Nghiên cứu của Christian Aid mới công bố xác định 20 thảm họa khí hậu cực đoan tại 14 quốc gia(*) gây thiệt hại nặng nề nhất trong năm tính theo chi phí bình quân đầu người. Theo đó, cái giá phải trả của cuộc khủng hoảng khí hậu đã đè nặng lên những người nghèo mà nhiều người trong số họ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng mà họ không gây ra.
Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện phát triển quốc tế Christian Aid, Patrick Watt cho biết, năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận, tác động của biến đổi khí hậu đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Lũ lụt, lốc xoáy và hạn hán đã giết chết và khiến hàng triệu người phải di dời chỗ ở trên toàn cầu ở những nơi ít gây ra khủng hoảng khí hậu.
Phân tích trong báo cáo Đo đếm chi phí 2023 của Christian Aid nhận thấy, thiệt hại về thiên tai bình quân đầu người cao nhất là vụ cháy rừng ảnh hưởng đến Hawaii vào tháng 8.2023. Thiệt hại trung bình của những vụ cháy rừng này là hơn 4.000 USD mỗi người. Con số này vượt xa cơn bão gây thiệt hại lớn thứ hai trên đầu người, cơn bão ở Guam vào tháng 5.2023, gây thiệt hại gần 1.500 USD cho mỗi người dân.
Một góc thị trấn Lahaina (Hawaii) bị thiêu rụi sau thảm họa cháy rừng vào tháng 8.2023. Ảnh: CNN
Không có nơi nào trên thế giới không bị thiệt hại bởi thiên tai vào năm 2023 khi tất cả sáu lục địa đông dân đều có mặt trong danh sách. Ngay cả những quốc gia lớn với dân số đông cũng có tên trong danh sách của Christian Aid. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Mexico, những quốc gia có dân số hơn 100 triệu người nhưng vẫn phải hứng chịu những thảm họa gây thiệt hại hàng chục USD cho mỗi người dân, nghĩa là hàng tỷ USD thiệt hại ở cấp quốc gia.
Christian Aid kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết nhiều hơn về tài chính khí hậu và tăng cường đầu tư vào cảnh báo sớm và hành động sớm.
Audrey Brouillet, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu phát triển bền vững (Pháp), nhận xét: Ở nhiều nơi trên thế giới, biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết cực đoan, như lũ lụt hay hạn hán xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn. Những nơi khô hạn ngày càng khô hơn và những nơi khác ngày càng trở nên khô hạn hơn còn những nơi ẩm ướt thì càng ẩm ướt hơn. Điều này đã xảy ra rồi.
"Trong tương lai, chúng tôi dự đoán tình trạng này sẽ càng trở nên tồi tệ hơn do việc đốt nhiên liệu hóa thạch liên tục và phát thải khí nhà kính. Sự nóng lên trên 2°C, một số khu vực như Bắc Phi có thể gặp hạn hán dữ dội hơn tới 50% so với các mức hạn hán đã xảy ra, trong khi các khu vực khác như Trung Phi sẽ có lượng mưa lớn dữ dội hơn, lên tới trên 70%.", nhà nghiên cứu Audrey Brouillet cho biết.
Ngập lụt ở quận Môn Đầu Câu (Bắc Kinh, Trung Quốc) ngày 31.7.2023. Ảnh: Reuters
Chuyên gia này nhận xét, có một cuộc “xổ số toàn cầu” khi mà khủng hoảng khí hậu nhằm vào người nghèo. Ở các nước nghèo hơn, người dân thường ít chuẩn bị hơn cho các thảm họa liên quan đến khí hậu và có ít nguồn lực hơn để khắc phục thiệt hại. Kết quả là có nhiều người chết hơn, quá trình phục hồi diễn ra chậm hơn và bất bình đẳng hơn.
“Có một sự bất công kép trong thực tế là các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu đã góp phần rất ít vào vấn đề này.
Các chính phủ cần khẩn trương thực hiện thêm hành động trong nước và quốc tế để cắt giảm khí thải và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Khi các tác động vượt quá những gì mọi người có thể thích ứng, Quỹ Tổn thất và Thiệt hại phải được cung cấp để bù đắp cho các nước nghèo nhất về những ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng không phải do họ gây ra”, nhà nghiên cứu Audrey Brouillet nói.
Chi phí mất mát và thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đô la hàng năm chỉ riêng ở các nước đang phát triển. Nushrat Chowdhury, cố vấn chính sách Công lý về Khí hậu của Christian Aid ở Bangladesh, cho rằng “các quốc gia giàu có phải cam kết số tiền mới và số tiền bổ sung cần thiết để đảm bảo Quỹ Thiệt hại và Tổn thất đã thỏa thuận tại COP28 có thể nhanh chóng trợ giúp cho những người cần nó nhất”.
Ông Mohamed Adow, Giám đốc Power Shift Africa, một tổ chức nghiên cứu về khí hậu và năng lượng có trụ sở tại Nairobi, cho biết: “Cái giá phải trả của cuộc khủng hoảng khí hậu đã đè nặng lên một số người nghèo nhất thế giới. Nhiều người trong số họ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng mà họ không gây ra. Nó nhấn mạnh lý do tại sao việc thế giới loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt.
Điều này cũng cho thấy lỗ hổng tại COP28 gần đây ở Dubai: thiếu nguồn tài chính để các nước đang phát triển thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Hiện tại, các quốc gia nghèo hơn đang phải tự gánh chịu những chi phí này, mặc dù nguyên nhân là do việc đốt nhiên liệu hóa thạch quá mức ở các quốc gia giàu hơn. Nếu chúng ta không giải quyết được khoảng cách thích ứng to lớn này, phản ứng của nhân loại đối với cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ thất bại. Điều quan trọng là chúng ta phải sửa sai tại cuộc họp COP năm tới và đảm bảo cung cấp tài chính thích ứng phù hợp để đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương”, Giám đốc Power Shift Africa nhận định.
Lê Quỳnh - Theo Người Đô Thị