Hai năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, động lực thị trường khí đốt châu Âu đã thay đổi nhiều. Hiện tại, vẫn có những câu hỏi rằng, liệu khí đốt của Nga có thể lấy lại thị phần đã mất vào một thời điểm nào đó trong tương lai hay không?
Một đoạn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Đức. (Nguồn: Reuters)
Xung đột Nga-Ukraine đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt được cho là nghiêm trọng nhất trong lịch sử châu Âu.
Sau khi xung đột nổ ra, phần lớn hoạt động cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga bị dừng lại. Chỉ một số quốc gia vẫn nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Gazprom như Áo, Slovakia và Hungary.
Bên cạnh đó, dù nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vẫn tiếp tục sang châu Âu tương đối dồi dào, nhưng cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu của khu vực.
Nỗ lực của EU
Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) đang tiếp tục thắt chặt nguồn cung khí đốt từ Moscow bằng cách trao cho các quốc gia thành viên quyền hạn chế nhập khẩu từ Nga ở cấp quốc gia. Thêm vào đó, Áo cũng đang tìm cách đẩy nhanh việc thoát khỏi khí đốt của Moscow.
Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu, EU đã chứng kiến lượng nhập khẩu khí đốt và LNG của Nga giảm mạnh, từ 155 tỷ m3 năm 2021 xuống 80 tỷ m3 vào năm 2022 và xuống 43 tỷ m3 vào năm ngoái.
Thay vào đó, châu Âu đang nhập khẩu nhiều LNG hơn đáng kể và tích cực mua khí đốt của các nhà cung cấp như Na Uy, Algeria và Azerbaijan.
Tháng 12/2023, Ủy viên năng lượng của EU Kadri Simson thừa nhận rằng, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên đối với khối 27 thành viên.
Bà Simson nói: “Nhưng hai năm sau, chúng tôi có thể nói rằng, nỗ lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm 'vũ khí hóa' năng lượng đã thất bại”.
Phần lớn thành công trong nỗ lực của EU là khối đã tăng cường ngoại giao để đảm bảo nguồn cung khí đốt thay thế, lấp đầy kho lưu trữ dưới lòng đất và khuyến khích các hộ gia đình giảm 15% nhu cầu.
Trên thực tế, tín hiệu thị trường và thời tiết đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung khó đốt có thể đáp ứng nhu cầu trong suốt năm 2022, 2023 và đến năm 2024. Một mùa Đông ôn hòa trong năm 2022, 2023 đảm bảo rằng tồn kho khí đốt vẫn ở mức cao lịch sử.
Nhưng các nhà phân tích vẫn thận trọng.
Ông Michael Stoppard, cố vấn đặc biệt và nhà phân tích khí đốt toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights cho biết: “Hai năm xung đột, giá khí đốt đã trở lại mức bình thường. Nhưng thị trường vẫn chưa đạt đến trạng thái ổn định mới”.
Thời gian qua, châu Âu đã tích cực nhập khẩu LNG từ Mỹ và các nơi khác để bù đắp gần một nửa lượng khí đốt bị mất qua đường ống của Nga. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng khí đốt của châu Âu cũng giảm mạnh.
Ông nói: “Một số nhu cầu khí đốt đã biến mất vĩnh viễn do các nhà máy bị đóng cửa".
Bản đồ năng lượng thay đổi
Hiện tại, vẫn có những câu hỏi rằng, liệu khí đốt của Nga có thể lấy lại thị phần đã mất vào một thời điểm nào đó trong tương lai hay không?
Nhà phân tích khí đốt Jonathan Stern từ Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford tỏ ra nghi ngờ.
Ông Stern cho rằng, kỷ nguyên chiếm hơn 30% thị phần khí đốt của Nga tại châu Âu đã kết thúc và sẽ không quay trở lại, bất kể kết quả của chiến dịch quân sự đặc biệt ra sao và bất kể ai đứng đầu Điện Kremlin.
“Các quốc gia riêng lẻ có thể tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga, nhưng bản đồ năng lượng và khí đốt của châu Âu đã thay đổi về cơ bản. Câu hỏi lớn về khí đốt chưa được giải quyết chỉ đến các hợp đồng khí đốt dài hạn còn lại của Nga với khách hàng châu Âu”, nhà phân tích này nhấn mạnh.
Trong khi đó, các nhà kinh doanh khí đốt châu Âu coi xu hướng tiêu thụ là chìa khóa cho tương lai của mặt hàng khí đốt Moscow tại khu vực.
Một thương nhân tại Thụy Sỹ cho biết: “Tất cả là do nhu cầu - nếu nhu cầu khí đốt tiếp tục giảm, chúng tôi có thể tránh sử dụng khí đốt Nga”.
Còn một thương nhân khác tại Hà Lan thì cho rằng, việc mất nguồn khí đốt giá rẻ của Nga sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu dùng.
Kỷ nguyên chiếm hơn 30% thị phần khí đốt của Nga tại châu Âu đã kết thúc. (Nguồn: Reuters)
EU "cự tuyệt" khí đốt Nga
Về phía Nga, nước này cũng có những lựa chọn hạn chế để chuyển hướng dòng chảy khí đốt.
Thời gian qua, "Gã khổng lồ" khí đốt Gazprom của Nga cũng đang tìm cách tăng xuất khẩu sang Trung Quốc và lên kế hoạch ký kết các thỏa thuận cung cấp dài hạn với các nước láng giềng Trung Á như Kyrgyzstan, Kazakhstan và Uzbekistan. Nhưng những nguồn cung cấp này sẽ không thể bù đắp cho lượng hàng hóa bị mất ở châu Âu.
Trong giao dịch với châu Âu, hiện có khoảng 80 triệu m3/ngày chảy vào khu vực qua đường ống. Một nửa trong số này có thể bị mất khi thỏa thuận quá cảnh giữa Nga và Ukraine hết hạn vào cuối năm 2024.
Hợp đồng trung chuyển khí đốt Moscow qua Kiev do EU làm trung gian được ký năm 2019.
Theo đó, Tập đoàn Gazprom vận chuyển 65 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine trong năm 2020 và vận chuyển 40 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ 2021-2024.
Đường ống dẫn khí qua Ukraine và đường ống TurkStream là 2 tuyến còn lại đưa trực tiếp khí đốt từ Moscow tới Trung và Tây Âu.
Hồi tháng 1, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng, đất nước sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua bất kỳ tuyến đường nào có sẵn, bao gồm cả qua Ukraine.
Tuy nhiên, "Moscow vẫn chưa thấy các đối tác mong muốn đàm phán về vấn đề này, trong khi Kiev đã nhiều lần loại trừ việc tham gia với Nga trong các cuộc đàm phán về quá cảnh", ông thông tin.
Hồi đầu tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vẫn sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua chuỗi Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) không bị hư hại.
Dù vậy, Ủy viên Năng lượng châu Âu Kadri Simson nhấn mạnh, khối không có ý định gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt hiện tại với Moscow qua Kiev.
Theo nguồn tin của hãng tin Reuters, EU có kế hoạch chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu năng lượng Nga vào năm 2027.
Có lẽ, khi đã thành công "thoát" khí đốt Nga, châu Âu không mong muốn thấy mặt hàng này quay trở lại thị trường, theo bất kỳ cách nào.
Theo S&P Global