% hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm bán thành phẩm như tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất tại Trung Quốc sang châu Âu và Trung Á.
Ông P. Pooh Yen Leng, Giám đốc điều hành của Tập đoàn năng lượng Eagle, cho biết, các sản phẩm năng lượng mới của Trung Quốc không dựa vào giá rẻ để giành phần thắng, mà dựa vào lợi thế chuỗi sản xuất hoàn chỉnh đã tích lũy nhiều năm. Từ điện mặt trời, điện gió đến xe điện, hiện vẫn chưa có nước nào có thể kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất như Trung Quốc. Một nước có thể không nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm bán thành phẩm sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, cùng với việc Mỹ và các nước châu Âu liên tục gia tăng sức ép lên Trung Quốc trong xuất khẩu sản phẩm năng lượng, ông P. Pooh Yen Leng lo ngại hoạt động xuất khẩu sẽ ngày càng khó khăn hơn. Mỹ, nước hạn chế nghiêm ngặt nhất, là một ví dụ. Quốc gia này không những yêu cầu điều tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, mà còn yêu cầu truy nguyên nguồn gốc xuất xứ của nguyên vật liệu.
Sau khi cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi từ trợ cấp của chính phủ trong nhiều năm, Mỹ và châu Âu bắt đầu đưa ra các chính sách công nghiệp. Năm 2022, Mỹ lần lượt thông qua 2 dự luật, tăng cường hỗ trợ cho ngành bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Năm 2023, EU khởi động Kế hoạch công nghiệp thỏa thuận xanh trị giá 270 tỷ USD, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh công nghệ xanh. Trung Quốc cũng thực hiện các hành động đáp trả sau khi xuất khẩu liên tục bị cản trở. Ngày 19-4, Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định sản phẩm acid propionic nhập khẩu từ Mỹ tồn tại khả năng bán phá giá, tuyên bố sản phẩm này phải chịu mức thuế 43,5%.
Thị trường lo ngại tranh chấp về năng lực sản xuất dư thừa sẽ leo thang thành một cuộc chiến thương mại mới. Ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cảnh báo rằng, cùng với sự trỗi dậy của làn sóng chủ nghĩa bảo hộ, Trung Quốc và châu Âu sẽ đối diện với “sự cố tàu hỏa chuyển động chậm” (tai họa có khả năng xảy ra nhưng người xung quanh không làm gì được), và va chạm thương mại có thể biến thành một cuộc chiến thương mại toàn diện.
MINH CHÂU - Theo Sài Gòn Giải Phóng