Nguồn: Jude Blanchette, “China Is in Denial About the War in Ukraine,” Foreign Affairs, 13/08/2024 - Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tại sao các học giả Trung Quốc lại đánh giá thấp cái giá phải trả của sự đồng lõa trong cuộc xâm lược của Nga.
Trong những tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, chính phủ Trung Quốc đã thận trọng bày tỏ quan điểm ủng hộ Moscow. Người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc liên tục nhấn mạnh rằng Nga có quyền quản lý công việc của mình theo cách mà họ thấy phù hợp, cáo buộc rằng “xâm lược” là cách giải thích các sự kiện của phương Tây, và cho rằng Mỹ đã khiêu khích Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách ủng hộ mở rộng NATO. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thậm chí còn bày tỏ sự đồng cảm với “những lo ngại chính đáng” của Nga.
Tuy nhiên, bên ngoài giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, phản ứng còn đáng lo ngại hơn. Dù phần lớn các trường đại học và viện chính sách ở Trung Quốc đều được nhà nước tài trợ, nhưng các nhà phân tích và học giả làm việc ở đó vẫn giữ được mức độ độc lập nhất định, và quan điểm của họ có thể gây ảnh hưởng lên chính phủ ở một mức độ nào đó. Sau khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine, các nhà phân tích này đã công khai thể hiện sự lo ngại về việc xung đột có thể gây tổn hại đến quan hệ của Trung Quốc với châu Âu và Mỹ, khiến nền kinh tế toàn cầu rạn nứt hơn nữa, đồng thời làm suy giảm sự giàu có và quyền lực của Nga, đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc. “Tác động tiêu cực của cuộc chiến đối với Trung Quốc [sẽ] rất lớn,” Diêm Học Thông, một trong những học giả quan hệ quốc tế hàng đầu của Trung Quốc, lập luận vào tháng 5/2022, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc xung đột kéo dài sẽ tàn phá nền kinh tế toàn cầu và khiến “căng thẳng gia tăng” giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Nhật Bản. Theo học giả quan hệ quốc tế Lý Nguy, nỗ lực “đoàn kết chưa từng có” của phương Tây nhằm trừng phạt nền kinh tế Nga, đã khiến các chuyên gia Trung Quốc ngạc nhiên. Những người khác, chẳng hạn như cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc Vương Vĩnh Lợi, thì lo ngại rằng các lệnh trừng phạt sẽ đe dọa toàn cầu hóa mà nền kinh tế Trung Quốc đang phụ thuộc vào.
Tuy nhiên, sau hơn hai năm chiến tranh, sự bi quan đã dần tan biến và được thay thế bởi sự lạc quan thận trọng. Giờ đây, các chuyên gia này cho rằng nền kinh tế Nga và Trung Quốc phần lớn đã tránh được tác hại tê liệt từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga đang xây dựng lại cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình và đã tránh được sự cô lập cực độ về mặt ngoại giao từng được cho là kết cục không thể tránh khỏi cho quyết định của Putin.
Một số kết luận của các nhà phân tích này về cuộc chiến ở Ukraine – chẳng hạn như sự đồng thuận trong nước của Mỹ về việc trang bị vũ khí cho Kyiv sẽ lung lay – đã được chứng minh. Nhưng rõ ràng là những thực tế khác đã không được nhắc đến trong các cuộc thảo luận công khai của Trung Quốc. Quả thật, Trung Quốc đã phải gánh chịu tổn thất do cuộc chiến của Putin cũng như sự hỗ trợ về kinh tế và ngoại giao của Bắc Kinh dành cho Nga. Châu Âu chưa hoàn toàn quay lưng lại với Trung Quốc, nhưng quan hệ ngày càng sâu sắc của nước này với Nga đã khiến quan hệ của nước này với nhiều nước châu Âu xấu đi đáng kể và không thể dễ dàng đảo ngược. Và sự tương đồng giữa mong muốn chiếm giữ lãnh thổ Ukraine của Putin và mong muốn lâu dài của Bắc Kinh nhằm thống nhất với Đài Loan đã khiến Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải tăng cường phòng thủ.
Những điểm mù này rất quan trọng, bởi vì ở Trung Quốc, cuộc chiến ở Ukraine vừa là đài quan sát, vừa là phòng thí nghiệm trong lúc Bắc Kinh chuẩn bị cho cuộc xung đột địa chính trị leo thang với Mỹ. Khi phân tích các sự kiện ở Ukraine, các học giả Trung Quốc sẽ cố gắng đánh giá quyết tâm của Mỹ và châu Âu, đồng thời xác định những rủi ro mà Trung Quốc có thể phải gánh chịu trong một cuộc khủng hoảng địa chính trị hoặc quân sự. Một số chuyên gia, như nhà chiến lược quân sự hàng đầu Chu Ba, đã kết luận rằng việc NATO do dự thực hiện một số can thiệp lớn thay mặt Ukraine chứng tỏ rằng, Đài Loan không được ai bảo vệ ngoài Mỹ trong một cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc. Dù các học giả này có xu hướng cẩn trọng, không thảo luận quá rõ ràng về chi tiết của một cuộc chiến tiềm tàng ở Eo biển Đài Loan, nhưng nhiều người dường như đang vạch ra một đường thẳng trực tiếp nối những rạn nứt trong quyết tâm của Mỹ khi hỗ trợ Ukraine với khả năng nước này sẽ chấp nhận một cuộc xung đột kéo dài với Bắc Kinh.
NHÓM BI QUAN
Các chuyên gia Trung Quốc, đặc biệt là những người làm việc tại các tổ chức học thuật ưu tú hoặc tại các viện nghiên cứu liên kết với chính phủ hoặc quân đội, đóng vai trò vừa là người diễn giải vừa là người có ảnh hưởng đến chính sách chính thức. Họ xuất bản trên các tạp chí và phương tiện truyền thông được chính phủ phê duyệt, và dù ý kiến của họ thường phù hợp với quan điểm chính thống của chính phủ, nhiều người trong số họ cũng kiểm tra các ý tưởng chính sách chưa được các quan chức lên tiếng công khai, hoặc đưa ra các đề xuất chính trị mới tựa như những quả bong bóng thử nghiệm nhằm đánh giá phản ứng của chính quyền. Ngay cả dưới chế độ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, nơi diễn ngôn công khai bị kiểm soát chặt chẽ, một số chuyên gia vẫn có thể thận trọng khám phá các chủ đề nhạy cảm, cố gắng cân bằng giữa độc lập tư tưởng và lòng trung thành chính trị.
Các chuyên gia Trung Quốc có quan điểm không đồng nhất về cuộc chiến của Putin. Kể từ thời điểm quân đội Nga tiến vào Ukraine vào năm 2022, các nhà phân tích Trung Quốc đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về tác động của cuộc xung đột đối với lợi ích của Trung Quốc và cách giải thích đúng đắn về những nỗ lực của phương Tây nhằm chống lại cuộc tấn công của Nga. Tuy nhiên, nhìn chung, những phản ứng ban đầu của họ được hình thành bởi lo ngại rằng cuộc chiến sẽ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử hậu Chiến tranh Lạnh. Các học giả Trung Quốc thường đi đến kết luận rằng cuộc xâm lược của Nga sẽ thúc đẩy sự sắp xếp lại trật tự quốc tế. Quan điểm này đã được thể hiện một cách sâu sắc trong một nhóm học giả tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, một viện chính sách nổi tiếng với những phân tích chất lượng cao dù có liên kết trực tiếp với Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Hồi tháng 2/2023, các học giả này cho rằng cuộc xâm lược là một “bước ngoặt trong lịch sử” qua đó tiết lộ sự tồn tại của một “trật tự mới tiềm ẩn” khác với cấu trúc an ninh đã thống trị suốt ba thập kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tất nhiên, Tập cũng nói về buổi bình minh của một “kỷ nguyên mới” cho trật tự toàn cầu. Ông đã nhiều lần đưa ra ý tưởng rằng thế giới đang trải qua “những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong một thế kỷ,” được đặc trưng bằng những rủi ro ngày càng tăng, nhưng cũng có những lợi ích tiềm tàng đối với Trung Quốc, thông qua việc lật đổ sự thống trị của Mỹ về địa chính trị, công nghệ, và nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều học giả ban đầu lo ngại rằng cuộc tấn công của Nga có thể làm đảo lộn khả năng Trung Quốc có thể lèo lái một cách thận trọng trong kỷ nguyên mới này. Sự kiện này đã làm họ nhận ra rằng Trung Quốc, hơn bất kỳ quốc gia nào ngoài Mỹ, có khả năng quyết định quỹ đạo của nền kinh tế toàn cầu và các sự kiện thế giới. Hơn nữa, cuộc tấn công nhanh chóng, bất ngờ vào Ukraine đã làm nổi bật mối nguy từ sự rạn nứt đột ngột, đáng kể trong quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây. Vương, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc, than thở rằng các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Nga sẽ thúc đẩy “sự hình thành hai phe đối lập gay gắt,” theo đó “gây ra mối đe dọa lớn” đối với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra, vốn là quá trình đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Vào tháng 6/2022, học giả chính sách đối ngoại Trần Đông Hiểu lo ngại rằng một cuộc chiến kéo dài sẽ “gây khó khăn đáng kể cho Bắc Kinh trong việc giải quyết quan hệ Trung-Mỹ.”
Các nhà phân tích Trung Quốc đặc biệt bất ngờ trước nỗ lực phối hợp của phương Tây nhằm trừng phạt nền kinh tế Nga. Lý viết: Nỗ lực đó đã trở thành “một minh chứng sống động về các công cụ sức mạnh kinh tế” mà Mỹ có thể tập hợp được. Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia Trung Quốc đều đồng ý về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt. Một số người, chẳng hạn như Hoàng Tĩnh, lập luận rằng “một cuộc thế chiến không có thuốc súng” của phương Tây sẽ thất bại vì các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng và tài chính vốn nổi tiếng là có nhiều “lỗ hổng,” và bởi vì, ông cho rằng, bất đồng sẽ xuất hiện giữa Mỹ và châu Âu.
Nhưng những người khác lại kết luận rằng Mỹ vẫn nắm giữ quyền lực vô song đối với hệ thống tài chính quốc tế. Trương Bắc, một nhà phân tích tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, dự đoán rằng đòn bẩy của Mỹ đối với các cơ chế thanh toán và quyết toán quan trọng, bao gồm hệ thống xử lý tin nhắn liên ngân hàng SWIFT, sẽ cho phép nước này đe dọa “an ninh tài chính quốc gia” của Nga. Nhà kinh tế học Vương Đạt còn đi xa hơn khi ví việc Nga bị trục xuất khỏi SWIFT giống như một cuộc tấn công hạt nhân. Khả năng của Mỹ trong việc tàn phá đối thủ về mặt tài chính sẽ có tác động rõ rệt đối với Trung Quốc: tháng 10/2022, một nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cảnh báo rằng nước này phải sẵn sàng chống lại nỗ lực của Mỹ nhằm “sao chép mô hình trừng phạt tài chính này chống lại Trung Quốc” trong “bối cảnh cuộc chơi chiến lược Trung-Mỹ và xung đột ở Eo biển Đài Loan ngày càng căng thẳng.”
Khi các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực và quân đội Nga dần sa sút, các học giả Trung Quốc cũng lo rằng vị thế đối tác chiến lược có giá trị của Nga có thể bị đe dọa. Một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất của Trung Quốc về Nga, Phùng Ngọc Quân, dự đoán rằng “ảnh hưởng của Nga đối với nền kinh tế thế giới và hệ thống chính trị quốc tế” sẽ “suy giảm đáng kể.” Trong khi đó, một chuyên gia khác, Viên Huấn, dự đoán rằng các lệnh trừng phạt sẽ “gây khó khăn cho các công ty Nga trong việc huy động vốn, làm tăng nguy cơ thị trường chứng khoán Nga sụp đổ, khiến một số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với nguy cơ phá sản, giảm cơ hội việc làm, tăng tỷ lệ thất nghiệp và giảm thu nhập của người dân Nga.”
NHÓM LẠC QUAN
Tuy nhiên, ngày nay, một quan điểm lạc quan hơn đáng kể đang chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận của các chuyên gia Trung Quốc. Họ chỉ ra rằng phản ứng của phương Tây đối với cuộc chiến đã không tạo ra những kết quả thảm khốc như nhiều người đã dự đoán. Các học giả tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương của Đại học Nhân dân Trung Quốc kết luận trong một báo cáo tháng 2/2024 rằng “Làn sóng trừng phạt dữ dội nhất [trong] lịch sử” đã không đạt được kết quả như mong đợi, mà thay vào đó, lại gây ra phản ứng dữ dội và các biện pháp đối phó với trừng phạt” vì Nga đã tìm được huyết mạch mới cho tiền tệ và thương mại ở Trung Quốc và các nước khác. Nhiều nhà phân tích Trung Quốc cũng nói rằng Putin đã tránh không để bị cô lập ngoại giao, trích dẫn các chuyến thăm cấp nhà nước gần đây của ông tới Triều Tiên và Việt Nam, và việc ông tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Moscow hồi tháng 7. Một bài báo đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu phiên bản tiếng Trung được tung ra sau chuyến đi của Putin tới Hà Nội đã được đặt tiêu đề “Vòng vây cô lập của phương Tây đối với Nga đã bị phá vỡ.”
Theo quan điểm này, Trung Quốc đã tránh phải trả bất kỳ cái giá kinh tế hoặc ngoại giao đáng kể nào cho việc hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Putin. Quả thật, cuộc chiến Ukraine đã tạo ra những xu hướng có lợi cho Trung Quốc. Khả năng vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây của nền kinh tế Nga đã gây ấn tượng với nhiều học giả Trung Quốc. Sau chuyến thăm Moscow vào tháng 2/2024, Từ Phá Linh, một chuyên gia về kinh tế Nga, nhận xét rằng cuộc chiến ở Ukraine “đã tiêm một liều steroid vào nền kinh tế Nga đang trì trệ, khiến nó trở nên mạnh mẽ và sôi động hơn.” Ông thậm chí còn suy đoán rằng Putin “không hẳn là đang vội vàng chấm dứt xung đột.” Các nhà phân tích khác thì ngạc nhiên về cách chiến tranh đã vực dậy tổ hợp công nghiệp-quân sự đang suy yếu của Nga, từng được một phân tích của Thời báo Hoàn cầu cho là “trong tình trạng thiếu hụt đầu tư và sản xuất.” Phân tích cho thấy kể từ tháng 2/2022, tổ hợp này đã “đẩy nhanh việc chấp nhận đầu tư nhà nước và tăng năng lực sản xuất,” dẫn đến “sự phục hồi toàn diện của các doanh nghiệp công nghiệp-quân sự Nga” và đạt “tiến bộ đáng kể” trong việc sản xuất tên lửa chiến thuật, xe bọc thép, và máy bay không người lái mới.
Trong lúc chiến tranh bị kéo dài, các nhà phân tích Trung Quốc cũng tin rằng sự thống nhất của phương Tây đang rạn nứt. Hồi tháng 2, chuyên gia nghiên cứu Á-Âu nổi tiếng Đinh Hiểu Tinh đã viết rằng “khi các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đối đầu dữ dội và khi cuộc bầu cử [tổng thống Mỹ] đến gần, tình hình ngày càng bất lợi cho Ukraine.” Kim Xán Vinh, một học giả quan hệ quốc tế diều hâu, dự đoán rằng một “phản ứng dữ dội” của công chúng chống lại sự ủng hộ dành cho Ukraine ở các nước châu Âu và Mỹ cuối cùng sẽ hủy hoại khả năng tự vệ của Kyiv.
QUẢN LÝ THIỆT HẠI
Nhiều phân tích của các chuyên gia Trung Quốc này rất công bằng, thậm chí sắc sảo. Nhưng điều còn thiếu trong cuộc thảo luận công khai ở Trung Quốc là sự thừa nhận những cái giá mà Bắc Kinh phải gánh chịu do ủng hộ cuộc chiến của Putin. Trong khi những đánh giá ban đầu của các chuyên gia này có nhắc đến những thiệt hại tiềm tàng to lớn đối với Trung Quốc, thì giờ đây, họ có xu hướng phớt lờ hoặc đánh giá thấp những tổn thất nghiêm trọng mà Bắc Kinh đã phải gánh chịu. Quan hệ của Trung Quốc với hầu hết các nước châu Âu đã suy giảm đến mức không thể cứu vãn. Trong tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7, NATO đã có một lời tố cáo gay gắt chưa từng có tiền lệ đối với hành vi của Bắc Kinh, gọi Trung Quốc là “người giúp sức quyết định” cho nỗ lực chiến tranh của Nga – kiểu ngôn từ không thể tưởng tượng được trước tháng 2/2022.
Sự thất vọng với Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các nhà hoạch định chính sách châu Âu. Những người châu Âu trước đây từng rất lạc quan về quan hệ Trung Quốc-châu Âu – đặc biệt là những người có lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc – giờ đây có cái nhìn ảm đạm hơn nhiều. Vào tháng 5, một cuộc khảo sát các CEO châu Âu của tổ chức Bàn tròn Công nghiệp châu Âu cho thấy: chỉ có 7% tin rằng quan hệ của châu Âu với Trung Quốc sẽ được cải thiện trong ba năm tới. Hơn 50% cho rằng tình hình sẽ xấu đi trong tương lai. Trong một cuộc khảo sát tháng 7 của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu với gần 20.000 người tham gia, 65% số người được hỏi tại 15 quốc gia châu Âu đồng ý rằng Trung Quốc đã đóng một vai trò “khá tiêu cực” hoặc “rất tiêu cực” trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây không phá vỡ được nền kinh tế Nga nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến nền kinh tế toàn cầu ngày càng phân mảnh. Suốt nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã nỗ lực xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp. Các nhà hoạch định chính sách của chính phủ Trung Quốc đã tăng cường những nỗ lực này vào khoảng năm 2018 khi họ tìm cách chuẩn bị cho Trung Quốc đối mặt với sự tan vỡ của toàn cầu hóa và sự rạn nứt của chuỗi cung ứng. Nhưng Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho mức độ mà cuộc chiến ở Ukraine – cùng với những lo ngại an ninh quốc gia ngày càng tăng ở nhiều nước về sự phụ thuộc công nghệ vào Trung Quốc – đã đẩy nhanh sự phân mảnh này, khiến các chính phủ, công ty, và nhà đầu tư Mỹ và châu Âu tái phân bổ vốn ra khỏi Trung Quốc và các thị trường có nguy cơ địa chính trị khác. Việc Nga xâm chiếm Ukraine đã làm gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về thị trường Trung Quốc khi làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh cũng có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt hoặc hậu quả kinh tế vì liên kết với Moscow và đe dọa Đài Loan.
Cuộc chiến ở Ukraine, và đặc biệt là quyết định của Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nga, cũng đang làm trầm trọng thêm những rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng. Chính quyền Biden đã nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh rằng huyết mạch kinh tế, công nghệ, và ngoại giao mà Trung Quốc đang trao vào tay Moscow đã đi ngược lại với mong muốn của Trung Quốc về một quan hệ song phương ổn định với Mỹ. Nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục đặt cược vào Nga, bao gồm cả việc tiến hành một cuộc tuần tra chung gần đây với máy bay ném bom Nga trên không phận ngay ngoài khơi bờ biển Alaska. Hồi tháng 5, Washington đã trừng phạt hơn chục công ty Trung Quốc vì hỗ trợ trực tiếp cho nỗ lực chiến tranh của Moscow. Nhiều khả năng sẽ có thêm các lệnh trừng phạt bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
BÀI HỌC
Vào tháng 2, một nhóm chuyên gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc đã xem xét tình hình toàn cầu và kết luận rằng “môi trường bên ngoài đã không còn liên tục tiến triển và cải thiện nữa.” Thay vào đó, họ viết thêm rằng “chúng ta đang ở trong một tình thế với nhiều thay đổi lớn lao và những cuộc đấu tranh mang tính đối đầu, kéo dài, và tàn khốc.” Dù Putin vẫn nắm chắc quyền lực ở Moscow và nỗ lực sáp nhập lãnh thổ Ukraine của ông vẫn chưa gây ra thảm kịch chiến lược như nhiều nhà phân tích Trung Quốc dự đoán ban đầu, nhưng môi trường bên ngoài Bắc Kinh chẳng hề tốt đẹp chút nào. Quan hệ với Mỹ vẫn cực kỳ căng thẳng. Còn trong khu vực lân cận của Trung Quốc, các đồng minh của Mỹ như Australia, Nhật Bản, và Philippines đang tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Xung đột đang đẩy Trung Đông vào bất ổn. Vị thế của Trung Quốc trong trật tự quốc tế vẫn mạnh mẽ nhưng ngày càng lung lay.
Tất cả những điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với những mưu đồ của chính Trung Quốc đối với Đài Loan. Cuộc chiến của Nga với Ukraine mang lại những bài học chung về sự phức tạp của chiến tranh hiện đại, khả năng xảy ra phản ứng quốc tế đối với một tranh chấp khu vực, và cái giá phải trả của một cuộc xung đột quân sự kéo dài. Những gì Tập học được từ cuộc khủng hoảng này vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng quan điểm của các nhà phân tích Trung Quốc có thể là một cửa sổ giúp chúng ta hiểu những bài học mà chính phủ Trung Quốc đang rút ra từ cuộc chiến của Putin. Các giải thích của họ rất đa dạng và mang tính cá nhân. Tuy nhiên, sau khi dõi theo hai năm chiến tranh ở Ukraine, nhiều người đã kết luận rằng phương Tây không muốn xung đột và sẽ trở nên mệt mỏi trong việc hỗ trợ các nền dân chủ đang đối mặt với một lực lượng xâm lược nếu phải trả giá đắt về kinh tế. Kết luận này thường bị phóng đại và có thể đánh giá thấp quyết tâm của Mỹ. Nhưng việc họ đi đến kết luận đó cho thấy rằng Eo biển Đài Loan – và thế giới nói chung – có thể đang đi theo một hướng còn nguy hiểm hơn.
Jude Blanchette là giám đốc về nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Ông là tác giả cuốn sách “China’s New Red Guards: The Return of Radicalism and the Rebirth of Mao Zedong.”
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế