Chiến dịch kiểm tra gắt gao tình trạng vi phạm nồng độ cồn nơi người lái xe tuy gây sốc cho ngành kinh doanh quán nhậu nhưng đây cũng là cơ hội để chuyển đổi ngành “kinh tế nhậu” ở Việt Nam.
Sáng nay, lướt Facebook một nhà văn, cũng là đồng nghiệp cũ, người viết bài này thấy một bài mới đăng về việc gần nơi ở của nhà văn này trước đây có một quán bia tươi ở góc đường Ba Vân-Nguyễn Hồng Đào (quận Tân Bình, TPHCM), mới đây đã biến thành quán hủ tiếu Nam Vang. Và không chỉ quán bia nói trên, việc chuyển đổi để từ bỏ công năng quán nhậu như vậy đang âm thầm diễn ra ở nhiều nơi khác theo chứng kiến của người viết ở khu quán nhậu gần nhà.
Giữa cao điểm chiến dịch kiểm tra nồng độ cồn đang diễn ra ở TPHCM, bắt đầu có những ý kiến cho rằng việc kiểm tra gắt gao gây ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, quán nhậu. Việc ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh quán nhậu và ngành sản xuất rượu bia vốn đóng góp không ít cho nguồn thu thuế là điều khó tránh khỏi, nhưng liệu có phải vì như vậy mà chính quyền nên nương tay với việc kiểm soát nồng độ cồn nơi người lái xe?
“Văn hóa nhậu” kéo theo “kinh tế nhậu” đã hình thành mấy chục năm qua ở Việt Nam, cộng thêm vào đó là thuế suất rươụ bia dù cao nhưng vẫn còn nương tay nếu so với các nước khác, và việc du di trong kiểm tra nồng độ cồn khiến tình trạng nhậu xong lái xe ngày càng tràn lan. Nạn lái xe khi say xỉn để lại những nỗi đau không nguôi nơi người thân của những nạn nhân chết oan uổng do ma men lái xe gây ra. Hiếm có nước nào mà người dân đã say đến mất kiểm soát từ quán nhậu bước ra vẫn thản nhiên leo lên xe máy, xe hơi lái về nhà. Đây là thói quen xấu cần dẹp bỏ vì sự an toàn của cả xã hội.
Kinh tế đêm không phải là “kinh tế nhậu” và cũng không thể trông chờ việc du khách chi tiền ăn nhậu mà phải đa dạng hóa loại hình dịch vụ để tạo ra nguồn thu từ người dân và du khách.
Tất nhiên, trong chiến dịch hiện nay cũng còn một số cách làm chưa hợp lý, cần điều chỉnh để tránh gây phiền hà cho người dân như lập chốt đo nồng độ cồn vào giờ cao điểm sáng.
Bên cạnh việc kiểm tra gắt gao thì về lâu dài cần thêm một số chính sách điều chỉnh như giao các công ty vận tải ô tô có trách nhiệm đo nồng độ cồn cho tài xế trước khi giao xe và việc đo này phải được lưu trữ để cơ quan chức năng kiểm tra.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc việc điều chỉnh như một số nước, với mức nồng độ cồn cao thì người lái xe không chỉ bị phạt tiền mà còn có thể bị tạm giữ, phạt lao động công ích hay phạt tù giam.
Đối với ngành sản xuất rượu bia, kinh doanh quán nhậu, nên xem đây là cơ hội chuyển đổi. Ngành sản xuất có thể nghiên cứu tạo ra các loại bia không cồn với vị như bia thật, các loại nước uống khác chẳng hạn. Còn ngành kinh doanh quán nhậu thì có thể chuyển đổi công năng quán hay mặt bằng. Với những doanh nghiệp, doanh chủ không thể thay đổi thì đành chấp nhận cú sốc đóng cửa.
Không hẳn cú sốc nào từ chính sách quản lý nhà nước cũng gây hại mà có khi đó lại mở ra cơ hội mới nếu kịp chuyển đổi. Cách đây hơn 15 năm, khi quy định bắt buộc nguời đi xe máy phải đội nón bảo hiểm ra đời, một doanh nghiệp sản xuất nón vải thời trang cao cấp đang thời hoàng kim trở nên ế ẩm, có nguy cơ đóng cửa hàng loạt chuỗi cửa hàng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã nhìn ra cơ hội và đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới là nón bảo hiểm thời trang, nón bảo hiểm thiết kế riêng để làm quà tặng. Nhờ sự chuyển đổi kịp thời này, doanh nghiệp từ chỗ đứng trước nguy cơ đóng cửa thì đã hồi sinh và kinh doanh rất tốt cho đến hiện nay.
Đây là thời điểm nền “kinh tế nhậu” chuyển đổi, doanh nghiệp nào thích ứng được sẽ tồn tại với cơ hội mới. Nên xem đây là cú sốc cần thiết và không nên luyến tiếc “văn hóa nhậu”.
Song Nghi - Theo TheSaigonTimes