Đọc văn bản này ắt sẽ có nhiều người hiểu theo hướng tăng cường việc sử dụng tiếng Anh trong nhà trường, dần biến tiếng Anh thành một ngôn ngữ thứ hai bên cạnh tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ thứ nhất.
Góc độ xã hội và góc độ cá nhân
Thật ra cách hiểu khái niệm "ngôn ngữ thứ hai" phổ biến trên thế giới không phải như vậy. Ngôn ngữ thứ hai ở đây là nhìn từ góc độ người học; học sinh là người Việt, ở nhà nói tiếng Việt, ra đường nói tiếng Việt nhưng bước vào nhà trường, xem như bước vào một thế giới khác, một môi trường khác, nơi tiếng Anh được sử dụng chính thức, phổ biến, toàn diện nên lúc đó tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ hai của học sinh này.
Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai còn được hiểu là việc học, sử dụng tiếng Anh của một người mà tiếng mẹ đẻ không phải tiếng Anh tại một nước nói tiếng Anh. Một học sinh người Việt sang Anh học đại học thì tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ hai (dĩ nhiên là đối với anh này chứ không phải với nước Anh!).
Như vậy, hiểu theo nghĩa phổ biến trên thế giới, đích đến cuối cùng của chủ trương "từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học" là tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy không chỉ cho môn tiếng Anh, mà còn cho các môn khác như toán, lý, hóa.
Thậm chí các môn xã hội cuối cùng cũng dạy bằng tiếng Anh. Chưa hết, để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, mọi sinh hoạt phải tiến hành bằng tiếng Anh, từ hội họp, thông báo đến tiết chủ nhiệm, hoạt động ngoại khóa, thuyết trình, bảng điểm…
Sẽ có người nói sao lại như thế được, tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai, còn tiếng Việt trong vai trò ngôn ngữ thứ nhất nữa chi? Đó chỉ là điểm hiểu nhầm nói ở đầu bài - ngôn ngữ thứ hai là đối với học sinh, chứ không phải với nhà trường.
Nhà trường có nhiệm vụ xây dựng môi trường trong đó tiếng Anh được sử dụng chính thức, phổ biến, toàn diện tương tự như khi học sinh người Việt học ở Anh, ở Mỹ hay ở Úc.
Đây là nói về môi trường ngôn ngữ thứ hai trong trường học; giả dụ nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai nói chung thì càng khó hơn, vì lúc đó tiếng Anh sẽ được sử dụng trong hành chính, kinh doanh, nói chung là trong hầu hết các hoạt động của xã hội.
Có quá vội vàng?
Đối chiếu với cách hiểu này, lộ trình để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là rất vất vả, nhọc nhằn chứ không phải đơn giản.
Chúng ta không chỉ cần đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh có đủ năng lực để dạy các kỹ năng kể cả nghe nói, chúng ta còn cần phải đào tạo một đội ngũ giáo viên các môn, trước mắt là toán, lý, hóa biết dạy chương trình bằng tiếng Anh, lên lớp bằng tiếng Anh, thầy cô trao đổi với học sinh bằng tiếng Anh, ra bài tập cũng bằng tiếng Anh.
Thử hình dung, cần biên soạn chương trình hiện nay, chuyển hết sách giáo khoa bằng tiếng Anh thì đòi hỏi một nỗ lực lớn dường nào.
Cho dù có nhấn mạnh cụm từ "từng bước", lộ trình đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, theo đúng nghĩa của cụm từ này, là rất tốn công sức, sẽ có một giai đoạn dài chịu sự chênh lệch theo vùng miền.
Không dễ dàng xây dựng một môi trường tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy ở nông thôn, miền núi, nơi xa xôi. Quan trọng nhất, hiệu quả của một nỗ lực như thế là không rõ ràng.
Chắc chắn các thế hệ học sinh trong giai đoạn đầu tiên sẽ phải dùng cách thức tự chuyển ngữ, tiếp nhận kiến thức bằng tiếng Anh, tự chuyển sang tiếng Việt để hiểu và nắm vững, xong rồi tự chuyển sang tiếng Anh để đáp ứng các yêu cầu trong học tập.
Thiết nghĩ trước mắt cần đưa ra một định nghĩa rõ ràng, dứt khoát về "tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai" vì chỉ khi mục tiêu được xác định rõ thì lộ trình thực hiện mới khả thi.
Tôi nghĩ có lẽ chúng ta hiểu ngôn ngữ thứ hai theo cách riêng, tức cách hiểu trong nhà trường ngôn ngữ chính thức, ngôn ngữ thứ nhất vẫn là tiếng Việt, dùng để giảng dạy; tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ hai để khuyến khích học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn, đặc biệt là nguồn thông tin tiếng Anh rất phong phú, đa dạng và dễ tiếp cận qua mạng.
Việc sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy sẽ được tiến hành ở bậc đại học và các trường cũng đang dần chuẩn bị cho bước này khi đầu vào tuyển sinh đang sử dụng kết quả của các kỳ thi như SAT hay IELTS.
Dù sao, việc xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai cần được tính toán kỹ khi rào cản ngôn ngữ, nhờ các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, đang dần biến mất. Bài học của các nước trong khu vực cũng cần được tham khảo, như Malaysia từ bỏ việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy môn toán và khoa học từ năm 2012 sau nhiều năm thí điểm vì không hiệu quả. ■
NGUYỄN VẠN PHÚ - Theo Tuổi Trẻ