Theo số liệu từ Bộ Lao động, tỉ lệ nhập học đại học đối với những học sinh mới tốt nghiệp trung học ở Mỹ đang giảm dần, từ mức cao nhất khoảng 70% vào năm 2009 xuống còn 62% vào năm 2022. Cùng lúc, tỉ lệ các vị trí tuyển dụng yêu cầu bằng đại học cũng giảm từ 51% (2017) xuống còn 44% vào năm 2022.
Đại gia ngành bán lẻ Walmart, Tập đoàn bảo hiểm Liberty Mutual, các hãng công nghệ Dell, IBM và ngân hàng Bank of America là những cái tên lớn tham gia xu hướng không đòi hỏi bằng đại học cho một số vị trí.
Có thì tốt, không cũng chẳng sao
Theo thông báo tuyển dụng của Walmart, ứng viên nộp hồ sơ nếu có bằng cấp thì tốt, còn không thì chỉ cần có các kỹ năng cần thiết cho vị trí công việc.
Những kỹ năng cần thiết đó không nhất thiết đến từ trường lớp, mà có thể thông qua kinh nghiệm trước đây hoặc bất kỳ hình thức học tập nào khác.
Lorraine Stomski, phó chủ chủ tịch cấp cao phụ trách đào tạo của Walmart, khẳng định đây là một bước "phá rào" cho những cơ hội mới trong tuyển dụng.
Liberty Mutual, tập đoàn bảo hiểm có giá trị tài sản lớn thứ 3 tại Mỹ, đã bãi bỏ yêu cầu phải có bằng đại học cho các vị trí tuyển dụng từ năm 2017 nhằm mở cánh cửa cho những người có xuất thân khác nhau.
Maura Quinn, phó chủ tịch phụ trách tuyển dụng của tập đoàn, cho biết bằng đại học vẫn có giá trị nhưng không phải ai cũng đang tiếp cận được. Tập đoàn có hơn 35.000 nhân viên này muốn đảm bảo sự công bằng trong quá trình tìm kiếm các ứng viên.
"Có nhiều cách cho một người học và hình thành các kỹ năng mới, đó là lý do tại sao chúng tôi mở rộng đối tượng tuyển ngoài những người có bằng đại học. Nhân tài có ở khắp mọi nơi, nhưng cơ hội thì không" - Quinn nói với trang chuyên về việc làm và nhân sự SHRM.
Báo Wall Street Journal ngày 16-2 dẫn dữ liệu năm 2022 của Cục Điều tra dân số cho biết chỉ 38% người Mỹ trên 25 tuổi có ít nhất một bằng cử nhân.
"Chuyện các doanh nghiệp chịu tuyển người không có bằng cấp không chỉ là một nghĩa cử "nhân văn", mà còn xuất phát từ một thực tế là tình trạng thiếu lao động. Trong bối cảnh thiếu lao động, để thu hút được nhiều nhân sự hơn, chí ít thu được nhiều đơn ứng tuyển hơn, các nhà tuyển dụng buộc phải giảm yêu cầu đầu vào" - Rucha Vankudre, nhà kinh tế học cấp cao từ doanh nghiệp phân tích thị trường lao động Lightcast, nói với trang Axios.
Chẳng hạn, trong ngành chăm sóc sức khỏe, trước đây nhiều công ty khá khắt khe với nguồn tuyển, buộc ứng viên phải có bằng đại học nhưng khi nguồn nhân sự này bị thu hẹp, không ít doanh nghiệp buộc phải cởi mở hơn.
"Công bằng hóa" đường thăng tiến?
Vậy doanh nghiệp giờ đây đòi hỏi gì ở các ứng viên? Kim Jones, phó chủ tịch phụ trách nhân sự của Toshiba America Business Solutions (Mỹ), với hơn 2.000 công nhân, cho biết luôn ưu tiên tìm kiếm những ứng viên có kinh nghiệm phù hợp cho công việc.
"Trong nhiều lĩnh vực, kinh nghiệm có giá trị hơn nhiều so với bằng cấp. Ví dụ, kinh nghiệm biết cách sửa một chiếc máy in gần như không thể được dạy trong môi trường đại học truyền thống" - bà nói với SHRM.
Nói trên CBS News, giáo sư truyền thông chiến lược Diane Gayeski tại Trường Ithaca College (Mỹ), cho biết ông thường khuyên nhiều bạn trẻ không nên xem đại học như một tấm vé thông hành, "bao" có việc làm sau khi tốt nghiệp. Các nhà tuyển dụng ngày càng soi kỹ các kỹ năng của ứng viên, tương ứng với từng cấp độ sự nghiệp.
Nói cách khác, học đại học nên là nơi để các bạn trẻ tận dụng để học các kỹ năng mềm, như kỹ năng làm việc nhóm, phản biện, tư duy, giao tiếp… rất cần cho những vị trí công việc đầu tiên. Khi lên đến cấp lãnh đạo, sẽ lại tiếp tục có những yêu cầu khác về kỹ năng buộc bạn phải đáp ứng, chứ không cần bổ sung một loại bằng cấp cao hơn.
Một số doanh nghiệp lớn như Walmart tổ chức các hình thức học tập nội bộ hỗ trợ ứng viên dù xuất phát điểm như thế nào đều có thể tham gia các khóa học ngắn hạn để nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Ngay cả những "hạt giống" được cơ cấu lên các cấp quản lý cũng có thể tham gia những khóa học được doanh nghiệp thiết kế riêng cho họ. Miễn là chịu học thì doanh nghiệp luôn có các chương trình đào tạo phù hợp.
Bất kể bạn xuất thân từ đâu, được học trường lớp danh giá thế nào, bạn vẫn có thể tiếp cận những khóa học nội bộ của doanh nghiệp. Và nếu bạn có đủ kỹ năng và kinh nghiệm, bạn sẽ được thăng chức phù hợp. Sự nghiệp của bạn không mãi giậm chân chỉ vì thiếu bằng.
Chuyên gia nguồn nhân lực Leyda Lazo luôn đề cao khả năng thích ứng và linh hoạt trong học tập của ứng viên khi tuyển dụng.
Bà nói với SHRM: "Với tính chất năng động của môi trường làm việc ngày nay, khả năng nắm bắt và thích ứng nhanh chóng với các công nghệ, công cụ và quy trình mới nổi là điều tối quan trọng. Tôi đánh giá rất cao những ứng viên đã thể hiện khả năng đón nhận sự thay đổi và thể hiện cam kết học hỏi liên tục - những đặc điểm được đặc biệt đánh giá cao trong bối cảnh đang phát triển của chúng ta".
Việc nhiều nhưng lương ít
Nhìn từ một góc độ khác, dù có thể không đòi hỏi bằng cấp cao nhưng những công việc mang lại sự bứt phá dài hơi đều yêu cầu ứng viên phải thêm chất xám nhiều hơn. Chẳng hạn, số liệu thống kê đưa ra tại Diễn đàn chính sách Wisconsin (Mỹ) cho thấy trong 6 năm tới, 3/4 số việc làm được tạo ra ở tiểu bang này sẽ không yêu cầu bằng đại học.
Nhưng với những công việc được trả ít nhất 50.000 USD/năm, hơn 50% vẫn yêu cầu bằng đại học. Và trong số những nghề trả lương từ 75.000 USD/năm trở lên, 91% sẽ vẫn chuộng ứng viên trình độ đại học.
Nhà kinh tế David Deming tại Trường Harvard Kennedy báo cáo mức lương trung bình hiện tại của tài xế xe tải ở độ tuổi 20 là hơn 36.000 USD/năm. Đến năm họ 50 tuổi, mức lương này có thể nhích đến 50.000 USD/năm. Nhưng mức lương trong ngành kinh doanh có thể tăng gấp đôi, hiện tại từ 50.000/năm USD lên khoảng 100.000 USD/năm.
Hay vào những năm 2030, một thợ sửa ống nước có thể kiếm trung bình 60.000 USD/năm, còn một giám đốc vận hành ở Wisconsin có thể kiếm 117.000 USD/năm. "Nhiều công việc mới được trả lương cao hơn thậm chí còn có nhiều khả năng yêu cầu bằng cấp hơn những công việc đã tồn tại" - nghiên cứu viết.
"Quán tính" trong tuyển dụng
Nói với Wall Street Journal, giáo sư Joseph Fuller tại Trường Kinh doanh Harvard cho biết còn những rào cản truyền thống ngăn trở sự thay đổi tuyển dụng không dựa vào bằng cấp.
Chẳng hạn, nhiều công cụ số sử dụng cho tuyển dụng hiện vẫn sử dụng thuật toán so sánh ứng viên với những người có thành tích cao trước đây, mà thành tích lại có một phần phụ thuộc vào các thể loại bằng cấp.
Điều này hóa ra lại tạo lợi thế cho những người có bằng cấp trong những vòng tuyển chọn ban đầu. Ngoài ra, để xem xét một ứng viên trên góc độ kỹ năng cho một vị trí công việc đôi khi phải tốn rất nhiều thời gian cho đội ngũ nhân sự.
Byron Auguste, giám đốc điều hành của Opportunity@Work, nhìn nhận một trở ngại khác tư duy của các sếp tuyển dụng của doanh nghiệp. Phong cách tuyển người, dùng người của một doanh nghiệp đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào các vị lãnh đạo ấy.
Chẳng hạn, một sếp đã tốt nghiệp đại học danh giá thường sẽ chuộng tuyển lao động có bằng cấp. Byron Auguste dùng chữ "quán tính" để chỉ những tư duy này.
TRỌNG NHÂN - Theo Tuổi Trẻ