Trong thời khắc thế giới sắp bước sang năm mới, khác với nền kinh tế Mỹ, triển vọng của nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn là một dấu hỏi - mọi thứ phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của các chính sách kích thích mà Bắc Kinh sẽ triển khai trong tương lai.
Điềm báo tốt cho nền kinh tế Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có hai nhiệm vụ chính là duy trì lạm phát ở mức ổn định và giúp nền kinh tế đạt trạng thái toàn dụng việc làm.
Trong hai năm qua, ngân hàng trung ương Mỹ đã ưu tiên nhiệm vụ đầu tiên. Các quan chức Fed đã nâng lãi suất 11 lần liên tiếp để khống chế lạm phát dù biết rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng lớn.
Tại cuộc họp cuối cùng của năm 2023, Fed mới phát tín hiệu sẽ đảo chiều chính sách. Trong dự báo kinh tế mới nhất, các quan chức dự đoán sẽ có ít nhất ba đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2024, 4 lần vào năm 2025 và 3 lần khác vào năm 2026.
Trước báo giới, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố: “Đây là thời điểm chúng tôi coi hai nhiệm vụ quan trọng như nhau. Chúng tôi sẽ khắc ghi điều này khi hoạch định chính sách trong tương lai”.
Lập trường “bồ cầu” của Fed cho thấy ngân hàng trung ương này đã sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, các dữ liệu gần đây cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ có vẻ đang và sẽ giúp đỡ đáng kể cho Fed.
Nhiều người từng dự đoán rằng hạ nhiệt một thị trường lao động nóng rực sẽ là một quá trình khó khăn. Trên thực tế, nhu cầu lao động đang giảm dần về mức trước đại dịch, trong khi nguồn cung đi lên, giúp thị trường việc làm tái cân bằng.
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế đã tạo ra 199.000 việc làm mới trong tháng 11, cao hơn con số 150.000 của tháng 10 cũng như hơn mức trung bình cả năm 2019 (trước đại dịch) là 163.000.
Tỷ lệ thất nghiệp tụt xuống 3,7% do tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng lên 62,8%. Thu nhập trung bình hàng giờ của người Mỹ cao hơn cùng kỳ 4% nhưng thấp hơn hẳn so với mức đỉnh ba năm là 5,9%.
Fed dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ chạm mức 3,8% vào cuối năm 2023, sau đó tăng lên 4,1% trong các năm tiếp theo. So với các chu kỳ thắt chặt tiền tệ trong quá khứ, tỷ lệ thất nghiệp 4,1% là khá khiêm tốn.
Báo cáo khác chỉ ra số cơ hội việc làm - thước đo thể hiện nhu cầu tuyển dụng của chủ doanh nghiệp - đã giảm 617.000 xuống còn 8,7 triệu vào tháng 10. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Bên cạnh đó, ông Powell và các đồng nghiệp có thể điều chỉnh ưu tiên chính sách là còn nhờ vào diễn biến đáng hoan nghênh của lạm phát.
Thước đo lạm phát rất được công chúng quan tâm là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng chậm lại từ khi xác lập mức đỉnh trong hơn 40 năm vào tháng 6/2022.
Theo báo cáo chính thức, nếu không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi tháng 11 cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4%. CPI toàn phần tăng 3,1%, khớp với dự báo.
Trong khi đó, lạm phát tính theo thước đo ưa thích của Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCEPI lõi) đã quay về mức 3,5% vào tháng 10. Lạm phát tính theo PCEPI toàn phần là 3%.
Theo nhận định của các quan chức Fed, lạm phát tính theo PCEPI lõi sẽ quay về mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này vào năm 2026.
Cùng lúc, phần đông người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu đuối sức và tăng trưởng GDP vẫn ổn định. Nền kinh tế tăng trưởng 5,2% trong quý III (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm), cao hơn ước tính ban đầu là 4,9%. Trong hai quý đầu năm, tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 2,2% và 2,1%.
Trong dự báo mới, các quan chức Fed đã nâng ước tính tăng trưởng GDP cả năm 2023 lên 2,6%, cao hơn 0,5 điểm % so với tháng 9. Tăng trưởng được kỳ vọng đạt 1,8% vào năm 2025 - phù hợp với xu hướng dài hạn.
Chia sẻ với tờ New York Times, ông Michael Gapen, trưởng bộ phận phân tích kinh tế Mỹ tại Bank of America, cho rằng Fed có thể hạ cánh mềm nền kinh tế. Ông nói: “Xét trong bối cảnh hiện tại, vị thế của Fed đang khá tốt”.
Mảng tối của bức tranh
Trong khi các chuyên gia phấn khởi về triển vọng của nền kinh tế Mỹ, nhiều người vẫn lo lắng về số phận của các ông lớn bất động sản Evergrande và Country Garden hay quan ngại về niềm tin yếu ớt của người tiêu dùng Trung Quốc.
Quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục có dấu hiệu mất đà khi đầu tư và chi tiêu tiêu dùng đều tăng trưởng chậm hơn dự kiến vào tháng 11, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).
Một điểm cần lưu ý khác là các số liệu kinh tế trong vài tháng trở lại đây còn bị bóp méo khi so sánh với cùng kỳ năm ngoái, vì khi đó nền kinh tế tỷ dân vẫn đang phải chịu ảnh hưởng của các đợt phong toả COVID-19.
Đơn cử, doanh số bán lẻ - một thước đo quan trọng về tiêu dùng nội địa - tăng 10,1% vào tháng 11, thấp hơn ước tính 12,9% của các nhà kinh tế. Tuy vậy, kết quả này vẫn tốt hơn con số 7,6% của tháng 10.
Đầu tư tài sản cố định đi lên 2,9% trong 11 tháng đầu năm, thấp hơn một chút so với dự báo 3%. Đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân giảm khoảng 0,5% trong cùng giai đoạn.
Hoạt động sản xuất và dịch vụ cũng cho thấy dấu hiệu đáng ngại. Giữa lúc đó, tình trạng giảm phát vẫn tiếp diễn, phản ánh tâm lý bi quan của người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo báo cáo của NBS, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã tụt từ mức 49,5 điểm của tháng 10 xuống 49,4 trong tháng 11, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp ở dưới mốc 50. Các đơn đặt hàng mới trong và ngoài nước đều giảm.
PMI dịch vụ cũng tụt từ mức trên 50 xuống 49,3 vào tháng 11. Làn sóng mua sắm “trả thù” sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại từng khiến một số chuyên gia kỳ vọng lĩnh vực dịch vụ sẽ giúp tăng tốc quá trình phục hồi, nhưng triển vọng này nay đã mờ mịt hơn khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao.
Cũng vì lẽ đó, giá tiêu dùng đã tiếp tục đi xuống khi CPI tháng 11 giảm 0,5% so với cùng kỳ. Chung xu hướng, chỉ số giá sản xuất (PPI) tụt 3%, đánh dấu tháng thứ 14 liên tiếp sụt giảm.
Một yếu tố đáng ngại khác là cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản chưa có dấu hiệu kết thúc. So với tháng liền trước, giá nhà tại 70 thành phố lớn đã giảm mạnh hơn dự báo vào tháng 10.
Ngoài ra, doanh số bán nhà của 100 doanh nghiệp địa ốc lớn nhất đất nước chỉ đạt 54,7 tỷ USD trong tháng 11, giảm 30% so với một năm trước, theo dữ liệu do hãng nghiên cứu China Real Estate Information Corp cung cấp.
Những đốm sáng li ti
Giữa một bức tranh nhiều gam màu tối vẫn tồn tại những điểm sáng, làm nhen nhóm hy vọng về nền kinh tế Trung Quốc.
Chẳng hạn, sản lượng công nghiệp tháng 11 đi lên 6,6% so với cùng kỳ. Kết quả này vượt dự báo của các nhà kinh tế, đồng thời đây còn là tháng có mức tăng trưởng tốt nhất trong hơn một năm qua.
Xuất khẩu cũng chuyển mình sau 6 tháng liên tiếp tăng trưởng âm. Trong khi các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo mức giảm 1,1%, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 thực tế đã đi lên 0,5% so với một năm trước.
Ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang LaSalle cho biết chiến lược hạ giá bán để thu hút khách hàng của các doanh nghiệp Trung Quốc đã phát huy tác dụng, giúp kim ngạch xuất khẩu cải thiện. Song, ông không chắc xu hướng này có tiếp tục hay không.
Ở diễn biến khác, việc Fed phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất vào năm 2024 được cho là có thể hỗ trợ đáng kể cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Sự đảo chiều của Fed có thể giúp PBoC nới lỏng chính sách tiền tệ mà không cần lo ngại về những tác động tiêu cực đến dòng vốn và đồng nhân dân tệ.
Kể từ đầu năm 2023, Bắc Kinh đã tung ra một loạt biện pháp kích thích như nới lỏng hạn chế mua nhà, cam kết cấp các khoản vay trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 28,7 tỷ USD) để doanh nghiệp địa ốc hoàn thiện dự án còn dang dở, phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ,...
Gần đây nhất, cùng ngày NBS công bố các dữ liệu kinh tế tháng 11, PBoC đã bơm ròng 800 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống dưới dạng khoản vay kỳ hạn một năm nhằm giúp các ngân hàng thương mại có thêm tiền để mua trái phiếu chính phủ để hỗ trợ chi tiêu cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các chính sách trên được đánh giá là quá khiêm tốn và không tạo tác động đáng kể.
Bởi vậy, trong nhiều tháng qua, các chuyên gia đã khuyến nghị Bắc Kinh phát tiền mặt cho người dân như cách phương Tây từng làm trong đại dịch hoặc bơm tiền kích thích hạ tầng như sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Song, chính quyền Chủ tịch Tập không phát tín hiệu nào cho thấy họ đang dự tính một động thái như vậy. Tại hội nghị thường niên của Bộ Chính trị vào đầu tháng 12, các nhà lãnh đạo không tiết lộ nhiều chi tiết mà chỉ cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ tài khoá và tiền tệ vào năm tới.
Bắc Kinh vẫn chần chừ có lẽ vì ông Tập đang đặt ra mục tiêu mới là bảo vệ an ninh quốc gia, nâng tỷ trọng của các ngành công nghệ cao như vi mạch và năng lượng sạch như xe điện trong tăng trưởng, hướng đến một “nền kinh tế mới”.
Quan trọng hơn cả là có thể chính phủ vẫn lo ngại về khối nợ trong nền kinh tế. Dữ liệu của IMF cho thấy vào năm 2022, tổng nợ của Trung Quốc tương đương hơn 270% GDP, cao hơn Mỹ.
Riêng nợ của chính quyền các địa phương Trung Quốc đã đạt 92.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 76% GDP, tăng so với mức 62,9% vào năm 2019. Với một khối nợ khổng lồ như vậy, bơm thêm kích thích có thể lại là gánh nặng cho nền kinh tế.
Cơ quan này đặc biệt lưu ý tới các rủi ro hàng đầu là lĩnh vực bất động sản yếu kém, nhu cầu toàn cầu ảm đạm và những thách thức về mặt cấu trúc như khối nợ lớn và dân số già hoá.
(Trích dẫn từ Đặc san Doanh nhân Việt Nam xuân Giáp Thìn)
Yên Khê - Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh