Trái với những dự đoán trước đó, kinh tế toàn cầu trong năm 2023 phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất suy giảm, từ sản lượng công nghiệp đến vốn đầu tư và thương mại quốc tế, phản ánh tác động kết hợp của xu hướng chuyển dịch tiêu dùng sau đại dịch sang dịch vụ. Bất ổn địa chính trị gia tăng, lạm phát giảm chậm buộc hầu hết các nước vẫn tiếp tục thực hiện thắt chặt tiền tệ. Kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi yếu và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro thách thức lớn do những diễn biến phức tạp sau thời kỳ Covid-19. Các rủi ro mới của kinh tế thế giới, trong đó chủ yếu là bất ổn địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn, tiếp tục tạo ra những thay đổi và tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.
Từ khoá: kinh tế thế giới, bất ổn địa chính trị, phục hồi, dự báo
Summary
In contrary to previous predictions, the global economic recovery in 2023 was weak and uneven among major economies. The decline in global manufacturing activity, industrial output, international trade and invesment reflects the combined impact of the post-pandemic consumption shift toward services, increased geopolitical instability and slow decline in inflation, which forced most countries to continue tightening monetary policy. The world economy in 2024 is forecast to experience weak recovery and face many risks and major challenges due to complicated developments after the Covid-19 period. The new risks to the world economy, mainly geopolitical instability, and competition between major countries, continue to create changes and impacts on the global economy in the medium and long term.
Keywords: world economy, geopolitical instability, recovery, forecast
BỨC TRANH KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2023
Căng thẳng địa chính trị tiếp diễn và phức tạp hơn
Cuộc chiến Nga - Ukraine (từ tháng 02/2022) tiếp tục lâm vào bế tắc trong cả năm 2023, do chưa có giải pháp đột phá từ cả hai bên nhằm giải quyết xung đột. Nhiều hội nghị đã diễn ra, nhưng không có Nga tham gia nên không hiệu quả. Chính phủ Ukraine bác bỏ ý tưởng thỏa hiệp với Nga và tuyên bố cuộc chiến sẽ tiếp tục “cho đến khi giành lại tất cả các vùng lãnh thổ”. Tính đến tháng 9/2023, Ukraine tuyên bố đã kiểm soát 54% lãnh thổ với sự hỗ trợ về quân sự đắc lực của Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, Ukraine hiện nay gặp nhiều khó khăn khi các đối tác tài trợ chính là Mỹ và châu Âu có nhiều bất đồng nội bộ trong việc quyết định tiếp tục các gói tài trợ. Chính quyền Mỹ vẫn chưa thể cung cấp gói viện trợ bổ sung cho Ukraine do trì hoãn của Quốc hội. Trong khi đó, EU dù đã bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm kết nạp Ukraine (ngày 14/12/2023) cũng chưa thông qua gói viện trợ trị giá 50 tỷ EUR do phản đối của Hungary. Từ phía Nga, mặc dù chịu nhiều áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây (khoảng 13.000 biện pháp hạn chế), kinh tế Nga có dấu hiệu lấy lại đà phục hồi sau khi gặp khó khăn trong giai đoạn đầu (suy giảm 2,1% năm 2022). Nga vẫn tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ hợp tác với các khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Á, nhất là với Trung Quốc, Ấn Độ.
Xung đột trên dải Gaza giữa Palestine và Israel leo thang thành chiến tranh khi các nhóm quân sự Palestine do tổ chức Hamas lãnh đạo đã phát động một cuộc xâm lược và tấn công quy mô vào Israel ngày 7/10/2023. Tính đến ngày 18/12/2023, cuộc chiến đã khiến ít nhất 19,4 nghìn người thiệt mạng, gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống cơ sở hạ tầng và khiến hơn 80% người dân ở dải Gaza phải di dời chỗ ở. Mỹ khẳng định tiếp tục hỗ trợ Israel trong cuộc chiến với Hamas trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi ngừng bắn, trong khi Đức tuyên bố sẽ bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự cho Israel. Tại Hội nghị thường niên mùa thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các bộ trưởng tài chính đã cảnh báo cuộc chiến tại Trung Đông có thể gây ra mối đe dọa mới cho nền kinh tế toàn cầu năm 2024, ngay khi thế giới vừa thoát khỏi những cú sốc do đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine gây ra.
Giá cả hàng hóa cơ bản tăng
Giá dầu tăng liên tiếp trong 10 tháng đầu năm 2023. Trong đó, giá dầu Brent ngày 10/8/2023 đã đạt mức hơn 88 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 01/2023. Từ tháng 11/2023, giá dầu giảm liên tiếp, còn 80 USD/thùng vào tháng 11/2023 và 69,38 USD/thùng ngày 7/12/2023 do lo ngại nhu cầu yếu và nguồn cung từ Mỹ có xu hướng gia tăng. Hơn một năm khi cuộc chiến Nga – Ukraine xảy ra, thị trường dầu mỏ toàn cầu trở nên thiếu chắc chắn và phân mảnh hơn. Các biện pháp trừng phạt Nga đã khiến gần 20% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu bị cắt khỏi các thị trường lớn. EU phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng từ Trung Đông và Mỹ với chi phí nhập khẩu tăng, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ có thể tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ hơn từ Nga.
Giá lương thực và kim loại thế giới tiếp tục tăng trong năm 2023. Do ảnh hưởng từ thiếu hụt nguồn cung do hiện tượng thời tiết El Nino xuất hiện sớm trong năm 2023 tại châu Á, châu Phi (đặc biệt Somalia, Ethiopia và Kenya đang phải chịu tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên), Trung Quốc làm nguồn cung bị ảnh hưởng, trong khi đó Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo non-basmati đẩy giá gạo thế giới tăng vọt lên mức cao nhất 15 năm. Giá kim loại thế giới tăng trong cả năm 2023 nhờ đà tăng giá của quặng sắt, đồng và thép. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2023 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, lên 1,1 tỉ tấn, trong đó nhập khẩu tháng 11/2023 tăng 3,4% so với tháng trước đó. Giá vàng thế giới cũng theo xu hướng tăng mạnh, đặc biệt tháng 12 lên sát 2.040 USD/ounce sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất.
Xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư toàn cầu
Xu hướng hồi hương dịch chuyển sản xuất về gần và sang các nước đồng minh thân cận (friendshore) tiếp tục gia tăng sau đại dịch Covid-19. Theo IMF (4/2023), dòng vốn FDI tăng chậm lại trong thời gian gần đây được lý giải bởi dòng chảy vốn FDI ngày càng tập trung giữa các quốc gia có quan hệ chính trị tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược. Bên cạnh đó, việc ban hành một loạt chính sách lớn gần đây của các quốc gia vốn là nguồn cung cấp FDI lớn toàn cầu cho thấy, có thể những năm tới, dòng FDI toàn cầu sẽ dịch chuyển theo hướng giảm vào các nước đang phát triển. Mỹ và EU đều đã ban hành một số đạo luật liên quan đến khuyến khích sản xuất chip bán dẫn trong nước. Hai đạo luật này có thể ảnh hưởng đến chiến lược sản xuất và tìm nguồn cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, thúc đẩy các nỗ lực tái cơ cấu mạng lưới chuỗi cung ứng chip theo hướng giảm đa dạng hóa nguồn cung và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới dòng vốn FDI vào các nước như Việt Nam. Thực tế, dòng vốn FDI vào các nước châu Á bắt đầu giảm từ 2019 và chỉ phục hồi nhẹ trong những quý gần đây. Ngược lại, dòng vốn đầu tư chiến lược vào Mỹ và châu Âu phục hồi tốt hơn. Dòng FDI từ Mỹ vào châu Âu tiếp tục tăng, trong khi tiếp tục giảm vào Trung Quốc.
Ngoài ra, việc áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu được dự báo có nhiều tác động đến dòng đầu tư. Hiện nay, những nước tiếp nhận đầu tư như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng đều đã có các động thái quyết liệt để tìm giải pháp nhằm ứng phó, giữ chân nhà đầu tư trước ảnh hưởng của luật thuế này. Một trong các giải pháp tối ưu mà các nước đang nghiên cứu áp dụng là cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMT). Đây là cơ chế thuế suất tối thiểu nội địa nhằm ngăn chặn việc các quốc gia khác giành quyền đánh thuế và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng khuyến nghị áp dụng cơ chế này. Các nước xung quanh Việt Nam đều đã công bố chính sách thuế của mình nhằm đối phó với nguy cơ suy giảm dòng vốn FDI.
Tạm ngừng tăng lãi suất và tỷ giá tiếp tục biến động
Thắt chặt tiền tệ vẫn tiếp diễn tại các nền kinh tế phát triển. Chính sách thắt chặt tiền tệ (đã được hầu hết các nước duy trì trong cả 3 quý đầu năm 2023 nhằm đối phó với tình trạng lạm phát cao) đã bước vào giai đoạn cuối cùng của chu kỳ tăng lãi suất trong quý IV/2023, trước bối cảnh tình hình lạm phát được dự báo đã đổi chiều. Đối với Mỹ, sau khi đã nâng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp lên khoảng từ 5,25%-5,5% nhằm mục tiêu đưa lạm phát trở lại mức 2%, vào ngày 13/12/2023, Fed đã quyết định duy trì mức lãi suất này lần thứ 3 liên tiếp, đồng thời lên lộ trình cho việc cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong khi đó, tại châu Âu, sau khi nâng lãi suất lên 4% vào tháng 9/2023 (cao nhất trong 24 năm qua, sau 10 lần tăng liên tiếp), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định không tăng tiếp trong cuộc họp ngày 14/12/2023. Tương tự như vậy ở các nền kinh tế khác như New Zealand, Vương quốc Anh, Nauy (4,25%), Thụy Điển (4%), Australia (4,1%), Thụy Sỹ (1,75%).
Trong khi đó, Nhật Bản đã duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng trong suốt thời gian qua nhằm kích thích tăng trưởng và giảm phát (mức lãi suất được duy trì ở mức trần dưới 1%). Tuy nhiên, ngày 8/12, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bất ngờ phát đi tín hiệu chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ, dự báo sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Đối với Trung Quốc, do đang gặp vấn đề về tín dụng cho các khoản vay bất động sản, nên Chính phủ cũng tiếp tục các giải pháp nới lỏng các điều kiện tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngược với xu hướng ổn định ở mức cao của lãi suất, tỷ giá các đồng tiền liên tục biến động trong năm 2023. Đồng USD sau khi tăng giá ở mức cao kỷ lục suốt 10 tháng đã trượt dốc trong tháng kể từ tháng 11/2023 do sự thay đổi trong kỳ vọng của giới đầu tư về chính sách tiền tệ của Fed. Chỉ số USD Index trong tháng 10 đạt mức 107 điểm, mức cao nhất trong vòng một năm đã giảm 4% trong tháng 11, có lúc giảm còn 102,6 điểm và tiếp tục duy trì ở mức 102 điểm vào ngày 19/12 khi thị trường tin rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ bắt đầu suy yếu và Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024. USD giảm giá mạnh mở đường cho các đồng tiền khác hồi phục. Đồng EUR tăng giá cao so với USD với tỷ giá EUR/USD có lúc đạt cao nhất ở mức 1,10 trong tháng 12/2023. Tỷ giá đồng Bảng Anh so với USD đạt cao nhất gần 3 tháng, với 1,27 USD tương đương 1 Bảng. Đồng Yên của Nhật Bản bất ngờ hồi phục mạnh (4%), mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm qua sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phát đi tín hiệu về khả năng sẽ thay đổi chính sách tiền tệ, cụ thể tỷ giá JPY/USD ở mức 143 Yên đổi 1 USD vào tháng 12 sau khi giảm về gần mốc 152 Yên đổi 1 USD trong tháng 11/2023.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và không đồng đều
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại với chỉ số PMI tổng hợp liên tiếp giảm, ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua qua do hoạt động sản xuất thu hẹp. Hoạt động dịch vụ dù vẫn tiếp tục mở rộng, song không bù đắp được sự suy giảm trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và có xu hướng giảm đều theo các tháng. Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế chủ chốt không đồng đều giữa các khối nước, Mỹ và Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ trong khi hầu hết các nước khác có xu hướng chậm lại.
Cụ thể, kinh tế Mỹ phục hồi tích cực, củng cố triển vọng về việc đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm” - lạm phát giảm gần về mức mục tiêu 2% của Fed mà không gây suy thoái cho nền kinh tế. Quý III/2023, Mỹ tăng trưởng mạnh ở mức 4,9%, cao gấp đôi so với quý trước đó. Các chỉ số vĩ mô khác tương đối ổn định. CPI tháng 11/2023 tăng 3,1%, thấp hơn mức 3,2% của tháng 10. Số lượng việc làm mới gia tăng. Thu nhập trung bình/giờ) tăng 4%. Thất nghiệp giảm xuống 3,7%. Khảo sát mới nhất về tâm lý người tiêu dùng cho thấy, kỳ vọng lạm phát của Mỹ trong vòng 1 năm tới ở mức 3,1%, giảm đáng kể so với mức 4,5% trong tháng 11 và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Triển vọng lạm phát trong vòng 5 năm tới cũng sụt mạnh, từ 3,2% xuống 2,8%.
Kinh tế EU tiếp tục trì trệ trong cả năm 2023 do tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm, giá cả năng lượng, lương thực và lạm phát đồng loạt leo thang. Chính sách tiền tệ thắt chặt cũng đã gây thiệt hại nặng nề hơn dự kiến. Nhu cầu từ bên ngoài yếu hơn. Tiêu dùng cá nhân và đầu tư giảm sút do mức tăng lãi suất lớn chưa từng có của ECB suốt từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2023 khiến nhu cầu vay vốn của các công ty và hộ gia đình giảm sút và các điều kiện cho vay của ngân hàng bị thắt chặt. Tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone trong quý III/2023 giảm 0,1% so với quý II và chậm lại đáng kể so cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 11/2023 là 2,4%.
Tại Nhật Bản, kinh tế tiếp tục suy giảm do lạm phát tăng, tiêu dùng trong nước thấp và những khó khăn về xuất khẩu. GDP quý III/2023, giảm 0,7% so với quý 2/2023, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022[1] do chi phí tài sản cố định giảm sâu với mức giảm 0,6% so với quý II/2023. Bên cạnh đó, tiêu dùng tư nhân giảm 0,2% trong quý III/2023 và đầu tư của doanh nghiệp giảm 2,5%. Tuy nhiên, khu vực xuất khẩu đã có một số dấu hiệu khởi sắc, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu cũng đã giảm mạnh 12,5% vào tháng 10 và là tháng giảm thứ 7 liên tiếp trong bối cảnh chi phí năng lượng thấp hơn, với lượng mua nhiên liệu khoáng sản giảm 27,9%[2].
Kinh tế Trung Quốc phục hồi và cải thiện khi nhiều chính sách vĩ mô khác nhau có hiệu lực. GDP quý III/2023 tăng 1,2% so với quý II và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức dự báo 4,4%). Động lực tăng trưởng của Trung Quốc đến từ thị trường tiêu dùng nội địa với tốc độ tăng chi tiêu tiêu dùng đóng góp tới 83,2% tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm. Sản xuất công nghiệp tăng tốc, trong đó đặc biệt là sản xuất thiết bị và sản xuất công nghệ cao. Chỉ số PMI ngành sản xuất liên tục tăng dù vẫn dưới ngưỡng 50, tháng 11/2023 là 49,4%. Xuất - nhập khẩu hàng hóa tốt, cơ cấu thương mại tiếp tục được tối ưu hóa; tổng xuất - nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11/2023, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn 0,3 điểm phần trăm so với tháng 10/2023. Tính đến cuối tháng 11/2023, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 3,17 nghìn tỷ USD, tăng 70,6 tỷ USD từ cuối tháng 10. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt cùng một lúc nhiều vấn đề như: bất động sản rơi vào tình trạng khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp vỡ nợ, nợ của chính quyền địa phương lớn; nguy cơ giảm phát; các lệnh trừng phạt của Mỹ; hiện tượng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc.
Kinh tế Hàn Quốc đối mặt với những yếu tố bất ổn ngày càng tăng liên quan đến việc các nước lớn, trong đó có Mỹ, tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Cùng với đó là căng thẳng địa chính trị leo thang, cùng đà hồi phục chưa ổn định của nền kinh tế Trung Quốc - là đối tác thương mại hàng đầu của nước này. GDP của Hàn Quốc trong quý III/2023 và quý II/2023 đều chỉ tăng 0,6% so với quý trước[3]. Kinh tế các nước ASEAN tăng trưởng chậm lại, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc với mức tăng trung bình là 4,2% trong quý III/2023 so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng hoá và nhu cầu thị trường nội địa giảm là hai trong những lý do chính dẫn tới tình hình trên sự tăng trưởng chậm lại của toàn khối ASEAN. Việt Nam và Philippines là hai nước duy trì được tình hình tăng trưởng tích cực, trong đó đóng góp chủ yếu bởi xuất khẩu dịch vụ (du lịch). Tăng trưởng quý III/2023 của các nước không còn cao như trước: Malaysia (3,3%), Philippines (5,9%), Singapore (1,1%), Việt Nam (5,3%), Indonesia (4,9%) và Thái Lan (1,5%). Thị trường lao động cũng cho thấy sự ổn định ở hai quý đầu năm 2023, nhưng chứng kiến sự giảm nhẹ ở quý III trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đi xuống.
TRIỂN VỌNG KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2024
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo giảm so với các dự báo trước đây. Các rủi ro cản trở đà tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn đang hiện hữu và một số có xu hướng gia tăng, được coi là hậu quả dài hạn của đại dịch Covid-19, bao gồm:
(1) Căng thẳng địa chính trị chiến sự Nga – Ukraine, Israel- Palestine đi kèm các bất ổn về kinh tế tiếp diễn và sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Giá dầu sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do việc cắt giảm nguồn cung kéo dài từ Nga và các nước Trung Đông. Giá lương thực được dự báo cũng sẽ tiếp tục gia tăng do thường xuyên đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung gây khó khăn cho nhiều quốc gia thu nhập thấp và các nền kinh tế đang phát triển.
(2) Cạnh tranh gay gắt trên các mặt trận của hai cực kinh tế Trung Quốc – Mỹ và các đồng minh dự báo gia tăng trong thời gian tới sẽ gây ra những các thách thức mới do sự thay đổi, chia tách lớn trên bản đồ địa chính trị thế giới. Hợp tác Trung Quốc – Nga trong thời gian tới được dự báo không chỉ nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu, mà còn chi phối kinh tế toàn cầu. Các đánh giá gần đây cho thấy, Trung Quốc và Nga có thể duy trì sự ổn định của chuỗi sản xuất bằng cách liên kết các thể chế đa phương, bao gồm hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Nga và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu. Đồng thời, Trung Quốc và Nga có thể tiếp tục thúc đẩy ý tưởng khu thương mại tự do như một phần kết hợp Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), nhằm tăng cường ổn định địa kinh tế ở “trung tâm” của khu vực Âu – Á. Ngược lại, Mỹ và châu Âu sẽ phải tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng các nguyên liệu quan trọng, thông qua kết hợp giữa đa dạng hóa và dự phòng, dự trữ, tăng sản xuất trong nước.
(3) Tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát, chính sách hỗ trợ tài khóa thu hẹp dần trong bối cảnh nợ nần tăng cao. Tác động của việc thắt chặt tiền tệ có độ trễ nên hiệu ứng của lãi suất cao được dự báo vẫn sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế thế giới trong một hoặc hai quý đầu năm 2024. Các nền kinh tế chủ chốt sẽ phải đối mặt với sự suy giảm dần tăng trưởng và nhiều rủi ro thách thức lớn về tài chính đã kể trên, hệ lụy của các chính sách đã ban hành trong giai đoạn trước. Trong khi đó, các công cụ chính sách để khắc phục rủi ro ngày càng hạn chế. Tại Mỹ, không gian cho chính sách kích thích tài khóa hiện đã bị hạn chế bởi khối lượng nợ công lớn. Khả năng sử dụng các chính sách tiền tệ phi truyền thống cũng sẽ bị giới hạn do bảng cân đối tài sản của Fed vẫn phình ra sau khi thực hiện các gói nới lỏng tiền tệ, không gian chính sách để cắt giảm lãi suất cũng rất hạn hẹp. Tại châu Âu, sự gia tăng của các đảng dân túy khiến cho khu vực này trở nên khó khăn hơn trong việc theo đuổi các cải cách ở cấp độ toàn EU và tạo ra các thể chế cần thiết để đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái tiếp theo.
Bên cạnh các rủi ro, đà tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2024 cũng vẫn sẽ được hậu thuẫn từ một số yếu tố thuận lợi, bao gồm: (i) Ở cấp độ toàn cầu, các cam kết và thỏa thuận về toàn cầu hóa tuy chững lại, nhưng các dòng chảy của toàn cầu hóa vẫn tiếp tục diễn ra; (ii) Một số động lực tăng trưởng mới xuất hiện của kinh tế thế giới trong giai đoạn này đặc biệt là xu hướng chuyển đổi xanh và liên kết kinh tế sau đại dịch Covid-19 tiếp tục được thúc đẩy. Ngoài ra, sự phát triển nhanh của chuyển đổi số nhờ Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiếp diễn sẽ tạo ra những đột phá mới hỗ trợ đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Hầu hết dự báo của các tổ chức quốc tế gần đây đều hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 của kinh tế toàn cầu. IMF (10/2023) hạ 0,1 điểm % dự báo năm 2024 (còn 2,9%). OECD (11/2023) cũng đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 sẽ chỉ đạt 2,7%, thấp hơn so với mức ước tính 2,9% của năm 2023 (Bảng). OECD nhận định, kinh tế toàn cầu có thể “hạ cánh mềm”, đặc biệt là tại các nước phát triển, thay vì rơi vào suy thoái như các lo ngại trước đây.
Bảng: Triển vọng phục hồi của các nền kinh tế
Đơn vị: %
|
Thế giới |
Các nền kinh tế phát triển |
Các nền kinh tế đang phát triển |
|||
|
2023 |
2024 |
2023 |
2024 |
2023 |
2024 |
IMF (10/2023) |
3,0 |
2,9 |
1,5 |
1,4 |
4,0 |
3,9 |
OECD (11/2023) |
2,9 |
2,7 |
1,7 |
1,4 |
- |
- |
WB (6/2023) |
2,1 |
2,4 |
0,7 |
1,2 |
4,0 |
3,9 |
Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo nghiên cứu của IMF, WB và OECD
Thương mại và đầu tư tăng trưởng yếu. IMF dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2023 giảm mạnh ở mức 0,9% trước khi tăng ở mức 3,5% vào năm 2024. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo thương mại toàn cầu trong năm 2023 ước tính sụt giảm 5% so với năm ngoái, đồng thời dự báo triển vọng ảm đạm vào năm 2024. Lạm phát đang tiếp tục giảm trên toàn cầu, chủ yếu do giá năng lượng giảm và một phần do giá lương thực - thực phẩm xuống thang. Theo IMF (10/2023), lạm phát bình quân toàn cầu năm 2024 sẽ là 6,9%, giảm từ mức 8,7% trong năm 2022 và tiếp tục giảm còn 5,8% trong năm 2024. Hoạt động đầu tư trên toàn cầu đang thấp hơn so với trước đại dịch, trong đó các doanh nghiệp đều ngại mở rộng sản xuất, kinh doanh và không muốn dấn thân vào rủi ro trong bối cảnh lãi suất tăng, các chính phủ ngừng các biện pháp kích cầu tài khóa và các điều kiện cho vay trở nên thắt chặt hơn trước.
Ở một số khối nước cụ thể, mức dự báo cho năm 2024 đều được đánh giá thấp hơn so với dự báo trước đó. Báo cáo của IMF cho thấy, tăng trưởng của Mỹ dự kiến còn 1,5%. Mức dự báo (ở thời điểm tháng 10/2023) của khu vực Eurozone cũng được điều chỉnh xuống thấp hơn 0,1 và 0,2 điểm % so với dự báo trước (4/2023) do tác động của lãi suất cao đến nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản được giữ nguyên so với dự báo trước, ở mức 1% nhờ các yếu tố gồm: sự bùng nổ của nhu cầu bị dồn nén trong thời gian đại dịch Covid-19, du lịch phục hồi mạnh, chính sách tiền tệ nới lỏng và xuất khẩu ô tô khởi sắc. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến cũng giảm xuống còn 4,6% vào năm 2024 do lĩnh vực bất động sản và nhu cầu bên ngoài giảm sút.
Tại các nước ASEAN, ADB (12/2023) đã điều chỉnh dự báo so với dự báo đưa ra vào tháng 9/2023. Theo đó, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, giữ nguyên mức tăng trưởng dự báo đối với Philippines, Indonesia và Singapore. Cụ thể, dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam giảm xuống mức 5,2% (so với dự báo hồi tháng 9/2023 là 5,8%), tuy nhiên mức tăng trưởng mạnh hơn vào năm 2024, đạt 6%. Dự báo tăng trưởng năm 2023 của Malaysia, Thái Lan cũng được điều chỉnh hạ xuống lần lượt mức 4,2% và 3,5% từ mức dự báo 4,5% và 2,5%. Tăng trưởng năm 2024 của Malaysia và Thái Lan được dự báo đạt lần lượt 4,6% và 3,3% - đều giảm so với dự báo trước đó. ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Philippines, Indonesia và Singapore, lần lượt đạt 5,7%; 5% và 1% trong năm 2023. Năm 2024 dự báo đạt lần lượt đạt 6,5%; 5% và 2,5%.
MỘT SỐ HÀM Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
Kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2023 với nhiều khó khăn, khi mục tiêu tăng trưởng GDP ước đạt 5%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đã đề ra đầu năm ở mức 6%-6,5%.
Bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 với nhiều biến động và rủi ro sẽ tiếp tục tạo nên những cơ hội và thách thức đan xen đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế đất nước. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số và các xu hướng chuyển đổi xanh, liên kết kinh tế sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam bứt phá, tăng tốc và chuyển đổi tích cực thông qua đẩy mạnh phát triển công nghệ. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh gay gắt của Mỹ và Trung Quốc và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang các thị trường tiềm năng đang được đẩy nhanh. Bloomberg Economics (11/2023) đánh giá Việt Nam là một trong 5 nước được nhắc tới từ sự tái sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, Bloomberg nhận định, nhóm 5 quốc gia bao gồm: Việt Nam, Ba Lan, Morocco, Mexico và Indonesia đang nổi lên như những đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 cũng có thể sẽ gặp nhiều rủi ro từ những biến động khó lường của kinh tế thế giới. Sự cạnh tranh địa chính trị, điều chỉnh chiến lược của các nước lớn sẽ tạo thêm áp lực và một số khó khăn, phức tạp mới đối với nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, phát triển bền vững kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam cần có các giải pháp ứng phó cụ thể đối với việc áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới, khi dự báo chính sách này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thu hút FDI của Việt Nam, đáng chú ý là ảnh hưởng tới chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia, thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch. Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư qua thuế, với mức thuế suất trung bình hiện nay là khoảng 12,6%, cá biệt có nhiều doanh nghiệp (như Samsung) hưởng mức thuế thấp hơn rất nhiều. Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng, thì tất cả những ưu đãi trước đây và hiện nay mà Việt Nam dành cho các doanh nghiệp sẽ không còn tác dụng nữa.
Việt Nam cũng sẽ phải chuẩn bị những phương án dự phòng với xu hướng tăng trưởng chậm hơn của các nền kinh tế trong giai đoạn trung hạn khi sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở sản lượng công nghiệp và dịch vụ, từ đó kéo theo sự phục hồi việc làm và tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, rủi ro của thị trường tài chính thế giới cũng là những vấn đề Việt Nam cần lưu ý trong chính sách kinh tế vĩ mô. Căng thẳng địa chính trị và hệ lụy là sự phân mảnh tài chính thế giới sẽ làm gia tăng các bất ổn tài chính thông qua việc đảo ngược đột ngột quan hệ dòng vốn xuyên biên giới, gây khó khăn cho hoạt động thanh toán quốc tế và làm suy giảm giá tài sản, đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Mặt khác, căng thẳng địa chính trị còn có thể tác động gián tiếp đến ổn định tài chính thông qua các hạn chế đối với thương mại quốc tế và chuyển giao công nghệ, cũng như sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng và thị trường hàng hóa, qua đó có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản và khả năng sinh lời của các tập đoàn phi tài chính, tạo ra rủi ro tín dụng cho các ngân hàng và làm suy yếu sự ổn định tài chính vĩ mô…
Để tận dụng được cơ hội và ứng phó với những thách thức từ bối cảnh kinh tế thế giới trong trung hạn, Việt Nam nên có những điều chỉnh chính sách hợp lý theo hướng:
- Cần ưu tiên duy trì tăng trưởng của các động lực trong nước. Những động lực này đến từ việc ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất của doanh nghiệp, hộ gia đình, phục hồi kích thích cầu tiêu dùng và điều hành linh hoạt hợp lý chính sách tiền tệ;
- Đẩy mạnh nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh của các ngành truyền thống cũng như có cơ hội nhanh chóng tiếp cận thị trường thế giới trên nền tảng số/Internet tăng trưởng nhanh, giá trị gia tăng cao nhằm tận dụng được các cơ hội do Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế chia sẻ mang lại;
- Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, Việt Nam cần tăng cường tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có để hiện thực hóa các ưu đãi dành cho các doanh nghiệp. Bởi hiện nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam khá thấp, chỉ chiếm khoảng hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ký kết FTA, chủ yếu do doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của hội nhập cũng như cách thức để tận dụng các ưu đãi trong các FTA. Đây là một giải pháp cần thiết để tối đa hóa lợi ích từ hội nhập và giảm thiểu tác động của xu hướng chống toàn cầu hóa cho Việt Nam./.
TS. Trần Toàn Thắng, TS. Trần Thị Thu Hà
Ban Quốc tế, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)
Tài liệu tham khảo
- ADB (2023a), Asian Development Outlook, 9/2023.
- ADB (2023b), Asian Development Outlook, 12/2023.
- IMF (2023a), World Economic Outlook, 10/2023.
- IMF (2023b), Fiscal Monitor, 10/2023.
- IMF (2023c), Global Financial Stability Report, 10/2023.
- OECD (2023a), Economic Outlook, 9/2023.
- OECD (2023b), Economic Outlook, 11/2023.
- World Bank (2023), Global Economic Prospects, 6/2023.
- WTO (2023a), World Trade Outlook Indicator, 11/2023.
- WTO (2023b), World Trade Outlook Indicator, 5/2023.