Cùng với cả nước, thời gian qua Công an TPHCM xử phạt nghiêm người uống rượu bia tham gia giao thông đã làm nhiều “phố nhậu” rơi vào cảnh “chợ chiều”. Tuy nhiên, từ đó, nếp sinh hoạt, lối sống của người dân đã dần thay đổi theo hướng tích cực.
Vắng khách
Từ khi Công an TPHCM thực hiện nghiêm Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, xử phạt nặng đối với những người uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cảnh ồn ào, đông đúc tại các nhà hàng, quán nhậu cũng giảm dần.
Tối cuối tuần vừa qua, chúng tôi đi trên đường Phạm Văn Đồng từ quận Gò Vấp sang quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức để ghi nhận thực tế các nhà hàng, quán nhậu dọc theo tuyến đường. Khác với thời gian trước, hầu hết các hàng quán đều thưa khách. Nhiều hàng quán rộng hàng trăm mét vuông, quy mô hàng chục bàn nhưng chỉ 5-7 bàn có khách ngồi. Nhân viên nhà hàng cứ vào ra ngóng chờ khách.
Nhân viên nhà hàng Hiếu Hàu Sữa trên đường Phạm Văn Đồng (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), cho biết, các hàng quán xung quanh như Dê núi Hoa cà 1, Ốc Phú Quốc... đều vắng khách so với trước đây. Dạo trước, chừng 7 giờ tối khách đã ngồi kín bàn, quán không còn chỗ trống. Thực khách không những đến nhà hàng đông mà còn ngồi uống bia, rượu lâu, lắm lúc đến 12 giờ khuya mới rời quán. Còn bây giờ, khách vào quán chủ yếu để ăn hải sản, ít uống rượu bia nên thường về sớm.
Nhà hàng Vườn ẩm thực Phương Nam bổ sung dịch vụ, thay đổi cung cách phục vụ để giữ khách
Không chỉ nhà hàng, quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng vắng khách mà nhiều “phố nhậu” có tiếng trên các tuyến đường Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Phan Xích Long, Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), Lý Thường Kiệt (quận 10), Làng Đại học (TP Thủ Đức)… cũng rơi vào cảnh chợ chiều. Anh Dương Xuân Tân, chuyên viên tư vấn chứng khoán, chia sẻ, lúc trước sau giờ làm việc, anh em đồng nghiệp thường rủ nhau ghé các quán trên đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú (quận 5) làm vài ly bia hàn huyên trước khi về nhà, nhưng từ khi cảnh sát giao thông tổ chức đo nồng độ cồn nghiêm ngặt, xử phạt nặng người uống rượu bia lái xe, thói quen cũ cũng thay đổi, cứ hết giờ làm là lên xe về nhà.
Thay đổi để tồn tại
Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đang dần làm thay đổi lối sống, nếp sinh hoạt của người dân. Một số ít chủ nhà hàng, quán nhậu phải đóng cửa, phần lớn còn lại tự thay đổi cách kinh doanh để giữ doanh thu và đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Anh Lê Quang Trung, chủ Hội quán Bia Trường Sa tại số 88 đường Vành đai Tây (phường An Khánh, TP Thủ Đức), cho biết, để giữ chân khách, nhà hàng chuyển sang mô hình Hội quán Bia Trường Sa. Thực khách đến hội quán sẽ có thể được giao lưu với cán bộ, chiến sĩ từng công tác ở quần đảo Trường Sa; nghe kể chuyện về những chuyến đi biển, công tác xây dựng, bảo vệ quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc... Nhờ sự chuyển đổi này mà nhà hàng đã thu hút thực khách, duy trì doanh thu và giữ được việc làm cho nhân viên.
Theo ông Nguyễn Mậu Dao, chủ nhân Vườn ẩm thực Phương Nam ở số 666 Lã Xuân Oai (phường Long Trường, TP Thủ Đức), nhà hàng vẫn giữ được việc làm ổn định cho hàng chục lao động, doanh thu ổn định. Bí quyết của nhà hàng là chủ động cắt giảm chi phí, lợi nhuận, nhưng lại tăng dịch vụ, khuyến mãi để giữ khách hàng. Ngoài việc hỗ trợ khách ra về khi có yêu cầu, nhà hàng còn tổ chức nhiều sinh hoạt vui chơi, giải trí nên không chỉ thu hút khách đến ăn uống mà nhiều gia đình cũng chọn làm nơi gặp gỡ cuối tuần.
Không riêng các nhà hàng, quán nhậu thay đổi, mà lối sống, nếp sinh hoạt của người dân cũng chuyển biến theo hướng tích cực từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống. Nhiều thói quen tưởng chừng khó bỏ như bàn chuyện làm ăn trên bàn nhậu hay ghé hàng quán uống vài chai bia, ly rượu trước khi về nhà sau một ngày lao động vất vả cũng bớt hẳn. Cảnh những phố nhậu ồn ào, khách nhậu ăn uống, hát hò “thâu đêm suốt sáng” hay người say rượu bia lái xe phóng như bay trên đường cũng ít thấy.
Ông Trương Khắc Chinh, một chủ thầu xây dựng, tâm sự, hàng ngày, ngoài bàn công việc với đối tác, đơn vị cung cấp vật tư, cuối tuần ông lại cùng thợ thầy ra quán uống bia rượu, thanh toán tiền công cho người lao động. Từ ngày Nhà nước xử phạt nghiêm người uống rượu bia tham gia giao thông, cứ xong việc công trình là ông về nhà, vừa đỡ tốn tiền lại giữ được sức khỏe cho người lao động.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều lỗi vi phạm giao thông. Đáng chú ý, nghị định tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng đối với người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.
Một điểm mới nữa được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP là người đi xe đạp uống rượu, bia cũng bị xử phạt. Theo đó, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở thì người điều khiển mô tô sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400.000-600.000 đồng.
TRẦN YÊN - Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng