Các ngân hàng và công ty quản lý tài sản của Hàn Quốc dự kiến một làn sóng nợ xấu sẽ ập đến do những tính toán sai lầm khi tài trợ và đầu tư quá nhiều vào tòa nhà văn phòng ở nước ngoài và cơ sở hạ tầng trong nước.
Tòa nhà chọc trời Trianon ở Frankfurt (Đức) được IGIS Asset Management và Hana Financial của Hàn Quốc mua lại với giá 670 triệu euro (722 triệu đô la Mỹ) vào năm 2018. Rủi ro vỡ nợ của khoản vay để mua tòa nhà Trianon đang tăng cao khi mức định giá của tài sản này giảm mạnh. Ảnh: Bloomberg
Sử dụng vốn vay từ ngân hàng, các nhà quản lý quỹ ở Seoul là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào các tòa nhà văn phòng và thương mại ở châu Âu và Mỹ trong những năm gần đây. Cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay khiến họ chứng kiến hàng loạt tài sản giảm giá và nhiều tài sản cần phải tái cấp vốn. Những nhà quản lý khác rót tiền vào các dự án hạ tầng trong nước, lĩnh vực đang ghi nhận tình trạng vỡ nợ tăng vọt.
Theo các ngân hàng và nhà quản lý tài sản Hàn Quốc, một số thiệt hại tài chính bị trì hoãn sau khi với sự hỗ trợ từ chính phủ họ đã gia hạn nợ và tái cấu trúc các khoản vay đang có vấn đề. Nhưng với cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng, họ dự kiến số vụ vỡ nợ sắp tăng vọt khi ngày càng nhiều bất động sản và các khoản vay rơi vào tình trạng căng thẳng.
Mặc dù không mang tính hệ thống nhưng đây là diễn biến mới nhất trong làn sóng rắc rối tài chính tấn công nền kinh tế lớn thứ tư châu Á trong hai năm qua, bao gồm việc khách hàng rút tiền ồ ạt khỏi chi nhánh của một hợp tác xã tín dụng và căng thẳng tín dụng do cú vỡ nợ của Legoland Korea, một công ty kinh doanh công viên giải trí. Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 4 năm tới và một trong những ưu tiên của chính phủ là cố gắng khắc phục tổn thương từ những sai lầm tốn kém liên quan đến tài sản ở nước ngoài và tài trợ cho các dự án địa phương.
Soo Cheon Lee, đồng sáng lập của nhà đầu tư tín dụng SC Lowy, cho rằng chính phủ sẽ cố gắng làm sạch bảng cân đối kế toán của các tổ chức tài chính sau cuộc bỏ phiếu. “Họ cần hỗ trợ ngành bất động sản và sau đó là tái cấu trúc các khoản nợ trong ngành”, ông nói.
Mối nguy hiểm đang tăng lên vì có rất nhiều các tổ chức “phi ngân hàng” của Hàn Quốc, bao gồm công ty chứng khoán, quỹ hưu trí và hợp tác xã tín dụng đã rót tiền vào tài sản nước ngoài và tài trợ dự án trong nước. Gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, nợ xấu ở một số tổ chức này tăng đáng kể khi đề cập đến các khoản vay quá hạn hoặc những khoản vay không có khả năng hoàn trả.
Các nhà quản lý tài sản Hàn Quốc đã chi hàng chục tỉ đô la Mỹ để mua các tòa nhà văn phòng ở nước ngoài và các khoản cho vay bất động sản đầy rủi ro ngay trước Covid-19. Sau đó, lãi suất tăng đã làm rối loạn thị trường.
Cơ quan Dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) cho biết sẽ xem xét liệu việc nới lỏng các quy định đầu tư có dẫn đến hành vi liều lĩnh của họ hay không.
“Chúng tôi đang giám sát các công ty môi giới và quản lý tài sản để họ thực hiện quy trình quản lý rủi ro kỹ lưỡng. Trong tương lai, chúng tôi có thể xem xét cải thiện hệ thống nếu cần”, FSS viết trong email gửi tới Bloomberg.
Trong tháng này, Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) cảnh báo các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân có thể gặp rủi ro nếu các khoản đặt cược bất động sản ở nước ngoài gặp khó khăn.
Min Joo Kang, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng ING Bank, dự báo, từ năm tới, nhiều khoản nợ xấu sẽ xuất hiện trong lĩnh vực tài trợ dự án và bất động sản ở Hàn Quốc.
“Các ngân hàng tiết kiệm và ngân hàng địa phương sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất”, bà nhận định nhưng tin rằng khó có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng rộng hơn vì các công cụ sẵn có của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc sẽ cung cấp thanh khoản cho những bên cho vay phi ngân hàng.
Theo FSS, các công ty chứng khoán Hàn Quốc chứng kiến thu nhập ở các quỹ đầu tư của họ giảm 955,3 tỉ won (730,5 triệu đô la) trong quí 3 do thua lỗ từ các khoản đầu tư ở nước ngoài và giá cổ phiếu giảm.
Khi chính phủ, cơ quan quản lý và ngành tài chính Hàn Quốc nỗ lực ngăn chặn hậu quả từ làn sóng đầu tư tài sản ở nước ngoài trong những năm trước đây, các nhà quản lý tài sản đang đối mặt hiện thực khó khăn.
Tòa nhà chọc trời Trianon ở Frankfurt (Đức) được IGIS Asset Management và Hana Financial của Hàn Quốc mua lại với giá 670 triệu euro (722 triệu đô la Mỹ) vào năm 2018. Tuy nhiên, rủi ro vỡ nợ của khoản vay để mua tòa nhà Trianon đang tăng cao khi mức định giá của tài sản này giảm mạnh. Gần đây, IGIS và Hana đạt được thỏa thuận các bên cho vay để tạm dừng mọi biện pháp tiềm năng bao gồm tịch thu tài sản thế chấp cho đến tháng 2-2024.
Trong khi đó, Công ty quản lý tài sản Kiwoom ở Seoul đồng ý bơm thêm vốn vào tòa nhà Cannon Green ở London để đảm bảo tái cấp vốn, theo các nguồn thạo tin. Những bên cho vay khác muốn cắt lỗ. Ngân hàng Bank of Ireland Group đang chào bán một khoản vay thế chấp tòa nhà One Poultry ở London, thuộc sở hữu của một công ty Hàn Quốc, với mức chiết khấu gần 14%.
Theo Bloomberg