Diễn biến tích cực này đến trong một bối cảnh vừa thuận lợi, vừa thách thức chung.
Các chuyến thăm của Chủ tịch nước VN Võ Văn Thưởng tới Nhật Bản vào cuối tháng 11 vừa rồi và của Hoàng thái tử Akishino và Công nương Nhật Bản tới Việt Nam từ ngày 20 đến 25-9 năm nay là đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, khởi đầu từ những trao đổi giữa Đại sứ Nhật Bản tại Pháp Nakayama Yoshihiro và Đại biện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp Võ Văn Sung tháng 9-1973.
Những bước đầu tiên
Ngày 21-9-1973, ông Võ Văn Sung đã gửi một thư phúc đáp thư của Đại sứ Yoshihiro, bày tỏ hoàn toàn đồng ý với "đề nghị, nhân danh Chính phủ Nhật Bản, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước từ ngày hôm nay, và hai nước trao đổi đại diện ngoại giao ở cấp đại sứ".
Đại sứ Yoshihiro cũng đề nghị hai lá thư sẽ được xem là đủ điều kiện pháp lý cấu thành "Thỏa thuận giữa hai Chính phủ". Ông Võ Văn Sung cũng đã đồng ý với đề nghị này.
Cùng ngày, hai bên đã ký tại Tokyo tuyên bố chung với nội dung: "Mong muốn phát triển quan hệ giữa hai nước, Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và trao đổi đại diện ngoại giao ở cấp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền".
Tại cuộc họp nội các Nhật Bản ngày 30-1-1976, ông Takaaki Hasegawa, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Honolulu, được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Nhật Bản tại VN. Đến ngày 29-4-1976, ông Nguyễn Giáp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội VN quyết nghị, theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền đầu tiên tại Nhật Bản.
Điều dưỡng người Việt Nam được đào tạo ở Tokyo. Ảnh: Nikkei Asia Review
Con đường ODA
Khoản viện trợ đầu tiên là theo công hàm trao đổi ký kết ngày 11-10-1975 tại Hà Nội, tức là còn trước khi hai bên cử đại sứ. Những người ký thỏa thuận là ông Kiyoshi Suganuma, đại sứ Nhật Bản tại Lào, và thứ trưởng ngoại giao VN Hoàng Văn Tiến.
Theo đó, Nhật Bản sẽ cung cấp khoản viện trợ ban đầu 8,5 tỉ yen (trong tổng số 13,5 tỉ yen đợt này), dùng để mua máy móc hạng nặng cho canh tác nông nghiệp và các công trình công cộng, do các tập đoàn thuộc sở hữu của công dân Nhật Bản cung cấp.
Có thể ghi nhận rằng ngay từ khoản viện trợ đầu tiên này, phía Nhật đã chủ trương "hợp tác nhằm phát triển tự lực thông qua hỗ trợ, cũng như đối thoại và hợp tác dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn của Nhật Bản" (theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản).
Dòng ODA được nối dài, như ghi nhận của Trung tâm Phát triển quốc tế Nhật Bản (IDCJ) trong "Nghiên cứu lượng hóa ODA của Nhật Bản cho Việt Nam": Nhật Bản đã cung cấp ODA cho VN trên nhiều lĩnh vực:
(1) Phát triển cơ sở hạ tầng như cảng, đường sắt, nhà máy điện và bệnh viện;
(2) Nguồn nhân lực như cử chuyên gia và đào tạo đối tác tại các bộ, trường đại học, viện, bệnh viện;
(3) Y tế và giáo dục như cải tạo và xây dựng các bệnh viện, trường tiểu học, trường đại học;
(4) Phát triển nông thôn như cử chuyên gia kỹ thuật tới các trường đại học nông nghiệp; và những lĩnh vực quan trọng khác.
Định hướng này tiếp tục cho đến bây giờ, như có thể thấy nơi đoạn 17 Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ VN - Nhật Bản ngày 27-11 vừa qua: "Hai nhà lãnh đạo... chia sẻ ý định thúc đẩy và triển khai các dự án ODA mới của Nhật Bản trong khuôn khổ Hiến chương ODA mới, bao gồm sáng kiến "Đồng sáng tạo vì mục tiêu chung" trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, trong đó ghi nhận tầm quan trọng của các yếu tố như tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản và linh hoạt".
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: TTXVN
Trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật nhảy vọt hiện tại, hai bên cũng nhất trí hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lưới điện thông minh, thành phố thông minh, phát triển thị trường điện, nội địa hóa ngành năng lượng... cùng nhiều lĩnh vực khác.
Có thể ví von đây là một làn sóng Đông Du khác ở thế kỷ 21, khi VN hiện đứng đầu về số lượng lao động nước ngoài làm việc ở Nhật Bản, với khoảng 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số lao động nước ngoài ở đây, bao gồm cả thực tập sinh kỹ thuật, lao động kỹ năng chuyên ngành, và kỹ sư.
Vì một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở
Trước Nhật Bản, Việt Nam đã có 5 đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc (từ năm 2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), và Mỹ (2023). Tất nhiên, như mọi quan hệ khác, như lý thuyết tập hợp của Bourbaki, có những lúc là quan hệ giao cắt, có những lúc là kết hợp, có cả những lúc là đối kháng, tức có lúc thăng, lúc trầm.
Cơ bản nước nào cũng vì lợi ích của mình trước hết, và khi chung lợi ích, thì trở thành đối tác; chung lợi ích chiến lược, thì thành đối tác chiến lược. Hiện giờ, vào lúc chiến tranh đang nổ ra nơi đây nơi kia, và nhiều mối đe dọa bất ổn đang lớn dần, giữa Nhật Bản và Việt Nam cảm thấy cùng nhu cầu chung là hòa bình và thịnh vượng, nên đã đi tới một cấp độ quan hệ mới.
Sát sườn nhất với cả hai nước là nhu cầu một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP). Chính bởi thế mà lần này, Thủ tướng Fumio Kishida đã tái khẳng định VN và ASEAN là những đối tác quan trọng, gắn với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương (AOIP).
Đáp lời, Chủ tịch nước VN Võ Văn Thưởng đánh giá cao nỗ lực ủng hộ không ngừng của Nhật Bản cho AOIP - vốn có các nguyên tắc nền tảng về thúc đẩy hòa bình và hợp tác tương đồng với FOIP của Nhật Bản. Cần nhớ rằng tại Hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN 2020, hai bên đã xác nhận rằng các nguyên tắc của AOIP và FOIP là phù hợp với nhau.
Có thể hiểu rằng chính do vị trí địa lý trên con đường giao thương huyết mạch Ấn Độ - Thái Bình Dương, cả hai nước đều coi nhu cầu này là lợi ích cốt lõi. Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu rõ: "Nhật Bản đang thúc đẩy các sáng kiến cụ thể sử dụng ODA một cách chiến lược nhằm đạt được FOIP ở khu vực vốn là tâm điểm của sức sống thế giới" (Sách Xanh 2023 của Bộ Ngoại giao Nhật Bản).
Tàu tuần tra BRP Tubbataha, một trong 10 chiếc tàu Nhật Bản cung cấp cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Ảnh: KYODO
Để cụ thể hóa mục tiêu này, Nhật Bản tích cực hỗ trợ xây dựng năng lực thực thi luật hàng hải cho các quốc gia nằm dọc tuyến đường biển trọng yếu như Philippines và VN, với mục đích xây dựng trật tự quốc tế tự do và mở.
Những nỗ lực cụ thể bao gồm cung cấp thiết bị như tàu tuần tra và radar giám sát bờ biển hay phát triển nguồn nhân lực qua cử chuyên gia. Năm 2022, Nhật Bản cũng đã tiến hành đào tạo cho các đối tác về các chủ đề như rác thải biển, an ninh mạng, công pháp và tư pháp quốc tế...
Cần biết Biển Đông là nơi mà 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng thương mại của thế giới đi qua. Riêng với Nhật Bản, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% tổng hàng hóa xuất khẩu của nước này đi qua Biển Đông - bất cứ đe dọa xung đột nào ở đó cũng là đe dọa đến sự sống còn của Nhật Bản.
Bởi thế, hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tránh các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép, làm gia tăng căng thẳng.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị cản trở trên Biển Đông, tự kiềm chế, và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), tái khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện nhất về biển.
Việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng được nhắc tới.
Trên thực tế, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác về an toàn và an ninh trên biển thông qua các hoạt động huấn luyện chung, chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát biển, cũng như hợp tác sâu hơn nữa trên các lĩnh vực an ninh, tình báo và cảnh sát.
Một trong những hợp tác trước mắt là khả năng cung cấp tàu tuần tra cảnh sát biển, chương trình vốn đã khởi sự từ năm 2015, song còn khiêm tốn do hai bên chưa tiến tới "hợp tác chiến lược toàn diện". ■