Theo Le Figaro hôm nay 04/09/2023, phép lạ Trung Quốc đã kết thúc do Tập Cận Bình quay lại với chủ trương mao-ít và sùng bái lãnh tụ, hành xử đế quốc trong đối ngoại. Nếu Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố : « Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột », thì tại Trung Quốc của ông Tập, con mèo nhất định màu đỏ, nhưng chẳng bắt được con chuột nào.
Sinh viên tốt nghiệp chen chúc nộp đơn xin việc tại một hội chợ việc làm ở An Huy, Trung Quốc, ngày 04/09/2023. Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp tại Trung Quốc lên đến trên 21 %, khiến Bắc Kinh ngưng công bố dữ liệu. via REUTERS - CHINA DAILY
Mây mù bao phủ Trung Quốc, cả ngoại giao lẫn kinh tế
Về quan hệ Mỹ-Trung, Le Monde nhận thấy « Tập Cận Bình đang vấp phải sự cứng rắn của Hoa Kỳ ». Ông Tập sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 09-10/09 tại New Delhi. Phải chăng là để tránh nâng cao uy tín của thủ tướng Ấn Narendra Modi, hay muốn hoãn lại cuộc gặp với tổng thống Mỹ Joe Biden ? Không thể biết được, nhưng sự vắng mặt này cho thấy những khó khăn của người đứng đầu Trung Quốc.
Dù xung quanh toàn là những nhân vật do chính mình chọn lựa, zéro Covid không còn, mây mù vẫn bao phủ cả về kinh tế lẫn ngoại giao. Một nhà kỹ nghệ nói với Le Monde cách đây năm năm ông vẫn lạc quan, nhưng giờ đây muốn chuyển dịch sản xuất sang Đông Nam Á. Cuộc chiến công nghệ với Hoa Kỳ và viễn cảnh xâm lăng Đài Loan gây lo ngại cho không chỉ giới kinh doanh mà cả chính giới.
Tháng Tám, 57 nhà khoa học được coi là « nguồn vinh quang của đất nước » đã được mời dự hội nghị Bắc Đới Hà với giới lãnh đạo để bàn về « tự chủ khoa học và công nghệ cao cấp ». Từ tháng Bảy, đã có bốn viên chức của chính quyền Biden đến Bắc Kinh : Antony Blinken (ngoại giao), Janet Yellen (tài chánh), John Kerry (khí hậu) và Gina Raimondo (thương mại) ; cho thấy thiện chí của Washington, nhưng không giải quyết được bất đồng nào.
Cũng trong tháng Tám, ông Joe Biden còn có hai quyết định làm Bắc Kinh tức tối : hạn chế đầu tư của Mỹ tại Hoa lục về chất bán dẫn, trí thông minh nhân tạo và tin học lượng tử ; sau đó còn viện trợ lần đầu tiên cho Đài Bắc với 80 triệu đô la. Hơn nữa, cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan tháng Giêng 2024 có vẻ bất lợi cho Bắc Kinh. Ứng cử viên thứ tư tham gia cuộc đua là Quách Đài Minh (Terry Gou), cựu chủ nhân Foxconn, chỉ làm chia rẽ đối lập, tạo điều kiện cho ứng viên nhiều triển vọng nhất là Lại Thanh Đức (Lai Ching Te), đương kim phó tổng thống thuộc đảng Dân Tiến.
Càng hung hăng, Bắc Kinh càng bất lợi
Trung Quốc đứng trước thế lưỡng nan : càng phản ứng trước « những khiêu khích của Mỹ » sẽ càng gây lo sợ cho người Đài Loan, giúp ứng cử viên của kẻ thù là đảng Dân Tiến có thể đắc cử. Càng đe dọa Đài Loan thì sẽ càng thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản xích lại gần Washington. Thượng đỉnh ở Trại David hôm 18/08 đánh dấu một « kỷ nguyên mới » giữa Hoa Kỳ và hai nước châu Á.
Tập Cận Bình chỉ có một thành công ngoại giao duy nhất là mở rộng khối BRICS. Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm mười năm « Con đường tơ lụa mới », nhưng tình hình hỗn loạn ở Pakistan và các vụ đảo chánh ở châu Phi chứng tỏ việc tham gia sáng kiến này không hề giúp các nước thành viên được ổn định. Sự hiện diện của Vladimir Putin trong dịp này có nguy cơ làm xấu thêm hình ảnh của Trung Quốc và Tập Cận Bình tại nhiều nước.
Les Echos cho rằng việc Tập Cận Bình không dự hội nghị thượng đỉnh G20 chứng tỏ sự căng thẳng đang dấy lên trở lại giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai cường quốc nguyên tử đang xung đột ở Himalaya, vì tấm bản đồ mới của Trung Quốc. Có thể G20 lần đầu tiên kể từ 2008 sẽ không ra được thông cáo chung. Một trong những điểm gây bế tắc là việc lên án Nga gây chiến với Ukraina : Bắc Kinh chưa bao giờ chấp nhận từ ngữ « chiến tranh » hay « xâm lược ».
Vẽ lại bản đồ lấn đất Nga : Giậu đổ, bìm leo ?
Liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Le Monde nhận thấy « Trung Quốc vẽ lại đường biên giới với các láng giềng, kể cả Nga », bao trùm toàn bộ đảo Bolchoi Ussuriisk mà Trung Quốc gọi là Hắc Hạt Tử. Phải chăng Bắc Kinh lợi dụng những khốn khó của Nga, đang bị quốc tế cấm vận và sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Ukraina, để « ngoạm » thêm vài chục cây số vuông lãnh thổ ?
Tờ báo nhắc lại, hòn đảo mà trên sông Amur, tức Hắc Long Giang, từ lâu vẫn bị tranh chấp. Đến năm 1929, Nga cấm tàu Trung Quốc đi qua đây và năm 2004 hai nước đã thỏa thuận phía tây hòn đảo thuộc về Bắc Kinh, tàu bè được đi qua nhưng đổi lại phía đông là của Nga. Thế nhưng bản đồ chính thức năm 2023 do bộ Tài Nguyên Trung Quốc mới công bố gộp cả đảo này và những phần lãnh thổ của các láng giềng khác.
Ấn Độ phản đối Trung Quốc coi bang Arunachal Pradesh và bình nguyên Aksai Chin là của mình. Malaysia tuyên bố không liên quan gì đến tấm bản đồ này, đồng thời hãng Shell và tập đoàn Petronas loan báo khai thác mỏ khí đốt Timi ngoài khơi Malaysia, nhưng nằm trong « đường 9 đoạn » tự vẽ của Bắc Kinh. Philippines nhắc lại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hồi năm 2016 đã ra phán quyết coi đường lưỡi bò là bất hợp pháp, Đài Loan nhấn mạnh « Trung Hoa Dân Quốc là quốc gia có chủ quyền và độc lập, không hề thuộc về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ». Về phía Việt Nam phản đối tấm bản đồ « vi phạm chủ quyền » của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa và một phần lãnh thổ trên biển. Sau khi tất cả các quốc gia liên quan đã lên tiếng, rốt cuộc Matxcơva mới rụt rè nói rằng thỏa thuận về hòn đảo trên không thay đổi.
Con rồng Trung Quốc hụt hơi
Bắt nạt láng giềng, nhưng Bắc Kinh đang lao đao trong khủng hoảng. Đây là chủ đề được hầu hết các báo hôm nay đề cập. Le Figaro nói về « Sự hụt hơi đáng ngại của con rồng Trung Quốc ». Les Echos cho rằng những khó khăn hiện nay phản ánh sự hụt hơi của mô hình kinh tế nước này. Sau Evergrande, đến lượt tập đoàn địa ốc lớn nhất là Country Garden loan báo thua lỗ 49 tỉ nhân dân tệ (6,7 tỉ đô la). Họa vô đơn chí, tất cả các nhà máy đều chạy dưới công suất, vì xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều giảm.
Địa ốc, vốn là động cơ tăng trưởng trong một thời gian dài, nay trở thành nhược điểm chính. Nền kinh tế thứ nhì thế giới lại chiếm trang nhất báo chí quốc tế, phép lạ Trung Quốc đã kết thúc. Nhưng tăng trưởng bằng mọi giá không còn là ưu tiên của đảng cộng sản, Tập Cận Bình nhấn mạnh đến an ninh, tăng trưởng về « chất lượng ». Vấn đề là những cải cách về cơ cấu (phúc lợi xã hội, thuế khóa) vẫn chưa có, và bàn tay của đảng trong doanh nghiệp đã phản tác dụng. Xu hướng lâu dài là tăng trưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục thấp.
Chật vật cứu vãn nền kinh tế
Trong bài « Trung Quốc mò mẫm tìm cách cứu nền kinh tế », Le Monde ghi nhận sau khi giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm thứ Sáu 01/09 hạ mức dự trữ ngoại tệ bắt buộc, để hỗ trợ cho đồng nhân dân tệ đang ở mức thấp nhất so với đồng đô la kể từ 2007. Chính quyền các địa phương được phép phát hành trái phiếu vay nợ 1.000 tỉ nhân dân tệ (127 tỉ euro), giảm lãi vay mua nhà, giảm thuế cho chi phí nuôi con. Những biện pháp kích thích này chẳng là bao so với những cuộc khủng hoảng trước đây, chẳng hạn hồi 2015 Bắc Kinh đã cho phép địa phương vay mượn đến 12.000 tỉ nhân dân tệ.
Phải chăng nên thúc đẩy tiêu thụ như Hoa Kỳ và châu Âu đã làm trong đại dịch ? Nhiều nhà kinh tế Hoa lục ủng hộ biện pháp này, đơn giản nhất là tài trợ cho sức mua, giới hạn ở 5.000 đến 10.000 nhân dân tệ. Nhưng chính quyền trung ương không muốn, cho rằng như vậy người dân sẽ lười làm việc. Thay vào đó, Bắc Kinh trợ giá cho việc mua xe điện, vay mua nhà. Nhưng theo nhà kinh tế độc lập George Magnus, vấn đề là người dân không đủ tiền. Tốt nhất là trợ cấp tiền cho dân, đặc biệt người nghèo và trung lưu, tạo cho họ cảm giác an toàn qua hệ thống xã hội vững chắc hơn. Tuy nhiên văn hóa lênin-nít đã cấm cản chính quyền đi theo hướng này.
Trung Quốc, bước « đại thụt lùi »
Nói về « Bước đại thụt lùi của Trung Quốc », Le Figaro nhận định những khó khăn hiện nay của Bắc Kinh không phải là nhất thời mà nằm trong cơ chế.Tờ báo cho rằng mùa hè 2023 mang tính « sát thương » đối với kinh tế Trung Quốc : chỉ tăng 0,8 % trong quý II khiến mục tiêu tăng trưởng 5 % của năm nay trở nên ngoài tầm với. Chỉ số tiêu dùng giảm 0,3 % trong khi cả thế giới bị lạm phát, thanh niên thất nghiệp đến 21,3 % khiến Bắc Kinh ngừng công bố con số. Nhìn chung, Trung Quốc bắt đầu bị giảm phát.
Mô hình kinh tế của « bốn mươi năm huy hoàng », dựa trên sự mở rộng những công ty tư nhân và xuất khẩu hàng công nghiệp sang các nước phát triển, đã lỗi thời. Việc tái định hướng sang thị trường nội địa và việc Đảng Cộng sản nắm lấy nền kinh tế dẫn đến tăng trưởng từ 9,5 % xuống còn 3 % một năm, dân số hoạt động giảm khiến Trung Quốc không còn là công xưởng thế giới.
Khủng hoảng còn về địa ốc và tài chánh, các ngân hàng chao đảo vì nợ xấu. Đồng nhân dân tệ sụt giá và đầu tư nước ngoài ra đi, trừ Đức, các rủi ro kinh tế và địa chính trị khiến vốn đầu tư chạy khỏi Trung Quốc - trên 11 tỉ đô la chỉ trong hai tuần đầu tháng Tám, và thị trường chứng khoán Thượng Hải suy sụp. Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình, và chỉ có thể tự trách mình.
Quay lại chủ nghĩa Mao : Hồi kết cho phép lạ Trung Quốc
Hồi kết của phép lạ Trung Quốc không phải do trừng phạt của Mỹ, mà do Tập Cận Bình quay lại với chủ trương mao-ít và sùng bái lãnh tụ, cứng rắn về chính trị trong đối nội, hành xử đế quốc trong đối ngoại. Siết quản lý doanh nghiệp, ưu tiên cho quốc doanh khiến hoạt động kinh tế sa sút, thiếu sáng tạo. Sự đối đầu với các nước dân chủ thông qua đối tác chiến lược với nước Nga của Vladimir Putin dẫn đến sự tách rời với phương Tây : hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ giảm 25 % trong sáu tháng đầu năm, đứng sau hàng Canada và Mêhicô.
Tập Cận Bình cũng phá hủy một cách có phương pháp những nền tảng của bốn thập niên huy hoàng vừa qua. Ông ta lật lại khế ước xã hội vốn đã cho phép tư nhân tự do hoạt động, với điều kiện chấp nhận độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tập phá vỡ việc hội nhập kinh tế và chính trị khi coi Hoa Kỳ là kẻ thù, gây phương hại cho toàn cầu hóa - đã giúp Trung Quốc cất cánh.
Trước tình trạng dân số giảm, tăng trưởng chậm cùng với thất nghiệp cao, Tập Cận Bình vẫn phủ nhận thực tế, từ chối tái thúc đẩy và cơ cấu lại ngành địa ốc - mà sự sụp đổ là chất độc tuy mạnh mẽ như tác động từ từ. Ngược lại, ông ta muốn bù đắp tình trạng thu nhập của tầng lớp trung lưu mới bị chững lại, bằng việc kích thích chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đế quốc, với ưu tiên là chiếm Đài Loan.
« Mèo đỏ » của Tập Cận Bình không bắt được chuột
Dù vậy, thành công của những cuộc nổi dậy ở các thành phố chống lại « zéro Covid » cho thấy người dân Hoa lục không sẵn sàng chấp nhận tất cả, và quyền lực được cho là tuyệt đối của Tập Cận Bình vẫn có thể bị thách thức. Kết quả từ chủ trương kinh tế, ngoại giao của ông ta cũng tệ hại không kém chính sách dịch tễ, chỉ hơn được có Vladimir Putin.
Vòng xoáy giảm phát của kinh tế Trung Quốc đi kèm với sức mạnh tìm lại của Hoa Kỳ, viễn cảnh thời kỳ hoàng kim cho Ấn Độ của Narendra Modi - đang muốn thay thế Bắc Kinh trong vai trò công xưởng thời kỳ kỹ thuật số và lãnh đạo các nước phương Nam, các nền dân chủ châu Á đứng về phía Mỹ để ngăn chận tham vọng Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
Đặng Tiểu Bình tung ra « bốn hiện đại hóa » với tuyên bố : « Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột ». Tại Trung Quốc của Tập Cận Bình, con mèo nhất định phải màu đỏ, nhưng chẳng còn bắt được con chuột nào. Khi chận lại sự phát triển của Trung Quốc và đánh thức nước Mỹ, Tập Cận Bình có thể đứng cạnh một Vladimir Putin - đã làm lụn bại nước Nga, thức tỉnh châu Âu và hồi sinh NATO - với tư cách cứu tinh thực sự của dân chủ và phương Tây trong thế kỷ 21.
Ép Ukraina đàm phán sẽ là sai lầm lịch sử
Nhìn sang Ukraina, Les Echos nhấn mạnh « buộc đạt đến một thỏa thuận sẽ là sai lầm lịch sử ». Cuộc chiến kéo dài, số người chết không ngừng tăng lên khiến một số người đòi phải nhanh chóng đàm phán. Nhưng hòa bình khiên cưỡng chỉ làm Nga mạnh lên, và rất đáng xấu hổ nếu bỏ rơi Ukraina cùng với những giá trị dân chủ, để cho công lý chịu thua vũ lực. Giảng viên đại học Nga lưu vong Sergei Medvedev trong tác phẩm « Một cuộc chiến tranh Made in Russia » nhận định, cuộc xâm lăng Ukraina là giai đoạn thứ ba trong quá trình suy tàn dần của đế quốc Nga, bắt đầu từ 1917, đẩy nhanh năm 1991 và nay là hành động quá trớn của Putin. Vấn đề của Nga là sự tương phản giữa tầm vóc của đế quốc và điều kiện sống thảm hại của người dân.
Theo cây bút Dominique Moisi, cho rằng trao cho Vladimir Putin những vùng đất của Ukraina mà quân Nga đang kiểm soát là sẽ tìm lại quan hệ bình thường với Matxcơva và an ninh ổn định cho châu Âu, không chỉ là phi đạo đức, mà còn thiếu hiểu biết và ngây thơ. Nga sẽ nguy hiểm hơn khi chiến thắng chứ không phải chiến bại. Không thể để Kiev đơn độc sau những hy sinh vô cùng lớn hiện nay. Hồi năm 1917, nước Mỹ tham chiến đã giúp các đồng minh chiến thắng trong Đệ nhất Thế chiến. Kết quả sẽ ngược lại trong năm 2025 nếu một ứng cử viên Cộng Hòa đắc cử và chấm dứt viện trợ cho Ukraina. Hòa bình công chính chỉ có thể là một nền hòa bình sau khi người bị tấn công chiến thắng kẻ xâm lược.
Thụy My - Theo RFI