Nếu có thêm nhiều quốc gia cung cấp khí đốt trên thị trường toàn cầu, giá sẽ giảm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết.
Sau xung đột Nga-Ukraine, Đức – nền kinh tế đầu tàu châu Âu với các ngành công nghiệp cực kỳ “thâm dụng” năng lượng – một lần nữa cảm thấy sự cấp bách phải đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu để phòng khi xung đột ở Trung Đông chuyển biến xấu.
Các cuộc xung đột làm nổi bật tầm quan trọng ngày càng tăng của một khu vực giàu năng lượng mà Berlin vốn có ít tiếp xúc ở “lục địa đen”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước ông đang để mắt đến việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nigeria – nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi và hoan nghênh những nỗ lực của Nigeria trong việc mở rộng công suất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Người đứng đầu chính phủ Đức đang trong chuyến thăm tới châu Phi cận Sahara, bao gồm 2 điểm dừng chân là Nigeria và Ghana. Đây là chuyến thăm thứ 3 của ông tới khu vực này trong 2 năm qua.
“Điều này cũng sẽ có tác động đến giá khí đốt toàn cầu”, ông Scholz cho biết sau cuộc gặp với Tổng thống Nigeria Bola Tinubu ở thủ đô Abuja hôm 29/10.
Nếu có thêm nhiều quốc gia cung cấp khí đốt trên thị trường toàn cầu, giá sẽ giảm, nhà lãnh đạo Đức giải thích. “Điều quan trọng là sử dụng năng lực hiện có và đa dạng hóa hoạt động sản xuất trên toàn cầu”, ông nói thêm.
Đáp lại, Tổng thống Tinubu cho biết, với nguồn tài nguyên khá lớn của Nigeria, “chúng tôi sẵn sàng khuyến khích đầu tư vào đường ống dẫn khí đốt”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz được chào đón ở Abuja, trong chuyến thăm tới Nigeria, ngày 29/10/2023. Ảnh: Premium Times
Nigeria có trữ lượng khí đốt đã được chứng minh là lớn nhất châu Phi – ước tính khoảng 202 nghìn tỷ feet khối – và đang nỗ lực giúp đáp ứng nhu cầu của châu Âu sau khi dòng chảy khí đốt Nga sang “lục địa già” bị giảm mạnh vì cuộc chiến với Ukraine.
Đức cũng đang tìm cách đa dạng hóa hơn nữa nguồn cung năng lượng. Khi quốc gia Tây Âu bước vào mùa đông thứ hai mà không có khí đốt Nga, nước này đã tăng gấp đôi nỗ lực tăng công suất năng lượng tái tạo, đồng thời đặt cược vào LNG và tạm thời “hồi sinh” các nhà máy than để đảm bảo an ninh nguồn cung. Việc kết thúc sản xuất điện hạt nhân vào năm 2023 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong “bước ngoặt về năng lượng” của Đức.
Hiện Đức cần khối lượng lớn LNG để vận hành ngành công nghiệp ngốn điện của mình. Cho đến nay, cường quốc kinh tế châu Âu vẫn nhập dầu thô từ Nigeria, nhưng chưa nhập khí đốt.
Ông Scholz năm ngoái cũng đã đến thăm Senegal, nơi ông đề nghị Đức giúp đỡ để mở các mỏ khí đốt ngoài khơi. Quốc gia Tây Phi này dự kiến sẽ cung cấp mẻ nhiên liệu đầu tiên vào nửa cuối năm 2024.
Minh Đức (Theo Reuters, Bloomberg)