Cái "đuôi" năm Quý Mão vẫn hung hãn vung vẩy chiến tranh không chỉ ở Ukraine, Gaza, đe dọa ở đây, ở kia... Thành ra, thế giới năm Giáp Thìn bình an hay không, "ông Thiên" bất quá chỉ một phần, còn thì phần lớn là do con người có chịu ra khỏi não trạng chiến tranh lạnh hay không.
Từ toàn cầu, nhìn về Việt Nam trong một năm đầy biến động.
Trong thực tế, có thể nói không quá là vận mệnh của 8.087.622.169 người, đếm được hôm 28-1, theo Worldometers, hiện trong tay nửa tá "tinh tú" đang quyết định chiến tranh hay hòa bình cùng no hay đói trên trái đất này.
Đó là các ông Joe Biden (sắp 82 tuổi); ông Benjamin Netanyahu (sắp 75 tuổi), ông Narendra Modi (sắp 74 tuổi), ông Vladimir Putin (sắp 72 tuổi), ông Tập Cận Bình (sắp 71 tuổi), thảy đều trên 70.
Làm sao ra khỏi chiến tranh lạnh?
Cả 5 ông lãnh đạo nêu trên, từ khi ra đời, lớn lên, vào đời và hoạt động đến nay, đều là trong... chiến tranh lạnh. Thành ra, không lấy làm lạ chuyện các ông Biden hay Tập cùng "thi nhau" lên tiếng hô hào ra khỏi chiến tranh lạnh, luôn cảnh cáo nhau đừng trở lại thời phân cực đó.
Tạm tính từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 vào ngày 20-1-2021, ông đã rất nhiều lần nói tới chiến tranh lạnh, song không phải để can ngăn. Viện CATO, tổ chức nghiên cứu đứng hạng 20 trong bảng xếp hạng "think-tank" toàn cầu, có trụ sở tại New York, từng bày tỏ sự thất vọng về ông Biden trong bài viết đề ngày 20-11-2020:
"Người ta thường nói rằng cựu chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Joe Biden có đủ năng lực xử lý các vấn đề quốc tế với tư cách tổng thống, nên được ứng cử viên Barack Obama chọn làm ứng viên phó tổng thống của Đảng Dân chủ... Thật không may, tâm trí của ông Biden dường như bị khóa chặt trong chiến tranh lạnh đã kết thúc cách đây ba thập kỷ".
Viện CATO dẫn chứng bằng phát biểu của ông trong chương trình phỏng vấn "60 Minutes": "Tôi nghĩ mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ hiện nay, xét việc phá vỡ an ninh và các liên minh của chúng ta, là Nga".
Theo CATO, "đây là một phán xét hết sức ngớ ngẩn. Chẳng trách Nga chưa bình luận gì về chiến thắng (bầu cử) của ông". Chưa hết, CATO thách đố tổng thống tân cử: "Liệu Joe Biden có thể thoát khỏi tư duy chiến tranh lạnh?... Richard Nixon người chống cộng đã phải đến Bắc Kinh. Liệu nhân vật bài Nga Joe Biden có thể đến Matxcơva không?".
Trong thực tế, 1 tháng và 1 tuần sau khi bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có kết quả, Nga mới chúc mừng tổng thống tân cử Biden hôm 15-12-2020.
Viện CATO không chỉ chỉ trích ông Biden và Đảng Dân chủ của ông là bị ám ảnh bởi chiến tranh lạnh, mà cả hệ thống chính trị Hoa Kỳ luôn: "Sự điên cuồng kỳ quái của lưỡng đảng về nước Nga ngày càng sâu sắc hơn... Nga không phải là mối đe dọa nghiêm trọng với Mỹ ngoài việc nước này sở hữu vũ khí hạt nhân".
Đầu không xuôi, đuôi khó lọt. Bắt đầu như vậy, nên quan hệ Nga - Mỹ thời Biden lại rơi "nặng nề" vào chiến tranh lạnh mới, sau khi chiến tranh lạnh được cho là đã chấm dứt, mà theo nhà bỉnh bút Charles Krauthammer "Chính xác kết thúc vào lúc nửa đêm, ngày 31-12-1991".
Nghiên cứu "Cuộc chiến tranh lạnh mới của Washington chống lại Nga" của hai tiến sĩ Zulfqar Khan và Mansur Umar Khan (Pakistan) tóm lược:
"Sau những năm hỗn loạn của Yeltsin thời thập niên 1990, sự phục hồi sau đó cùng sự nổi lên nắm quyền đồng thời của Vladimir Putin ở Nga; các nhà hoạch định chính sách Mỹ quyết định làm suy yếu một nước Nga đang trỗi dậy, điều có thể trở thành thách thức nghiêm trọng đối với sự bành trướng của nước Nga. Ngược lại, giới tinh hoa Nga coi việc dàn xếp hậu chiến tranh lạnh là không cân bằng, thậm chí không công bằng".
Ông Biden, vì vậy, kế thừa một cuộc chiến tranh lạnh mới đang định hình, theo nhà bình luận Hal Brands của Bloomberg, từ những cuộc chiến nhỏ song "nóng" như "Ukraine, Syria và Gaza, những cuộc xung đột địa phương với tác động toàn cầu".
Tác giả đã đưa ra một giải thích khác về chiến tranh lạnh: "Chiến tranh lạnh "không bao giờ lạnh - không bao giờ hòa bình", như tên gọi của nó.
Trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô từ năm 1947 đến năm 1991, đã có hàng chục cuộc nội chiến, chiến tranh ủy nhiệm và thậm chí cả xung đột thông thường nghiêm trọng ở nhiều nơi từ bán đảo Triều Tiên đến Trung Mỹ, làm rung chuyển toàn bộ khu vực; trong một số trường hợp, đe dọa nhấn chìm toàn cầu.
Ngày nay, một cuộc chiến tranh lạnh mới đẩy Hoa Kỳ và các đồng minh chống lại trục của các chế độ chuyên chế Á - Âu. Cuộc đối kháng này cũng có một số vụ đụng độ rất bạo lực, trong đó cuộc chiến tranh Israel - Hamas là vụ mới nhất, nhưng chắc chắn không phải là vụ cuối cùng".
Thành ra, vấn đề là làm sao ra khỏi não trạng chiến tranh lạnh, cả trong khởi xướng lẫn trong chống trả.
Ước ao an bình
An bình là phần thưởng cho thiện tâm, thiện chí. Nên ao ước an bình cũng là ao ước thiện tâm. "Thiện chí dường như là điều kiện thiết yếu để khiến chúng ta xứng đáng được hạnh phúc", triết gia Immanuel Kant đã chỉ ra như thế.
Và thiện tâm, thiện chí không liên quan gì đến những phẩm chất của tâm trí và tính khí, cũng như tính cách, vận may, thậm chí không liên quan đến những phẩm chất cá nhân như sự điều độ hoặc tự chủ... Cho dù không có kết quả gì thì thiện chí vẫn là thiện chí.
Từ góc nhìn đó, có thể nhìn lại chuyến "xông đất" Việt Nam trong tháng 1-2024 của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Phát biểu của tiến sĩ Steinmeier giải thích mong muốn "nâng quan hệ lên tầm cao mới" cơ bản nghĩa là gì đối với nước Đức:
"Tại Viện Goethe sáng nay, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến thanh niên Việt Nam được chuẩn bị tốt như thế nào để đảm nhận công việc trong lĩnh vực y tế, kỹ thuật hoặc công nghệ thông tin ở Đức. Tôi rất vui mừng khi bộ trưởng lao động của hai nước vừa ký một thỏa thuận tạo điều kiện tiếp cận thị trường lao động Đức" (Bundespraesident.de).
Gần giữa thập niên thứ ba của thế kỷ 21, hợp tác lao động không thể nào cứ là lao động chân tay miết. Thiết tưởng, chọn lựa này thể hiện tính trân trọng hỗ tương.
Tất nhiên, nói và làm phải đi đôi, Trường đại học Việt - Đức ở ngay "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương, theo mô hình giáo dục đại học Đức với nguyên tắc tự do học thuật, thống nhất giảng dạy và nghiên cứu cũng như tự chủ thể chế, tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy trong các lĩnh vực kỹ thuật thông minh, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên cũng như kinh tế và kinh doanh, cung cấp các chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ chính là "phần xác" bắt buộc của sự hợp tác giữa hai nước. (vgu.edu.vn)
Từ một góc nhìn khác, chuyến thăm của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tới Việt Nam là sự kết nối giữa hai láng giềng khu vực vốn có nhiều quan tâm chung, nay muốn "tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và tin cậy trong hợp tác… hướng tới thúc đẩy, duy trì và bảo vệ lợi ích chung của hai nước ở khu vực Đông Nam Á" (nhật báo Philippines The Inquirer trích bản thảo biên bản ghi nhớ về hợp tác trên biển của lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước).
Lợi ích chung càng gần gũi, sát sườn, quan hệ càng bớt phức tạp, tăng thực chất, gắn bó trong việc mưu cầu ấm no, an bình của nhân dân hai nước. The Inquirer trích bình luận của đô đốc hồi hưu Rommel Jude Ong nay là giáo sư Trường Chính phủ Ateneo:
"Philippines và Việt Nam có chung khát vọng về một khu vực hòa bình và ổn định. Cả hai nước đều có lịch sử hợp tác về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và có cơ hội tăng cường mối quan hệ chiến lược này lên cấp độ tiếp theo".
Những chuyến thăm như trên là cơ hội bảo vệ và phát triển những ước ao an bình trong một thế giới còn chưa yên ổn.■
Chiến tranh lạnh trong thể thao
Não trạng chiến tranh lạnh từng thể hiện trong mọi lĩnh vực, kể cả thể thao. Năm 1984, Đại hội thể thao Hữu nghị, gọi tắt là Hữu nghị 84, được tổ chức từ ngày 2-7 đến 16-9-1984 tại Liên Xô và 8 quốc gia xã hội chủ nghĩa khác đã tẩy chay Thế vận hội mùa hè 1984 ở Los Angeles.
Bên cạnh đó, còn có Giải thể thao quân đội các nước xã hội chủ nghĩa, viết tắt là SKDA, được thành lập ngày 12-3-1958 tại cuộc họp của đại diện lực lượng vũ trang của 12 nước: Albania, Bulgaria, Trung Quốc, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Hungary, Triều Tiên, Mông Cổ, Ba Lan, Romania, Liên Xô và Việt Nam.
Sự kiện thể thao đa dạng này được tổ chức giống như Thế vận hội, nhưng từ năm 1962 đến năm 1989, các giải đấu bóng đá được tổ chức riêng biệt rất quen thuộc với người hâm mộ bóng đá Việt Nam cho tới năm 1989 với tên gọi giải SKDA.
Hai giải bóng đá SKDA 1984 và 1989 được tổ chức tại Việt Nam, mà 1989 là lần cuối cùng. Năm đó, đội Liên Xô đoạt chức vô địch, chỉ ít lâu trước khối Hiệp ước Warsaw bị giải thể, và SKDA trở thành thành viên (năm 1991) của Hội đồng thể thao quân sự quốc tế. Cũng năm 1989 đó, Việt Nam lần đầu tham gia SEA Games (lần thứ 15) với tư cách một quốc gia thống nhất - độc lập.
DANH ĐỨC - Theo Tuổi Trẻ