Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã bừng tỉnh. Sau nhiều năm giảm phát hoặc lạm phát siêu thấp, Nhật Bản đang ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất kể từ những năm 1990.
Từ đầu những năm 1990, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu bước vào thời kỳ “thập kỷ mất mát”. Bong bóng tài sản vỡ tung khiến thị trường tài chính hỗn loạn, mô hình phát triển từng tạo ra tốc độ tăng trưởng thần tốc cũng đi vào ngõ cụt. Dù vẫn là 1 nước giàu có, Nhật Bản chìm trong giảm phát và GDP tăng trưởng rất chậm.
Nhà kinh tế học nổi tiếng của Nhật Bản Aoki Masahiko từng dự báo đất nước mặt trời mọc sẽ phải mất 30 năm để có thể thoát khỏi giai đoạn này. Theo ông, sẽ phải mất vài thế hệ để xuất hiện những thay đổi cần thiết, dẫn tới một mô hình phát triển mới. Masahiko lấy mốc xuất phát là năm 1993, thời điểm mà đảng cầm quyền LDP mất đi quyền lực lần đầu tiên trong lịch sử.
Thấm thoắt đã 30 năm trôi qua. Dự đoán của ông đang dần trở thành hiện thực. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang bừng tỉnh. Sau nhiều năm giảm phát hoặc lạm phát siêu thấp, Nhật Bản đang ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất kể từ những năm 1990.
Một phần nguyên nhân do những cú sốc cung trên phạm vi toàn cầu, nhưng không thể phủ nhận những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế nước này. Đúng như Masahiko nhận định, những thay đổi mang tính thế hệ và thay đổi về thể chế đã mang lại quả ngọt, giúp Japan Inc gần như “lột xác”.
Nhật Bản đang đứng trước cơ hội rất lớn. Tỷ trọng của kinh tế Nhật Bản trong GDP toàn cầu (tính theo phương pháp ngang giá sức mua) đã giảm từ mức 9% trong năm 1990 xuống hiện chỉ còn 4%. GDP bình quân đầu người giảm từ 81% so với Mỹ xuống còn 64%. Goldman Sachs dự báo nếu không cải thiện thì đến năm 2050 Nhật Bản sẽ bị loại khỏi top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đến năm 2075 rời khỏi top 10.
GDP bình quân đầu người của các nước (đơn vị nghìn USD, theo PPP, giá cả năm 2017)
Dân số suy giảm hạn chế tiềm năng của kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu như nước này có thể đẩy tăng lạm phát kỳ vọng, tăng năng suất và thổi luồng sinh khí mới vào các doanh nghiệp, tình hình sẽ đảo ngược.
Và, các nhà đầu tư toàn cầu đang rất hào hứng với những tín hiệu tích cực từ Nhật Bản. Một ngân hàng khác là Morgan Stanley khẳng định nước Nhật đã “thoát khỏi vũng lầy trì trệ”. Gần đây Warren Buffett liên tục tăng đặt cược vào các công ty Nhật Bản. Tuần này, chỉ số Nikkei 225 vừa lập đỉnh cao nhất 33 năm.
Larry Fink, CEO của công ty quản lý tài sản BlackRock, nhận định “kinh tế Nhật Bản đang có những chuyển biến phi thường”.
Cơ hội đến từ thách thức
Trong 30 năm qua, nước Nhật không ít lần hào hứng rồi lại thất vọng. Lần này cũng có những lý do để thận trọng. Đà hồi phục sau đại dịch vẫn khá mong manh: sau khi tăng trưởng 4,5% trong quý II, GDP lại giảm 2,1% trong quý III vừa qua. Tăng trưởng tiền lương không thể theo kịp với lạm phát. Sức tiêu dùng khá yếu ớt. Với đồng yên giảm giá quá sâu, IMF dự đoán năm nay GDP danh nghĩa của Nhật Bản sẽ tụt xuống vị trí thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc và Đức.
Nước này còn đối mặt với núi nợ khổng lồ. Bên cạnh đó, NHTW Nhật Bản đang chuẩn bị chuyển hướng từ lãi suất âm sang thắt chặt chính sách tiền tệ - điều ảnh hưởng rất lớn đến nhiều doanh nghiệp đang dựa vào nguồn vốn giá rẻ. Và, nhắc tới Nhật Bản không thể không nhắc tới dân số đang suy giảm và già hóa.
Tuy nhiên, trong những khó khăn này cũng ẩn chứa nhiều cơ hội. Theo giáo sư Hoshi Takeo của ĐH Tokyo, trong những thập kỷ gần đây, điểm yếu nhất của Nhật Bản là sự năng động. Có quá ít doanh nghiệp ra đời, quá nhiều công ty già cỗi, giá cả gần như không thay đổi và nhân tài gắn bó cả đời với duy nhất 1 công ty. Giờ thì điều đó đang bắt đầu thay đổi.
Hãy bắt đầu với giá cả. Trong 18 tháng liên tiếp, tỷ lệ lạm phát đã ở trên mức mục tiêu 2% mà BoJ đề ra. Dù có 1 nguyên nhân lớn là do giá nhập khẩu tăng, cách thức thiết lập giá cả đang thay đổi. Các công ty buộc phải suy nghĩ lại về quan điểm lâu năm rằng cứ tăng giá thì sẽ mất khách. “Giờ thì chúng tôi hiểu rằng mình hoàn toàn có thể tăng giá”, CEO của ông lớn trong ngành đồ uống Suntory nói. Kết quả là 90% mặt hàng mà BoJ theo dõi để xây dựng nên chỉ số lạm phát đã tăng giá.
Mặc dù dân số Nhật Bản đã bắt đầu suy giảm từ hơn 1 thập kỷ trước, tỷ lệ người già và phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động tăng lên đang giúp bù đắp đáng kể. Các công ty cũng phải tăng lương để giữ chân người lao động.
Những căng thẳng địa chính trị, từ chiến tranh ở Ukraine cho tới quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, là 1 nhân tố khác thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản thay đổi. Vì giờ đây ưu tiên hàng đầu của các công ty là chuỗi cung ứng ổn định, nước Nhật hưởng lợi lớn. Người Mỹ từng coi Nhật Bản là đối thủ kinh tế đáng gờm nhưng giờ đây họ muốn nhìn thấy nước Nhật hùng mạnh. Kể cả khi các nhà sản xuất không lựa chọn xây dựng nhà máy ở Nhật Bản, họ vẫn dựa vào các công ty Nhật để xây dựng các nhà máy tự động ở nơi khác.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang tung ra nhiều chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nội địa đổi mới. Ngành công nghiệp bán dẫn được hưởng trợ cấp hậu hĩnh trong khi chính phủ đã cam kết chi 13,2 tỷ USD (tương đương 0,3% GDP) trong thập kỷ tới để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Cách đây 10 năm, Nhật Bản bắt đầu thực hiện cải cách quản trị doanh nghiệp và giờ đây những quả ngọt đã bắt đầu xuất hiện. Áp lực buộc các công ty phải tăng giá trị vốn hóa và tăng tỷ lệ ROE không chỉ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như trước mà đến từ cả các nhà đầu tư định chế trong nước. Bắt đầu từ năm 2024, sàn chứng khoán Tokyo sẽ công bố danh sách các công ty đáp ứng được bộ tiêu chí về quản trị doanh nghiệp.
Những thay đổi này trùng hợp với thời điểm các doanh nghiệp Nhật Bản đang bước vào cuộc chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế cận. Tuổi thọ trung bình của các CEO của những công ty trong chỉ số Nikkei đã giảm 12 tuổi so với 10 năm trước. Nhiều công ty dần từ bỏ những truyền thống như chính sách trả lương theo cấp bậc, kinh nghiệm làm việc trọn đời. Người Nhật trẻ tuổi cảm thấy vui vẻ khi nhảy việc.
Có nhiều startup ra đời. Hệ sinh thái startup ở Nhật Bản hiện khá nhỏ bé so với GDP nhưng đang ngày càng phát triển nhanh chóng. “Nhật Bản xưa cũ vẫn ở đó, nhưng đồng thời đang nổi lên một Nhật Bản hiện đại, mới mẻ và đầy tiềm năng”, Kushida Kenji, chuyên gia đang làm việc cho 1 think tank ở Mỹ nhận xét.
Lượng vốn đầu tư vào các startup tăng từ 88 tỷ yên trong năm 2013 lên 877 tỷ yên trong năm 2022. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm ở Nhật Bản tăng gấp 4 lần trong cùng kỳ.
Trong khi rất nhiều doanh nhân Nhật Bản muốn trở thành ông lớn của thị trường Nhật Bản, đang nổi lên 1 thế hệ các nhà sáng lập có tham vọng vươn ra toàn cầu. Shin Taejun, nhà sáng lập của Gojo, muốn phát triển công ty tài chính vi mô của mình thành “World bank của khu vực tư nhân”.
Thay vì kế thừa công ty xây dựng của gia đình, Maeda Yosuke lập nên Wota, 1 công ty xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng xử lý nước phi tập trung với tham vọng “giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu”. Okada Nobu là người đứng sau Astroscale, công ty đang dẫn đầu nỗ lực dọn sạch rác trong không gian. “Nhật Bản cần những quán quân mới. Chúng ta vẫn đang nhắc tới Sony và Honda như những niềm tự hào của nước Nhật, nhưng hãy quên họ đi”, Okuda nói.
Những doanh nhân trẻ này đang định hình lại văn hóa doanh nghiệp ở Nhật Bản. Họ muốn thay đổi mô hình dựa trên cống hiến trọn đời, nam giới chiếm đa số và phân cấp theo tuổi tác.
Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ nhận thức được nước Nhật đang đứng trước bước ngoặt quan trọng mà họ đang rất quyết tâm thay đổi. Và, không giống như mặt trời, cơ hội vàng của Nhật Bản không phải ngày nào cũng xuất hiện. Nếu không nắm bắt được, nước Nhật khó có thể thoát khỏi vũng lầy.
Theo Kiến Thức Đầu Tư