Tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới (WGS) tổ chức ở Dubai (12 – 14/2), CEO Bill Winters của tập đoàn Standard Chartered đã nêu ra vấn đề trọng yếu của nền kinh tế Trung Quốc.
CEO Bill Winters của tập đoàn Standard Chartered. (Ảnh chụp màn hình video)
Theo đó CEO Bill Winters của tập đoàn Standard Chartered tập trung vào các thị trường mới nổi nói với hãng tin tài chính Mỹ CNBC trong một cuộc thảo luận vào thứ Hai (12/2), cho hay vấn đề lớn nhất của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) là tình trạng “thâm hụt niềm tin” (confidence deficit), các nhà đầu tư bên ngoài thiếu niềm tin vào Trung Quốc và những người tiết kiệm trong nước cũng vậy.
Quan điểm này cũng được Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với CNBC ở Dubai trước đó hôm Chủ nhật (11/2) rằng IMF đã thảo luận với Bắc Kinh về các vấn đề mang tính cơ cấu dài hạn cần được giải quyết, “Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng nếu không cải cách cơ cấu sâu sắc, tăng trưởng (kinh tế) của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 4%”; “Chúng tôi hy vọng nền kinh tế [Trung Quốc] thực sự chuyển dịch nhiều hơn theo hướng tiêu dùng nội địa, giảm thiểu phụ thuộc vào xuất khẩu… Nhưng để làm được điều đó, họ cần (thúc đẩy) niềm tin của người tiêu dùng. Điều này làm nổi rõ sự cần thiết cải thiện nền tảng kinh tế theo tính bền vững của Trung Quốc như từ sửa chữa [sai lầm chính sách] bất động sản, vấn đề hệ thống lương hưu…”
Các nhà đầu tư hết sức chú ý đến sự phát triển của Trung Quốc, gần đây triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này đã lu mờ do các vấn đề suy yếu của Trung Quốc như biến động suy thoái thị trường chứng khoán, vấn đề giảm phát, và khủng hoảng bất động sản.
Các chỉ số cho thấy bức tranh ảm đạm
Theo báo cáo được IMF hoàn thành vào cuối tháng 12/2023, nhu cầu về nhà ở mới của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm khoảng 50% trong 10 năm tới. Báo cáo cho biết, nhu cầu về sở hữu nhà ở mới suy giảm sẽ khiến việc tiêu thụ số căn hộ tồn kho xây dựng dư thừa ồ ạt trong quá khứ trở nên khó khăn hơn, “kéo dài quá trình điều chỉnh (kinh tế) trong trung hạn và gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế”. Bất động sản và các ngành liên quan trước đây luôn là động lực của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế, nhưng bất động sản những năm gần đây đã trở thành lực cản cho nền kinh tế nước này: nhiều đại gia bất động sản vỡ nợ, Tập đoàn Evergrande hàng đầu bị tòa án Hồng Kông ra lệnh thanh lý…
Các bản tin trước đây của WSJ cũng đã nêu rõ vấn đề về niềm tin mà Trung Quốc (ĐCSTQ) phải đối mặt, cho rằng dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc có thể gợi ý một vấn đề cơ bản hơn: Chính phủ của ĐCSTQ đã không cho người dân tin được rằng tương lai tài chính của họ được đảm bảo trong thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19. Người dân đã mất niềm tin vào triển vọng thu nhập trong tương lai cũng như sự an toàn và giá trị của ngôi nhà – tài sản tài chính chính của họ, thậm chí có thể “không bao giờ có lại được niềm tin” đối với nhà chức trách.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 1 giảm mạnh nhất trong hơn 14 năm, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt nguy cơ giảm phát.
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ Năm (8/2), chỉ số CPI trong tháng 1 năm nay đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức giảm 0,5% mà các nhà kinh tế dự đoán, là tháng thứ 4 liên tiếp CPI của Trung Quốc nằm trong vùng giảm phát. Đồng thời, PPI giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước và 0,2% so với tháng trước, giá thành sản xuất sản phẩm công nghiệp rơi vào tình trạng giảm phát 16 tháng liên tiếp.
Tờ WSJ dẫn lời giáo sư Eswar Prasad chuyên về chính sách thương mại và kinh tế tại Đại học Cornell, từng phụ trách khu vực Trung Quốc của IMF, theo đó ông dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ bước vào một thời kỳ đầy rẫy những nguy hiểm tiềm ẩn nhìn từ dữ liệu giá được công bố vào ngày 8/2 và một loạt tín hiệu kinh tế yếu kém khác.
Theo Trương Đình, Epoch Times