Những năm qua, vốn ngoại liên tục rót vào các hệ thống y khoa tư nhân tại Việt Nam. Mỗi thương vụ trị giá hàng chục đến hàng trăm triệu USD, chủ yếu đến từ nhà đầu tư châu Á.
Việt Nam đang nổi lên trên thị trường y tế Đông Nam Á với thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất khu vực kể từ năm 2020 đến nay. Thomson Medical Group của tỷ phú Singapore Peter Lim đã công bố mua lại Bệnh viện FV với giá 381,4 triệu USD, tương đương hơn 9.000 tỷ đồng. Tập đoàn này trả trước khoảng 359,6 triệu USD cho Far East Medical Việt Nam - đơn vị chủ quản của FV - và sẽ trả thêm 21,8 triệu USD nếu bệnh viện đáp ứng thêm một vài tiêu chí.
Trong thông cáo phát đi hồi tháng 7/2023, Thomson Medical Group cho biết đây là thương vụ mua lại chiến lược lớn nhất của tập đoàn, mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào một trong những thị trường chăm sóc sức khỏe phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Phó chủ tịch Kiat Lim bày tỏ sự tin tưởng không chỉ với thị trường y tế nội địa của Việt Nam mà còn cả khả năng thu hút du lịch y tế từ các quốc gia lân cận, bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar.
Trước khi có sự tham gia của Thomson Medical Group, FV được giới thiệu là bệnh viện 100% vốn nước ngoài từ công ty mẹ ở Hong Kong gồm cổ đông chính là công ty do 10 nhà sáng lập FV sở hữu và Quadria Capital - quỹ đầu tư tư nhân của châu Á trong lĩnh vực y tế.
Được thành lập từ năm 2003 tại khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM), đây là một trong những bệnh viện quốc tế cao cấp đầu tiên của Việt Nam. Đến nay, bệnh viện có khả năng tiếp nhận 1.500 lượt bệnh nhân/ngày và vẫn tiếp tục được mở rộng. Hệ thống này cũng vận hành một phòng khám đa khoa FV Sài Gòn ở quận 1; 4 phòng khám ACC Clinic ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng; và văn phòng đại diện tại Phnom Penh, Campuchia.
Vị trí Bệnh viện FV. Ảnh: Google Maps.
Chưa đầy 3 tháng sau khi Thomson Medical Group công bố thương vụ, một tập đoàn Singapore khác là Raffles Medical Group cũng cho biết sẽ mua phần lớn cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH). Tập đoàn của tỷ phú Loo Choon Yong không chia sẻ về số cổ phần giao dịch cụ thể, nhưng tiết lộ định giá của bệnh viện này ở mức 45,6 triệu USD.
Trước đó, Raffles Medical Group đã có 3 cơ sở ở TP.HCM, Hà Nội và Vũng Tàu. Với việc quản lý thêm AIH, tập đoàn này mong muốn tăng cường hiện diện tại TP.HCM, đồng thời tận dụng nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân.
Được hoàn thành năm 2018 tại phường An Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM), Bệnh viện AIH có 120 giường bệnh và 5 phòng phẫu thuật. Đây vốn là một dự án trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Công ty CP Bất động sản Tiến Phước - một chủ đầu tư lớn tại TP.HCM với một số dự án tiêu biểu như Empire City, The Estella, Palm City, khách sạn Le Meridien Saigon...
Hiện Tiến Phước vẫn nắm một phần sở hữu tại bệnh viện này. Còn Raffles sẽ tham gia tái cơ cấu tài chính và các hoạt động quản trị, quản lý vận hành của AIH.
Vị trí Bệnh viện AIH. Ảnh: Google Maps.
Trước khi nổi lên với các thương vụ đình đám này, thị trường y tế Việt Nam cũng đã chứng kiến những màn đổi chủ liên tục của hệ thống Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ. Đây là bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, được bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng thành lập từ năm 1999. Trong ảnh là Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Giai đoạn 2009-2013, CTCP Y khoa Hoàn Mỹ được chú ý với những thương vụ bán mình cho nhà đầu tư ngoại. Cuối năm 2019, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng bán 44% cổ phần với giá 20 triệu USD cho VinaCapital và Deustche Bank. Tuy nhiên, những áp lực sau khi nhận vốn đã khiến nhà sáng lập này phải tiếp tục nhượng Hoàn Mỹ cho Fortis Healthcare (Ấn Độ) vào năm 2011. Thời điểm đó, tập đoàn Ấn Độ chi 64 triệu USD để sở hữu 65% cổ phần của CTCP Y khoa Hoàn Mỹ.
Điều đáng nói là 2 năm sau, ông lớn này lại tiếp tục bán cổ phần tại Hoàn Mỹ cho Richard Chandler - một tập đoàn đa ngành có trụ sở tại Singapore - với giá 80 triệu USD. Tỷ lệ sở hữu lần lượt được nâng lên 80% và 100% trong các năm sau đó. Qua mỗi lần trao tay, định giá của hệ thống y tế tư nhân này càng nhảy vọt, giúp các nhà đầu tư ôm về khoản lợi nhuận khủng chỉ sau vài năm.
Vị trí Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Ảnh: Google Maps.
Tuy nhiên, phải đến khi về tay Richard Chandler (nay đổi tên thành Clermont Group), hệ thống này mới bành trướng mạnh mẽ, thông qua xây dựng mới cũng như sáp nhập hàng loạt bệnh viện, phòng khám khác. Trong ảnh là Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức khánh thành năm 2021, tọa lạc ở phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Đến nay, Hoàn Mỹ sở hữu chuỗi 15 bệnh viện và 6 phòng khám, trong đó mới nhất là hệ thống Trung tâm Y khoa Prima ra mắt từ năm ngoái.
Vị trí Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức. Ảnh: Google Maps.
Liên quan đến dòng vốn từ Singapore, năm 2022, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cũng nhận trên dưới 203 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư do Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) dẫn đầu. Tuy nhiên, đơn vị này khẳng định sau giao dịch, Vingroup vẫn là cổ đông chi phối duy nhất của Vinmec.
Vị trí Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Ảnh: Google Maps.
Cao Nguyên - Duy Hiệu - Lan Anh - Theo Znews